Những điều thú vị về 10 tỉnh có diện tích lớn nhất Việt Nam
Gia Lai, Đăk Lăk, Lâm Đồng, Kon Tum là 4 tỉnh Tây Nguyên có diện tích lớn trong top 10 cả nước, thành phần cư dân sinh sống với hơn 47 dân tộc.
Theo Trung tâm Thông tin dữ liệu và Đo đạc bản đồ, 10 tỉnh có diện tích lớn nhất Việt Nam lần lượt là: Nghệ An (16.490 km2), Gia Lai (15.536,9 km2), Sơn La (14.174,4 km2), Đăk Lăk (13.125,4 km2), Thanh Hóa (11.129,5 km2), Quảng Nam (10.438,4 km2), Lâm Đồng (9.773,5 km2), Kon Tum (9.689,6 km2), Điện Biên (9.562,9 km2), Lai Châu (9.068,8 km2).
Nghệ An (16.490 km2) là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khu di tích lịch sử Kim Liên ở huyện Nam Đàn là một trong bốn di tích quan trọng bậc nhất về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi này gồm các điểm và cụm di tích cách nhau 2-10 km, lưu giữ những hiện vật, tài liệu, không gian gắn với thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người thân trong gia đình.
Ngoài điểm đến trên, Nghệ An còn có Vườn Quốc gia Pù Mát, biển Cửa Lò, Cửa Hội, những cung đường xanh uốn mình theo dòng sông Lam, đồi chè Thanh Chương bao quanh là những hồ nước, thung lũng hoa Phủ Quỳ…
Gia Lai (15.536,9 km2) nằm ở khu vực Tây Nguyên, có diện tích lớn thứ hai Việt Nam. Tỉnh là nơi cư trú của cộng đồng 34 dân tộc, trong đó, người Kinh chiếm 52% dân số, còn lại là các dân tộc Jrai (33,5%), Ba Na (13,7%), Giẻ Triêng, Xơ Đăng, Thái, Mường…
Có khoảng 30 dấu tích miệng núi lửa đã tắt ở Gia Lai, trong đó có nhiều cảnh quan đẹp như núi lửa Chư Đăng Ya, núi Hàm Rồng, thung lũng làng Ốp, Biển Hồ (Hồ TNưng)… Tỉnh còn có Đồi chè ở Biển Hồ được người Pháp trồng từ những năm 1920, hàng thông trăm tuổi đẹp như trong phim ở huyện Chư Păh…
Sơn La (14.174,4 km2) nằm ở khu vực Tây Bắc, cách Hà Nội hơn 300 km. Cao nguyên Mộc Châu của tỉnh nổi tiếng là vùng đất bốn mùa hoa thơm trái ngọt, hút khách với sắc màu của hoa mơ, hoa cải, hoa đào, hoa mận…Ngoài Mộc Châu, tỉnh còn nhiều điểm đến như Tà Xùa, đồi Pu Nhi, nơi du khách có thể sống chậm và tìm hiểu về nếp sống của người dân tộc bản địa.
Chè cổ thụ là đặc sản nổi tiếng của xã Tà Xùa, huyện Bắc Yên. Tại bản Bẹ của xã có quần thể 200 cây chè shan tuyết được công nhận là cây di sản Việt Nam.
Đăk Lăk (13.125,4 km2) là tỉnh nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, được mệnh danh là “thủ phủ cà phê của Việt Nam”. Cộng đồng dân cư Đăk Lăk gồm 47 dân tộc với nét đẹp văn hóa truyền thống đa dạng: Lễ hội cồng chiêng, đâm trâu, đua voi mùa xuân; kiến trúc nhà sàn, nhà rông; các nhạc cụ lâu đời nổi tiếng như cồng chiêng, đàn đá, đàn Trưng; các bản trường ca Tây Nguyên… Khu du lịch Buôn Đôn được gọi là “lãnh địa” voi của Tây Nguyên nổi tiếng với truyền thống săn bắt, thuần hóa và nuôi dưỡng voi rừng.
“Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trải rộng suốt 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Video đang HOT
Thanh Hóa (11.129,5 km2) là tỉnh có nhiều thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng như bãi biển Sầm Sơn, động Bích Đào, động Hồ Công, động Kim Sơn, núi Nhồi, suối cá Cẩm Lương, vườn quốc gia Bến En, khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông…
Thành nhà Hồ (thành Tây Đô, An Tôn, Tây Kinh hay Tây Giai) là kinh đô nước Đại Ngu (quốc hiệu Việt Nam thời nhà Hồ), được Hồ Quý Ly cho xây dựng vào năm 1397. Thành nhà Hồ là công trình có kiến trúc độc đáo bằng đá quy mô lớn hiếm hoi ở Việt Nam và duy nhất còn lại ở Đông Nam Á. Thành nhà Hồ được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới.
