Những đêm ‘riêng mình ta’ của Obama
Hầu như sau mỗi bữa tối, khi chỉ còn lại một mình, Tổng thống Mỹ Barack Obama lại cần mẫn làm việc, xem xét báo cáo, đọc thư của người dân, có khi đến quá nửa đêm.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đọc thư của người dân trong Phòng Hiệp định của Nhà Trắng hồi tháng 3/2009. Ảnh: Aurora Photos
“Ông còn thức chứ?”, đó là những dòng từ các email được viết lúc một giờ sáng trên chiếc điện thoại di động BlackBerry bảo mật, gửi tới một địa chỉ rất ít người biết. Và chỉ ai nhận email mới hiểu ông chủ Nhà Trắng giờ này vẫn chưa ngủ, theo New York Times.
Tổng thống Obama nhiều lần “phá bĩnh” giấc ngủ của cấp dưới như thế chỉ để đặt câu hỏi về những biên bản ghi nhớ mà ông vừa đọc qua. Nhưng thỉnh thoảng, các email gửi muộn đó lại chỉ nhằm trêu chọc người nhận vì một lý do vui vẻ nào đó, chẳng hạn như đội bóng yêu thích của họ vừa thua trận.
Ông Obama tháng trước gửi một email lúc 0h30 tới Phó cố vấn An ninh Quốc gia J. Rhodes và Chánh văn phòng Nhà Trắng Denis R. McDonough, để nói với họ rằng ông đã sửa lại bản thảo bài phát biểu do một người viết diễn văn chấp bút vào cuối giờ sáng ngày hôm đó. Ông đã dành ba tiếng để thảo ra những dòng tốc ký trên tập giấy ghi chép cho bài phát biểu chỉ trích phản ứng của ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump sau vụ xả súng vào hộp đêm đồng tính ở thành phố Orlando, bang Florida, hôm 12/6, khiến 49 người chết.
‘Người đàn ông của bóng tối’
Bình luận viên Michael D. Shear cho hay ông Obama thường tự nhận mình là “người đàn ông của bóng tối”. Với tư cách một tổng thống, ông coi những giây phút một mình khi màn đêm buông xuống cũng cần thiết và quan trọng như thời gian ban ngày lúc ông làm việc tại Phòng Bầu dục.
Ông Obama sẽ ăn tối với vợ và hai con gái lúc 18h30 rồi sau đó rút về Phòng Hiệp định. Đây là nơi thường xuyên diễn ra lễ ký kết các hiệp định lịch sử và cũng là phòng làm việc riêng dành cho ông. Nó nằm ở tầng hai của Nhà Trắng.
Theo lời kể từ các trợ lý thân cận, ông Obama sẽ ở lỳ trong phòng này liên tục 4 đến 5 tiếng và thường chỉ một mình. Đây là thời gian mà ông chuẩn bị các bài phát biểu, đọc một khối lượng lớn tài liệu, báo cáo do một thư ký chuyển đến lúc 20h, đồng thời đọc 10 lá thư chọn lọc được người dân gửi tới. Cũng có khi ông lại chỉ xem thể thao qua kênh truyền hình ESPN, đọc tiểu thuyết hoặc chơi điện tử trên iPad.
Đệ nhất phu nhân Michelle Obama thỉnh thoảng ghé qua chốc lát nhưng bà sẽ đi ngủ trước vì Tổng thống Obama thức rất khuya và chỉ ngủ khoảng 5 tiếng mỗi đêm. Đối với Obama, thời gian ông ở một mình rất quan trọng.
“Mọi người ai cũng dành ra một khoảng thời gian nào đó để tập trung suy nghĩ. Chắc chắn căn phòng đó là không gian riêng của ông ấy. Đấy là nơi mà bạn có thể gác lại mọi thứ qua một bên để tập trung”, Rahm Emanuel, cựu chánh văn phòng Nhà Trắng, cho biết.
Cựu tổng thống George W. Bush thường đi ngủ lúc 22h và dậy sớm vào buổi sáng. Cựu tổng thống Bill Clinton cũng thức khuya như ông Obama nhưng dành thời gian buổi tối chủ yếu để nói chuyện điện thoại với bạn bè hay các đồng minh chính trị.
