Những chuyển động đáng chú ý trên báo cáo tài chính Vietcombank
Vietcombank vừa công bố BCTC riêng lẻ quý III/2019 với những con số và chuyển động đáng chú ý.
Ảnh minh họa.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Vietcombank (mã VCB) vừa công bố BCTC riêng lẻ quý III/2019.
Theo số liệu được công bố, tại thời điểm cuối tháng 9/2019, tổng tài sản của ngân hàng ở mức 1,15 triệu tỷ đồng, tăng 7,7% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng đạt 702,5 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 12%.
Tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác của ngân hàng ở mức 217,9 nghìn tỷ đồng, giảm 13,2% so với đầu năm. Đáng chú ý, ở khoản mục này, Vietcombank đang trích lập dự phòng rủi ro tín dụng 1.000 tỷ đồng.
Khoản trích lập này hàm ý có yếu tố rủi ro ngay cả ở cho vay và gửi tại các tổ chức tín dụng khác – những khoản thường ít phát sinh rủi ro trong hệ thống ngân hàng nói chung.
Được biết, trong thời gian qua, Vietcombank có tham gia hỗ trợ tái cơ cấu một số ngân hàng yếu kém. Khoản dự phòng, do đó, nhiều khả năng được trích lập cho khoản hỗ trợ này.
Một chuyển động tiếp tục thể hiện rõ tại Vietcombank trong 9 tháng đầu năm nay là việc gia tăng mạnh đầu tư vào trái phiếu của ngân hàng khác.
Cụ thể, trong khoản mục chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán, ngân hàng đã mua thêm gần 7.000 tỷ đồng chứng khoán nợ do các tổ chức tín dụng khác phát hành, tương đương tăng 44,8% so với đầu năm.
Tương tự, trong khoản mục chứng khoán đầu tư giữ đến ngày đáo hạn, chứng khoán nợ do các tổ chức tín dụng khác phát hành cũng tăng 61%, lên mức hơn 36,4 nghìn tỷ đồng.
Trong bối cảnh tiền gửi khách hàng tăng trưởng tới 12,48% so với đầu năm, trong khi “room” tín dụng cho 3 tháng cuối năm không còn quá xông xênh (chỉ tiêu cả năm cho Vietcombank là 15%), thì việc đầu tư vào trái phiếu ngân hàng khác dường như là một lựa chọn hợp lý cho ngân hàng.
Bởi, khoản đầu tư vào trái phiếu ngân hàng thương mại khác của ngân hàng sẽ không bị tính vào tín dụng. Theo đó, giúp ngân hàng “giải phóng” được nguồn tiền nhàn rỗi trong khi vẫn tuân thủ các giới hạn quy định.
Video đang HOT
Mặt khác, hướng chuyển động đầu tư vào trái phiếu và giấy tờ có giá của các tổ chức tín dụng khác cho mức sinh lời cao hơn, thay vì nguồn vốn nhàn rỗi đó dùng làm con thoi lãi suất thấp trên thị trường liên ngân hàng.
Điểm đáng chú ý khác, ở phía Nợ phải trải, khoản tiền gửi thanh toán của Kho bạc Nhà nước dường như đang gia tăng “cố thủ” tại Vietcombank khi tăng mạnh lượng tiền gửi có kỳ hạn.
Cụ thể, theo báo cáo, đến cuối tháng 9, mặc dù tổng lượng tiền gửi thanh toán của Kho bạc đã giảm 14,4% so với đầu năm (từ gần 87,1 nghìn tỷ xuống còn 74,58 nghìn tỷ đồng), nhưng lượng giảm chủ yếu ở tiền gửi không kỳ hạn.
Riêng tiền gửi có kỳ hạn bằng VND của Kho bạc Nhà nước tại Vietcombank lại tăng mạnh tới 23,7%, lên 69,25 nghìn tỷ đồng.
Trong khi, theo Thông tư số 58/2019/TT-BTC quy định về quản lý và sử dụng tài khoản của Kho bạc Nhà nước mở tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngân hàng thương mại do Bộ Tài chính vừa ban hành, dự kiến sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/11/2019 tới, thì toàn bộ nguồn tiền gửi thanh toán của Kho bạc Nhà nước hiện nay đang nằm tại các ngân hàng thương mại phải đổ về tài khoản tổng hợp của Kho bạc Nhà nước tại Trung ương và tài khoản này tập trung tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước.
Về kết quả kinh doanh, 9 tháng đầu năm, Vietcombank tiếp tục đạt được kết quả ấn tượng, với phần lớn các mảng đều có lợi nhuận tăng trưởng tốt. Và ứng viên ngân hàng đầu tiên của Việt Nam có lợi nhuận đạt quy mô “tỷ đô” đã lấp ló sau 9 tháng, đặc biệt là nếu không tiếp tục thực hiện trích dự phòng rất lớn.
