Những cuộc gọi trước phút sinh tử
Đang sốt ruột vì mất liên lạc với chồng – đã nhập viện nhiều ngày điều trị Covid-19, chị Nguyễn Thị Quế, 27 tuổi, thót tim khi có số điện thoại lạ gọi đến, run rẩy khi nghe “tôi là bác sĩ…”.
Anh Trần Văn An, 28 tuổi – chồng chị Quế, mắc Covid-19 rồi sốt cao, kiệt sức, khó thở, được đưa đến bệnh viện tại TP Thủ Đức điều trị hôm 24/7. Tuần đầu tiên anh nhập viện, hai vợ chồng vẫn trò chuyện mỗi ngày qua video call, tin nhắn. Nhưng sau đó chị Quế gọi hàng chục lần, chỉ nhận được những tiếng “tút tút” vô vọng.
Khoảng 20h ngày 6/8, chuông điện thoại reo, màn hình hiển thị đầu số cố định tại TP HCM, chị Quế thấy bất an. Người gọi là bác sĩ của bệnh viện điều trị cho chồng chị, thông báo anh An đang nguy kịch.
“Sau nhiều ngày không nhận được tin tức của anh, gia đình vô cùng hoang mang, ngầm hiểu tình trạng rất nặng, thậm chí từng nghĩ rằng anh tử vong. Lúc nghe điện thoại, tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì anh còn sống, lo vì anh đang đặt một chân vào cửa tử”, chị Quế kể.
Hình ảnh chụp X-quang cho thấy phổi anh An đã trắng xóa, tổn thương nghiêm trọng, nồng độ oxy máu (SpO2) tụt rất thấp. Anh không thể thở dù đã dược hỗ trợ thở oxy liều cao, bắt buộc phải đặt ống nội khí quản, cho thở máy. Mặc dù vậy, bệnh viện không thể đảm bảo tính mạng. “Anh An có nguy cơ tử vong trong đêm, gia đình nên chuẩn bị tinh thần”, bác sĩ nói. Quá bất ngờ trước tin xấu, chị Quế khóc oà, xin các bác sĩ cố cứu chồng.
May mắn, anh An phù hợp với tiêu chí nhận bệnh của Bệnh viện hồi sức Covid-19 tại TP Thủ Đức (tuyến cuối điều trị, do Bệnh viện Chợ Rẫy phụ trách) nên được chuyển tuyến. Sau hơn 10 ngày điều trị tích cực, anh bình phục, đã xuất viện ba tuần trước. “Đã hơn một tháng trôi qua, dù chồng đã may mắn bình an về nhà, song vẫn nhớ như in cảm giác khi nhận cuộc gọi ấy”, chị Quế kể.
Anh An là một trong hàng nghìn F0 nặng phải thở máy được các bệnh viện điều trị trong thời gian qua. Cũng như anh, rất nhiều bệnh nhân bị mất kết nối với người thân khi họ bất ngờ suy hô hấp, nguy kịch phải dùng thuốc an thần, hôn mê…
Anh An cho biết, mất liên lạc với vợ là do anh đột ngột không thở được, đầu óc mơ màng, tay run rẩy, không cầm nổi điện thoại, chẳng thể gọi điện báo tin. “Trong cơn mê man, tôi nghe loáng thoáng bác sĩ gọi điện báo cho vợ, tôi biết ơn về điều đó”, anh An chia sẻ.
Video đang HOT
Nhân viên y tế Bệnh viện hồi sức Covid-19 cho bệnh nhân nói chuyện với người nhà. Ảnh: Quỳnh Trần
Bác sĩ Trần Thanh Linh (Phó giám đốc Bệnh viện hồi sức Covid-19) cho biết, đơn vị đang điều trị hơn 660 F0, hầu hết nặng và nguy kịch. Khối lượng công việc lớn, nhân viên y tế luôn tập trung dồn sức cứu người, song cũng thấu hiểu tâm trạng lo lắng của thân nhân người bệnh nên cố gắng liên hệ thông báo tình hình cho họ, nhất là khi bệnh nhân có nguy cơ tử vong.
Với các F0 còn chút tỉnh táo, nhân viên y tế cho họ nói chuyện điện thoại cùng gia đình. Chỉ vài câu động viên của người thân nhưng có thể tăng sức mạnh tinh thần cho người bệnh. “Có một thực tế là chúng tôi đã không có thời gian để làm thế với tất cả bệnh nhân. Hoặc hồ sơ một số bệnh nhân từ tuyến dưới chuyển lên không có số điện thoại người nhà”, bác sĩ Linh nhìn nhận.