“Thông thường, đối với một số tổng thống của chúng ta, năng lượng mà họ cần đến từ việc tiếp xúc với người khác. Nhưng Obama dường như lại là tuýp người thích được ở một mình”, nhà sử học Doris Kearns Goodwin, người từng nhiều lần ăn tối với ông Obama, nhận xét.
Khi Obama mới dọn đến Nhà Trắng, bữa tối của ông thường bắt đầu lúc 19h15 tại phòng giải trí ngự trên tầng ba của tòa nhà. Ở đó có một bàn bi-a, ông Obama cùng Kass, đầu bếp riêng cho gia đình tổng thống thời điểm đó, sẽ chơi bi-a trong khoảng 45 phút.
Video đang HOT
Ông Kass cho biết chơi bi-a là cách để Tổng thống Obama xả hơi sau những giờ làm việc căng thẳng ở Phòng Bầu dục. Sau khi chơi bi-a, ông Obama sẽ dành thời gian cho hai con gái. Nhưng hiện nay, cả hai đã trở thành những thiếu nữ và có ít thời gian hơn nên ông Obama sẽ đi thẳng đến Phòng Hiệp định.
Khoảng 20h, ban quản lý Nhà Trắng sẽ chuyển cho ông Obama một tập báo cáo hàng ngày, gồm những chồng tài liệu chất cao bọc trong một chiếc bìa rời lớn. Đây là những văn bản được gửi đến từ khắp các bộ ngành khác nhau mà tổng thống cần lưu ý.
“Một khối lượng giấy tờ nhiều muốn phát điên”, Kass nói.
Ông Obama thường ngồi trên chiếc ghế xoay để xem qua chúng hay nằm dài trên trường kỷ để đọc.
“Rất dễ đoán biết nếu ông Obama đã đọc xong một tài liệu mà ông ấy nhận được. Đó là khi bạn đến làm việc vào buổi sáng hôm sau và nhận về hàng loạt câu hỏi, ghi chú cũng như các quyết sách từ ông”, Tom Donilon, cố vấn an ninh quốc gia cho ông Obama giai đoạn 2010 – 2013, chia sẻ.
Ông Obama lặng lẽ bước đi trong Nhà Trắng. Ảnh: New York Times
Đặc biệt, ông Obama không sử dụng chất caffeine để giữ tỉnh táo. Ông hiếm khi uống cà phê hay trà. Ông thường có một chai nước lọc đặt bên cạnh để giải khát. Bạn bè cho hay đồ ăn vặt buổi tối duy nhất của ông là 7 hạt hạnh nhân rang muối.
“Bà Michelle Obama và tôi hay đùa rằng: ‘không phải 6, không phải 8 mà nhất định phải là 7 hạt hạnh nhân’”, Kass nói.
Công việc trong ngày của tổng thống cũng đôi khi kéo dài đến tận đêm. Một bức ảnh chụp năm 2011 cho thấy ông Obama ở trong Phòng Hiệp định với phó cố vấn an ninh quốc gia McDonough và trưởng cố vấn chống khủng bố John O. Brennan, hiện là giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ ( CIA), sau khi điện đàm thăm hỏi thủ tướng Nhật lúc bấy giờ là ông Naoto Kan về vụ động đất khủng khiếp xảy ra thời điểm đó. “Cuộc gọi được thực hiện lúc gần nửa đêm” là chủ thích của bức ảnh.
Tuy nhiên, đa số thời gian, ông Obama đều chỉ ở một mình trong Phòng Hiệp định. “Tôi có thể sẽ đọc báo cáo hay viết gì đấy cho đến 23h30, sau đó, tôi thường dành nửa tiếng để đọc sách trước khi đi ngủ vào lúc 0h30, thỉnh thoảng muộn hơn một chút”, ông Obama nói về thói quen làm việc của mình trong cuộc trò chuyện với tổng biên tập tạp chí Newsweek Jon Meacham hồi năm 2009.
Năm 2014, trong lần phỏng vấn với kênh ABC News, Tổng thống Obama tiết lộ ông có khi còn thức đến 2h sáng để đọc báo cáo hay làm việc và thường dậy lúc 7h.
