Những đảng viên Cộng hòa quay lưng với Trump
8 cựu thống đốc đảng Cộng hòa đang ủng hộ Joe Biden, hành động có thể tác động mạnh tới những cử tri đang phân vân bầu cho Trump.
Năm 2011, cựu thống đốc Illinois Rod Blagojevich bị tuyên án 14 năm tù vì lên kế hoạch kiếm lời từ ghế thượng nghị sĩ mà Barack Obama để lại khi ông đắc cử tổng thống. Khi được Tổng thống Donald Trump quyết định giảm án hồi tháng hai, Blagojevich đã bày tỏ lòng biết ơn tới ông chủ Nhà Trắng, tự nhận mình là một “Trumpocrat” (người Dân chủ ủng hộ Trump).
Đến nay, Blagojevich là cựu thống đốc đảng Dân chủ duy nhất ủng hộ Trump. Ở chiều ngược lại, ứng viên tổng thống Mỹ đảng Dân chủ Joe Biden đã nhận được sự ủng hộ từ 8 cựu thống đốc đảng Cộng hòa, trong đó có John Kasich của Ohio, Rick Snyder của Michigan và Tom Ridge của Pennsylvania. Họ thường xuyên có những bình luận tiêu cực về Trump, mô tả ông là một người “chuyên bắt nạt”, “đáng trách” và “nguy hiểm”.
Tổng thống Trump tại bãi cỏ phía nam Nhà Trắng ngày 21/9. Ảnh: Reuters.
“Nếu một Tổng thống đảng Cộng hòa không thể lên án những kẻ theo thuyết da trắng thượng đẳng thì rõ ràng đảng của Lincoln đã chấm hết”, Ridge tuần trước tweet sau cuộc tranh luận đầu tiên giữa Trump và Biden.
Những cựu thống đốc Cộng hòa khác đang ủng hộ Biden gồm Christine Todd Whitman từ New Jersey, Marc Racicot từ Montana, Jim Edgar từ Illinois, Arne Carlson từ Minnesota và William Weld từ Massachusetts.
Danh sách những quan chức quay lưng với Trump vẫn tiếp tục được nối dài, bao gồm cả các cựu bộ trưởng, quan chức quốc phòng và chính sách đối ngoại cùng hai cựu chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa.
Cựu tổng thống George H.W. Bush (Bush cha) bầu cho Hillary Clinton năm 2016 và nhiều người cho rằng con trai ông, cựu tổng thống George W. Bush, cũng sẽ bỏ phiếu ủng hộ Biden trong cuộc bầu cử năm nay, dù ông chưa công khai thể hiện đứng về bên nào.
Việc các cựu thống đốc Cộng hòa chuyển sang ủng hộ Biden có thể đơn giản chỉ là do họ không còn cảm tình với Trump, nhưng nó cũng có thể phản ánh một xu hướng đáng lo ngại đối với đảng Cộng hòa.
Video đang HOT
Những năm qua, việc một thành viên đảng này chuyển sang ủng hộ đảng khác thường nhận được sự chú ý đáng kể bởi nó hiếm khi xảy ra trong lịch sử.
Năm 1992, với tư cách thống đốc bang Georgia, Zell Miller có bài phát biểu quan trọng tại Đại hội Toàn quốc đảng Dân chủ. 12 năm sau, Miller, lúc bấy giờ là thượng nghị sĩ, lại phát biểu tại Đại hội Toàn quốc đảng Cộng hòa và vận động tranh cử cho George W. Bush.
Thượng nghị sĩ Connecticut Joe Lieberman, ứng viên phó tổng thống đảng Dân chủ năm 2000, lại ủng hộ người bạn đến từ đảng Cộng hòa John McCain trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2008.
Năm nay, Cindy McCain, vợ của cố thượng nghị sĩ John McCain, đang ủng hộ Biden. Một nhóm cựu quan chức chính quyền George W. Bush đã thành lập một ủy ban hành động chính trị hỗ trợ Biden. Nhiều đảng viên Cộng hòa khác đang ủng hộ Biden thông qua các nhóm như Lincoln Project hay Republican Voters Against Trump.
Cựu thống đốc bang New Jersey Christine Todd Whitman hồi năm 2016. Ảnh: AP.
Tổng thống Trump vẫn nhận được sự ủng hộ lớn từ các thành viên cấp cao đảng Cộng hòa. Một cuộc thăm dò do Gallup thực hiện hồi tháng trước cho thấy 94% đảng viên Cộng hòa tán thành cách Trump điều hành công việc đất nước trên cương vị tổng thống.
Nhưng một số đảng viên Cộng hòa đang tỏ ra nghi ngờ và một số cử tri bảo thủ đã ngừng tự nhận là người Cộng hòa. Hàng loạt cựu quan chức đã ra mặt ủng hộ Biden đang cố gắng gửi tín hiệu tới các thành viên đảng Cộng hòa lung lay ý chí rằng họ hoàn toàn có thể thoải mái bỏ phiếu cho một ứng viên Dân chủ.
“Tôi đang kết nối với các thống đốc, đặc biệt là những đảng viên Cộng hòa hay những người độc lập ủng hộ cho Biden”, cựu thống đốc New Jersey Whitman nói. “Họ là các lãnh đạo có quan điểm được tôn trọng đang thuyết phục những người không muốn bầu cho Trump nhưng ngần ngại bầu cho đảng Dân chủ rằng việc bạn đặt lợi ích của quốc gia hơn lợi ích đảng phái là hoàn toàn đúng đắn”.
Các cựu thống đốc rời bỏ Trump bất đồng với ông về lập trường trong hàng loạt vấn đề như nhập cư hay chính sách đối ngoại, một số người chỉ trích cách ông phản ứng với đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến họ quay lưng với Trump lại bắt nguồn từ tính cách của ông chủ Nhà Trắng. Họ mô tả Trump là người không muốn học hỏi và gây chia rẽ.
