Những điều cần biết khi tiêm phòng vaccine lao cho trẻ
Tiêm phòng vaccine lao cho trẻ giúp tạo miễn dịch chủ động nhằm ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh lao. Tất cả các trẻ sau khi sinh trong vòng 28 ngày đều nên được tiêm phòng để dự phòng lây nhiễm bệnh.
Lao là một trong các bệnh truyền nhiễm phổ biến và rất nguy hiểm khi dễ dàng lây lan và để lại nhiều hậu quả sức khỏe nghiêm trọng cho người mắc, thể lao thường gặp nhất trên thực tế là lao phổi.
Đặc biệt đối với đối tượng trẻ em, bởi hệ miễn dịch còn yếu nên khả năng bị lây nhiễm là rất dễ dàng. Do vậy, tiêm phòng lao cho trẻ là cách hiệu quả nhằm tạo miễn dịch chủ động để phòng tránh lao hiệu quả nhất hiện nay.
1. Thời điểm tốt nhất để tiêm phòng vacxin lao cho trẻ
Theo các khuyến cáo y tế, vacxin phòng lao có thể được tiêm ngay sau khi sinh, và khoảng thời gian tiêm phòng vacxin lao cho trẻ tốt nhất là vào tuần thứ 2 hoặc thứ 3 sau khi sinh. Tiêm phòng lao khi diễn ra càng muộn, hiệu quả phòng bệnh sẽ càng giảm dần theo thời gian. Do đó, người ta thường chỉ tiêm phòng vacxin lao cho trẻ trong tối đa 28 ngày sau khi sinh.
Trong những trường hợp đặc biệt nhất định, nếu tình trạng của trẻ không đạt trạng thái tốt nhất để đảm bảo an toàn khi tiêm chủng như trẻ đang sốt, trẻ có các bệnh nhiễm khuẩn, trẻ bị suy giảm miễn dịch, trẻ bị viêm nhiễm ngoài da, trẻ sinh non, suy dinh dưỡng,… thì lịch tiêm phòng vacxin lao cho trẻ có thể được hoãn lại theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, thời điểm tiêm phòng cho các trẻ này cũng nên được tiến hành càng sớm càng tốt, ngay khi trẻ đáp ứng các yêu cầu sức khỏe.
2. Vacxin phòng lao có an toàn không?
Mặc dù tiêm phòng vacxin lao cho trẻ là rất an toàn, nhưng trên thực tế, sau khi tiêm vacxin phòng lao cho trẻ thì một số phản ứng nhẹ của cơ thể đối với vacxin có thể xảy ra. Những phản ứng của trẻ sau khi tiêm phòng lao thường thấy như:
- Xuất hiện nốt nhỏ ngay sau khi tiêm tại vị trí tiêm thuốc, thường hết rất nhanh.
Video đang HOT
- Sốt nhẹ, sưng hạch tại vị trí tiêm xuất hiện sau tiêm, nhưng thường từ hết sau khoảng 1-3 ngày.
- Xuất hiện vết loét tại vị trí tiêm (sau 2 tuần), loét tự khỏi để lại sẹo. Khi sẹo xuất hiện chứng tỏ tiêm phòng lao thành công.
Những phản ứng trên là những đáp ứng miễn dịch bình thường của cơ thể trẻ đối với vacxin. Do vậy cha mẹ không cần quá lo lắng về tình trạng của trẻ.
Trong một số trường hợp, cơ thể trẻ có thể đáp ứng quá mức với tiêm chủng vacxin lao, biểu hiện bằng nhiều triệu chứng dữ dội như sốt cao kéo dài, quấy khóc nhiều, li bì, lơ mơ, bỏ bú, khó thở, sưng mủ to tại chỗ tiêm ( lớn hơn 1,5cm),… thì trẻ nên được đưa đến gặp bác sĩ ngay để xử lý kịp thời.
Mặc dù vacxin phòng lao hiện nay đang được sử dụng là vacxin sống giảm độc lực, nhưng các kiểm nghiệm thực tế tỷ lệ nhiễm lao thực sự khi sử dụng vacxin là rất thấp. Chỉ 1/1 000 000 trẻ sử dụng vacxin lao bị mắc lao thực sự, và thường là những trẻ có HIV bẩm sinh hoặc suy giảm miễn dịch nặng (do thuốc, bệnh mãn tính).
3. Những lưu ý khi tiêm phòng vacxin lao cho trẻ
3.1. Trước khi tiêm chủng
- Kiểm soát tốt tình trạng sức khỏe của trẻ, chỉ cho trẻ tiêm chủng khi đạt các yêu cầu sức khỏe như không sốt, không mắc bệnh nhiễm khuẩn, không dùng thuốc ức chế miễn dịch,… đồng thời khai báo rõ ràng với bác sĩ về tình trạnh của trẻ.
- Chuẩn bị đầy đủ phiếu tiêm chủng, khai báo danh sách các thuốc trẻ đã và đang sử dụng (đặc biệt với các thuốc dùng trên 2 tuần), tiền sử dị ứng thuốc của trẻ để đối với bác sĩ tiêm chủng.
- Đảm bảo dinh dưỡng tốt cho trẻ, không nên cho trẻ ăn quá đói hoặc quá no sau tiêm.
- Vệ sinh thân thể trẻ sạch sẽ, mặc quần áo phù hợp (đủ ấm nếu trời lạnh, thoáng mát khi trời nóng, dễ mặc và dễ cởi,…) để hạn chế nhiễm khuẩn và thao tác tiêm dễ dàng hơn.
