Những công nghệ đỉnh cao tại CES 2019 nay đã đi đâu về đâu?
Sau những màn công bố hoành tráng và những sản phẩm thử nghiệm độc đáo, chúng ta thực sự có được những gì?
Tại mỗi kỳ CES, các công ty công nghệ lại tận dụng cơ hội để trình làng những sản phẩm thử nghiệm táo bạo và kỳ lạ bậc nhất thế giới, gây trầm trồ cho công chúng, khiến giới báo chí bị ấn tượng mạnh, và cắm những lá cờ tiên phong lên những “mảnh đất” mới mẻ buộc các đối thủ phải chú ý. Đôi lúc, đó là những chiếc TV đắt đỏ với kích thước lớn đến khó hiểu, hoặc đôi lúc là một dàn PC chơi game kiểu mô-đun. Đó cũng có thể là một concept xe chạy điện, hoặc một con robot thú cưng cực kỳ tinh vi.
Nhưng điều chúng ta ít được nghe sau khi những màn công bố đã nhạt nhòa và sự hứng khởi cũng vơi dần đi chính là số phận cuối cùng của các sản phẩm đó. Xét cho chùng, CES là một trong những nơi an toàn nhất trong ngành công nghệ để các công ty công bố những thứ có khả năng chẳng bao giờ xuất hiện lần nữa trong tương lai, mà không phải lo lắng việc phải biến được những concept đó thành các sản ph ẩm thực tế đến tay người tiêu dùng. Nhưng đó cũng là một thú vui. Các công ty biết rằng họ có thể đưa ra một vài thứ kỳ lạ, hoặc đơn giản là quái đản, miễn là chúng xuất hiện tại CES, nơi những yếu tố như tính ngạc nhiên và táo bạo được ưu tiên hơn nhiều so với những con số khô khan về ngày bán ra hay giá cả.
Vậy nên chúng ta hãy cùng nhìn lại những màn công bố sản phẩm lớn tại CES 2019 (cùng một vài thứ lưu luyến từ các năm trước đó) để xem hiện nay chúng đang ở đâu. Một số sẽ mãi là những bản mẫu, trong khi số khác không chỉ đã đến tay người tiêu dùng mà còn tìm được nhóm khách hàng nhiệt thành nữa.
TV OLED cuộn được của LG
Tình trạng hiện tại: bị trì hoãn vô thời hạn
Ban đầu được công bố tại CES 2018, TV OLED cuộn được của LG được dự kiến bán ra trong năm 2019, ít nhất là tại Hàn Quốc. Nhưng điều đó không bao giờ xảy ra. Thay vào đó, LG hứa hẹn sẽ tung sản phẩm ra thị trường toàn cầu vào năm 2020, còn tại Hàn Quốc vào cuối năm 2019. Tưởng đã cận kề, thì tại IFA, LG cho biết TV của họ sẽ không được bán ra ở ngoài Hàn Quốc cho đến năm 2021.
Chúng ta vẫn không biết chiếc TV này sẽ có giá ra sao, hay các kích cỡ của nó. Sản phẩm vẫn chưa được bán ra tại Hàn Quốc, nhưng đầu tuần này, LG bất ngờ “nhá hàng” thứ mà họ dự định mang đến CES vào tuần tới: một màn hình cuộn được hoàn toàn mới, rơi nhẹ nhàng từ trần nhà xuống như một chiếc màn chiếu thay vì trồi lên từ chân đế TV đặt trên sàn nhà.
Quả là một concept thú vị, và có lẽ nó khả thi hơn so với mẫu màn hình cuộn LG mang đến các kỳ CES trước. Có lẽ công ty sẽ nói nhiều hơn về dòng sản phẩm màn hình cuộn của mình vào tuần sau, hi vọng chúng ta sẽ biết được thời điểm và giá bán.
TV MicroLED (TV “The Wall” của Samsung)
Tình trạng hiện tại: Đang bán
Samsung đã nghiên cứu công nghệ màn hình MicroLED thế hệ tiếp theo từ nhiều năm qua, bắt đầu với “The Wall”, một màn hình 146-inch độ phân giải 8K kiểu mô-đun, màu sắc rực rỡ, tại CES 2018. “The Wall” là một loạt các màn hình nhỏ không viền, có thể được cắm vào nhau như ghép hình Lego vậy. Nghe có vẻ như một loại sản phẩm mang tính khoe mẽ là chính tại CES. Tại sao người ta lại mua thứ này, và liệu nó có tốn cả gia tài hay không? Ai cũng nghĩ Samsung chỉ trình diễn nó một chút thôi, rồi lại bắt tay vào phát triển những thứ “truyền thống” hơn.
