Những điều bạn chưa biết về Android
Hệ điều hành Android là dự án được Google mua lại, mẫu thử Android đầu tiên giống một chiếc BlackBerry, điện thoại Android từng không có bàn phím ảo…
Google không tạo ra hệ điều hành Android
Người dùng thường biết đến Android là của Google, tuy nhiên, những viên gạch đầu tiên xây dựng nên hệ điều hành này lại không phải do hãng tìm kiếm này tạo ra. Android được thành lập vào năm 2003 bởi Andy Rubin, Rich Miner, Nick Sears và Chris White. Những người sáng lập này có mối quan hệ mật thiết với T-Mobile. Đó cũng là lý do nhà mạng này là đơn vị đầu tiên phân phối điện thoại Android.
Đến năm 2005, Google mua lại Android Inc. và các nhà phát triển Rubin, Miner cùng White đã ở lại chung tay phát triển nền tảng này. Nhiều chuyên gia nhận xét rằng mua lại Android là một trong những thương vụ thành công nhất của “gã tìm kiếm khổng lồ”. Sau 10 năm về tay Google, Android là nền tảng tăng trưởng mạnh mẽ và chiếm tới 85% thị phần smartphone.
Android từng bị hoài nghi về khả năng thành công
Thị phần lớn là minh chứng rõ ràng nhất về sự thành công của Android. Tuy nhiên ít người biết rằng hệ điều hành này từng bị hoài nghi lúc mới ra mắt khi phải chịu sức ép rất lớn từ Apple iPhone, Microsoft hay BlackBerry.
Vào cuối năm 2008, trong một cuộc thảo luận về điện thoại di động, một câu hỏi được đưa ra “chúng ta cần phải nói về Android, phải không?”. Một thành viên từ Pandora (dịch vụ Radio Internet) đã quả quyết: “Tại sao? Tại sao chúng ta cần bàn về Android? Chẳng ai quan tâm đến nó cả”. Để rồi vài năm sau, Pandora đã phát triển ứng dụng của họ trên nền tảng này.
Khi chiếc T-Mobile G1 được ra mắt, không ít bài báo nói rằng thiết bị này kém hấp dẫn và Android sẽ chẳng đi về đâu. Tuy nhiên các sản phẩm kế tiếp của Google đã xóa bỏ những hoài nghi về sự thành công của Android.
Mẫu thử Android đầu tiên giống một chiếc BlackBerry
Trước thời điểm Apple trình làng iPhone thế hệ đầu tiên, nguyên mẫu Android đã được thử nghiệm với bàn phím vật lý QWERTY, trackpad và không có màn hình cảm ứng. Những đặc điểm trên đủ làm người dùng liên tưởng thiết bị này giống BlackBerry, và sự thật là giao diện Android lúc đó cũng tương tự phong cách của nhà sản xuất Canada.
Sau khi iPhone được công bố, mẫu Android đầu tiên thật sự “lột xác” khi có màn hình cảm ứng rộng rãi và giao diện hoàn toàn mới. Rõ ràng Google nhận ra rằng iPhone mới thật sự là đối thủ của Android và quyết định đúng đắn này đã đưa Android tiến nhanh hơn.
Android bản 1.0 và 1.1 không được đặt tên theo các món bánh
Video đang HOT
Google có xu hướng chọn các món tráng miệng để đặt tên cho các phiên bản Android. Chẳng hạn mới nhất là Android 5.0 Lollipop, trước đó với KitKat, Jelly Bean hay Ice Cream Sandwich.
Tuy nhiên, trong phiên bản đầu Google chưa đặt tên theo cách đó. Android 1.5 là hệ điều hành đầu tiên có tên, đặt theo món tráng miệng Cupcake.
Android 3.0 là phiên bản duy nhất không chạy trên điện thoại
Hiện nay, Android được biết đến là nền tảng chạy trên nhiều loại thiết bị từ máy tính bảng, đồng hồ, TV đến xe hơi và phổ biến nhất là smartphone. Tuy nhiên, phiên bản Android 3.0 Honeycomb ra mắt năm 2010 lại được thiết kế dành riêng cho máy tính bảng. Thời điểm này, Apple gây sốt toàn thế giới với iPad và Android 3.0 được cho là bước đi của Google nhằm cạnh tranh với “Táo Khuyết”.
Thiết bị đầu tiên chạy Android 3.0 Honeycomb là tablet Motorola Xoom. Nền tảng của Google được thiết kế lại hoàn toàn nhằm thích hợp với màn hình lớn. Tuy nhiên sau phiên bản này, Google lại hợp nhất các phiên bản Android dành cho cả điện thoại và máy tính bảng, phù hợp với các kích cỡ màn hình khác nhau.