Theo bác sĩ Tôn Nữ Bảo Trân (Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 quận Bình Tân, do Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM phụ trách), đặt nội khí quản là thủ thuật có khả năng tai biến, dù đặt thành công khả năng tử vong vẫn rất cao. Vì vậy, cuộc gọi của bệnh viện, hay cho bệnh nhân nói chuyện với gia đình, có tính chất thông báo tình trạng để họ chuẩn bị tâm lý.
Thông thường, với F0 suy hô hấp chậm, các bác sĩ tiên lượng được khả năng phải thở máy, sẽ thu xếp cho bệnh nhân tự nói chuyện với người nhà sớm. Hoặc nếu kịp, bác sĩ sẽ chủ động gọi cho người nhà trước khi làm thủ thuật. Nhưng thực tế, nhiều F0 được chuyển đến tầng tháp này đã “thập tử nhất sinh”, không thể giao tiếp. Nhiều ca suy hô hấp chỉ trong 4-5 phút, phải đặt nội khí quản cấp cứu gấp thì bác sĩ sẽ tranh thủ thời gian vàng để can thiệp y tế trước, gọi điện sau.
“Việc này không nằm trong quy định bắt buộc, song đây có thể là cuộc gọi cuối cùng của bệnh nhân với gia đình nên chúng tôi sẽ cố gắng kết nối”, chị Trân chia sẻ.
Về phản ứng của người nhà, bác sĩ Trân cho hay, đa phần đã có chuẩn bị tâm lý sẵn. Họ đồng cảm và tin nhân viên y tế đã cố gắng hết sức. Một số khác sốc, khó chấp nhận sự thật, cần bác sĩ an ủi, xoa dịu.
Tại các bệnh viện dã chiến ở TP HCM (thu dung và điều trị F0 triệu chứng nhẹ), tỷ lệ bệnh nhân suy hô hấp nặngthấp hơn rất nhiều so với các đơn vị hồi sức Covid-19. Bác sĩ Trần Văn Khanh (Giám đốc bệnh viện dã chiến số 3, TP Thủ Đức) cho biết, hiện vài ngày mới có một ca cần đặt nội khí quản nên các bác sĩ đều gọi điện giải thích trước cho người nhà. Đặc điểm của bệnh nhân lúc này là mệt nhọc, thở rướn, nói khó, hoặc bất tỉnh nên bác sĩ hạn chế cho thân nhân trò chuyện trực tiếp, hay gọi hình ảnh, tránh người nhà thêm rối ren, hoảng loạn.
Tính đến ngày 16/9, thành phố ghi nhận 310.322 ca Covid-19, có 40.864 bệnh nhân đang điều trị, trong đó 2.529 bệnh nhân nặng đang thở máy và 22 bệnh nhân can thiệp ECMO (hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể).
“Lúc bệnh viện báo tin chồng nguy kịch, tôi thực sự hoảng loạn, song vô cùng biết ơn các y bác sĩ, nhân viên bệnh viện. Dù họ quá tải, bận rộn nhưng đã làm hết trách nhiệm với bệnh nhân và quan tâm đến cả gia đình người bệnh”, chị Nguyễn Thị Quế nói.
TP HCM giảm tải cho y bác sĩ như thế nào
Sở Y tế TP HCM yêu cầu các đơn vị đã rút người khỏi bệnh viện dã chiến phải bổ sung nhân lực thay thế; đảm bảo thời gian nghỉ, chế độ ăn uống hợp khẩu vị, không để nhân viên y tế làm hành chính.
Trong văn bản gửi các quận huyện, bệnh viện dã chiến, điều trị Covid-19 và các khu cách ly F0, ngày 12/9, Sở Y tế đề nghị các đơn vị thực hiện nghiêm ý kiến của Bộ phận thường trực đặc biệt về phòng, chống Covid-19 (Bộ Y tế) tại TP HCM.
Về nhân sự , Sở yêu cầucác đơn vị đã rút nhân viên khỏi bệnh viện dã chiến phải lập tức bổ sung người thay thế, bảo đảm quân số, tránh tạo áp lực lên các nhân viên còn lại.
Các đơn vị phải hạn chế tối đa rút nhân sự đang tham gia hỗ trợ phòng chống dịch tại thành phố của các đoàn đang chi viện. Chỉ thực hiện rút người trong tình huống cấp bách và có sự chấp thuận của Bộ Y tế (với đơn vị thuộc Bộ) và của Sở Y tế (với đơn vị thuộc Sở).