Triệu tập lúc nửa đêm
Tổng thống Obama làm việc tại Phòng Hiệp định của Nhà Trắng. Ảnh: White House
Những đêm dài nhất của ông Obama thường kéo dài đến tận sáng sớm và liên quan tới các bài phát biểu. Vào một đêm tháng 6 năm ngoái, Cody Keenan, trưởng nhóm viết diễn văn của tổng thống, vừa đi làm về vào khoảng 21h và mới kịp đặt pizza lót dạ thì nghe tổng thống gọi: “Ông có thể trở lại ngay trong tối nay hay không?”.
Keenan tức tốc tới gặp tổng thống. Cả hai làm việc đến gần 23h để chuẩn bị cho bài diễn văn mà ông Obama sẽ đọc để tưởng nhớ 9 người Mỹ gốc Phi bị bắn chết trong vụ xả súng tại một nhà thờ ở Charleston, bang Nam Carolina, ngày 17/6/2015.
Ba tháng sau, Keenan lại bị triệu tập khẩn đến Nhà Trắng lúc nửa đêm để xem lại các sửa đổi cho bài phát biểu ông Obama chuẩn bị đọc ở Selma, bang Alabama, nhân kỷ niệm 50 năm “Ngày chủ nhật đẫm máu”, sự kiện xảy ra vào tháng 3/1965 khi những người biểu tình bị cảnh sát đánh đập dã man trong cuộc tuần hành đòi quyền dân sự.
Năm 2009, Jon Favreau, người tiền nhiệm của Keenan, đưa cho Tổng thống Obama bản thảo bài phát biểu tại lễ trao giải Nobel Hòa bình vào đêm trước khi ông lên đường đến Oslo, Na Uy, để nhận giải. Ông Obama đã thức đến 4h, chỉnh sửa bài phát biểu rồi đưa cho Favreau 11 trang giấy viết tay ngay sáng hôm đó.
Trên chuyến bay tới Na Uy, Obama cùng Favreau và hai trợ lý khác lại thức gần như trắng đêm để sửa lại lần cuối.
Tuy nhiên, không phải tất cả thời gian của ông Obama ở Phòng Hiệp định đều là công việc. Ngoài thú tiêu khiển là trò chơi trực tuyến Words With Friends trên iPad, Tổng thống Mỹ đôi khi còn vặn to TV để xem những trận thi đấu thể thao đáng chú ý.
Ông cũng sử dụng thời gian sau bữa tối để theo dõi tin tức, đọc lướt qua các báo New York Times, Washington Post hay Wall Street Journal trên iPad hoặc xem truyền hình cáp.
Reggie Love, cựu trợ lý cho Obama, nhớ lại ông có lần nhận được email của tổng tư lệnh nước Mỹ vào lúc hơn 1h sáng. Ông Obama khi đó vừa xem xong một bản tin truyền hình nói về một nhóm học sinh đặt ra danh sách ưu tiên những việc phải làm trong cuộc đời, bao gồm cả việc gặp tổng thống. Khi ấy, Tổng thống Obama đã hỏi trợ lý của mình rằng tại sao ông chưa được gặp các học sinh này.
“Người nào đó quyết định đấy không phải một ý tưởng hay”, ông Love trả lời. Ông Obama lại nói: “Vậy thì tôi là tổng thống và tôi nghĩ đấy là ý tưởng tuyệt vời”, ông Love nhớ lại cuộc trao đổi với Tổng thống Obama thời điểm đó.
Ông Obama và phu nhân cũng là fan hâm mộ các loạt phim truyền hình dài tập như Boardwalk Empire, Game of Thrones hay Breaking Bad. Vào các tối thứ 6, ông Obama và gia đình thường có mặt ở phòng chiếu 40 chỗ ngồi tại cánh tây Nhà Trắng để cùng thưởng thức những bộ phim yêu thích.
Tổng thống Obama cũng có lúc hình dung về một cuộc sống bên ngoài Nhà Trắng. Ông Emanuel, hiện là thị trưởng Chicago nhưng vẫn giữ mối quan hệ thân thiết với ông Obama, kể rằng hai người từng có lần mường tượng sẽ đến Hawaii mở một tiệm kinh doanh áo thun và chỉ bán duy nhất một loại áo màu trắng, cỡ trung bình.