“Tôi đã rất lo sợ khi ông ấy tranh cử lần đầu tiên”, Edgar, cựu thống đốc Illinois, chia sẻ. “Tôi không nghĩ ông ấy có kiến thức và phẩm chất. Sau 4 năm, ông ấy trở nên tồi tệ hơn rất nhiều so với những gì tôi nghĩ”.
Edgar cho biết năm nay sẽ là lần đầu tiên sau 50 năm ông không bầu cho một ứng viên đảng Cộng hòa vào ghế tổng thống. Giống như Whitman, Edgar đã 74 tuổi và không chạy đua chính trị từ những năm 1990. Edgar thừa nhận việc ông đứng ra chống lại tổng thống của đảng mình dễ dàng hơn bởi ông không phải lo lắng về tương lai chính trị bản thân.
Cựu thống đốc Ohio John Kasich ở Washington hồi năm 2016. Ảnh: Reuters.
Sự ủng hộ từ những cựu quan chức, thành viên đảng Cộng hòa có thể tác động tới các cử tri ở một chừng mực nào đó, Sam Rosenfeld, nhà khoa học chính trị tại Đại học Colgate, New York, Mỹ, nhận định. Những cử tri không theo dõi sát sao cuộc đua vào Nhà Trắng có thể tìm gợi ý và hướng dẫn từ các chính trị gia mà họ tôn trọng.
Whitman cho hay bà nhận được cả những lời công kích và cảm ơn vì đã thẳng thắn thể hiện lập trường của mình. Theo bà, những đảng viên Cộng hòa đang phàn nàn về Trump cần lên tiếng.
“Ông ấy không phải người Cộng hòa”, Whitman nói về Trump. “Ông ấy không tỏ ra quan tâm tới những gì từng là giá trị của đảng Cộng hòa”.
Hủy tranh luận Trump - Biden tuần sau
Ủy ban Tranh luận Tổng thống hủy cuộc "so găng" lần hai đã được lên kế hoạch vào 15/10, sau khi Trump từ chối tranh luận trực tuyến.
"Rõ ràng là sẽ không có cuộc tranh luận nào vào ngày 15/10", Ủy ban Tranh luận Tổng thống (CPD) ngày 9/10 cho biết trong một tuyên bố qua email, nói rằng "các ứng viên đã công bố kế hoạch thay thế cho ngày đó".
"CPD sẽ chuyển sang chuẩn bị cho cuộc tranh luận tổng thống cuối cùng dự kiến diễn ra ngày 22/10", tuyên bố có đoạn viết.
Tổng thống Trump (trái) và ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Biden tại buổi tranh luận đầu tiên ở Ohio hôm 29/9. Ảnh: AFP.
Tranh luận tổng thống ngày 15/10 là sự kiện theo hình thức "tòa thị chính", tức cử tri đặt câu hỏi cho ứng viên. CPD hôm 8/10 đề xuất hai ứng viên tranh luận trực tuyến từ hai địa điểm tách biệt nhau do Tổng thống nhiễm nCoV, trong khi người điều hành tranh luận Steve Scully của C-SPAN vẫn được bố trí tại Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật Adrienne Arsht ở Miami, Florida.
Tuy nhiên, Trump ngay lập tức phản đối, gọi đề xuất này là "không chấp nhận được" và khẳng định ông đã đánh bại Biden "một cách dễ dàng trong cuộc tranh luận đầu tiên". Chiến dịch của ông đề xuất lùi tranh luận lần hai đến 22/10 và chuyển cuộc tranh luận cuối cùng sang ngày 29/10. Tuy nhiên, chiến dịch của Biden bác bỏ ý tưởng này.
Ngày 8/10, ABC News thông báo kế hoạch tự tổ chức phiên hỏi đáp riêng giữa Biden với cử tri ngày 15/10. Một nguồn tin của CNN cho biết Trump cũng đang thảo luận với NBC để tổ chức phiên hỏi đáp riêng vào ngày này.
"Thật đáng xấu hổ khi Donald Trump bỏ qua cuộc tranh luận duy nhất mà cử tri có thể đặt câu hỏi. Không có gì đáng ngạc nhiên, mọi người đều biết rằng Donald Trump thích bắt nạt các phóng viên, nhưng rõ ràng ông ấy không có gan trả lời về hồ sơ của mình trước các cử tri cùng lúc với cựu phó tổng thống Biden", Andrew Bates, phụ tá chiến dịch của Biden, nói.
Trong khi đó, chiến dịch của Trump cho rằng ban tổ chức muốn tranh luận trực tuyến để thiên vị Biden. CPD bác bỏ cáo buộc, khẳng định họ chỉ muốn đảm bảo an toàn và không thể chắc Tổng thống sẽ "sạch" nCoV vào tuần tới.
Các cuộc thăm dò cho thấy Biden đang dẫn trước hoặc hòa với Trump ở các bang chiến trường quan trọng. Việc hủy tranh luận có thể là tổn thất cho Trump vì ông thiếu cơ hội để lật ngược thế cờ khi ngày bầu cử đã cận kề. Hơn 73 triệu khán giả đã theo dõi cuộc tranh luận đầu tiên hôm 29/9.
Trump từ chối tranh luận trực tuyến với Biden Ủy ban tranh luận cho biết cuộc đối đầu tuần tới giữa Trump và Biden diễn ra theo hình thức trực tuyến, song Tổng thống tuyên bố không tham gia. Tranh luận tổng thống lần hai sẽ diễn ra theo hình thức tòa thị chính, trong đó "các ứng viên tham gia từ hai địa điểm tách biệt nhau", Ủy ban Tranh luận...