Những “cửa quan” hành dân
Buộc photo lại giấy tờ đã có sẵn với mức phí cao hơn gấp 10 lần bên ngoài chỉ vì photo chiều dọc mà không phải chiều ngang; không chịu trả sổ đỏ cho hộ A chỉ vì hộ B chưa thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước; tiếp nhận hồ sơ với ngày hẹn trả vô thời hạn… là chuyện vẫn đang xảy ra với người dân khi có việc phải tìm tới “quan” phường.
Đòi hỏi tréo ngoe
Từng để lại “bút tích” phàn nàn thái độ phục vụ của cán bộ phường Láng Hạ vào ngày 5.2.2010 về việc “giờ giấc làm việc của UBND phường không rõ ràng”, nghỉ không thông báo trước và thông báo rõ cho người dân biết đỡ mất thời gian đi lại, bà Nguyễn Thị Thống, ngụ tại nhà tập thể L1, Láng Hạ (Q.Đống Đa, Hà Nội) kể với Thanh Niên câu chuyện bà ra phường xin công chứng CMND cho con trai.
Mặc dù đã photo sẵn 3 bản với giá 100 đồng/bản, nhưng khi đến nơi, bà được yêu cầu phải photo lại theo đúng “chuẩn”, đó là CMND phải được photo ở khổ giấy A4 theo chiều ngang chứ không phải chiều dọc như bản đã photo sẵn ở nhà. Giá photo tại phường là 1.000 đồng/bản, cộng với tiền đóng dấu công chứng 2.000 đồng/bản. “Biết là vô lý nhưng vì muốn được việc nên tôi làm cho xong, nhưng nộp xong bản photo cũng phải chiều mới được quay lại lấy chứ không được giải quyết ngay trong buổi sáng. Nói chung, tâm lý người dân chúng tôi là vạn cùng bất đắc dĩ mới phải tìm đến cơ quan công quyền, đâu cũng vậy, luôn nghĩ ra cách để hành dân”, bà Thống nhận xét.
Chị Đỗ Bình Giang, ngụ tại B9 Láng Hạ khi đến phường xin xác nhận tình trạng hôn nhân (đã mang đầy đủ các thủ tục quy định niêm yết tại phường) để hoàn tất thủ tục thế chấp vay ở ngân hàng nhưng cán bộ tư pháp – hộ tịch – hôn nhân lại yêu cầu phải trình thêm giấy tờ chứng minh tài sản đảm bảo cho khoản tiền chị định vay. “Rõ ràng họ bắt bẻ dân bằng đòi hỏi tréo ngoe, tôi chỉ có nghĩa vụ chứng minh tài sản đảm bảo với ngân hàng chứ không phải với cán bộ phường. Trách nhiệm của họ là xác nhận tình trạng hôn nhân của tôi chứ không phải đi xác minh tài sản thế chấp của tôi”, chị Giang bức xúc.
Công chức phường Bồ Đề (Q.Long Biên, Hà Nội) không có ai đeo thẻ, cũng không buồn hỏi dân đến giải quyết việc gì – Ảnh: Lê Quân
“Khi nào có thì điện thoại”
Ông Phạm Đình Cửu (SN 1947, hiện trú tại P.Yên Hòa, Q.Cầu Giấy, TP.Hà Nội) cho biết gia đình ông mua một căn hộ từ năm 1983 tại phường Điện Biên, Q.Ba Đình (có xác nhận mua bán của UBND P.Điện Biên). Năm 1998, ông có gửi hồ sơ xin cấp sổ hồng ra phường này nhưng đợi mãi vẫn không có kết quả. Gần 10 năm sau (2007), khi ông quay lại hỏi thì mới vỡ lẽ, bộ hồ sơ đã… thất lạc mất.
Đến năm 2009, một lần nữa gia đình ông lại làm hồ sơ gửi tới UBND phường, tuy nhiên, nhân viên tiếp nhận khi đó chỉ ký nhận hồ sơ mà không điền rõ họ tên. Thậm chí, trong phiếu nhận và hẹn trả hồ sơ mà ông Cửu nhận được từ cán bộ này không những không ghi rõ trường hợp xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở của ông đã đủ hay còn thiếu những loại giấy tờ nào, mà còn không xác định cả ngày trả hồ sơ. Thay vào đó là dòng chữ được đóng trong ngoặc đơn với nội dung: khi nào có thì điện thoại.