Ấy thế nhưng, hãng điện tử Hàn Quốc thực sự nghiêm túc với việc thương mại hóa The Wall. Sau khi giới thiệu phiên bản 75-inch, độ phân giải 4K (chứ không phải 8K) của màn hình MicroLED này, Samsung công bố hồi tháng 7/2019 rằng sẽ bắt đầu bán ra một phiên bản lớn hơn. Được gọi là Wall Luxury, màn hình MicroLED 219-inch 6K hoặc 292-inch 8K bao gồm một loạt các mô-đun mà bạn có thể lắp đặt lại với nhau để tạo thành một chiếc TV duy nhất.
Bạn cũng có thể mua mẫu 73-inch 2K (gồm 4 mô-đun) hoặc mẫu 146-inch 4K (gồm 16 mô-đun). Nhưng một số nhà bán lẻ bên thứ 3 liệt kê giá mỗi mô-đun riêng rẽ là 16.000 USD, tức bạn sẽ phải bỏ ra hơn 500.000 USD cho phiên bản 292-inch. Mà khoan, cho dù bạn đủ tiền, bạn vẫn phải liên hệ trực tiếp với Samsung để đặt hàng trước.
Tình trạng hiện tại: Đang bán
Alienware Area-51M là một chiếc laptop chơi game độc nhất vô nhị. Nó có cả CPU và GPU có thể nâng cấp được, xóa bỏ 2 rào cản lớn nhất mà các game thủ chân chính phải đối mặt khi chọn laptop chơi game thay vì máy bàn truyền thống. Nhưng khi được công bố lần đầu tại CES năm ngoái, dù thu hút được sự chú ý của mọi người, Area-51M lại có vẻ quá phi thực tế để có thể biến thành một sản phẩm tiêu dùng hoàn chỉnh.
May thay, Alienware đã xem Area-51M như một sản phẩm thực thụ, và ngay bây giờ bạn có thể mua nó nếu muốn – chiếc máy này không đến nỗi quá đắt đỏ, ít nhất là khi so với mặt bằng chung của các laptop chơi game. Alienware đã bắt đầu bán các phiên bản Area-51M vào cuối tháng 1/2019, và cung cấp cả các gói nâng cấp GPU (có giá khá chát) nếu bạn lỡ mua phiên bản có GPU tầm thấp (phiên bản rẻ nhất của chiếc laptop này có giá khởi điểm đã lên đến 2.000 USD nhưng vẫn chưa được trang bị card Nvidia RTX).
Một điều bạn nên chú ý: khi chơi game, máy chỉ trụ được khoảng 30 phút sau khi sạc đầy mà thôi, do đó nó có thể gọi là một chiếc máy tính bàn di động để chơi game thì đúng hơn là laptop. Nhưng dù sao đi nữa, Area-51M cũng đã thực hiện được mọi điều mà Alienware đã hứa hẹn vào năm ngoái. Điều chúng ta chờ đợi lúc này là liệu Alienware có thể duy trì được mẫu máy này bằng cách làm cho nó tương thích với các GPU sắp công bố trong tương lai từ Nvidia và AMD, chứ không chỉ những GPU Nvidia RTX hiện tại, hay không.
Tình trạng hiện tại: Đang bán
Impossible Foods gây chấn động CES năm ngoái khi công bố một loại bánh burger chay làm từ thực vật hoàn toàn mới. Việc xem biến thể mới này của Impossible Burger như một sản phẩm công nghệ quả là một chiến lược marketing tinh tế: loại burger này như thể đến từ tương lai khi có thành phần là thịt được tạo ra từ phòng thí nghiệm. Nó còn giúp những ai đang lo ngại về một tương lai nơi thịt đỏ thực sự sẽ bị thay thế bằng cách xem loại burger với thành phần từ thực vật này như một cải tiến công nghệ mà chúng ta nên chào đón.
May mắn cho Impossible là loại burger mới của họ không trở thành một trò hề. Công ty đã bắt đầu bán ra Impossible Burger 2.0 chỉ một thời gian ngắn sau CES tại một loạt các nhà hàng trên toàn nước Mỹ. Kể từ đó, hãng đã thay thế loại burger chay nguyên gốc, có chứa protein lúa mì, bằng loại burger chay 2.0 mới, không gluten, sử dụng protein khoai tây – đây chính là loại Impossible Burger chủ yếu mà bạn có thể mua tại các nhà hàng trên toàn nước Mỹ và thậm chí là các cửa hàng tạp hóa nữa.
