Những điều cần biết về bệnh ho gà
Ho gà là bệnh truyền nhiễm cấp tính có khả năng lây lan nhanh qua đường hô hấp, thường xảy ra ở trẻ em, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.
Bệnh ho gà vẫn tồn tại trên khắp thế giới và có xu hướng tăng lên trong những năm gần đây. Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay, các dịch bệnh có vaccine dự phòng, trong đó có bệnh ho gà, đang gia tăng số ca mắc.
Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, trong 4 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận 127 ca mắc ho gà, số mắc tăng 7,9 lần so với cùng kỳ năm 2023. Tại Đồng Nai, từ đầu năm đến nay, ghi nhận 4 ca mắc ho gà.
Việc hiểu rõ về các yếu tố nguy cơ, đường lây, triệu chứng, biến chứng và các biện pháp phòng bệnh ho gà là rất quan trọng. Điều này giúp người dân có thể tự bảo vệ bản thân và gia đình trước dịch bệnh, đặc biệt những gia đình có trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc bệnh và có thể dẫn tới các biến chứng nặng, thậm chí là ảnh hưởng tính mạng.
Những ai có nguy cơ mắc bệnh ho gà
Mọi lứa tuổi, giới, dân tộc, vùng địa lý đều có thể bị ho gà. Tuy nhiên, hơn 90% số ca mắc là trẻ em dưới một tuổi chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đủ 3 mũi cơ bản.
Tiêm vaccine 6 trong 1 có thành phần ho gà cho trẻ tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai. Ảnh: CDC Đồng Nai.
Đường lây truyền bệnh ho gà
Video đang HOT
Bệnh lây truyền do tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp có các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng bệnh nhân khi ho, hắt hơi. Bệnh có khả năng lây nhiễm cao đối với những người sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín lâu dài như hộ gia đình, trường học…
Triệu chứng của bệnh ho gà
Khởi đầu của bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, có viêm đường hô hấp trên (đau họng, chảy nước mũi, hắt hơi,…), mệt mỏi, chán ăn và ho. Cơn ho ngày càng nặng và trở thành cơn ho kịch phát trong 1-2 tuần, kéo dài 1-2 tháng hoặc lâu hơn.
Cơn ho gà rất đặc trưng, thể hiện trẻ ho rũ rượi không thể kìm hãm được, sau đó là giai đoạn thở rít như tiếng gà gáy. Cuối cơn ho thường chảy nhiều đờm dãi trong suốt và sau đó là nôn.
Ở trẻ vị thành niên và người lớn, triệu chứng thường nhẹ hơn so với trẻ nhỏ, ít gặp cơn ho điển hình hoặc không có triệu chứng. Thường có ho kéo dài trên 7 ngày.
Biến chứng của bệnh ho gà
Bệnh thường diễn biến nặng, dễ tử vong do bị bội nhiễm, gây biến chứng như viêm phổi, viêm phế quản đặc biệt ở trẻ chưa được tiêm đầy đủ vaccine và trẻ suy dinh dưỡng. Bệnh nhân cũng có thể gặp lồng ruột, thoát vị, sa trực tràng.
Trường hợp nặng có thể vỡ phế nang, tràn khí trung thất hoặc tràn khí màng phổi. Viêm não cũng là một biến chứng nặng của bệnh ho gà, có tỷ lệ di chứng và ảnh hưởng tính mạng.
Biện pháp phòng bệnh ho gà
Biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh ho gà là tiêm vaccine ho gà đủ liều và đúng lịch. Bên cạnh đó, mọi người cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày.
Môi trườngo nhà ở, nhà trẻ, lớp học cần được đảm bảo thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh ho gà, trẻ phải nghỉ học, hạn chế tiếp xúc và đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.
Lịch tiêm vaccine ho gà cho trẻ
Hiện nay, vaccine phòng bệnh ho gà được tiêm miễn phí cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng theo Chương trình Tiêm chủng mở rộng tại tất cả trạm y tế xã, phường, thị trấn trên toàn quốc với lịch tiêm như sau:
Mũi thứ 1: tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi
Mũi thứ 2: Sau mũi thứ nhất một tháng
Mũi thứ 3: Sau mũi thứ hai mộttháng
Mũi thứ 4: khi trẻ 18 tháng tuổi.
Ho gà gia tăng do khoảng trống miễn dịch
Ghi nhận ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM cho thấy, bệnh ho gà đang có xu hướng gia tăng.