Cụ thể, mảng tín dụng mang về cho ngân hàng khoản lãi hơn 25,6 nghìn tỷ đồng trong 9 tháng, tăng 27,1% so với cùng kỳ. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ cũng tăng tới 35%, lên 3,3 nghìn tỷ đồng.
Hoạt động ngoại hối của Vietcombank cũng là một trong những điểm sáng trong kỳ kinh doanh này khi lãi tới hơn 2,5 nghìn tỷ đồng (tăng 57,6% so với cùng kỳ) trong bối cảnh phần lớn các nhà băng báo lỗ hoặc lợi nhuận giảm sút mạnh trong kỳ qua.
Riêng hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh và thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần có dấu hiệu đi xuống, ghi nhận lợi nhuận lần lượt 90 tỷ đồng và 146 tỷ đồng.
Chi phí hoạt động trong kỳ nhích nhẹ 6,4%, lên 12.451 tỷ đồng trong khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 4%, xuống còn 4.800 tỷ đồng.
Theo đó, kết thúc 9 tháng đầu năm, Vietcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 17.250 tỷ đồng, tăng tới 51,9% so với cùng kỳ năm trước.
Về chất lượng tài sản, 9 tháng đầu năm, Vietcombank trích lập dự phòng rủi ro thêm tổng cộng 3.817 tỷ đồng, nâng tổng con số dự phòng trích lập lên hơn 14 nghìn tỷ đồng.
Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng theo đó đã tăng lên 185,9%, so với con số 165,4% hồi đầu năm. Với con số này, Vietcombank đang dẫn đầu hệ thống về tỷ lệ số dư dự phòng rủi ro bao phủ nợ xấu.
TRẦN THÚY
Theo Bizlive.vn
Sau cú sốc tháng 4/2018, cổ phiếu 'ông lớn' ngân hàng lên đường tìm về đỉnh cũ
Mặc dù VN-Index thời gian qua diễn biến trồi sụt, dao động quanh ngưỡng 960 - 1.000 điểm nhưng nhiều cổ phiếu ở nhóm ngân hàng top trên đã lên đường tìm về đỉnh cũ, trong đó một số đã ghi nhận thành quả.
Sau cú sốc tháng 4/2018, cổ phiếu 'ông lớn' ngân hàng lên đường tìm về đỉnh cũ
Đầu tháng 4/2018, VN-Index bất ngờ "gãy trend tăng" và giảm một mạch từ đỉnh 1.200 điểm xuống mốc 940 điểm. Mặc dù sau đó dần hồi phục nhưng "năm lần bảy lượt", VN-Index chỉ ghi nhận một vài phiên ngắn ngủi chinh phục được mốc 1.000 điểm rồi lại giảm. Mốc 1.200 điểm thì còn rất xa vời trong kỳ vọng của các nhà đầu tư.
Trước thời khắc tạo đỉnh, ngân hàng là một trong những nhóm cổ phiếu ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng nhất thị trường. Giới đầu tư tưởng chừng như cổ phiếu ngân hàng đang lấy lại vị thế "cổ phiếu vua" từng tạo dựng nhiều năm trước.
Và khi VN-Index "gãy", cổ phiếu vua cũng nhanh chóng tháo bỏ vương miện.
Từ mốc hơn 73.000 đồng/cổ phiếu (tính theo giá điều chỉnh) chốt phiên giao dịch ngày 3/4/2018, cổ phiếu VCB của Vietcombank đã giảm một mạch xuống 46.000 đồng/cổ phiếu chốt phiên giao dịch ngày 28/5/2018. Nghĩa là giảm tới 37% sau chưa đầy 2 tháng.
Cũng trong chưa đầy 2 tháng, cổ phiếu BID của BIDV đã mất trên 50% giá trị; cổ phiếu CTG của VietinBank mất trên 40% giá trị.
Hai ngân hàng top trên khác (có vốn chủ sở hữu đến hết ngày 30/6/2019 trên 30.000 tỷ đồng, lợi nhuận mục tiêu năm 2019 cỡ khoảng 10.000 tỷ đồng) là MB và VPBank cũng không nằm ngoài xu hướng trên. Thị giá cổ phiếu MBB của MB đã giảm trên 40% từ đỉnh; trong khi đó, cổ phiếu VPB của VPBank mất 37% giá trị.
"Ông lớn" ngân hàng còn lại là Techcombank thì niêm yết 2 tháng sau thời điểm VN-Index tạo đỉnh.
Mặc dù VN-Index thời gian qua diễn biến trồi sụt, dao động quanh ngưỡng 960 - 1.000 điểm nhưng nhiều cổ phiếu ở nhóm ngân hàng top trên đã lên đường tìm về đỉnh cũ, trong đó một số đã ghi nhận thành quả.