Tình trạng hiện tại: Chevy Bold đang bán; Byton M-Byte đang chờ chuyển đến tay khách hàng; Faraday Future FF91 có thể không bao giờ được bán.
Với sự trỗi dậy của các loại xe hơi chạy điện và đủ loại thiết bị điện tử thông minh đang xâm chiếm ngành công nghiệp xe hơi trong thập kỷ qua, CES cũng trở thành một show triển lãm xe hơi bởi các phương tiện chạy trên đường phố hiện nay đã được xem như những thiết bị điện tử tiêu dùng tiêu chuẩn. Điều đó thể hiện rõ ràng nhất khi cứ vào tháng 1 hàng năm, lại có một loạt các công ty xe hơi tìm cách cắm lá cờ của mình xuống Vegas. Trong vài năm trở lại đây, chúng ta đã thấy nhiều mẫu xe hơi chạy điện lộ diện, nhưng không phải tất cả đều được tung ra thị trường đúng với thời hạn hứa hẹn.
Chevrolet hồi sinh giấc mơ xe hơi điện của hãng với chiếc Chevy Bolt, một phiên bản chạy hoàn toàn bằng điện của chiếc Volt vốn đã bị ngừng sản xuất. Bolt lần đầu xuất hiện tại CES 2016, và một năm sau, nó đã thực sự chạy trên đường phố châu Âu và Mỹ, đúng như lịch trình đề ra. Phiên bản 2020 mới nhất có phạm vi hoạt động lên đến 259 dặm – vừa rẻ hơn, vừa “trâu bò” hơn chiếc Tesla Model 3 giá thấp nhất, chiếc xe đã bị Bolt chính thức đánh bại trên thị trường xe hơi điện giá rẻ (tuy nhiên, Model 3 hiện bán chạy hơn nhiều so với Bolt và vẫn là chiếc xe hơi điện phổ biến hơn hẳn).
Với hai startup Byton và Faraday Future, tình hình không được khả quan như vậy. Cả hai đều tận dụng CES làm nơi trưng bày các mẫu thử nghiệm, concept, và các sản phẩm thực thụ sẽ sớm được bán ra thị trường. Nhưng cuối cùng họ đều gặp những vấn đề nghiêm trọng. Startup xe hơi điện Byton (Trung Quốc) đã phát triển chiếc SUV chạy điện M-Byte trong nhiều năm, sau đó mang nó đến CES 2018 với dự định sẽ bán phiên bản hoàn chỉnh vào cuối năm 2019. Tại CES năm ngoái, Byton hóa ra chẳng thực sự sản xuất được chiếc xe nào, nhưng ít ra họ cũng tiếp tục…khoe mẽ một màn hình điều khiển khổng lồ như hình dưới đây.
Kể từ sau CES 2019, Byton đã đính chính ngày bán ra của chiếc M-Byte tại thị trường Trung Quốc là giữa năm 2020, còn thị trường Mỹ và châu Âu sẽ là năm 2021. Startup này vẫn sống tốt nhờ một thỏa thuận với nhà sản xuất xe hơi thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc là FAW Group, và chúng ta sẽ phải chờ xem liệu công ty này có thực sự tung ra chiếc SUV vào cuối năm nay hay không, chứ chưa nói đến việc họ có dám bán xe với mức giá hứa hẹn chỉ 45.000 USD!
Faraday Future không may mắn như Byton. Nhiều rắc rối mà công ty đang gặp phải xuất phát từ khả năng quản lý tệ hại của nhà sáng lập Jia Yueting thuộc gã khổng lồ giải trí và điện tử Trung Quốc LeEco. Nhưng điều đó chẳng ngăn được Faraday hiện diện hoành tráng tại CES vài năm trở lại đây. Hãng này đã hé lộ chiếc xe đầu tiên mà hãng dự kiến sản xuất – chiếc SUV chạy điện FF91 – tại CES 2017, một năm sau khi giới thiệu một chiếc xe concept cực kỳ lố bịch bởi chẳng có gì cụ thể hơn để giới thiệu. Vào thời điểm đó, Faraday hứa hẹn sẽ chính thức tung ra FF91 vào năm 2018. Nhưng mọi thứ kể từ đó chẳng khác gì một thảm họa.