Cái “khi nào có thì điện thoại” đó đã khiến cho gia đình ông Cửu phải chờ đợi mỏi mòn tiếp 3 năm nữa. Tới tháng 5.2011, trước kỳ bầu cử ĐBQH khóa 13 và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016, ông lên gặp chính quyền phường thắc mắc thì được người có thẩm quyền hứa hẹn sẽ giải quyết nhanh vì hồ sơ nhà ông đã đầy đủ các loại giấy tờ. Đến giờ phút này, đã ngót nghét 1 năm sau lần nhận được lời hứa ấy, ông Cửu vẫn chưa nhận được sổ hồng. Trong thời gian chờ đợi, vợ chồng ông đã rất nhiều lần ra P.Điện Biên để xin gặp người có thẩm quyền, để mong có câu trả lời thỏa đáng, nhưng không được.
Video đang HOT
“Tôi không thể hiểu nổi cách làm việc, giải quyết hồ sơ giấy tờ cho nhân dân của cán bộ phường Điện Biên. Họ ghi trong phiếu hẹn trả hồ sơ cho tôi là “khi nào có thì điện thoại”. Nhưng trong suốt gần 3 năm ấy, họ không một lần điện thoại, hay hồi âm cho tôi là hồ sơ của tôi đã đủ các loại giấy tờ chưa, hay còn thiếu thì phải bổ sung thêm loại giấy tờ nào. Gần 70 tuổi đầu mà không biết bao nhiêu lần tôi phải đi lại lên phường, rồi chờ để gặp cán bộ địa chính, gặp lãnh đạo phường nhưng lúc nào họ cũng cáo bận việc, bận đi họp. Trong khi đó, những nhân viên tiếp nhận hồ sơ thì lúc nào cũng lặp đi lặp lại một câu “hồ sơ đang chờ giải quyết bác ạ”. Thật sự là tới thời điểm này là tôi thấy buồn và mất dần lòng tin về cung cách, thái độ và năng lực làm việc của cán bộ cơ quan công quyền”, ông Cửu mệt mỏi chia sẻ.
Bút tích người dân ghi nhận xét thái độ phục vụ của công chức tại UBND phường Láng Hạ (Q.Đống Đa, Hà Nội) – Ảnh: Hà An
“Đoạn trường” xin cấp sổ đỏ
Tương tự ông Cửu là trường hợp anh Nguyễn Huy Hoàng ngụ tại tổ 5, P.Bồ Đề, Q.Long Biên. Năm 2001, gia đình anh mua mảnh đất đang ở của bà Đặng Thị Lợi (bà Lợi được chính quyền cấp đất từ năm 1984). Tất cả việc mua bán này đều được UBND xã Bồ Đề lúc đó xác nhận. Năm 2007 tiến hành làm “sổ đỏ” thì hết lần này đến lần khác, cán bộ phường yêu cầu anh bổ sung hồ sơ. Đỉnh điểm là phường yêu cầu anh phải xin xác nhận của các hộ dân xung quanh rằng mảnh đất đó gia đình bà Lợi được cấp năm 1994 chứ không phải năm 1984 như xác nhận của Chủ tịch UBND xã Bồ Đề trước đó (?). “Tất nhiên là không ai xác nhận chuyện đó, bởi vì thực chất đất đó được cấp năm 1984″, anh Hoàng nói.
Khi nhận được quyết định của UBND Q.Long Biên về việc phải thực hiện nghĩa vụ thuế mảnh đất đã mua với số tiền sử dụng đất lên tới gần 1 tỉ đồng kèm theo nghĩa vụ nộp thuế TNCN cho trường hợp mua bán giữa anh và bà Lợi, anh Hoàng đã đội đơn đi khiếu nại khắp nơi. “Cả chính quyền xã trước đó lẫn các hộ dân xung quanh đều xác nhận đất bà Lợi được cấp năm 1984, khi bán cho gia đình tôi năm 2001 không có tranh chấp gì. Căn cứ vào quy định của pháp luật về đất đai thì đất của gia đình tôi đủ điều kiện được cấp sổ đỏ và không phải nộp tiền sử dụng đất. Nhưng sau mấy lần quận ra quyết định, rồi có sự giải quyết khiếu nại của thành phố, tôi vẫn phải nộp khoản tiền thuế gần 500 triệu đồng”, anh Hoàng kể.
“Đoạn trường” xin cấp sổ đỏ những tưởng sẽ dứt khi anh Hoàng chấp nhận mức nộp tiền sử dụng đất 500 triệu đồng theo quyết định của thành phố. Nhưng đến ngày ra phường nhận “sổ đỏ” theo lịch hẹn, thì cán bộ phường nhất định không trả sổ vì “bà Đặng Thị Lợi chưa thực hiện nghĩa vụ thuế (thuế thu nhập cá nhân – PV)”.