Quảng Nam (10.438,4 km2) là địa phương duy nhất của Việt Nam có 2 di sản văn hóa thế giới gồm Khu đền tháp cổ Mỹ Sơn và Đô thị cổ Hội An. Tỉnh có nhiều danh thắng như biển Cửa Đại, sông Thu Bồn, bãi tắm Tam Thanh… đặc biệt là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đảo Cù Lao Chàm với vẻ đẹp hoang sơ, nhiều loại sản vật quý hiếm. Quảng Nam có khu kinh tế mở Chu Lai – khu kinh tế ven biển đầu tiên của Việt Nam, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực theo thông lệ quốc tế.
Lâm Đồng (9.773,5 km2) nằm trên cao nguyên Lâm Viên – Di Linh, có độ cao trung bình 800-1500 m so với mực nước biển, là một trong những vùng trồng rau, hoa, quả xứ lạnh lớn của cả nước. Đà Lạt là thành phố nghỉ dưỡng nổi tiếng của tỉnh với nhiều ưu thế về khí hậu và cảnh quan, được gọi bằng nhiều mỹ từ: “Thành phố ngàn hoa”, “thành phố ngàn thông”, “xứ sở sương mù”… Là xứ nhiệt đới nhưng Đà Lạt vẫn có khí hậu mát mẻ, dễ chịu của vùng ôn đới với nhiệt độ trung bình trong ngày thấp nhất là 15 độ C, cao nhất là 24 độ C. Những năm 40 của thế kỷ trước, Đà Lạt được coi là thủ đô mùa hè của toàn Đông Dương, là nơi lui tới của những tâm hồn nghệ sĩ.
Kon Tum (9.689,6 km2) nằm ở phía bắc Tây Nguyên. Ngã ba Đông Dương ở xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi của tỉnh là nơi tiếp giáp Việt Nam – Lào – Campuchia, tại đây bạn có thể đến thử cảm giác “một con gà gáy cả ba nước cùng nghe”. Tỉnh có dãy núi Ngọc Linh cao nhất Tây Nguyên gắn liền với loại sâm quý hiếm cùng tên, chỉ mọc duy nhất ở vùng núi Ngọc Linh ở độ cao trên 2.000 m.
Nhà thờ gỗ trăm tuổi, cầu treo Kon K’lor, thị trấn Măng Đen là những địa điểm bạn không thể bỏ qua khi đến tỉnh này.
Điện Biên (9.562,9 km2) là tỉnh ở Tây Bắc, nổi bật với hệ thống di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ. Tỉnh có đường biên giới với Lào và Trung Quốc. Cực Tây – A Pa Chải, thuộc xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé là nơi có cột mốc phân chia ranh giới Việt Nam – Lào – Trung Quốc nằm trên đỉnh Khoang La San, cũng là nơi được mệnh danh là nơi “một con gà gáy cả ba nước đều nghe”.
Đèo Pha Đin là một trong “tứ đại đèo” vùng Tây Bắc, bên cạnh đèo Ô Quy Hồ, Khau Phạ và Mã Pí Lèng.
Lai Châu (9.068,8 km2) là tỉnh có nhiều dãy núi và cao nguyên, phía đông khu vực này là dãy Hoàng Liên Sơn, phía tây là dãy núi Sông Mã có độ cao 1.800 m. Được biết đến là vùng đất tập trung những đỉnh núi cao, Lai Châu có 8/10 ngọn núi nằm trong top những ngọn núi hùng vĩ, hiểm trở nhất cả nước, có thể kể đến như Fansipan (3.143 m, một phần thuộc Lào Cai), Pusilung (3.083 m), Putaleng (3.049 m), Bạch Mộc Lương Tử (3.046 m, một phần thuộc Lào Cai), Khang Su Văn (3.012 m), Tả Liên Sơn (2.996 m), Pờ Ma Lung (2.967 m), Chung Nhía Vũ (2.918 m).
Cô gái 9x vượt định kiến chinh phục hơn 50 tỉnh thành
Từng nhận được nhiều ý kiến trái chiều vì là con gái mà mê du lịch "bụi", Hoàng Anh đã đi qua 51 tỉnh thành khắp Việt Nam, tận mắt chứng kiến nhiều cung đường đẹp.