Công ty này, trong vài năm qua, đã phải trải qua vô vàn lần trì hoãn sản xuất, sa thải nhân viên, xáo trộn trong bộ máy quản lý, và rơi vào khủng hoảng tài chính – tất cả đều liên quan đến mối quan hệ giữa họ với nhà đầu tư chính, một công ty Trung Quốc tên Evergrande Group, và những món nợ của Yueting tại Trung Quốc và Mỹ. Chưa rõ liệu sẽ có mẫu xe nào với vẻ ngoài đậm chất tương lai mà công ty nhăm nhe dùng để cạnh tranh với Tesla xuất xưởng được hay không.
Smartphone màn hình gập
Tình trạng hiện tại: Huawei Mate X đang bán; Microsoft Duo dự kiến bán ra vào cuối năm 2020; Motorola Razr ra mắt cuối năm nay; Oppo vẫn đang phát triển; Royole FlexPai đang bán; Samsung Galaxy Fold đang bán.
Điện thoại màn hình gập là một trong những chủ đề thú vị nhất trong kỳ CES năm ngoái, với Samsung và Huawei mang các mẫu máy thử nghiệm đến trưng bày, một vài hãng khác thì hứa hẹn sẽ tung ra các bản concept mới trong vài tháng tiếp theo, và số còn lại được đồn là cũng đang phát triển các phiên bản điện thoại màn hình gập của riêng họ.
Ra mắt đầu tiên là chiếc FlexPai của Royole, một chiếc điện thoại màn hình gập cồng kềnh nhưng vẫn hoạt động tốt. Samsung mới chỉ tiết lộ chiếc Galaxy Fold vài tháng trước đó tại hội thảo nhà phát triển của hãng, do đó FlexPai chính là chiếc điện thoại màn hình gập chính thức đầu tiên trên thị trường.
Và không chỉ khoe mẽ, Royole thực sự đã chuyển máy đến tay khách hàng. Từ tháng 3/2019, Royole bắt đầu bán ra một phiên bản nhà phát triển của chiếc FlexPai tại Mỹ, và phiên bản dành cho người tiêu dùng tại Trung Quốc. Giá của phiên bản rẻ nhất vào khoảng hơn 1.300 USD đôi chút, nhưng Royole chắc chắn có thể tự hào mình là hãng đầu tiên bước chân vào thị trường mới lạ này, kể cả khi sản phẩm của họ không thực sự gây được sự chú ý.
Tiếp sau FlexPai, Huawei và Oppo đều vén màn những chiếc điện thoại màn hình gập tương tự tại MWC vào tháng 2 năm ngoái, trong khi Xiaomi thì tiết lộ một phiên bản điện thoại màn hình gập của riêng họ từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa thấy tăm hơi. Không may cho Huawei, chiếc Mate X ban đầu dự kiến bán ra vào tháng 9 đã bị trì hoãn đến tháng 11, và kể cả khi đã bán ra, sản phẩm này cũng chỉ loanh quanh trong thị trường Trung Quốc mà thôi. Ít ra, máy cũng được bán ra và đến tay người dùng. Công ty vẫn đang xem xét liệu có nên bán Mate X trên toàn câu fhay không. Về phía Oppo, chiếc điện thoại màn hình gập của công ty cũng lặn mất tăm từ MWC, giống Xiaomi vậy.
Samsung gặp khá nhiều rắc rối với Galaxy Fold. Sau khi tiết lộ thiết bị vào tháng 10/2018 và vén màn sản phẩm này vào tháng 2, chỉ vài ngày trước khi Huawei vén màn Mate X, Samsung tự tin sẽ là kẻ dẫn đầu và thống trị thị trường điện thoaijmanf hình gập, cho đến khi các reviewer được trên tay sản phẩm của họ.
Rất nhiều trang tin công nghệ đã cho biết thiết bị của Samsung gặp kha khá vấn đề liên quan việc lớp bảo vệ màn hình có thể bị tháo mất, khiến màn hình đứng trước nguy cơ bị hư hỏng, cũng như việc bụi có thể lọt vào khe ở phần bản lề, làm biến dạng màn hình. Samsung buộc phải hủy lịch bán ra và tìm cách khắc phục lỗi. Nhiều tháng sau, hãng khẳng định mọi chuyện đã đâu vào đấy, chính thức bán Galaxy Fold tại Hàn Quốc và Anh, sau đó là tại Mỹ vào tháng 9 với một số cải tiến đáng chú ý đối với phần bản lề, đồng thời trang bị cho máy một lớp bảo vệ màn hình khó gỡ hơn. Nhưng Fold lại có giá đến 1.980 USD, và còn bị xếp vào danh sách các sản phẩm đáng quên, bên cạnh chiếc Galaxy Note 7 có khả năng nổ chẳng khác gì trái lựu đạn.
