Những điểm mới trong chính sách an ninh đối ngoại của Nhật Bản
Mục tiêu “nước lớn quân sự” đã được Nhật Bản ấp ủ từ lâu và từng bước thể hiện trong mỗi giai đoạn chiến lược cụ thể.
Ngày 4/4/2014, Nhật Bản đã công bố “Sách xanh Ngoại giao”, thể hiện sự quan ngại của Nhật Bản về tham vọng biển của Trung Quốc và quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của mình. Trước đó, ngày 17/12/2013 Nhật Bản đã đưa ra chiến lược an ninh mới với trung tâm là chính sách ngoại giao và quốc phòng, nhằm đảm bảo an ninh quốc gia, đóng góp cho hòa bình và ổn định khu vực và thế giới. Giới phân tích cho rằng đây là những bước chuyển quan trọng theo hướng đưa Nhật Bản trở thành “nước lớn về quân sự”.
Mục tiêu “nước lớn quân sự” đã được Nhật Bản ấp ủ từ lâu (ảnh:rte.ie)
Từ “an ninh lệ thuộc” sang “an ninh tự chủ”
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, quan hệ Nhật – Mỹ đã bị che lấp bởi cục diện đối đầu hai cực. Báo chí Trung Quốc lúc đó tuyên truyền rằng, chính sách đối ngoại của Nhật Bản lệ thuộc vào Mỹ và “chỉ có thể nghe theo Mỹ”. Trước năm 1970, dưới “cái ô bảo vệ an ninh” của Mỹ, Nhật Bản thực hiện “đường lối Yoshida” với những nội dung: Ưu tiên phát triển kinh tế, kiểm soát tăng trưởng quân bị quá nhanh, áp dụng thái độ kín tiếng trong các vấn đề quốc tế, nên không thể có chiến lược an ninh độc lập.
Cùng với sự thay đổi của tình hình quốc tế, Mỹ ngày càng không thể cung cấp và bảo đảm an ninh đầy đủ cho Nhật Bản (nhất là từ sau chiến tranh Việt Nam), bản thân Nhật Bản cũng tìm cách độc lập hơn về chính trị, kinh tế, ngoại giao, thậm chí cả quốc phòng. Ngay từ tháng 6/1980, cơ quan tư vấn của Thủ tướng Nhật Bản đã trình báo cáo nghiên cứu mang tên “Chiến lược bảo đảm an ninh tổng hợp” (Báo cáo 80), trong đó nhấn mạnh, “Nhật Bản cần thiết phải tự bảo đảm an ninh và ổn định quốc gia, sử dụng tổng hợp sức mạnh kinh tế, sức mạnh ngoại giao và sức mạnh sáng tạo văn hóa”. Từ đó, Nhật Bản đã bắt đầu hoạch định chiến lược an ninh quốc gia sau chiến tranh.
“Báo cáo 94″ của Nhật Bản (1994) đã đưa ra “Chiến lược bảo đảm an ninh mang tính xây dựng năng động”, trong đó đã thể hiện tư tưởng “an ninh hợp tác” đậm đặc hơn, tự chủ phòng vệ bắt đầu được coi trọng. “Báo cáo 04″ (2004) đưa ra “Chiến lược bảo đảm an ninh thống nhất”, trong đó nhấn mạnh, thông qua kết hợp giữa “tự nỗ lực” bản thân với “quan hệ đồng minh” và “hợp tác quốc tế”, thực hiện hai mục tiêu, nhiệm vụ lớn gồm “Bảo vệ an ninh Nhật Bản” và “ Cải thiện môi trường an ninh quốc tế”, tự chủ phòng vệ được nâng lên vị trí quan trọng. “Báo cáo 09″ và “Báo cáo 10″ đưa ra “Chiến lược bảo đảm an ninh hợp tác đa tầng”, trong đó nhấn mạnh, Nhật Bản cần áp dụng các biện pháp tích cực, chủ động hơn bảo vệ an ninh tự thân, xác lập vị trí cốt lõi của tư duy “tự phòng vệ”.
Từ “phòng thủ lãnh thổ” đến “can dự bên ngoài”
Từ những năm 1990, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã tham gia nhiều nhiệm vụ ở nước ngoài như gìn giữ hòa bình quốc tế, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn khẩn cấp quốc tế, chi viện chống khủng bố, hộ tống chống cướp biển. Do đó, trên thực tế Nhật Bản đã hoàn thành chuyển đổi từ “phòng vệ lãnh thổ” sang “can dự nước ngoài”. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã trở thành một lực lượng vũ trang có sự kết hợp trong nước và ngoài nước về chức năng phòng thủ và tấn công.
Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã tham gia nhiều nhiệm vụ ở nước ngoài (ảnh: AFP)
Video đang HOT
Nhật Bản đã xây dựng một căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên tại Cộng hòa Djibouti kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai đồng thời cũng tham gia diễn tập song phương với một số nước và tiến hành thăm viếng hải quân. Sự phát triển chuyển đổi chức năng của Lực lượng Phòng vệ có thể thấy được thông qua nội dung chính của 4 bộ “Đại cương kế hoạch phòng vệ” của Nhật Bản, bao gồm:
(1) “Đại cương 76″ (1976) đưa ra trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh đã xác định chức năng của Lực lượng Phòng vệ là “chống xâm lược” và “đánh trả xâm lược hạn chế”. Đặc điểm hướng nội được xác định rất rõ rệt, liên quan chặt chẽ tới môi trường chiến lược của Nhật Bản thời kỳ Chiến tranh Lạnh và năng lực của Lực lượng Phòng vệ cũng phù hợp với nguyên tắc chiến lược “chuyên phòng thủ”.
(2) “Đại cương 95″ (1995) giai đoạn đầu sau Chiến tranh Lạnh, chức năng của Lực lượng Phòng vệ đã trở thành “bảo vệ an ninh Nhật Bản”, “ứng phó với thiên tai quy mô lớn” và “xây dựng môi trường an ninh ổn định hơn”. Có thể thấy, Nhật Bản đã đưa việc sử dụng Lực lượng Phòng vệ ở nước ngoài vào tầm nhìn dài hạn.
(3) “Đại cương 04″ (2004) sau sự kiện 11/9/2001 đã xác định 3 chức năng cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản: Ứng phó có hiệu quả với “các mối đe dọa mới và nhiều tình thế”; Phòng bị những tình huống xâm lược chính quy; “Chủ động, tích cực và hiệu quả trong việc cải thiện môi trường an ninh quốc tế”. Thông qua tham gia mang “tính tự chủ” vào các vấn đề an ninh quốc tế, những “đóng góp quốc tế” rộng mở mà mơ hồ trước đây của Lực lượng Phòng vệ đã trở nên ngày càng rõ nét hơn.
(4) “Đại cương 10″ (2010) ra đời trong bối cảnh Mỹ đẩy mạnh chiến lược xoay trục sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương và quan hệ đồng minh Nhật – Mỹ không ngừng được củng cố, tăng cường. Đại cương đã xác định 3 chức năng lớn trong thời kỳ mới của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản: “Răn đe có hiệu quả và ứng phó các loại tình huống”; “Bảo vệ môi trường an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương”; “Cải thiện môi trường an ninh toàn cầu”. Điều đó cho thấy, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã trở thành lực lượng cốt lõi bảo đảm an ninh quốc gia ở bên trong, xây dựng môi trường an ninh ở bên ngoài, “can dự nước ngoài” trở thành chức năng chính của họ, chiến lược “mở rộng” ra bên ngoài đã từng bước hình thành.
Từ “lực lượng phòng vệ” đến “quân đội chính quy”
Cựu Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi từng tuyên bố, “Tôi cho rằng, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản trên thực tế chính là quân đội. Đây là vấn đề đương nhiên và Hiến pháp Nhật Bản sớm muộn sẽ phải thừa nhận Lực lượng Phòng vệ là quân đội”. Quan điểm này đang được Thủ tướng đương nhiệm Nhật Bản Shinzo Abe kế thừa. Sau khi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Thượng viện, Thủ tướng Abe và đảng Tự do Dân chủ (LDP) rất có khả năng sử dụng ưu thế mang tính tổ chức của họ trên cả nước, truyền bá tư tưởng sửa đổi Hiến pháp đến toàn dân, đồng thời đưa ra nhiều khái niệm như “quân đội chính quy”, “quân đội phòng vệ” để phân tán sự quan ngại của người dân đối với việc “quân đội hóa” Lực lượng Phòng vệ.
Từ “lực lượng phòng vệ” đến “quân đội chính quy” Nhật Bản (ảnh:journal-neo.org/)
Khi xem xét đến chuyển đổi tính chất của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, có một sự thực cơ bản cần phải thừa nhận là: Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã hoàn thành sự chuyển đổi tính chất và ý nghĩa thực của nó. Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản hiện nay đã mang dáng dấp của một quân đội chính quy hiện đại, có đầy đủ các quân binh chủng, biên chế thể chế hoàn bị, năng lực tác chiến mạnh, vũ khí trang bị tiên tiến.
Hiện nay, ngoài vũ khí hạt nhân và vũ khí mang tính tấn công chiến lược, thực lực phòng vệ của Nhật Bản đã đứng vào hàng tiên tiến trên thế giới (riêng Hải quân đứng thứ 3 thế giới). Trong tương lai, Nhật Bản sẽ thông qua phát triển có trọng điểm các trang bị trên biển, trên không cỡ lớn, tầm xa và thông tin hóa như: Máy bay vận tải, tàu chiến cỡ lớn, tên lửa tầm trung và tầm xa; tăng cường năng lực điều động chiến lược; khắc phục điểm yếu trên phương diện vũ khí mang tính tấn công; duy trì ưu thế vũ khí khi tác chiến trên biển, trên không.