Trước khi rút người, các đơn vị chuẩn bị sẵn nhân sự thay thế luân phiên, đảm bảo đủ quân số đã hỗ trợ trước đó và có thời gian bàn giao hướng dẫn cho đoàn tiếp nhận công việc mới ít nhất một tuần trước khi rút.
Để lực lượng bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế có thời gian nghỉ phục hồi sức khỏe sau các ca trực, Sở đề nghị không phân công thêm việc hành chính cho họ. Nếu thiếu người phải bổ sung lực lượng sinh viên, tình nguyện viên.
Sở Y tế cho biết sẽ tiếp tục kiến nghị Bộ Y tế huy động nhân lực chuyên môn tham gia hỗ trợ các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19 của TP HCM, đặc biệt là lực lượng bác sĩ, điều dưỡng có khả năng cấp cứu, hồi sức để phân bổ cho các đơn vị.
Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục huy động lực lượng tình nguyện viên là F0 đã khỏi bệnh tham gia công tác chăm sóc bệnh nhân, hành chính, hậu cần tại các đơn vị trên, nhằm giảm tải cho nhân viên y tế. Các "cựu F0" sẽ được ký hợp đồng làm việc với các chế độ, chính sách hỗ trợ.
Nhân viên y tế điều trị các bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19, TP Thủ Đức hồi tháng 7/2021. Ảnh: Thành Nguyễn
Liên quan việc chăm lo đời sống cho nhân viên y tế, Sở yêu cầu các đơn vị cung cấp thực phẩm điều chỉnh chế độ ăn đảm bảo dinh dưỡng, có thêm lựa chọn phù hợp khẩu vị mỗi vùng miền. Trường hợp nhân viên y tế không may mắc Covid-19 cần được đảm bảo chế độ ăn tối thiểu như thường ngày (120.000 đồng) chứ không áp dụng chế độ của người bệnh như trước (80.000 đồng).
Việc giám sát chất lượng suất ăn hàng ngày của các nhà cung ứng tại các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19, khu cách ly tập trung F0... sẽ do Ban chỉ đạo phòng chống dịch, giám đốc bệnh viện thực hiện, đảm bảo nguồn nguyên liệu tươi, ngon. Trường hợp nhà cung cấp suất ăn không có chuyển biến tốt, suất ăn không đảm bảo, sẽ phản ánh về Sở.
Sở cũng lưu ý, lực lượng an ninh, quân sự chỉ kiểm soát việc ra vào trong khu điều trị đối với nhân viên y tế, "tuyệt đối không gây ảnh hưởng đến đời tư mỗi cá nhân, gây áp lực lên đời sống tinh thần của nhân viên y tế".
Hôm 6/9, Bộ Y tế bày tỏ lo ngại y bác sĩ nghỉ việc, gửi công văn đến các địa phương đề nghị bố trí nhân lực đảm bảo khám chữa bệnh cho bệnh nhân Covid và không Covid; khen thưởng y bác sĩ kịp thời; có cơ chế xử lý, thu hồi chứng chỉ hành nghề đối với nhân viên y tế tự ý bỏ việc, bỏ nhiệm vụ. Nội dung thứ ba này gây nhiều ý kiến trái chiều , trong bối cảnh dịch bùng phát, đội ngũ y tế chịu nhiều áp lực về công việc, cuộc sống, thu nhập...
Một ngày sau, trong công văn gửi lãnh đạo TP HCM, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết trung bình một bác sĩ, điều dưỡng đang chăm sóc 140-150 bệnh nhân Covid-19, trong khi suất ăn 120.000 đồng một ngày, áp lực công việc nhiều, nhân sự thiếu, nguy cơ lây nhiễm thường trực...
Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam cho biết, HĐND TP HCM khóa 10 đã thông qua mức chi hỗ trợ một lần cho lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch Covid-19. Hiện, một số bệnh viện đã thực hiện chi trả.
F0 xuất viện ở TP HCM đạt kỷ lục 5.196 người tại các bệnh viện Covid-19 xuất viện hôm 7/9 - nhiều nhất trong ngày từ trước đến nay, nâng tổng số điều trị khỏi trong năm lên 133.592, theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật. Thời gian qua, trung bình mỗi ngày có 2.000-3.000 người xuất viện, riêng hôm 28/7 có 4.678 người và 3/9 là 4.172 người. Trong số người...