Một chiếc điện thoại màn hình gập khác, Motorola Razr 2019, chưa có ngày bán ra cụ thể sau khi đã bị trì hoãn một lần vào tháng 12 và dự định sẽ được bán ra vào tháng 1/2020. Ngoài ra còn có Microsoft Duo chạy Android – một thiết bị gây ngạc nhiên cho cả ngành công nghiệp vào tháng 10 vừa qua – dự kiến bán ra vào cuối năm 2020. Trong khi đó, LG, Lenovo, và Sony đều cho biết đang phát triển các mẫu điện thoại màn hình gập khác nhau, và có lẽ chúng ta sẽ được thấy một vài mẫu máy mới đó tại CES hoặc MWC năm nay. Samsung và Huawei cũng đang phát triển các phiên bản mới dành cho Fold và Mate X.
Toilet thông minh Kohler Numi 2.0
Tình trạng hiện tại: chưa được bán ra
Bạn có muốn bỏ ra đến 7.200 USD cho một cái toilet chỉ vì nó được thiết kế cho nhà thông minh hay không? Đó chính xác là thứ mà Kohler mang đến Vegas năm ngoái, khiến giới báo chí vừa hoang mang ngơ ngác, vừa đưa ra những lời khen ngợi khó hiểu như “toilet thông minh của Kohler hứa hẹn một trải nghiệm hoàn toàn đắm chìm”. Hẳn bạn đang tự hỏi chính xác thì mình sẽ có được gì từ một chiếc toilet thông minh xa xỉ như vậy?
Nếu bạn quả thực có hứng thú với chiếc toilet tích hợp trợ lý ảo Alexa này, thì không may cho bạn là Kohler đã im hơi lặng tiếng về nó trong suốt 12 tháng qua. Chiếc toilet được mang đến CES năm ngoái là Numi 2.0, một bản nâng cấp từ chiếc toilet Numi Comfort Height giá 9.000 USD ra mắt từ năm 2013. Mẫu 2.0 này có ngày bán ra dự kiến là quý 2/2020 – theo website của Kohler, nhưng chưa có thông tin giá cả cụ thể ngoài mức giá 7.200 USD mà công ty tiết lộ khi công bố sản phẩm.
Nếu bạn muốn chiếc toilet thông minh xa xỉ đến kỳ quặc này, chắc hẳn bạn sẽ có thể chờ cho đến lúc nó ra mắt. Bởi cứ đọc miêu tả sản phẩm mà xem: “Trong bóng tối, khi bạn bước đến Numi 2.0, đèn đêm tích hợp sẽ dẫn đường cho bạn, nắp sẽ mở và đón chờ bạn bằng một bệ ngồi ấm áp, khi bạn đứng dậy đi, nó xả nước và đóng lại” – thú vị thế cơ mà. Một sản phẩm hoàn hảo đấy!
Razer Project Valerie
Tình trạng hiện tại: vẫn (và có lẽ là mãi mãi) là một bản thử nghiệm.
Razer có xu hướng xuất hiện tại CES với các sản phẩm mà bản thân họ rõ ràng nhận ra là sẽ chẳng có người tiêu dùng nào bỏ tiền ra mua cả. Đó là lý do tại sao họ thường đặt từ “Project” vào trước tên các thiết bị, ví dụ như Project Christine năm 2014, Project Valerie năm 2017, và Project Linda năm 2018.
Năm 2018, chúng ta từng thấy Project Linda, vốn là nỗ lực của Razer nhằm tạo nên một chiếc laptop-điện thoại lai: bạn đặt điện thoại vào một đầu kết nối laptop, biến điện thoại thành bộ não kiêm trackpad của laptop. Linda không bao giờ được tung ra thị trường, điều mà có lẽ bạn đã đoán được khi lần đầu nghe về nó. ĐIều tương tự cũng xảy ra với Christine và Project Ariana, một chiếc máy chiếu với khả năng chiếu bảng màu của bất kỳ thứ gì trên màn hình lên tường – về cơ bản là một thiết bị dùng để khoe mẽ công nghệ ánh sáng Chroma của Razer.