Thiết bị Android đầu tiên không có bàn phím ảo hay giắc tai nghe 3,5mm
Vào năm 2008, nêu bạn nói rằng những mẫu điện thoại trong tương lai sẽ không có bàn phím vật lý thì đây được cho là chuyện nực cười. Thời điểm này, BlackBerry vẫn là một “đế chế” hùng mạnh, iPhone còn rất non nớt. Bởi vậy, mẫu Android đầu tiên T-Mobile G1 dù có màn hình cảm ứng rộng rãi nhưng vẫn cần đến bàn phím QWERTY. Đặc biệt, nền tảng Android 1.1 cũng không có bàn phím ảo và người dùng buộc phải trượt thiết bị khi muốn nhập liệu. Lên đến bản 1.5, nền tảng Android mới có bàn phím ảo.
Ngoài ra, T-Mobile G1 cũng không được trang bị cổng âm thanh 3,5 mm. Để kết nối đến tai nghe, khách hàng cần thêm bộ chuyển đổi ngoài.
Android khiến CEO Google phải rời ban lãnh đạo Apple
Trước khi cạnh tranh gay gắt trong mảng di động, Google và Apple từng là liên minh để chống lại “đại gia” Microsoft. Tuy nhiên chính sự “lấn sân” và “chạm trán” nhau trên thị trường smartphone đã khiến mối quan hệ này lung lay từ giữa 2009.
Thời điểm này, giám đốc điều hành của Google là Eric E. Schmidt cũng có ghế trong ban lãnh đạo Apple. Sau đó ông đã phải rút khỏi chiến tuyến của Apple khi liên minh này bất đồng về lợi ích. Steve Jobs cho biết: “Thật tiếc khi Google ngày càng xâm nhập nhiều hơn vào các mảng cốt lõi của Apple với Android và Chrome OS. Hiệu quả của Eric trong vài trò một thành viên quản trị Apple đã bị giảm đi đáng kể và ông sẽ rời khỏi vị trí này do những xung đột có thể xảy ra”.
Mẫu đồng hồ thông minh Android đầu tiên ra mắt từ 2010
Nền tảng Android Wear dành riêng cho các thiết bị đeo được Google giới thiệu năm 2014. Kể từ đó, loạt smartwatch chạy hệ điều hành này liên tục được các nhà sản xuất trình làng. Tuy nhiên năm 2010 Sony đã tung ra mẫu LiveView, đây mới là thiết bị đầu tiên xây dựng dựa trên Android. Model này cho phép kết nối với smartphone Android để nhận thông báo Twitter, SMS hay điều khiển chơi nhạc.
Theo PhanDroid
Đình Nam
Theo PhanDroid
Những điều chưa biết về series '5 anh em siêu nhân'
Là một trong những series phim gắn liền với nhiều thế hệ 8x-9x sau này nhưng "Power Rangers" vẫn còn ẩn chứa rất nhiều điều thú vị mà rất nhiều fan hâm mộ chưa từng được biết đến.
Từng bị cấm chiếu tại New Zealand
Power Rangers (tên tiếng Việt 5 anh em siêu nhân) là serries phim hành động dành cho thiếu nhi được hãng Saban mua lại bản quyền của Nhật Bản và phát triển vào năm 1993. Kể từ sau đó, series này nhanh chóng trở thành cơn sốt và lan rộng ra khắp thế giới, trong đó có New Zealand.
Tuy nhiên, đến năm 1994 series này bị cơ quan tiêu chuẩn phát thanh truyền hình New Zealand (BSA) yêu cầu ngừng trình chiếu do vấp phải một số kiến nghị của phụ huynh về tính bạo lực của bộ phim. Các bậc phụ huynh đệ đơn lo ngại rằng việc theo dõi những tình tiết bạo lực trong phim sẽ dẫn đến sự gia tăng hành vi bạo lực ở trẻ nhỏ.
Ngay sau khi BSA thực thi lệnh cấm của mình, tất cả các chương trình có liên quan tới 5 anh em siêu nhân đã buộc phải hủy bỏ. Những chương trình này thậm chí còn bị cấm phát hành trên DVD hay video tại New Zealand. Điều này khiến cho 2 season thú vị nhất trong loạt phim này dù được quay tại New Zealand là Power Rangers: Mystic Force và Power Rangers: Jungle Furry đều không được giới thiệu tới các fan hâm mộ Power Ranger tại quốc gia này.
Cho tới năm 2011, lệnh cấm tại New Zealand mới được dỡ bỏ khi series này ra mắt tới phiên bản Power Rangers Samurai.
Phải đổi tên vì liên quan đến ma túy
Power Rangers bị kiểm duyệt tại Malaysia vì một lý do ngớ ngẩn khi các nhà kiểm duyệt tại quốc gia Đông Nam Á này cho rằng từ Morphin nhằm ám chỉ tới loại thuốc Morphine. Chính vì lý do này khiến cái tên Power Rangers Mighty Morphin ko được kiểm duyệt và bộ phim buộc phải đổi tên.