Tại những cuộc họp căng thẳng ở Nhà Trắng, khi không thể đưa ra quyết định khả dĩ nào, thỉnh thoảng ông Emanuel quay sang ông Obama và nói: “Màu trắng”. Tổng thống Obama sẽ nhanh ý đáp lại: “Cỡ trung bình”.
Giờ đây, ông Obama sẽ chỉ còn 6 tháng nữa để ngồi một mình trong đêm tại Phòng Hiệp định. Tổng thống Mỹ có lần chia sẻ một khi rời nhiệm sở ông sẽ “dành 3 đến 4 tháng chỉ để ngủ”.
Hồng Vân
Theo VNE
Obama chỉ trích thượng viện Mỹ vì bác đề xuất kiểm soát súng đạn
Nhà Trắng cáo buộc các thượng nghị sĩ Mỹ "thể hiện sự hèn nhát đáng xấu hổ" và làm thất vọng người dân Mỹ khi không thúc đẩy bất kỳ biện pháp kiểm soát súng đạn nào sau vụ thảm sát ở Orlando.
Các khẩu súng được trưng bày tại cuộc triển lãm trong khuôn khổ đại hội Hiệp hội Súng trường Quốc gia lần thứ 145 ở Louisville, Kentucky, Mỹ tháng trước. Ảnh: New York Times
"Bạo lực súng đạn đòi hỏi nhiều hơn là những phút mặc niệm", Tổng thống Barack Obama viết trên Twitter. "Nó đòi hỏi hành động. Thất bại trước thử thách này, thượng viện đã làm thất vọng người dân Mỹ".
Trước đó, phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest xuất hiện trên bản tin truyền hình buổi sáng và chỉ trích gay gắt thượng viện Mỹ vì bác 4 dự luật không cho phép những người bị tình nghi dính líu tới các phiến quân sử dụng súng.
"Những gì chúng ta nhìn thấy tối qua ở thượng viện Mỹ là một sự thể hiện hèn nhát đáng xấu hổ", Reuters dẫn lời ông Earnest nói.
Ông cho rằng các dự luật nhẽ ra phải nhận được sự ủng hộ từ lưỡng viện. Các quan chức hành pháp đang lo ngại những cá nhân ở Mỹ có quan hệ với khủng bố hoặc bị tuyển dụng cho Nhà nước Hồi giáo (IS) qua mạng.
"Và bây giờ không có điều luật nào ngăn chặn những cá nhân này ra cửa hàng và mua một khẩu súng", ông Earnest nói.
Sau cuộc bỏ phiếu hôm 20/6, thượng viện đã bác bỏ việc gia tăng kiểm soát súng để tranh luận về một cách thức khác nhằm ngăn chặn các vụ tấn công trong nước dưới sự kích động của IS hay các nhóm phiến quân nước ngoài khác.
Các thượng nghị sĩ đang hướng đến cuộc bỏ phiếu vào ngày mai về dự luật của thượng nghị sĩ John McCain nhằm mở rộng khả năng theo dõi bí mật của Cục Điều tra Liên bang (FBI) trong các cuộc điều tra chống khủng bố.
Tranh cãi về quyền sở hữu súng lại dấy lên sau khi tay súng Omar Mateen tấn công một hộp đêm ở thành phố Orlando tuần trước, làm 49 người chết và 53 người bị thương.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Susan Collins đang cố gắng duy trì những nỗ lực kiểm soát súng. Bà dự kiến giới thiệu tiếp một biện pháp hạn chế bán vũ khí cho những người nằm trong danh sách theo dõi khủng bố.
Anh Ngọc
Theo VNE
Mua xe hơi được khuyến mãi súng AR-15 tại Mỹ Một cửa hàng xe hơi tại Mỹ đưa ra khuyến mãi khách hàng mua xe được tặng miễn phí một khẩu súng trường AR-15, loại súng được hung thủ dùng trong vụ thảm sát ở thành phố Orlando hôm 12.6. AR-15 là khẩu súng trường được những kẻ giết người hàng loạt ưa chuộng. REUTERS Ông Mike Hagan, chủ một salon buôn bán...