5 năm trước, Nguyễn Khánh Hoàng Anh (1997), sinh sống và làm việc tại TP HCM, quyết định bắt đầu những chuyến đi của mình. Hành trình này được thực hiện khi cô đang ở năm nhất đại học, có duyên gặp gỡ một nhóm bạn cùng trường mê du lịch. Họ khởi hành đến các tỉnh miền Tây để khám phá khung cảnh bình dị và người dân thân thiện, đồng thời chinh phục cực nam của Tổ quốc. Chuyến đi ấy đã để lại cho Hoàng Anh nhiều kỷ niệm, từ đó khơi dậy đam mê khám phá và gu du lịch của cô sau này. Đến nay, cô gái 24 tuổi đã đặt chân tới 51 tỉnh thành. Hiện tại Hoàng Anh đang là nhân viên văn phòng mảng truyền thông với nghề tay trái là travel blogger, lấy danh xưng Mavis Vi Vu Ký.
Hoàng Anh, 24 tuổi, đã chinh phục được 51 tỉnh thành Việt Nam.
Trong hành trình của mình, Hoàng Anh đã đi qua nhiều cung đường đẹp, từ những đường ven biển đến đường đèo quanh co. Cô gái đam mê chinh phục chúng rồi thu lại vào những bức ảnh như một gia tài vô giá. "Việt Nam có nhiều nơi đẹp. Cung đường núi uốn lượn quanh co với những con đèo hùng vĩ, những ngọn núi tầng tầng lớp lớp về phía vô tận, khiến con người nhỏ bé trước thiên nhiên. Cung đường ven biển thì lại có vẻ đẹp dịu dàng rất thơ, với những màu xanh khác nhau của nước. Cảm giác nghe sóng vỗ rì rào khiến tâm hồn mình thoải mái và bình yên", Hoàng Anh tâm sự.
Hoàng Anh dành nhiều thiện cảm cho những cung đường đẹp nhất Việt Nam và nổi tiếng trong giới xê dịch như cung Đông - Tây Bắc mùa lúa chín, cung Hà Giang - Đồng Văn - Lũng Cú, ven biển Bình Thuận - Ninh Thuận, ven biển Đà Nẵng - Lăng Cô - Huế, cung đường xuyên các tỉnh Tây Nguyên...
Hoàng Anh check-in các cung đường từ biển tới núi.
Mùa vàng tại vùng núi phía Bắc là một trong những niềm mơ ước khám phá lâu nay của Hoàng Anh.
Cung đường Hoàng Anh thấy ấn tượng nhất là hành trình 12 ngày vi vu Đông - Tây Bắc mùa lúa chín. Từ nhỏ, cô gái đã khao khát được đặt chân đến mùa vàng miền núi. Ở đây, Hoàng Anh được thoả sức ngắm những thửa ruộng bậc thang chín vàng, những điểm "săn" lúa nổi tiếng như Sa Pa (Lào Cai), Mù Cang Chải (Yên Bái) và Hoàng Su Phì (Hà Giang), khám phá nét đặc sắc của văn hoá vùng cao, ngắm khung cảnh núi non hùng vỹ của các tỉnh miền núi.
Còn cung đường khiến cô gái khó chinh phục nhất là Điện Biên - Lai Châu để tới điểm cực tây của Tổ Quốc - A Pa Chải. "Đường đi xa xôi, vắng vẻ, núi đồi uốn lượn quanh co và có những đoạn rất xấu. Thêm vào đó, thời tiết ẩm ương của vùng Tây Bắc cũng đôi lúc gây khó khăn cho hành trình. Nhưng khi chinh phục được rồi, mình cảm thấy tự hào vô tận. Mình đã được chạm tay vào điểm cực tây thiêng liêng, chạy xe trên đèo Pha Đin lộng gió, nghe những chiến tích hào hùng Điện Biên Phủ và khám phá những bản làng hoang sơ ở Lai Châu", Hoàng Anh mỉm cười khi nhớ lại những gì mà mình đã nhận được sau hành trình.
Điện Biên - Lai Châu là cung đường "thách thức" Hoàng Anh nhất.
Đã đi qua nhiều cung đường như vậy, cô gái 24 tuổi từng trải qua những tình huống "dở khóc dở cười". Hoàng Anh nhớ lại những đêm tối bị lạc đường mà không có mạng, không có đèn đường, chỉ còn cách đi theo các ánh điện le lói từ nhà dân. Cô gái cũng nhớ lại lần bị lạc vào những con đường cát mà "ra không được, vào không xong". Hay lần Hoàng Anh bị thủng bánh xe giữa rừng, lại có biển cảnh báo "Khu vực thường có voi rừng xuất hiện".