Sau khi được kiểm duyệt series này đã phải đổi từ Mighty Morphin Power Rangers thành Mighty Power Rangers. Và câu thoại nổi tiếng: "It's Morphin'Time" cũng bị cắt bỏ hoàn toàn trong phim. Lý do khiến Power Rangers gặp phải những lệnh cấm vô lý cũng bởi series này ra mắt đúng vào thời điểm chính phủ Malaysia đang ban hành chiến dịch chống ma túy nên tất cả những từ ngữ nhạy cảm có liên quan đến ma túy đều bị liệt vào danh sách cấm.
Spider-Man là nguyên tác của Power Ranger
Trên thực tế có rất nhiều chi tiết trong Mighty Morphin Power Rangers được vay mượn từ bộ phim Spider-Man phiên bản Nhật. Trong những năm 1970, công ty Toei của Nhật Bản từng sản xuất 1 series truyền hình dựa trên nguyên tác truyện tranh Spider-Man của Marvel. Tuy nhiên, trong bộ phim này nhân vật Spider-Man đã được chỉnh sửa với một chút sự thay đổi so với nguyên tác.
Trong đó, Người nhện không bay lượn giữa các tòa nhà bằng sợi tơ bắn từ tay mình mà sử dụng một một chiếc xe bay. Đối thủ của Spider-Man cũng không đơn thuần là những quái vật quen thuộc trong nguyên tác mà hàng tuần Spider-Man phải vất vả hơn với những quái vật mới liên tục được tạo ra bởi nhân vật Professor Monster. Không những vậy, những quái vật trong phim còn ngày càng mạnh hơn khi chúng sở hữu khả năng tái sinh và biến hình khổng lồ. Chính vì vậy, Người nhện còn được hộ trợ thêm bởi 1 robot ngoài hành tinh có tên Leopadon để hạ gục lũ quái vật này.
Đây chính là kịch bản được lấy làm nền tảng cho rất nhiều series Super Sentai sau này (Khi nhượng quyền tại Mỹ Super Sentai được đổi tên thành Power Ranger) nên có thể nói Power Rangers là bộ phim được lấy cảm hứng từ series Spider-Man Nhật Bản.
Sự xuất hiện của Ninja rùa trong Power Rangers
Vào năm 1998, kênh truyền hình thiếu nhi Fox đã phát sóng một đoạn phim quảng cáo về tập phim có sự kết hợp giữa 2 series Power Rangers và Ninja Turtles trong mùa Power Rangers in Space. Tuy nhiên sau đó tập phim này lại không được tiếp tục sản xuất và hủy bỏ một năm sau đó. Đây cũng là một trong những tập phim bí ẩn nhất của series Powers Rangers chưa từng được công bố.
Siêu nhân xanh bị kỳ thị giới tính
David Yost-nam diễn viên nổi tiếng với vai siêu nhân xanh trong loạt series Power Rangers đã bất ngờ rời khỏi bộ phim này ở mùa thứ tư. Việc không còn có sự góp mặt của David Yost trong Power Rangers đã để lại nhiều sự tiếc nuối trong lòng người hâm mộ bởi anh là người gắn bó với bộ phim ngay từ mùa đầu tiên trong vai Billy và góp mặt trong hơn 200 tập phim của cả 4 season.
Ở season thứ 4 Power Rangers Zeo, David không còn xuất hiện trong đội hình siêu nhân mà thay vào đó anh chỉ góp mặt trong vai một cố vấn kỹ thuật điều khiển và lập trình các cỗ máy cho các Rangers. Sau khi không còn góp mặt trong series này, David đã tiết lộ với người hâm mộ lý do rút khỏi Power Rangers là bởi anh không thể chịu đựng được sự kỳ thị của cả nhà sản xuất và các bạn diễn với một người đồng tính như mình.
Thùy Trang là diễn viên gốc Việt duy nhất từng tham gia Power Rangers
Thùy Trang là diễn viên người Mỹ gốc Việt, cô sinh ngày 14/12/1973. Cô được biết đến nhiều nhất khi thủ vai Trini - Siêu nhân vàng, cô đảm nhận vai này hơn 1,5 phần phim. Sau đó, cô ngừng vai diễn và chuyển sang đóng vai chính trong phim điện ảnh The Crow: City Of Angels, Sky Hard và các phim khác.
Thùy Trang qua đời ngày 3/9/2001 sau một tai nạn ô tô thảm khốc gần San Francisco, California. Sau đó, tập phim Circuit Unsure trong Power Rangers: Time Force được thực hiện riêng để tưởng nhớ về Trang.
Diễn viên xuất hiện nhiều nhất trong các loạt phim là: Jason Frank
Anh xuất hiện trong vai siêu nhân xanh năm 1993, siêu nhân trắng năm 1994, siêu nhân đỏ trong Power Rangers Zeo năm 1996, và siêu nhân đỏ trong Power Rangers Turbo năm 1997, và gần đây nhất là siêu nhân đen trong Power Ranger: Dino Thunder năm 2004.
Theo Zing