Năm 2019, chúng ta tiếp tục thấy Project Valerie, một laptop chơi game với 3 màn hình – dù không tham vọng như các sản phẩm khác, nhưng lại thực tế hơn. Razer thiết kế Valerie như một loại laptop chơi game mở ra ngoài, cho phép bạn biến màn hình 17.3-inch của nó thành một màn hình siêu rộng với bề ngang gấp 3 lần ban đầu. Nó trông khá kỳ quặc, như hầu hết các loại thiết bị chơi game khác, nhưng không quá lố. Bạn có thể nhầm nó là một bộ 3 màn hình gắn ngoài, cho đến khi nhìn kỹ hơn và thấy bàn phím dính liền.
Không may là, mặc cho đây là một sản phẩm khá hợp lý có thể được thương mại hóa, Project Valerie đã biến mất không dấu vết như mọi dự án thử nghiệm khác của Razer. Valeria không bao giờ xuất hiện, dù rằng CEO Razer là Ming-Lian Tan có một lần gợi ý rằng công ty vẫn đang “phát triển bản lề”.
Tuy nhiên, có một vị khác quá ghiền Valerie đến mức gã đã đánh cắp không chỉ một mà đến hai bản thử nghiệm của nó tại CES 2017. Nếu không bị bắt và xử tội danh phù hợp, tên trộm hào hoa này có lẽ sẽ rất thích thú tận hưởng chiếc laptop 3 màn hình nói trên. Bởi sẽ chẳng ai trên thế giới này có khả năng làm điều đó cả.
Asus ROG Mothership
Tình trạng hiện nay: đang bán
Asus ROG Mothership là một sản phẩm khác tham chiến trên thị trường laptop chơi game nhưng không thực sự là một chiếc laptop – giống như Alienware Area51-M, nó nên được gọi là máy bàn di động chơi game thì đúng hơn, bởi về mặt kỹ thuật, ROG Mothership là một chiếc PC chơi game màn hình 17-inch, nặng 4,5kg, có thể hoạt động bằng pin. Nhưng nó lại không thực sự được thiết kế để dùng như những laptop thông thường. Thay vào đó, Asus phát triển ROG Mothership như một màn hình độc lập, đi kèm với một bàn phím hoàn chỉnh, tháo lắp được, đóng vai trò như nắp che màn hình khi đóng lại – bạn chỉ cần cắm chuột chơi game của mình vào là đã có một combo chuột-bàn phím để chơi game khi ra quán café, chẳng khác gì ngồi máy bàn ở nhà, miễn là nhớ cắm điện!
Nghe qua đã thấy hão huyền đúng không? Không đâu. Asus đã bắt đầu bán thiết bị này từ vài tháng trước với giá 6.499 USD, nhưng chỉ có một cấu hình duy nhất: Intel Core i9, RTX 2080, 64GB RAM, 1.5TB SSD, màn hình G-Sync 144Hz. Rõ ràng bạn chẳng cần cấu hình cao hơn làm gì, khi mà mọi thứ trên chip Mothership hầu như không thể nâng cấp được nữa.
Asus ROG Bezel Free Kit
Tình trạng hiện tại: chưa bao giờ được bán ra
Asus Bezel Free Kit là một trong những món phụ kiện gaming thú vị nhất tại CES 2018. Nó sử dụng các thấu kính đặt theo phương dọc để khúc xạ ánh sáng từ một màn hình, từ đó kéo hình ảnh sang một màn hình khác, hoặc thậm chí là 2 màn hình đặt ở hai bên cùng lúc. Nó cho phép bạn tạo ra một hình ảnh xuyên suốt trên 3 màn hình, nhưng không may cho chúng ta, Bezel Free Kit lại là một trong những sản phẩm xấu số trong danh sách này, hoàn toàn biến mất khỏi bản đồ sau kỳ CES nói trên. Asus sau này không nói gì thêm về nó, mặc dù khẳng định sẽ bắt đầu chuyển đến tay người dùng trong năm 2018, và website của sản phẩm thì có vẻ như chưa được cập nhật kể từ 2 năm trước.
Google Assistant E Ink Display
Tình trạng hiện tại: vẫn là một bản thử nghiệm
Google đã nỗ lực rất nhiều trong việc tăng cường sự hiện diện của mình tại CES trong vài năm qua, đặc biệt trong bối cảnh cuộc chiến trợ lý số với Amazon đã bắt đầu lấn sang lĩnh vực nhà thông minh. Tại CES năm ngoái, Google khẳng định Assistant có thể điều khiển được mọi loại thiết bị bằng cách dùng kèm một thiết bị chuyên dụng đặt gần đó, như một màn hình Google Smart Display hoặc loa Google Home. Theo cách này, bạn có thể trang bị cho mọi món đồ trong gia đình một màn hình nhỏ, và thậm chí là dùng công nghệ E Ink giá rẻ trên các màn hình này, mà không cần bản thân thiết bị phải có vi xử lý đủ mạnh để chạy phần mềm Assistant hoàn chỉnh.
