Những cơn đau đầu ngoại giao mà Tổng thống Trump để lại cho ông Biden vào phút chót
Trong những ngày cuối cùng tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã để lại cho người kế nhiệm những thách thức khó giải quyết.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Alamo, bang Texas ngày 12/1. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo kênh CNN, Tổng thống đắc cử Joe Biden có thể sẽ ngay lập tức tập trung vào các vấn đề trong nước, ví dụ như đại dịch COVID-19 và tình trạng chia rẽ chính trị. Tuy nhiên, chính quyền của ông Trump, trong những ngày cuối cùng, đã để lại cho ông Biden một loạt vấn ngoại giao mới theo kiểu “tiến thoái lưỡng nan”. Trong một số trường hợp, vấn đề đó còn có tầm quan trọng sống còn.
Trong những ngày gần đây, chính quyền Mỹ đã vô cớ đưa Cuba vào danh sách các nước bảo trợ chủ nghĩa khủng bố, coi nhóm nổi dậy Houthi ở Yemen là tổ chức khủng bố nước ngoài và dựng thêm rào cản trong quan hệ ngoại giao Mỹ-Trung khi dỡ bỏ hạn chế liên lạc giữa quan chức Mỹ và đại diện Đài Loan (Trung Quốc).
Những động thái này, do Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thông báo, sẽ khiến ông Biden bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống khi mà một số mối quan hệ đối ngoại quan trọng lại chìm trong tranh cãi.
Ông Raffaello Pantucci, thành viên cấp cao tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratham ở Singapore, nhận định: “Chính quyền của ông Trump đang khóa chặt một loạt cuộc xung đột, gây khó khăn cho khởi đầu nhiệm kỳ của ông Biden trên trường quốc tế”.
Trung Quốc
Quan hệ Mỹ-Trung sẽ khó khăn hơn. Ảnh: AP
Mối quan hệ khó khăn nhất về mặt ngoại giao là mối quan hệ với Trung Quốc. Vì vấn đề Đài Loan mà Mỹ không thuận lợi khi muốn hợp tác với Trung Quốc về các vấn đề như biến đổi khí hậu, chủ nghĩa khủng bố toàn cầu và hàng loạt vấn đề khác.
Không chỉ thế, nếu chính quyền của ông Biden muốn phối hợp với đồng minh châu Âu trong vấn đề Trung Quốc, nhiệm vụ cũng không phải dễ dàng. Các quốc gia châu Âu có quan điểm rất khác nhau về Trung Quốc.
Trong các vấn đề liên quan Trung Quốc, có người cho rằng ông Biden có thể đơn giản là đảo ngược chính sách sau khi nắm quyền. Tuy nhiên, theo ông Pantucci, điều đó có thể khiến ông Biden phải trả giá về mặt chính trị ở Mỹ.
Yemen
Trẻ em bị suy dinh dưỡng do nạn đói kéo dài ở Hajjah, Yemen. Ảnh: AFP/TTXVN
Vấn đề Yemen cũng “đau đầu” không kém, thậm chí còn gây chết người. Cuộc chiến ở Yemen giữa chính phủ do Saudi Arabia hậu thuẫn và phe nổi dậy Houthi do Iran ủng hộ đã kéo dài từ năm 2014. Con đường ngoại giao để chấm dứt xung đột cho tới nay đã thất bại.
Liên hợp quốc đã coi Yemen là nước xảy ra cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất thế giới khi trên 24 triệu người (80% dân số) đang cần hỗ trợ nhân đạo, trong đó trên 12 triệu người là trẻ em.
Quân Houthi tại một khu vực ở thủ đô Sanaa, Yemen, ngày 3/1/2017. Ảnh: AFP/TTXVN
Ông Chris Doyle, Giám đốc Hội đồng Arab-British Understanding, nhận định: “Việc coi Houthi là tổ chức khủng bố sẽ không hỗ trợ giải quyết xung đột theo cách này hay cách khác mà thực sự còn làm nó kéo dài hơn. Có nguy cơ những nhân vật cứng rắn trong Houthi sẽ cảm thấy có thêm động lực hướng tới Iran hơn. Họ sẽ không sẵn sàng tham gia tiến trình ngoại giao hoặc thương lượng bên ngoài với Saudi Arabia”.
Các nhà phân tích cho rằng cuộc khủng hoảng này càng kéo dài, những người cần hỗ trợ nhân đạo sẽ lâm vào tình thế tồi tệ hơn. Coi Houthi là khủng bố sẽ càng khiến các tổ chức hỗ trợ khó khăn hơn trong phân phát thực phẩm, thuốc men cho Yemen, khó duy trì nhân sự tại đất nước này.
Cuba
Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel phát biểu tại một diễn đàn ở Caracas, Venezuela ngày 28/7/2019. Ảnh: AFP/TTXVN
Việc Ngoại trưởng Pompeo coi Cuba là quốc gia bảo trợ khủng bố có thể sẽ có ít ảnh hưởng thực tế nhất, nhưng lại là mất mát cá nhân với ông Biden.
