Những cơn mưa đời người
Vài hạt mưa lác đác trên thềm nhà rồi càng lúc mưa càng mạnh dần. Má tôi nhìn trời khẽ thở dài: “Vậy là ba mày lại có việc để làm rồi đấy Bi”.
Hồi ấy tôi chỉ nghe vậy thôi. Còn bé xíu, lại mãi lăng xăng với những trò nghịch mưa, tôi nào có hiểu má nói gì. Chỉ biết, mỗi mùa mưa tới là má vừa lo vừa vui. Có lẽ, má vui vì ba sẽ có thêm công việc để làm.
Ba tôi làm cái nghề không có tên cụ thể, người ta hay gọi nôm na là nghề “bán sức lao động”. Nói chung, cứ ai gọi là gì là làm nấy, bán sức lao động để kiếm miếng ăn. Mưa tới công việc của ba tôi nhiều lắm. Có lẽ vì mưa ai cũng lười, hoặc vì vào mùa mưa những công việc lao động chân tay thường dễ gặp nguy cơ tai nạn hơn nên người ta ngại làm. Còn ba tôi thì cứ vẫn cần cù, dùng sức lực của mình đội cả bầu trời mưa! Tôi thường đòi theo ba và được ba dẫn tới chỗ làm. Nơi ba làm là những công trường rộng lớn, hoặc có khi là những cái cống rãnh, có khi ba nhận bốc vác, thậm chí là đi xây vài thứ vớ vẩn nào đó. Tôi được ba cho ngồi một góc nghịch cát, thỉnh thoảng tôi lại chạy ra khoe ra một “chiến tích” nào đó, để nhận lại từ ba một nụ cười hiền. Người ba đẫm mồ hôi hay là mưa thấm ướt áo ba tôi cũng không rõ. Lần nào ba về cũng đã tối mịt, tôi đã ngủ say trên vai ba.Trong giấc ngủ của tôi có mùi mồ hôi nồng nồng của ba, có những đống cát tôi nghịch, những cái xẻng, cái cuốc và cả màn mưa ướt lạnh cuối chiều…
Video đang HOT
Tôi lớn lên cùng mưa, cùng những việc không rõ tên của ba, với những đống cát, xi măng và mùi vôi vữa, những người xắn quần đi trong mưa. Đã có lúc tôi ngốc nghếch hỏi ba: “ Sao ba không núp vào để qua những cơn mưa rồi hãy làm tiếp?” Những lúc ấy ba lại cười xoa đầu tôi: “Phải tranh thủ làm hết việc nào đó rồi làm việc khác chứ con”. Mưa cứ rơi nặng hạt và ba vẫn đang lầm lũi đi xúc cát. Mắt tôi nhòe nước, những khi nhìn theo dáng ba trong mưa…
Tôi vào đại học, gánh nặng trên vai ba thêm oằn. Tự nhiên tôi đâm ra ghét cay ghét đắng cái nghề ba làm, vì nó cướp đi sức khỏe của ba. Tôi cũng ghét chính mình vì không thể giúp được gì cho ba. Những mảnh đạn thời chiến tranh làm chân ba thêm đau nhức, nhưng chưa khi nào tôi thấy ba nghỉ làm. Da của ba sạm đen vì gió, nắng; đôi tay chai sần, thô ráp.Tôi cũng từng phải chứng kiến cảnh những ông chủ quá đáng với ba, nói những lời nhục mạ ba, nhưng ba vẫn im lặng chịu đựng. Biết tôi uất ức, ba chỉ cười hiền: “Không phải ba không biết giận, nhưng quan trọng là phải kềm chế được cơn giận đó. Ba biết con nghĩ gì, miếng ăn là miếng nhục mà con! Đường đời không phải lúc nào cũng bằng phẳng, đừng để sĩ diện và tự ái làm mất đi những gì con đang cần cho cuộc sống”. Tôi im lặng, nuốt vào lòng từng lời ba nói…
Ba ngã bệnh vì mất sức. Má cắp nón đi làm thay ba. Tôi nghe tiếng ba khẽ thở dài ngao ngán. Tóc má như bạc hơn vì gánh nặng cuộc đời. Bàn tay má ngày càng chai đi, lưng cứ còng thêm. Dù gì cũng là đàn bà, gánh vác cái nghiệp của đàn ông sao mà kham nổi. Nhưng, chưa bao giờ tôi thấy má khóc. Dường như nước mắt làm yếu đuối con người nên má cứ giấu biệt nó đi.
Cuộc sống cứ thế trôi đi… Tôi không quá tự tin đón nhận những hứa hẹn tương lai tươi sáng, chỉ biết hạnh phúc với những gì mình đang có trong hiện tại. Và với tôi, thế cũng đủ rồi. Tôi nhìn ra mảnh sân giảng đường, cây hoa dâm bụt duy nhất đang nở những bông hoa màu đỏ rực rỡ dưới màn mưa, trong khi tán lá xanh của những cái cây cao lớn uy nghi khác đã chìm khuất vào trong mưa. Tôi khẽ mỉm cười như đang dậy lên trong lòng hy vọng.