Điều trị cho bệnh nhi mắc ho gà. Ảnh: Thanh Bình.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội cho biết, tuần qua, trên địa bàn thành phố ghi nhận 18 trường hợp mắc ho gà, tăng 2 ca mắc so với tuần trước đó. Các ca mắc ho gà phân bố tại 11 quận, huyện; các địa bàn có số ca mắc cao như: Hoài Đức (4 ca); Hoàng Mai (3 ca); Thạch Thất (2 ca), Thanh Trì (2 ca)...
Theo đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội, các ca bệnh ho gà hiện được ghi nhận rải rác, tập trung chủ yếu ở nhóm trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng vaccine hoặc chưa được tiêm chủng đầy đủ các mũi vaccine có thành phần ho gà. Nếu trẻ không được tiêm chủng đầy đủ, không có miễn dịch đầy đủ thì dễ tạo ra những khoảng trống miễn dịch, từ đó có thể trở thành những ổ dịch trong cộng đồng.
Ở khu vực phía Nam, nguy cơ bùng phát các bệnh truyền nhiễm như sởi, ho gà, dại... cũng rất cao. Tại Hội nghị tăng cường phòng, chống dịch khu vực phía Nam năm 2024, TS.BS Nguyễn Vũ Thượng - Phó Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM cho biết, tính từ đầu năm tới nay, toàn phía Nam ghi nhận 41 ca bệnh ho gà và 317 trường hợp nghi ngờ sởi. Riêng TPHCM ghi nhận 30 ca bệnh ho gà và 16 ca mắc sởi.
Đáng chú ý, nhiều tỉnh miền Tây ghi nhận ca mắc sởi trong cộng đồng rất cao. Hiện nay, các bệnh có vaccine phòng bệnh tại TPHCM cũng như các tỉnh phía Nam đang có xu hướng tăng cao.
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM lý giải, các bệnh truyền nhiễm đang tăng cao do "khoảng trống miễn dịch". Từ năm 2021 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều trẻ em không được tiêm vaccine đầy đủ và đúng lịch, vậy nên độ bao phủ vaccine thấp.
Theo BS Bùi Thu Phương - Khoa Nhi - Bệnh viện trung ương Quân đội 108 cho biết, cho tới nay, bệnh ho gà vẫn là một trong những nguyên nhân gây tử vong cho trẻ em trên toàn thế giới dù tiêm chủng đã được phủ rộng. Chu kỳ dịch khoảng 2-5 năm, xảy ra lẻ tẻ ở tất các các nước, nhiều nhất là trẻ dưới 5 tuổi, các ca bệnh nặng và tử vong hay gặp ở trẻ độ tuổi bú mẹ, tỉ lệ tử vong tăng cao hơn ở các nước đang phát triển.
Do đó, cần điều trị sớm khi có triệu chứng nghi ngờ mắc ho gà. Mục tiêu điều trị là hạn chế biến chứng, hạn chế cơn ho, theo dõi mức độ nặng của cơn ho và hỗ trợ người bệnh khi cần, đảm bảo dinh dưỡng, nghỉ ngơi để bệnh nhân hồi phục không di chứng.
Đề phòng bệnh, theo BS Phương, trẻ nhập viện cần được thực hiện các biện pháp dự phòng chuẩn, các biện pháp dự phòng lây qua đường hô hấp được khuyến cáo ít nhất 5 ngày sau khi bắt đầu điều trị kháng sinh. Nên cách ly trẻ 3 - 4 tuần để giảm thiểu nguy cơ lây bệnh, giảm các kích thích cho trẻ và tránh các mối lo lắng bị lây bệnh cho các thành viên trong gia đình. Ngoài ra cần dự phòng sau phơi nhiễm bằng kháng sinh cho những người trong gia đình tiếp xúc gần với trẻ và những người chăm sóc trẻ ở bất kỳ tuổi nào, tiền sử tiêm phòng và có triệu chứng hay không. Thực hiện đúng và đầy đủ khuyến cáo về tiêm phòng ho gà trong chương trình tiêm chủng mở rộng: Mũi 1 lúc trẻ 2 tháng tuổi, mũi 2, 3,4 lần lượt khi trẻ được 3 tháng, 4 tháng và 18 tháng tuổi.
TP.HCM ghi nhận 9 ca mắc bệnh ho gà Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, ngoài 9 trường hợp mắc ho gà, hệ thống giám sát cũng ghi nhận nhiều ca mắc bệnh truyền nhiễm khác. Trẻ em ở TP.HCM sẽ được tiêm vaccine 5 trong 1 trong thời gian tới. Ảnh: Freepik. Thông tin từ khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm cấp tính, Trung tâm Kiểm...