Khi đưa Cuba vào danh sách này, chính quyền của ông Trump đang đặt dấu chấm hết cho nỗ lực của cựu Tổng thống Barack Obama trong bình thường hóa quan hệ với Cuba
Hành động cuối cùng với Cuba này có thể sẽ để lại ảnh hưởng lâu dài. Ông Pantucci nói: “Giờ nếu người Mỹ tới Cuba và nói họ muốn quay lại thời kỳ cuối nhiệm kỳ của ông Obama, thì Cuba có câu hỏi hoàn toàn hợp lý là tại sao mình phải bận tâm khi có thể có ai đó như ông Trump sẽ được bầu làm tổng thống Mỹ năm 2024″.
Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden (phải) và Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris (trái) tại cuộc họp báo ở Wilmington, bang Delaware ngày 8/1. Ảnh: AFP/TTXVN
Thiết lập lại quan hệ với Cuba, mặc dù không phải là mối ưu tiên hàng đầu nhưng cũng sẽ là điều ông Biden cân nhắc vì ông từng là phó tổng thống của ông Obama.
Theo ông Leslie Vinjamuri thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Hoàng gia ở London, đây thực sự là những ngày cuối cùng của chính quyền Tổng thống Trump và họ dường như đang đặt nền tảng cho những gì có thể dựa vào sau này. Ông cho rằng động thái cuối cùng của ông Pompeo có thể là nỗ lực hướng tới cuộc bầu cử tổng thống năm 2024.
Theo CNN, ông Biden sẽ sớm nhậm chức vào ngày 20/1. Ông Trump sẽ rời Nhà Trắng, nhưng ảnh hưởng của ông với thế giới sẽ còn kéo dài nhiều năm. Có thể ông Biden sẽ mất cả nhiệm kỳ để giải quyết những vấn đề mà người tiền nhiệm đặt ra vào phút chót.
Trump nỗ lực cứu vãn di sản
Vài ngày trước khi rời Nhà Trắng, Trump chọn tới thăm bức tường biên giới, biểu tượng cho di sản 4 năm nhiệm kỳ tổng thống của ông.
Trong lần xuất hiện đầu tiên trước công chúng kể từ sau bài phát biểu kêu gọi đám đông kéo tới Đồi Capitol tuần trước, Tổng thống Donald Trump đã quay lại với chủ đề mà ông thường nêu ra trong những thời điểm tranh cãi chính trị: nhập cư.
Trump hôm 12/1 tới thành phố Alamo, bang Texas để kỷ niệm việc hoàn thành hơn 720 km tường biên giới, vốn là cam kết trọng tâm trong chiến dịch tranh cử của ông năm 2016.
Nicole Narea, biên tập viên của Vox, nhận định chuyến thăm là nỗ lực cuối cùng của Trump để cứu vãn di sản của 4 năm nhiệm kỳ, đồng thời hướng sự chú ý của dư luận khỏi nỗ lực xem xét bãi nhiệm ông lần hai của Hạ viện.
Tổng thống Donald Trump thăm bức tường biên giới ở Alamo, bang Texas hôm 12/1. Ảnh: AFP.
Bỏ qua những cuộc khủng hoảng đang bủa vây trong những ngày cuối nhiệm kỳ, Trump tập trung nói về nhiều chính sách mà ông theo đuổi để cơ bản định hình lại hệ thống nhập cư của Mỹ.
"Khi tôi mới nhậm chức, chúng ta chỉ có một biên giới lỏng lẻo, xuống cấp và đổ nát. Chúng tôi đã cải tạo hệ thống nhập cư và hoàn thành bức tường biên giới phía nam an toàn nhất trong lịch sử Mỹ", Trump nói tại Alamo.
Trump đã cắt giảm đáng kể số hồ sơ xin tị nạn được tiếp nhận và xem xét ở biên giới hàng ngày và ban hành Quy trình Bảo vệ Người di cư (MPP), chính sách buộc những người xin tị nạn phải chờ đợi trên lãnh thổ Mexico trong khi hồ sơ của họ được xem xét.
Tổng thống Mỹ cũng ký nhiều thỏa thuận với các quốc gia Trung Mỹ để cho phép Washington gửi trả người xin tị nạn về các nước này, đồng thời kích hoạt các chương trình bí mật cho phép giới chức nhập cư Mỹ đẩy nhanh quy trình trục xuất người xin tị nạn.
Trump cũng ban hành các quy định để giảm bớt các trường hợp được phép xin tị nạn. Ông cũng lấy đại dịch Covid-19 làm lý do để trục xuất hàng chục nghìn người di cư, gồm cả những đứa trẻ không có người thân đi cùng.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ cũng hiểu rằng chính sách của ông có thể bị đảo ngược sau khi Joe Biden nhậm chức vào ngày 20/1. "Chúng ta thậm chí không thể để chính quyền mới nghĩ tới việc dỡ bỏ nó", Trump nói về bức tường biên giới.
Năm 2015, Trump bắt đầu chiến dịch tranh cử tổng thống với bài phát biểu chỉ trích người nhập cư Mexico "mang theo ma túy, các hành vi phạm tội", thể hiện lập trường cứng rắn về hạn chế nhập cư của mình.