Từ phát triển công nghiệp quốc phòng đến xuất khẩu vũ khí
Từ những năm cuối thế 20, đầu thế kỷ 21, Chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu có kế hoạch nới lỏng từng bước “Ba nguyên tắc xuất khẩu vũ khí”. Hoạt động xuất khẩu vũ khí và hợp tác với Mỹ nghiên cứu phát triển vũ khí trang bị của Nhật Bản từng bước được đẩy nhanh.
Ngày 26/7/2013, Ủy ban Nghiên cứu Phương hướng Phát triển Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã trình Chính phủ Nhật Bản báo cáo định kỳ về sửa đổi “Đại cương kế hoạch phòng vệ”, trong đó nhấn mạnh, Nhật Bản “cần nhanh chóng tăng cường nền tảng công nghệ và sản xuất quốc phòng của lực lượng phòng vệ tiềm năng”, “xây dựng quan hệ hợp tác lâu dài, ổn định giữa chính phủ và tư nhân, tích cực thúc đẩy quân sự chuyển sang dân sự trang bị quốc phòng, nâng cao sức cạnh tranh quốc tế của các tổ chức công nghiệp quốc phòng”.
Các chuyên gia phân tích cho rằng, mục tiêu chuyển từ “tự tiêu hóa” sang “cạnh tranh nước ngoài” của vũ khí trang bị do Nhật Bản sản xuất sẽ được gấp rút triển khai thực hiện, sự chuyển đổi trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng của Nhật Bản cũng sẽ được đẩy mạnh và Nhật Bản sẽ nhanh chóng khẳng định vị thế của một cường quốc quân sự trên thế giới.
Ngày 1/4/2014, Chính phủ Nhật Bản chính thức phê duyệt Chính sách mới về xuất khẩu vũ khí nhằm làm thay đổi đáng kể những hạn chế trong việc xuất khẩu vũ khí và tăng cường quan hệ với các đồng minh cũng như tạo động lực cho sự phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng. Chính sách mới này tập trung vào việc sửa đổi “3 nguyên tắc” cấm xuất khẩu vũ khí được lập ra năm 1967, thay vào đó, những đối tượng mà Nhật Bản được phép xuất khẩu vũ khí bao gồm: Các cơ quan, tổ chức có liên quan đến các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, Tổ chức cấm vũ khí hóa học… và các quốc gia được cộng đồng quốc tế giao đảm nhận những nhiệm vụ cụ thể nào đó:
(1) Chính phủ Nhật Bản có thể cấp phép xuất khẩu một số loại vũ khí của mình cho các quốc gia và tổ chức quốc tế, với điều kiện là họ không đứng về phía nào hoặc tham gia vào các cuộc xung đột vũ trang cũng như đảm bảo vũ khí xuất khẩu của Nhật Bản không bị chuyển giao cho bên thứ ba.
(2) cho phép xuất khẩu vũ khí chỉ khi các vũ khí này phục vụ mục đích đóng góp cho hợp tác quốc tế, sử dụng trong các hoạt động của cộng đồng quốc tế và các lợi ích an ninh của Nhật Bản.
(3) Nhật Bản có thể đưa các thiết bị quân sự đang bị hư hỏng ở trong nước ra nước ngoài sửa chữa, cũng như cung cấp vũ khí cho các tổ chức quốc tế và các quốc gia có biên giới nằm gần đường thương mại hàng hải quốc tế với Nhật Bản.
Sửa đổi “Luật Lực lượng Phòng vệ”
Ngày 15/11/2013, Thượng viện Nhật Bản cũng đã thông qua dự luật sửa đổi “Luật Lực lượng Phòng vệ” với đa số phiếu tán thành, trong đó có 2 điểm mới sửa đổi quan trọng:
Một là cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản mở rộng biện pháp vận chuyển ở nước ngoài. Khi xảy ra sự cố khẩn cấp ở nước ngoài, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản có thể sử dụng xe vận chuyển Nhật Bản tại bản địa, trong khi đó theo quy định của luật cũ, đối với sự cố tương tự, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản chỉ có thể sử dụng máy bay và tàu để vận chuyển, không có vận chuyển đường bộ.
Hai là cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản mở rộng đối tượng vận chuyển ở nước ngoài trong tình huống khẩn cấp. Theo đó, ngoài người Nhật Bản và người nước ngoài “cần bảo vệ”, đã tăng thêm “thân nhân và các nhân viên có liên quan khác”, trong đó có thân nhân, nhân viên doanh nghiệp và bác sĩ của Nhật Bản đến gặp các kiều dân tại bản địa. Điều kiện vận chuyển là “tình hình có thể vận chuyển an toàn”.