Theo VNE
Mưa ở Sài Gòn
Gần 30 năm sống trên miền Bắc, nên tôi lạ lùng khi trải nghiệm mùa mưa ở miền Nam. Cái đột ngột, bất ngờ, cái vội vàng, ráo riết, cái "đến hẹn lại lên" như một sự tuân thủ kỷ luật trung thành đến khó chịu. Đó là những cảm nhận dễ thấy của mùa mưa ở Sài Gòn.
Người Sài Gòn đã quen với việc ứng biến trước mùa mưa. Vậy nên, thấy âm u đó, vẫn ra đường bình thường. Bởi rất nhiều khi, trạng thái âm u còn kéo dài cho tới khi họ ra ngoài và trở về xong công việc. Lại cũng có khi, mây đen vần vũ một hồi lại bị gió lớn, đẩy sang khu vực khác, và chỗ tưởng không mưa lại hóa có mưa và ngược lại. Rồi nữa, mưa nhanh trút và cũng nhanh tạnh. Cái gì cũng "nhanh nhanh" hệt như nhịp đi gấp gáp của những luồng xe trên phố. Những dòng xe cộ lúc nào cũng miệt mài không nghỉ, chạy tràn qua những ngã năm, ngã bảy rồi tấp vào một hẻm nhỏ nào đó để... tiếp tục rẽ, lại rẽ. Sài Gòn là chốn tứ phương tụ hội. Chẳng ai bận tâm việc cái xe trước mặt kia mang biển số tỉnh nào khi tất cả hòa trong sự đa dạng, phong phú đến bất ngờ. Cũng chẳng ai bận tâm xem người này, người kia nói giọng Bắc hay Trung vì ở xứ này, tiếng nói khác nhau đã là điều tất yếu. Mưa cũng đơn giản và nhẹ nhõm như hơi thở ngày thường của tự nhiên. Đám mây tích tụ nước cứ trôi, tới đâu nặng quá thì trút xuống. Rồi lại bay, lại tích tụ hơi nước, lại trút, lại bay. Nhịp sống phía dưới mưa hiếm khi xáo trộn.
Không dễ thấy cái thảng thốt của người Sài Gòn trong mùa mưa trước những giọt nước ầm ào trút xuống. Chỉ một thoáng thôi, có khi đứng ở ngay cạnh hiên mà mưa nhanh tới mức, chạy biến vào nhà ngay vẫn ướt. Cái thất thường của tự nhiên lâu ngày trở thành cái bình thường trong ứng xử của con người. Không vội vàng, không sốt ruột. Thấy mưa to thì dừng lại, tấp đại vào một quán cà phê. Chờ nhấm nháp hết, mà có khi chưa hết ly cà phê, trời đã lại quang đãng, ra đường đi tiếp. Không hoảng hốt khi cơn mưa vần vũ trên đầu. Sài Gòn mưa nhiều chứ hiếm khi có bão.
Tôi cứ hay lẩn thẩn nghĩ về những mùa mưa ở miền Bắc khi ngắm cảnh sắc không gian dưới làn mưa lất phất Sài Gòn. Mưa ở đây đủ khiến người ta nhớ, mà không dễ kịp làm cho họ buồn, thậm chí day dứt tới thê thiết như những cơn mưa dầm thối đất thối cát. Đứng trước một cơn giông gió, nỗi bất an của người miền Bắc, miền Trung bao giờ cũng lớn. Bởi đâu chỉ là nước ngập, là đường tắc, là bất tiện trong sinh hoạt, còn là bão, là lũ, là khánh kiệt hoa màu, là cuốn trôi nhà cửa, mạng người. Những cơn mưa lúc ấy không còn chỉ là chuyện của trời nữa. Nó đã là chuyện rất hệ trọng của con người.
Sự thực, mối giao cảm và gắn kết giữa con người và thiên nhiên thật chặt. Chỉ cần quan sát cách người ta ứng xử với thiên nhiên, sẽ phần nào hiểu được chính xác sự "hiền" - "dữ" của tiết trời xứ ấy. Tôi cứ nghĩ, nếu có nhà làm phim nào quay ánh mắt của con người hai xứ Nam, Bắc nhìn trời mưa, chỉ cần góc máy thật chuẩn, asẽ thấy rất rõ cảm thức của con người ở hai vùng đất ấy trước thiên nhiên rành rẽ tới mức nào.
Theo VNE
Những sự thật đi qua trong đời người phụ nữ Dù không mấy dễ dàng, nhưng rồi một ngày, bạn sẽ nhận ra... 1. Trong bạn tồn tại cả gái ngoan và gái hư. "Cô ngoan" thường chỉ đem lại rắc rối Cô gái ngoan lúc nào cũng chờ để được gọi. Cô ấy luôn trả lời không và sợ làm phiền bất cứ ai. Cô ấy chín chắn và thuộc tuýp "công...