Trong chuyến thăm tường biên giới cuối cùng trong nhiệm kỳ vào hôm 12/1, ông nhắc lại lập trường này, tiếp tục "gieo sợ hãi" bằng cách đề cập đến tình trạng tội phạm tràn qua biên giới và việc hình thành các đoàn người nhập cư mới.
Gilberto Hinojosa, chủ tịch đảng Dân chủ ở Texas, cho rằng Trump bắt đầu nhiệm kỳ bằng những lời lẽ thù địch với người nhập cư từ Mexico, và sẽ kết thúc 4 năm cầm quyền với bức tường biên giới, biểu tượng chia tách nhiều cộng đồng ở biên giới.
Năm 2016, Trump cam kết xây "bức tường to, đẹp" dài 1.000 dặm (hơn 1.600 km) tại biên giới với Mexico. Ông cũng tuyên bố sẽ buộc Mexico phải trả tiền cho bức tường này. Nhưng 4 năm trôi qua, Trump mới chỉ hoàn thành hơn 720 km và chi phí xây dựng cho tới giờ vẫn do phía Mỹ chi trả.
Gánh nặng hơn 15 tỷ USD xây tường biên giới đã đổ lên vai những người nộp thuế và một phần được trích từ ngân sách của Lầu Năm Góc, dù không có sự chấp thuận của quốc hội.
Tuy nhiên, bức tường biên giới với chữ ký của Trump trên đó vẫn là minh chứng cụ thể và chân thực về nỗ lực của Trump nhằm ngăn chặn những người xin tị nạn và nhập cư vào Mỹ.
Song câu hỏi mà nhiều người quan tâm hiện nay là liệu nỗ lực cứu vãn di sản của Trump có thành công, khi ông phải chuyển giao Nhà Trắng cho Biden sau một tuần nữa.
Tổng thống đắc cử cam kết không xây thêm bất kỳ bức tường biên giới nào trong nhiệm kỳ, dù ông nói sẽ không dỡ bỏ hàng rào đã được xây dựng dưới thời Trump. Với cam kết này, Biden sẽ trở thành tổng thống đầu tiên kể từ sau George H.W. Bush không xây thêm hàng rào biên giới.
"Tôi không ngạc nhiên khi Biden không muốn phá bỏ bức tường", Jessica Bolter, trợ lý phân tích chính sách tại Viện Chính sách Nhập cư, nói và lưu ý vấn đề xây tường biên giới đã được chính trị hóa như thế nào trong 5 năm qua. "Loại bỏ biểu tượng của nhiệm kỳ Trump sẽ dẫn tới một cơn bão chính trị và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng đưa thực hiện nhiều quyết sách khác ở biên giới này".
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký tên lên tường biên giới ở Alamo, Texas, hôm 12/1. Video: Twitter/ WFLA NEWS.
Bolter thêm rằng cô cũng không ngạc nhiên khi Trump quyết định tới thăm tường biên giới ngay trước khi rời nhiệm sở. "Chúng tôi đã thấy xuyên suốt nhiệm kỳ tổng thống, mỗi khi Trump cảm thấy bị tấn công trên các mặt trận khác, ông ấy sẽ quay về vấn đề nhập cư. Đây là vấn đề cốt lõi của ông ấy, giúp củng cố nền tảng ủng hộ với Tổng thống", Bolter nói. "Đặc biệt khi đối mặt nguy cơ bị xem xét bãi nhiệm, Tổng thống đã cố quay lại và cho thấy những lời hứa mà ông ấy có thể giữ và những việc ông ấy có thể hoàn thành".
Khảo sát của Pew hồi tháng 1/2019 cho thấy 58% người Mỹ phản đối việc xây dựng tường biên giới, nhưng có tới 82% người thuộc phe Cộng hòa hoặc nghiêng về Cộng hòa ủng hộ dự án của Trump, tăng 10% so với năm trước đó, bất chấp chi phí xây dựng được lấy từ tiền thuế của người dân Mỹ.
Dù Trump chưa thực hiện tốt lời hứa bắt Mexico trả tiền xây tường biên giới hoặc hoàn thành nó trong nhiệm kỳ đầu tiên, điều này dường như không phải vấn đề đối với người ủng hộ ông.
"Những người ủng hộ Trump luôn có những cách thần kỳ để điều chỉnh kỳ vọng của họ, nhằm tiếp tục ủng hộ Tổng thống dù ông ấy chưa thể hoàn thành cá cam kết", John Hudak, thành viên cấp cao tại Viện Brookings, nói.
Trump ký tên lên tường biên giới, tuyên bố 'giữ lời hứa' Tổng thống Trump tuyên bố "đã giữ lời hứa" về việc xây tường biên giới khi ký tên lên một phần của bức tường hơn 700 km giáp Mexico. "Suốt nhiều năm, các chính trị gia ra tranh cử với lời hứa bảo vệ khu vực biên giới, để rồi khi được bầu, họ làm điều hoàn toàn ngược lại. Họ thậm chí...