Những con số kỷ lục về công trình tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông
Cách đây 4 năm, đúng ngày tưởng niệm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn (1.11.2009), hàng ngàn tăng ni, phật tử từ các nơi đã đổ về đất thiêng Yên Tử dự lễ khởi công dựng tượng của ngài trên An Kỳ Sinh. Hôm nay, Yên Tử lại đón hàng vạn khách hành hương, tỏ lòng hoan hỉ về dự lễ khánh thành tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông – cũng trùng vào ngày kỷ niệm 705 năm ngài viên tịch.
ảnh minh họa
4 năm và 1 ngày
19 giờ ngày 2.12, lễ trường bến xe Giải Oan, Yên Tử sáng rực ánh đèn hoa đăng. Hàng nghìn phật tử xếp hàng chờ dự lễ cầu an và thắp hoa đăng lúc 19 giờ 30 phút. Giữa cái lạnh buốt chốn núi rừng, ánh sáng lung linh từ những ngọn đèn hoa làm cho lòng người trở nên ấm cúng.
Thượng tọa Thích Thanh Quyết – Trưởng ban Trị sự Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ninh- dù rất bận rộn cho buổi đại lễ vào sáng sớm hôm sau, nhưng cũng dành cho phóng viên vài câu trả lời ngắn. “Khi đúc xong bức tượng Phật hoàng ở độ cao trên 900m so với mặt nước biển mà không xảy ra một sự cố đáng tiếc nào, kể cả về mặt kỹ thuật, chất lượng và an toàn lao động, rồi ngày mai khi đã hoàn thành đại lễ tưởng niệm và khánh thành bức tượng, chúng tôi mới thực sự viên mãn”.
Trong tâm trí của con dân nước Việt, Trần Nhân Tông không chỉ là vị hoàng đế anh hùng đã tạo nên kỳ tích 2 lần chiến thắng quân Nguyên, mà ngài còn là vị tổ sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm, mang tư tưởng hòa nhập đạo với đời, thấm nhuần tính nhân văn sâu sắc, một tư tưởng riêng của Phật giáo Việt Nam.
Với khách hành hương, cái tâm nguyện tôn kính đối với vị Phật hoàng ấy thể hiện qua mỗi bước chân vượt núi; đôi mắt toả rạng niềm vui khi hướng về ánh đèn sáng rực trên đỉnh An Kỳ Sinh – nơi đặt tượng ngài…
Tôi ngủ lại ở chùa Hoa Yên để chờ được hoà vào dòng người tới chiêm bái tượng Phật hoàng vào sáng sớm hôm sau. Dù đã đặt báo thức lúc 4 giờ, nhưng tôi đã bị tỉnh giấc từ 3 giờ sáng bởi tiếng người cười nói, tiếng bước chân dồn dập.
Video đang HOT
Hoá ra, rất nhiều người đã khởi hành vượt núi tới đỉnh An Kỳ Sinh từ rất sớm. Họ sợ đi muộn sẽ không còn chỗ đứng, chỗ ngồi thuận tiện để chiêm ngưỡng bức tượng đồng nguyên khối Phật hoàng Trần Nhân Tông lớn nhất Việt Nam.
Quả thật, khi tôi có mặt tại quảng trường tượng Phật hoàng Trân Nhân Tông vào lúc 4 giờ 30 phút, dòng người đã đổ về đây chật ních các ngả. Hàng nghìn ánh mắt ngước nhìn về phía bức tượng, chờ đón lớp vải đỏ được kéo xuống sau khi làm xong lễ hô thần nhập tượng vào lúc 6 giờ.
5 giờ 45 phút. Khung cảnh u tịch của núi rừng được đánh thức bởi những câu kinh nguyện và thần chú trầm hùng của 9 vị hoà thượng dưới chân tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Sau đó 30 phút, tấm vải đỏ được kéo xuống, bức tượng vị vua anh hùng – người sáng lập thiền phái Trúc lâm Yên Tử Việt Nam – sáng rực trên đỉnh An Kỳ Sinh khi mặt trời còn chưa tỏ.
Bảo tượng với những con số
Dự án xây dựng tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông – Đệ nhất tam tổ Trúc Lâm Yên Tử – được triển khai từ tháng 11.2009, do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Quảng Ninh làm chủ đầu tư, với nguồn vốn được huy động từ nguồn xã hội hóa.
Công trình được dựng trên khu đất rộng 2.200m, cao hơn 920m so với mực nước biển, bao gồm các hạng mục như: Khu vực đặt tượng, sân hành lễ, không gian tượng An Kỳ Sinh, sân tập kết và các hạng mục khác. Tổng kinh phí xây dựng tượng Phật hoàng là 72 tỉ đồng.