Như vậy, mục tiêu “nước lớn quân sự” đã được Nhật Bản ấp ủ từ lâu và từng bước thể hiện trong mỗi giai đoạn chiến lược cụ thể. Ngày nay, trước sự lấn lướt của Trung Quốc và sự hạn chế thực lực của Mỹ tại khu vực, khiến Nhật Bản thấy sự cần thiết phải thể hiện vai trò “chia sẻ trách nhiệm” của mình đối với đồng minh chủ chốt, nhằm bảo vệ chủ quyền của Nhật Bản và đóng góp “chủ động, tích cực” đảm bảo an ninh, ổn định khu vực và thế giới./.
Theo CTV Nguyễn Nhâm
VOV.VN
8 kịch bản phòng vệ tập thể của Nhật Bản
Trong phiên họp đầu tiên ở quốc hội đầu tiên kể từ khi Nội các Nhật Bản giải thích lại quyền phòng vệ, Thủ tướng Shinzo Abe đã đưa ra tiêu chí mới để quyết định đâu là mối nguy buộc Nhật Bản sử dụng vũ lực để hỗ trợ đồng minh.
Thủ tướng Shinzo Abe giải thích những thắc mắc của các nghị sĩ đối lập hôm 14/7
Phát biểu trước Ủy ban Ngân sách Hạ viện hôm 14/7, ông Abe đã nêu ra 8 kịch bản có thể viện đến quyền phòng vệ tập thể, nhưng phải đáp ứng 3 điều kiện cứng được Nội các nước này thông qua hôm 1/7: Một là, một đồng minh hoặc một quốc gia bạn bè bị tấn công; Hai là, cuộc tấn công đó đặt ra mối đe dọa rõ ràng đối với sự tồn tại của nước Nhật; Và ba là, cuộc tấn công đe dọa hủy hoại quyền được sống, được tự do và mưu cầu hạnh phúc của người dân.
Lời giải thích này được đưa ra sau khi phái đối lập tại Quốc hội tỏ ý nghi ngại trước bước thay đổi quan trọng trong chính sách an ninh của Nhật Bản.
Theo ông Abe, Nhật Bản sẽ không triển khai quân để đối phó với một đòn tấn công của một tổ chức khủng bố quốc tế nhằm vào đồng minh Mỹ, tương tự vụ 11/9/2001. Việc Tokyo sử dụng quyền phòng vệ tập thể trước các cuộc tấn công nhằm vào các nước ngoài Mỹ "sẽ rất hạn chế".
Liên quan đến tiêu chí "mối đe dọa đối với sự tồn tại của nước Nhật", Thủ tướng Abe đã đưa ra nội dung để xác định đâu là tình huống chứa đựng "mối đe dọa rõ ràng" đối với lợi ích của Nhật Bản. Cụ thể như sau: Ý định và khả năng của nước thủ địch; tình huống leo thang diễn ra ở đâu; quy mô, hình thức và diễn biến; khả năng các thành động thù địch lan tới Nhật và mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng tới người dân Nhật.
Tựu trung lại, những tình huống như thế này được Thủ tướng Abe mô tả là "một cuộc tấn công vũ trang của nhằm vào một quốc gia xung quanh, mà nếu không ngăn chặn kịp thời thì sẽ có thể dẫn đến một cuộc tấn công nhằm vào Nhật Bản".
Phụ theo lời giải thích này của ông Abe, ông Yusuke Yokobatake, người đứng đầu Văn phòng luật pháp Nội các nói trước Ủy ban Ngân sách Hạ viện rằng: Việc sử dụng quyền phòng vệ tập thể sẽ được luật hóa. 3 điều kiện cứng có thể sẽ được ghi trong luật, xem đây là cách hạn chế lạm dụng.
Những phát biểu trên đây dường như đã làm hài lòng nhiều nghị sĩ. Ông Kazuo Kitagawa, Phó Chủ tịch đảng Công Minh mới (New Komeito) cho biết, "chúng tôi đã được giải thích rõ đâu là mối đe dọa rõ ràng. Thủ tướng Abe đã đưa ra những nền tảng cơ bản cho những quyết định có tính mục đích, hợp lý, không có biểu hiện tiếm quyền của chính phủ".
Theo Tin Tức
Nhật Bản nới lỏng hạn chế quân đội, Trung Quốc phản ứng Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Nhật Bản nên tính tới lợi ích của các nước láng giềng khi đưa ra giải pháp trong lĩnh vực an ninh. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói Nhật Bản nên tính tới lợi ích của các nước láng giềng khi thông qua các quyết định về quốc phòng và an ninh....