Chị Bùi Xuân Tình, vợ anh Hoàng mệt mỏi nói: “Vợ chồng tôi dành dụm cả đời để mua được mảnh đất. Khi mua đã có xác nhận đầy đủ của chính quyền xã, giờ làm xong hết nghĩa vụ thuế với nhà nước rồi vẫn phải chịu cảnh chờ đợi không biết bao giờ mới nhận được sổ. Cứ nói cải cách hành chính ở đâu mà sao người dân phải chịu muôn vàn khổ sở như thế này chỉ vì cái sai của cán bộ. Tôi đã gặp bà Lợi và bà ấy nói dứt khoát không đóng thuế thu nhập cá nhân vì việc mua bán đã diễn ra từ năm 2001, khi đó chưa có luật Thuế thu nhập cao. Nếu bà Lợi không chịu đóng thuế, chả nhẽ chúng tôi không bao giờ được nhận sổ đỏ?”.
“Anh Danh đang đi họp”
Chúng tôi đã đề nghị được cùng chị Bùi Xuân Tình đến UBND phường Bồ Đề (Q.Long Biên) để được “mục sở thị” cách giải thích của cán bộ địa chính về lý do giữ lại sổ của gia đình. Bước vào phòng địa chính, chị Tình khép nép nhìn quanh không biết hỏi ai, bởi không một cán bộ nào ở đó đeo thẻ, cũng không ai buồn ngẩng lên hỏi công dân vào đây giải quyết việc gì.
“Cho mình hỏi anh Danh có đây không ạ?”, chị Tình đánh liều hỏi một nữ nhân viên ngồi giữa. Mắt vẫn dán vào máy tính, nhân viên này lạnh lùng đáp: “Anh Danh đang đi họp”. “Anh ấy nghỉ thì không có ai làm việc thay được ạ?”, “Không” – vẫn câu trả lời cộc lốc. Sau một thoáng ngập ngừng, chị Tình tiếp tục: “Trường hợp nhà chị em có nắm được không, sổ nhà chị làm xong hết rồi…”. “Còn thuế chuyển quyền nhà chị chưa nộp”, nhân viên này đáp. Chị Tình vừa phân bua “Thuế này nhà chị có phải nộp đâu…”, cán bộ này lập tức ngắt lời: “Chiều chị lên làm việc với đồng chí Danh”, mắt vẫn không rời màn hình máy tính.
Theo Thanh Niên
Quảng Nam: Các nhà máy thép hành dân bất kể ngày đêm
Trong nhiều năm liền, cuộc sống bà con thôn 7A xã Điện Nam Đông, huyện Điện Bàn (Quảng Nam) bị đảo lộn vì ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi từ các nhà máy thép trong khu công nghiệp Thương Tín 1 hoạt động gần ngay khu dân cư.
Các nhà máy thép trong khu công nghiệp Thương Tín 1 bố trí ngay sát vách khu dân cư
"Ngày đêm chi cũng không được yên"
Ban ngày, tiếng động cơ luyện sắt thép chạy ầm ầm suốt, tiếng các xe vận tải ra vào thu mua, đổ sắt thép phế liệu gây ra tiếng ồn không chịu nổi.
Ban đêm, từ khoảng 20h tối tới 5h sáng hôm sau, là thời điểm các nhà máy thép trong khu công nghiệp bắt đầu nấu sắt thép phế liệu, thải khói khét lẹt bốc lên phủ trùm khu dân cư muốn ngộp thở.
Khói bụi ám vào nhà dân đen sì
Khổ sở hơn là tiếng nổ bất thình lình giữa khuya do sắt thép trong lò va chạm tóe lửa nghe như tiếng phá mìn, mọi người già trẻ nhỏ thường bị giật mình, mất ngủ. Dưới đây là đoạn video clip người dân ghi hình cảnh nhà máy thép của công ty Việt Pháp, một trong 3 nhà máy trong Khu công nghiệp Thương Tín 1 hoạt động gây tiếng ồn, nhả khí thải suốt đêm:
Đó là chưa kể nước thải của các nhà máy đổ thẳng vào lòng đất mà không có hệ thống xử lý gây ô nhiễm nguồn nước bà con dùng sinh hoạt hằng ngày.