Nói là làm, Google tung ra một thiết bị concept là một màn hình tròn, nhỏ, dùng E Ink, mà bạn có thể gắn lên gương trong nhà tắm. Thiết bị này được in 3D, và hiển thị được những thông tin cập nhật quan trọng trong ngày, như tình hình thời tiết hay giao thông… Quả thực là một ý tưởng hay, nhưng Google sau đó lại im ỉm chẳng công bố thêm gì, và toàn bộ ý tưởng ở trên – được Google gọi là Assistant Connect – vẫn dậm chân tại chỗ trong suốt 12 tháng qua. Có khả năng chúng ta sẽ được nghe nhiều hơn về Google Assitant vào tuần tới tại CES 2020, nhưng sẽ thú vị hơn nếu công ty hồi sinh ý tưởng Assistant Connect thay vì tống nó vào nghĩa địa những sản phẩm bị lãng quên của mình.
Dao cạo râu có chức năng sưởi của Gillette
Tình trạng hiện tại: đang bán
Gã khổng lồ chuyên về dụng cụ cạo râu Gillette mang đến CES 2019 một sản phẩm đáng chú ý – một chiếc dao cạo có chức năng sưởi mà hãng đã nghiên cứu trong nhiều năm – và thậm chí còn gọi vốn cho nó thành công trên trang Indiegogo. Dao cạo râu chạy pin này có một bộ phận sưởi tích hợp bên trong, có khả năng ngay lập tức làm nóng lưỡi dao nên 120 hoặc 110 độ F (khoảng 50 hoặc 43 độ C). Sử dụng nó khiến bạn có cảm giác như lưỡi dao cạo của mình được gắn thêm một chiếc khăn tắm ấm áp vậy.
Không may là, chiếc dao cạo giá 200 USD này không duy trì được sự hào hứng từ người tiêu dùng. Ban đầu nó đúng là hấp dẫn thật, nhưng dần dần người ta nhận thấy tính hiệu quả là chưa đủ để bỏ ra số tiền lớn như vậy. Một người thợ cắt tóc nổi tiếng còn nói rằng tốt hơn bạn nên dùng khăn ấm để áp vào mặt chứ đừng nên bỏ ra số tiền gấp 20 lần một chiếc dao cạo Gillette thông thường để mua một chiếc tự làm ấm!
Taxi bay dùng điện của Bell
Tình trạng hiện tại: vẫn đang phát triển
Bell đặt cược lớn vào tương lai của vận tải cá nhân với hàng loạt các mẫu xe hơi bay chạy điện. Từng được biết đến với tên gọi Bell Helicopter, nhưng sau đó được đổi tên để phù hợp với phương hướng phát triển tập trung vào công nghệ tương lai, công ty hàng không trụ sở tại Texas nổi tiếng với sản phẩm trực thăng V-22 Osprey dành cho quân đội đã xuất hiện tại CES từ năm 2017 và nay tiếp tục nghiên cứu loại phương tiện chạy điện VTOL – viết tắt của “vertical take-off and landing”, tức cất cánh và hạ cánh theo phương dọc. Bell, cùng với hàng chục các startup hàng không và các đại gia trong ngành công nghiệp như Boeing và Airbus, nhận ra một cơ hội lớn và có thể kiếm được rất nhiều tiền từ việc phát triển các loại máy bay nhỏ gọn, hoạt động bằng điện, lấp vào khoảng trống giữa xe hơi, trực thăng và máy bay.
Hiện chúng ta vẫn chưa thấy một chiếc xe bay thực thụ nào đến từ Bell được mang ra thử nghiệm, nhưng điều đó chẳng thể khiến họ không đạt được hợp đồng với Uber nhằm phát triển một “đội quân” taxi bay cho công ty, dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2023. Bell hứa hẹn mẫu xe bay của riêng họ, tên là Nexus – được phân loại là một máy bay đẩy không khí lai điện – sẽ là một trong những loại taxi bay tinh vi nhất khi ra mắt vào giữa thập kỷ 2020 này. Đến lúc này, Bell đã công bố một số ảnh dựng rất ấn tượng về buồng lái và thiết kế ngoại thất của Nexus. Hi vọng, nó sẽ sớm bước ra đời thực sớm!