Hoàng Anh tại đèo Mẻ Pja, Cao Bằng.
Gặp nhiều khó khăn, song cô gái may mắn nhận được sự giúp đỡ nhiều lần từ những người bản địa tốt bụng. Sau nhiều biến cố, cô gái trẻ học được khả năng giữ bình tĩnh, kỹ năng sinh tồn và xử lý tình huống tốt hơn. "Nói về những kỷ niệm với các cung đường mình từng qua, vài dòng là không thể nào kể hết. Nhìn lại các chuyến đi, mình đều có những kỷ niệm tuyệt vời, như có thêm rất nhiều người bạn mới từ Bắc chí Nam, được biết thêm rất nhiều thứ thú vị khi được sống cùng người dân bản địa, được trải nghiệm nhiều điều không có trong sách vở. Những kỷ niệm không vui và những biến cố trong hành trình đều là những bài học quý giá để mình trở nên trưởng thành và tích cực hơn", Hoàng Anh chia sẻ.
Hoàng Anh tại Hoàng Su Phì, Hà Giang.
Là con gái mê du lịch bụi, Hoàng Anh từng nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ mọi người, gồm cả bố mẹ. Họ lo lắng khi biết con mình đi khám phá nhiều nơi hoang sơ, song qua nhiều chuyến đi, Hoàng Anh đã chứng minh được khả năng của mình và trưởng thành hơn. Ngoài ra, động lực khiến cô không chùn bước là nhiều nhắn nhủ từ những người bạn, nể phục người con gái có thể đi và chinh phục nhiều nơi đến thế. Cô gái thường đi cùng bạn bè, đôi khi độc hành. Bạn đồng hành của Hoàng Anh không cố định. Những bức hình là do những người bạn chụp, đôi khi chỉ là chiếc tripod được dựng sẵn.
Hoàng Anh chia sẻ bí quyết để có hình đẹp với những cung đường, đó là tạo sự cân bằng về nội dung. Theo cô, một bức ảnh đẹp cần sự cân bằng giữa con người và khung cảnh. Một bức hình đẹp sẽ được chụp vào lúc nắng dịu, tránh chụp giữa trưa vì sẽ bị hắt bóng lên chủ thể. Bố cục ảnh cần có đường chân trời không bị nghiêng, nhân vật không quá lệch khỏi khung hình. Điều quan trọng là bức ảnh cần chứa đựng cảm xúc. "Hãy cố gắng tạo ra tình huống để nhân vật có thể thoải mái và tự nhiên nhất, sau đó bắt lại những khoảnh khắc và cảm xúc đẹp", Hoàng Anh nói.
Cung đường ven biển tại Ninh Thuận.
Hành trình vẫn tiếp tục khi cô gái thuộc thế hệ Z còn muốn khám phá đủ 63 tỉnh thành. Hoàng Anh không e ngại mà thấy rất tuyệt vời khi vượt qua được giới hạn của bản thân, hạnh phúc khi từng bước chinh phục những cung đường cô từng khao khát khám phá ở Việt Nam. "Đất nước mình vẫn còn rộng lớn bao la lắm với nhiều cảnh đẹp hoang sơ và nét đẹp văn hóa chờ đợi mình khám phá. Hiện tại, mình vẫn đang tò mò nhất về vùng Đông Bắc, sau dịch mình sẽ lên kế hoạch tiếp tục khám phá vùng đất xinh đẹp này. Mình luôn muốn nhắn nhủ với mọi người rằng hãy tranh thủ thời gian để vi vu, khám phá và học hỏi nhiều điều mới từ các cung đường khi còn trẻ. Thế nhưng, trong thời điểm dịch bệnh phức tạp này, hãy ở nhà để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh.
Những cung đường vẫn ở đó, khi tình hình ổn, ta lại tha hồ thoả sức vi vu khắp nẻo đường Tổ quốc!".
Hoàng Anh tại "sống lưng khủng long" Tà Xùa.
Sơn La: Hấp dẫn bởi những ẩm thực lạ, tập quán độc đáo Đến với Mường La, du khách được thăm công trình thủy điện Sơn La kỳ vĩ, được trải nghiệm, khám phá những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số cũng như hòa mình vào trong các lễ hội, những phong tục tập quán, những món ẩm thực lạ. Khu du lịch cộng đồng tắm suối khoáng nóng...