Đó là cảnh khổ của bà con các tổ 1,2,3,4,5 thuộc thôn 7A xã Điện Nam Đông phải hứng chịu từ khi khu công nghiệp Thương Tín 1 bắt đầu hình thành và các nhà máy chế biến sắt thép của các Công ty TNHH Huỳnh Nguyên, Cty Vina Nhật, Cty Việt Pháp lần lượt đi vào hoạt động vào các năm 2007, 2010, 2011.
Ông Trần Tuấn, tổ trưởng tổ đoàn kết số 1 thôn 7A xã Điện Nam Đông bức xúc: "Ngày đêm chi cũng không được yên. Khói bụi cả ngày, ra vào nhà là phải khép kín cửa ngay. Rồi thì bà con nhà nông, làm đồng áng cả ngày vất vả vậy mà tối vừa đặt lưng nằm đã giật mình vì tiếng ồn, mất ngủ thường xuyên. Khủng khiếp nhất là tiếng nổ rung cả cửa nhà bất thình lình giữa khuya. Có hôm, bà con chúng tôi phải tập trung lại yêu cầu các nhà máy ngừng hoạt động cho chúng tôi ngon giấc một đêm thôi mà nói như nước đổ lá khoai".
Không chịu nổi, người dân đã nhiều lần làm đơn khiếu nại, chính quyền cũng tổ chức cho bà con gặp mặt, đối thoại với doanh nghiệp nhưng rồi đâu lại vào đấy.
Tồn tại nhiều sai phạm
Trao đổi với PV Dân trí ngày 13/3, ông Ngô Văn Hùng, Chuyên viên Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Điện Bàn cho biết: qua một số lần thu mẫu khí thải kiểm tra thì các mẫu có một số chỉ tiêu không đạt như mẫu của Cty Vina Nhật có khí thải cacbondioxit, SOx tính theo SO2; Cty Huỳnh Nguyên có khí thải SOx tính theo SO2; Cty Việt Pháp có khí thải CO, hơi H2SO4, SOx tính theo SO2 vượt mức cho phép.
Mới nhất, theo biên bản kiểm tra ngày 12/3, của đoàn kiểm tra liên ngành, cả 3 nhà máy của các công ty Huỳnh Nguyên, Vina Nhật, Việt Pháp đều chưa cung cấp được hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom, xử lý chất thải
Riêng Cty Huỳnh Nguyên chưa niêm yết công khai tại UBND xã báo cáo đánh giá tác động đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; đưa dự án vào hoạt động khi chưa được cơ quan chức năng kiểm tra, xác nhận việc hoàn thành các công trình và các biện pháp bảo vệ môi trường; thực hiện giám sát môi trường không đủ tần suất theo báo cáo.
Cty Vina Nhật thực hiện thu gom chất thải nguy hại nhưng lại chưa bố trí khu vực an toàn để lưu chứa tạm thời; kết quả giám sát nước thải sinh hoạt 02 lần trong năm 2011 đều cho thấy có nhiều thông số vượt quy chuẩn cho phép
Tại cty Việt Pháp thì chưa có biện pháp cách ly kho chứa chất thải nguy hại để đề phòng sự cố tràn đổ chất thải ở dạng lỏng trong kho; chưa cung cấp được bản vẽ và thuyết minh thiết bị lọc bụi trong hệ thống xử lý khí thải, chưa hoàn chỉnh hệ thống thu gom và thoát nước mưa chảy tràn; hệ thống thu gom, xử lý nước từ quá trình xử lý khí thải bị rò rỉ ra hệ thống thu gom nước mưa.
Liên tục từ năm 2007 tới nay, 180 hộ dân ở các tổ 1,2,3,4,5 thôn 7A xã Điện Nam Đông hết lần này đến lần khác gửi đơn khiếu nại. Chính quyền và ngành chức năng cũng có kiểm tra, khắc phục. Nhưng theo ông Trần Tuấn, thì "chưa đâu vào đâu ". Người dân vẫn đang phải ngày đêm khổ sở với khói bụi, tiếng ồn từ các nhà máy thép trong khu công nghiệp bủa vây.
Theo Dân Trí
Diễn tập chống khủng bố tấn công trụ sở UBND phường Không đồng ý với chính quyền địa phương và Ban quản lý dự án đền bù giải phóng mặt bằng làm đường, 5 tên khủng bố đã kích động nhân dân, sau đó tấn công vào trụ sở UBND khống chế các con tin... Sự việc xảy ra sáng 4/10 tại UBND phường Liễu Giai (Ba Đình, Hà Nội). Đây là tình huống...