Theo VN Review
LG bán ra TV OLED 8K tại Nhật, nỗ lực cạnh tranh với Sony đang dẫn đầu
LG vừa mở bán TV OLED 8K đầu tiên trên thế giới tại Nhật Bản. Hãng kỳ vọng Olympic Tokyo 2020 sẽ giúp cải thiện doanh số, khi mà không có đối thủ OLED nào cạnh tranh trực tiếp.
Công ty đã ra mắt TV OLED 8K tại một số thị trường như Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ, bây giờ tới lượt Nhật Bản. Hãng kỳ vọng sự kiện thể thao Olympic Tokyo 2020 sẽ giúp họ cải thiện doanh số bán TV 8K. Một quan chức cho biết: "Chúng tôi kỳ vọng nhu cầu với TV 8K sẽ tăng khi sự kiện đến gần. Do các đối thủ như Sony, Sharp, Panasonic chưa công bố TV OLED 8K, chúng tôi đang nắm lợi thế lớn".
LG "đơn thương độc mã" bán ra TV OLED 8K ở Nhật
LG đang tìm cách cải thiện thị phần TV OLED tại Nhật, nơi mà doanh thu từ loại này chiếm đến 20% tổng doanh thu bán TV năm ngoái. Tại xứ sở hoa anh đào, Sony đang là hãng dẫn đầu với 40% thị phần. Theo sau là Panasonic (36,8%) và Hisense (11,4%), còn LG Electronics chỉ xếp thứ tư với 10,2%. Như vậy, cứ 5 TV OLED bán ra thì Sony đã chiếm mất 2 chiếc trong đó.
Số liệu do hãng nghiên cứu thị trường IHS Markit công bố, tính trong giai đoạn quý 3 vừa qua. Lee Young-chae, phó chủ tịch của LG Electronics Nhật Bản, thừa nhận: "Nhật Bản quả thực là thị trường khó tính với các thương hiệu nước ngoài. Tuy nhiên, LG sẽ duy trì hiện diện ở đây nhờ vào công nghệ OLED". Ông tin tưởng có thể chinh phục trái tim khách bản địa nhờ vào nỗ lực giới thiệu các công nghệ mới như OLED và 8K.
LG tin rằng họ có thể chinh phục dân Nhật nhờ vào công nghệ mới, như OLED và 8K
Theo Business Korea, đây là sự thật bởi mặc dù LG có thị phần TV OLED lớn nhất toàn cầu, nhưng Nhật Bản lại là một thách thức. Người dân có mức độ nhận diện thương hiệu rất cao với các thương hiệu TV bản xứ, gây khó khăn cho bất kỳ hãng nước ngoài nào muốn ghi điểm. Samsung tuy là hãng TV có thị phần lớn nhất, nhưng vào năm 2007 cũng phải rút lui vì không đấu lại được các hãng nội.
Ở chiều ngược lại, trên chính quê nhà LG và Samsung, người dân cũng đặc biệt chuộng TV do các thương hiệu trong nước sản xuất. TV Sony đã phải rút lui khỏi thị trường Hàn Quốc từ vài năm trước, sau đó hãng tập trung kinh doanh máy ảnh, máy quay, đồ âm thanh, PlayStation. Nhờ thế, LG chiếm trọn thị trường TV OLED ở quê nhà bởi chính Samsung đã từ chối ra mắt TV OLED.
Samsung từ chối sản xuất còn Sony không kinh doanh TV ở Hàn Quốc, vậy nên LG độc chiếm thị trường TV OLED quê nhà
Với việc phát hành TV OLED 8K sớm nhất thị trường, các nhà quan sát cho rằng LG sẽ sớm gặt trái ngọt. Theo báo cáo, doanh thu TV OLED tại Nhật của hãng đã tăng hơn 5 lần lên gần 70 triệu USD năm 2018, so với chỉ 13 triệu USD năm 2016. Người dân Nhật rất chuộng TV OLED, đây là một trong những thị trường mà tốc độ tăng trưởng của loại này nhanh nhất.
Theo VN Review
Thêm người Việt chi hơn 2 tỷ đồng mua TV 8K lớn nhất thế giới Hiện tại, ở thị trường Việt Nam, Samsung đã bán được 4 chiếc TV 8K 98 inch - thiết bị vốn nổi tiếng vì có giá thành tương đương một căn chung cư tại Hà Nội và TP.HCM. Như vậy, từ khi ra mắt chiếc TV QLED 8K lớn nhất thế giới, Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường "ăn...