Bức tượng được đúc bằng đồng nguyên khối, nặng 138 tấn này không chỉ khơi dậy hình bóng của vị quân vương thao lựơc, kiên cường với tấm lòng nhân từ cao cả của bậc Thánh nhân, từ lâu đã trở thành niềm kiêu hãnh của đất nước, của dân tộc, của Phật giáo Việt Nam.
Ngoài 2 kỷ lục được xác lập là bức tượng Phật được đúc nguyên khối lớn nhất, nằm ở độ cao cao nhất, công trình tượng Phật hoàng Trần Nhân tông còn được đánh giá là thi công với hệ thống kỹ thuật tiên tiến nhất Việt Nam.
Vì là đúc liền khối tại chỗ nên phải thực hiện làm bệ trước; tiếp đến làm một giàn giáo 6 tầng, mỗi tầng cách nhau 3 mét. Mỗi tầng của giàn giáo đều có các lù, lò để thi công, đúc từng tầng một, xong tầng nào thì bịt lò tầng ấy lại. Quá trình đúc như thế được thực hiện tất cả các hạng mục từ đài sen đến thân và đầu tượng. Tổng số chiều cao của tượng là 15m với trọng lượng 138 tấn đồng nguyên khối.
“Với công trình bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông, đến thời điểm này, đây là lần đầu tiên tại Việt Nam thực hiện công nghệ đúc nổi (khuôn nằm trên mặt đất) với khối lượng đồng lớn, khuôn cao, đường kính lớn, đặt ngay trên bệ bêtông. Và, đây là lần đầu tiên đúc trên vị trí núi đá cao, địa hình hiểm trở, không có địa bàn thi công, quanh năm mây mù, ẩm ướt… ” – thượng tọa Thích Thanh Quyết chia sẻ.
9 giờ 30 phút, dòng người nghìn nghịt kéo về núi An Kỳ Sinh dự lễ khánh thành tượng và đại lễ tưởng niệm 705 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn.
Theo thống kê của Ban quản lý Khu di tích Yên Tử, thời điểm hiện tại đã có khoảng trên 2 vạn người về dự đại lễ. Con số trên chắc chắn sẽ gấp nhiều lần vào những ngày tiếp theo, bởi đó là dịp để mọi người bày tỏ lòng thành kính đối với vị vua tài ba, đức độ, một anh hùng dân tộc với tấm lòng yêu nước thương dân ẩn trong cốt cách thanh cao của một nhà tu hành đạt đạo.
Theo LAODONG
Khánh thành Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông khổng lồ trên đỉnh Yên Tử
Sáng mai (3/12), T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ tổ chức lễ khánh thành tôn tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông nặng 138 tấn. Đây là tượng Phật đầu tiên được đúc nổi trên vị trí núi đá cao với khối lượng đồng lớn, khuôn cao, đường kính lớn, đặt ngay trên bệ bê tông hiểm trở, không có địa bàn thi công, mưa, mây mù, ẩm ướt quanh năm.
Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trên khu di tích thắng cảnh Trúc Lâm - Yên Tử
Sau hơn 5 năm khảo sát và thống nhất ý kiến, Hội đồng nghệ thuật và các nhà sử học, chuyên gia đã quyết định chọn vị trí xây dựng tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông nằm trong tuyến bộ hành đường đá tự nhiên, từ khu vực tượng đá An Kỳ Sinh lên chùa Đồng, khu di tích Yên Tử (Quảng Ninh). (Theo Sử sách ghi Phật hoàng Trần Nhân Tông sinh ngày 7 tháng 12 năm 1258, tức vào ngày 11 tháng 11 năm Mậu Ngọ và mất ngày 16 tháng 11 năm 1308 tức vào ngày 03 tháng 11 năm Mậu Thân).
Đây là tượng Phật đầu tiên được đúc nổi trên vị trí núi đá cao với khối lượng đồng lớn, khuôn cao, đường kính lớn, đặt ngay trên bệ bê tông hiểm trở, không có địa bàn thi công, mưa, mây mù, ẩm ướt quanh năm.
Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông được đúc bằng đồng nguyên khối, theo phương pháp thủ công của các làng nghề Đại Bái - Bắc Ninh, Ý Yên - Nam Định và được đặt tại khu An Kỳ Sinh, Yên Tử. Do địa hình thi công trên cao, mặt bằng chật hẹp mà khối lượng vận chuyển lên núi tới 2500 tấn, nhà thầu đã đưa ra phương án đúc tượng ngay trên bệ bê tông, lò nấu đồng nằm trên giàn giáo thép, bố trí trên 4 tầng, nằm xung quanh khuôn tượng, dẫn trực tiếp nước đồng vào khuôn theo hệ thống máng dẫn chảy"
Được biết, do khối lượng đồng lớn hơn 138 tấn, chiều cao tượng 12,6m và tượng để ngoài trời nên thịt đồng phải dày trung bình 4cm. Ban quản lí dự án thay đổi phương án thi công - đúc trượt ba lần: đài sen cao hơn 2 mét, thân tượng chân dung tượng (phần ngực, cổ và đầu) cao 9,9 mét. Tượng được dựng trên khu đất rộng 2.200 m2 gồm khu vực đặt tượng, sân hành lễ, không gian tượng An Kỳ Sinh, sân tập kết và các công trình khác.