3.2. Sau khi tiêm chủng
- Theo dõi tốt tình trạng sức khỏe trẻ sau tiêm chủng tại điểm tiêm chủng (trong 30 phút) và tại nhà. Phát hiện sớm các biểu hiện nặng bất thường sau tiêm phòng vacxin lao cho trẻ và thông báo sớm cho bác sĩ.
- Đảm bảo dinh dưỡng tốt cho trẻ sau tiêm.
- Vệ sinh thân thể trẻ sạch sẽ sau tiêm, tuyệt đối không đắp lá hoặc các phương pháp truyền miệng lên vị trí tiêm để tránh bội nhiễm.
Có thể thấy rằng, tiêm phòng vacxin lao cho trẻ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phòng chống bệnh lao. Vì thế, các bậc cha mẹ hãy cho trẻ đi tiêm phòng vacxin lao cho trẻ theo đúng lịch tiêm chủng quy định để đạt được hiệu quả phòng bệnh tốt nhất.
QN
Tìm mối liên quan giữa vaccine BCG trong phòng, chống bệnh Covid-19
Việt Nam sẽ nghiên cứu để tìm mối liên quan giữa vaccine BCG trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Kết quả nghiên cứu bước đầu của nhóm chuyên gia Mỹ và Ireland cho thấy, những nước nào có chương trình tiêm đại trà vaccine BCG ngừa bệnh lao thì có ít bệnh nhân chết vì đại dịch Covid-19 hơn. Trước những kết quả nghiên cứu ban đầu này, Bộ Y tế nước ta đã giao cho Bệnh viện Phổi Trung ương chủ trì phối hợp với một số đơn vị khác sẽ tiến hành thử nghiệm tiêm vaccine BCG cho các nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch để phục vụ đề tài nghiên cứu.
Việt Nam sẽ nghiên cứu để tìm mối liên quan giữa vaccine BCG trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19. (Ảnh minh họa: KT)
Dù các nhà khoa học trên thế giới chưa có kết luận cuối cùng, nhưng Bộ Y tế và các chuyên gia Việt Nam đang rất quan tâm tới mối liên quan giữa việc tiêm vaccine BCG ngừa bệnh lao với hiệu quả phòng chống bệnh Covid-19. Bởi lẽ, vaccine BCG được đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng ở nước ta từ năm 1984 và từ lâu Việt Nam đã sản xuất được vaccine này. Hiện vaccine BCG vẫn đang được tiêm miễn phí thường xuyên hàng tháng tại tất cả các điểm tiêm chủng cho trẻ em dưới 1 tuổi.
Theo TS. Lê Kiến Ngãi, Trưởng khoa Phòng ngừa và Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi Trung ương, Việt Nam hoàn toàn có thể thể nghiên cứu về hiệu quả của vaccine BCG trong phòng chống Covid-19 dựa trên việc đối chứng giữa các trường hợp dương tính với virus SARS COV2 và những người thuộc diện F1 tiếp xúc gần với các ca bệnh này.
"Giả thiết này cần phải kiểm chứng bằng các nghiên cứu, nhưng tôi cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể nghiên cứu được dựa trên số người đã được tiêm vaccine BCG rất đông. Cùng với đó có thể đánh giá được trong số những ca mắc Covid-19 thì có bao nhiêu người đã từng được tiêm vaccine BCG và có thể đối chiếu với nhóm F1, không chuyển thành ca bệnh sau 14 ngày, chắc chắn việc này có thể nghiên cứu được", TS. Lê Kiến Ngãi nói.
Trên thế giới hiện đã có ít nhất 6 quốc gia đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng tiêm vaccine BCG cho các nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch và người cao tuổi để đánh giá mối liên quan giữa vacccine BCG và bệnh Covid-19.
GS. TS. Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, tới đây tại nước ta cũng sẽ có khoảng 800 người gồm y bác sĩ tuyến đầu chống dịch và người tiếp xúc gần với ca bệnh dương tính, được tiêm thử nghiệm vacccine BCG để phục vụ nghiên cứu.
"Vaccine BCG không đủ khả năng bảo vệ con người không bị mắc Covid-19. Nó chỉ giúp cho việc hạn chế các ca bệnh nặng. Giả thiết này chưa được khẳng định. Việt đang chuẩn bị thử nghiệm lâm sàng đối với thầy thuốc tiêm lại vaccine BCG xem có tác dụng gì không. Bộ Y tế đã giao cho bệnh viện của chúng tôi nghiên cứu; đồng thời phối hợp với các chuyên gia Pháp để nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng sớm", GS. Nguyễn Viết Nhung cho biết thêm.
Theo Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, tại nước ta vaccine BCG do Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC) sản xuất, ở dạng đông khô, đóng gói 10 liều/lọ, đi kèm lọ dung môi để pha hồi chỉnh khi dùng. Trong giai đoạn 1984-1988, tỷ lệ tiêm vaccine này tại Việt Nam dao động từ 48,1% đến 85,7%.
Từ năm 1989, tỷ lệ tiêm đã tăng lên trên 90% và được duy trì liên tục đến nay, trung bình từ 1,5 đến 1,8 triệu trẻ được tiêm chủng phòng bệnh mỗi năm. Như vậy, đã có khoảng 44 triệu người Việt Nam sinh ra từ năm 1989 đến nay đã được tiêm vaccine BCG./.
Văn Hải
Những căn bệnh trẻ cần được tiêm phòng ngay sau khi sinh Viêm gan B và lao là hai căn bệnh nguy hiểm có khả năng lây lan cao, để lại nhiều hậu quả sức khỏe nghiêm trọng cho người mắc bệnh. Do vậy, vacxin phòng lao và vacxin viêm gan B là hai loại vacxin được đưa vào danh sách các loại vacxin cần được tiêm phòng ngay sau khi sinh cho trẻ. Tiêm...