Điển hình nhất là trường hợp của Vietcombank. Từ đầu năm tới nay, cổ phiếu VCB đã tăng một mạch, từ mức 53.600 đồng/cổ phiếu chốt phiên giao dịch ngày 2/1/2019 lên mức 81.000 đồng/cổ phiếu chốt phiên giao dịch ngày 29/7/2019, tương đương mức tăng trên 50%.
Chốt phiên giao dịch hôm nay (12/9), cổ phiếu VCB vẫn vững vàng ở mức giá cao hơn đỉnh cũ: 79.500 đồng/cổ phiếu.
Với cổ phiếu BID, diễn biến giá cũng đang theo chiều hướng tích cực. Thị giá BID chốt phiên hôm nay ở mức 38.650 đồng/cổ phiếu - tương đương mức giá hồi cuối tháng 4/2018, chỉ còn cách đỉnh cũ thiết lập hồi đầu tháng 4/2018 khoảng 6.400 đồng/cổ phiếu, tương đương khoảng 17%.
Cần nhắc lại, từ đỉnh, cổ phiếu BID đã mất tới trên 50% giá trị sau chưa đầy 2 tháng.
Dù chưa quá rõ ràng nhưng cổ phiếu MBB cũng đang hướng về đỉnh cũ khi rục rịch bứt phá khỏi vùng 20.000 - 23.000 đồng/cổ phiếu. Ngày 28/8 vừa qua, thị giá MBB đã đạt mức 23.350 đồng/cổ phiếu, suýt phá đỉnh một năm thiết lập ngày 4/10/2018 (23.360 đồng/cổ phiếu - tính theo giá điều chỉnh).
Chốt phiên hôm nay, cổ phiếu MBB giữ ở mức 23.100 đồng/cổ phiếu.
Xu hướng tăng giá của những cổ phiếu trên khó lòng đến từ thị trường chung, bởi VN-Index vẫn đang diễn biến không mấy tích cực, mà chủ yếu đến từ chuyển động trong hoạt động cốt lõi của ngân hàng.
Với Vietcombank là nền tảng kinh doanh vững chắc, tăng trưởng lợi nhuận đáng kinh ngạc (61% cho năm 2018 và 41% cho nửa đầu năm 2019) giúp ngân hàng này giữ vững ngôi vị quán quân lợi nhuận, vượt trội hoàn toàn so với phần còn lại. Trong khi đó, với BIDV là câu chuyện bán vốn cho đối tác ngoại, kỳ vọng xử lý nợ xấu tồn đọng đi đến hồi kết và nền tảng thị phần tín dụng lớn bậc nhất hệ thống.
Trong khi đó, động thúc đẩy giá cổ phiếu của MB là cả hai câu chuyện: bán vốn cho đối tác ngoại và tăng trưởng lợi nhuận.
Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận mục tiêu giai đoạn 2019 - 2024 của ngân hàng này lên đến 20%/năm, cao bậc nhất hệ thống ngân hàng. Cùng với đó là đòn bẩy từ việc bán vốn cho đối tác ngoại cũng như nới room ngoại (MB dự kiến bán 7,5% vốn điều lệ cho đối tác ngoại trong năm 2019).
Ngoài ra, định giá ở mức thấp với P/E chỉ khoảng 7 lần, trong khi trung bình ngành trên 12 lần, cũng là điểm khiến cổ phiếu MBB hấp dẫn giới đầu tư.
Với VPBank, cổ phiếu VPB của ngân hàng này vẫn chưa cho thấy tín hiệu phục hồi rõ ràng, dù cũng đã có cải thiện nhất định trong 3 tháng qua. Trong một động thái mới đây, đại hội đồng cổ đông VPBank đã thông qua phương án mua lại tối đa 10% lượng cổ phiếu đáng lưu hành để làm cổ phiếu quỹ.
Theo ban lãnh đạo ngân hàng này, thị giá VPB hiện tại không phản ánh đúng giá trị thực tế cũng như tiềm năng phát triển của VPBank. Việc mua cổ phiếu quỹ là để giảm bớt số lượng cổ phiếu đang lưu hành nhằm tăng tỷ lệ sinh lời trên mỗi cổ phiếu cho nhà đầu tư, cũng như được hiểu là một thương vụ đầu tư của ngân hàng vào một tài sản có giá trị và có khả năng sinh lời cao trong tương lai.
Minh Tâm
Theo vietnamfinance
Cổ phiếu "vua" chờ "nổi sóng" nửa cuối năm Giá cổ phiếu VCB liên tục phá đỉnh trong tuần qua. Cổ phiếu dẫn dắt thị trường ngân hàng này đang đưa ra chỉ báo cho các cổ phiếu cùng ngành. Từ đầu năm đến nay, thị giá cổ phiếu VCB đã tăng hơn 47%. Cổ phiếu ngân hàng đang phân hóa Kể từ đầu năm đến nay, cổ phiếu VCB của Vietcombank...