Quá trình thi công, phải tiến hành đúc thử lần 1 (3 tấn) để khẳng định khả năng nấu chảy đồng trên độ cao 920m so với mực nước biển, khả năng chịu nhiệt của bệ tượng (nơi tiếp giáp đồng với khuôn, bệ bê tông). Sau đó tiến hành đúc thử lần thứ 2 để kiểm tra khả năng nấu chảy của lò (7 tấn), hệ thống gió, móng lò, hệ thống đóng mở cửa lò, điều khiển nhiệt độ đồng.
Với tổng số vốn đầu tư từ nguồn xã hội hóa lên tới trên 75 tỷ đồng, tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông được đánh giá là công trình kỉ lục, đảm bảo theo phê duyệt, sau lễ khánh thành sẽ tạo nên sức hút mới cho khu di tích danh thắng Yên Tử, phục vụ nhu cầu tâm linh tưởng niệm đức Vua Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Phật hoàng Trần Nhân Tông được sử sách ca ngợi là một trong những vị vua anh minh nhất trong lịch sử Việt Nam, có vai trò lãnh đạo quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ 2 và thứ 3. Không chỉ vậy, Ngài còn là vị Tổ sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm. Đây là Thiền phái mang tư tưởng hòa nhập đạo với đời, thấm nhuần tính nhân văn sâu sắc, một tư tưởng riêng của Phật giáo Việt Nam. Việc xuất gia tu đạo của Ngài khi đất nước yên bình đã góp phần không nhỏ cho đời sống chính trị Đại Việt cuối thế kỷ XIII, đầu thế kỷ XIV trở nên ổn định, ôn hòa, dân được hưởng cảnh ấm no, hạnh phúc.
Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông được đúc cân đối ở tư thế ngồi ở trạng thái tĩnh tại, ung dung thư thái. Tượng sẽ phù hợp với bối cảnh và địa hình chung, được lấy từ bản gốc bức tượng đá đang được thờ tại Tháp tổ chùa Hoa Yên. Khu vực xây dựng tượng Trần Nhân Tông là một phần quan trọng trong hệ thống di tích chùa tháp tại Yên Tử và ở khu vực đồng bằng Bắc bộ nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng, góp phần tạo thành một quần thể di tích lịch sử danh thắng tâm linh nổi tiếng.
Thượng tọa Thích Thanh Quyết Ủy viên thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự Phật giáo Quảng Ninh, Trưởng ban dự án chia sẻ: "Ngoài việc huy động nguồn vốn xã hội hóa cho công trình, thì khó khăn nhất phải kể đến là biện pháp thi công, mà trước đó là việc chọn mẫu tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông. Sau khi nghiên cứu kỹ 7 mẫu tượng đưa ra trưng cầu ý kiến nhân dân tại Ban Quản lý di tích Yên Tử, chúng tôi cùng với nhiều nhà nghiên cứu đã đi đến thống nhất lấy mẫu pho tượng Trần Nhân Tông trong tháp tổ Huệ Quang với tư thế ngồi thiền hai tay bắt quyết, ngài mặc áo của dòng tiểu thừa, eo thon, khuôn mặt hiền từ thoát tục. Bốn mặt bệ đá đặt tượng của ngài được chạm khắc hoa văn hoa cúc và hình ảnh con rồng thời Trần.
Do vậy, ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn đã trở thành ngày Lễ lớn của Phật giáo Việt Nam và của lịch sử văn hóa dân tộc.
Năm nay, ngày 3/12/2013 sẽ diễn ra Đại lễ tưởng niệm 705 năm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn, đồng thời khánh thành tượng Phật hoàng ngay tại núi An Kỳ Sinh.
Theo Infonet
Hoàn thành tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông Với tổng kinh phí đầu tư lên tới 75 tỷ đồng, pho tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông đúc nguyên khối, chất liệu đồng, chiều cao 12,6m, nặng 138 tấn đang được khẩn trương hoàn thiện những công đoạn cuối cùng cho ngày khánh thành, dự kiến diễn ra ngày 2-12 tới tại đỉnh An Kỳ Sinh thuộc khu di tích danh thắng...