Những chiêu lừa bán điện thoại tinh vi trên mạng
Điện thoại di động là vật dụng được mua bán trực tuyến nhiều nhất trên Internet, tuy nhiên, nó cũng là sản phẩm để các đối tượng lừa đảo lợi dụng nhằm “moi” tiền người dùng, ngay cả với người có kinh nghiệm.
Mua di động trên mạng: 5 ăn 5 thua
Một ngày đẹp trời, anh Lê Tuấn, thành viên mạng H.H bỗng dưng đấu giá thắng được chiếc điện thoại Nokia E71 với giá rất hời. Tuy nhiên, chỉ sau 1 vài ngày dùng bỗng dưng hàng loạt sự cố xảy ra, anh bức xúc cho biết: “Giá thị trường đang hơn 4 triệu cho một máy mới cứng, đấu giá thắng được hơn 3 triệu đang mừng vì giá hời, lại được màu đen tuyền đúng ý. Thế mà chỉ 2 ngày dùng thì phát sinh đủ lỗi, máy có 3G nhưng băng tần 1900MHz không dùng được ở Việt Nam, không có camera phụ, không cài được tiếng Việt và bộ gõ telex. Liên hệ lại với chủ cửa hàng thì rõ ràng là thông số không hề sai bởi đây là Nokia E71x của nhà mạng Mỹ, chẳng thể kiện cáo được, nhưng cái kiểu rao bán mập mờ thế này thật chả khác gì lừa đảo”.
Theo tìm hiểu thì phiên bản E71x của nhà mạng AT&T được phát hành với giá khá rẻ do áp dụng hình thức tặng máy kèm dịch vụ, được các đối tượng đem về Việt Nam qua đường xách tay. Máy có hình thức và chức năng gần như y hệt smartphone Nokia E71 nhưng vì là hàng xuất riêng cho thị trường Mỹ nên thông số cũng thay đổi. Vậy là lợi dụng sự mất cảnh giác của người mua, người bán đã tìm cách đẩy hàng và phủi trách nhiệm một cách đàng hoàng.
Nokia E71 trái và E71x phải có kiểu dáng giống nhau nhưng nhiều chức năng quan trọng của E71x không dùng được tại Việt Nam.
Ngoài Nokia E71x như một trường hợp tiêu biểu, các dòng máy của AT&T hay T-Mobile là những sản phẩm đặc biệt cần phải cảnh giác cao độ bởi có thể hình thức chúng chẳng khác gì với sản phẩm bán tại Việt Nam/Châu Á nhưng chỉ thông số phần cứng có những khác biệt về băng tần, phiên bản hệ điều hành và điều này làm ảnh hưởng rất lớn tới chức năng khi sử dụng tại thị trường ngoài nước Mỹ.
Ngoài E series, các dòng máy như Nokia N8 cũng phải cảnh giác khi mua bởi có khả năng hàng xách Mỹ dính lô hàng bị lỗi sập nguồn, vô phương cứu chữa, và chắc chắn trung tâm bảo hành Nokia tại Việt Nam cũng từ chối sản phẩm xách tay.
Tại thời điểm iPhone 4 đang sốt hàng cuối năm 2010, bỗng dưng rộ lên câu chuyện về việc hacker bẻ được hệ thống khóa mạng của iPhone AT&T, từ đó các máy iPhone 4 bản lock có thể biến thành phiên bản quốc tế.
Thực tế thì đây cũng là một chiêu lừa đảo của đám dân buôn găm hàng. Một lượng lớn iPhone 4 đời thấp, bán ra trung tuần tháng 7/2010 đã được đám con buôn ôm lại và sử dụng công cụ unlock mềm để mở khóa. Vỏ hộp và các chi tiết đều được đóng mới, nhập từ Trung Quốc từ tai nghe cho đến sạc, thậm chí, có cả vỏ hộp màu trắng – mà phải đến tháng 4 năm nay Apple mới phát hành iPhone 4 màu này.
Vậy là những chiếc iPhone 4 lock qua “phù phép” đàng hoàng lên thành bản Quốc tế, mới nguyên seal và bị đẩy giá thêm 40% so với giá trị thông thường. Người dùng khi mua các phiên bản này sẽ gặp tình trạng máy hoạt động không ổn định, không thể update firmware mới vì sẽ bị lock trở lại.
Hiện nay, khi iPhone 4 16GB/32GB đang ngày trở nên hiếm thì cũng là lúc các mặt hàng “đóng mới” này xuất hiện trên thị trường do nhu cầu các phiên bản này tại Việt Nam vẫn còn cao, bất kể sự có mặt của iPhone 4S.
Lừa bán máy hỏng cho người mua cũng là một chiêu diễn đi diễn lại mà vẫn có nhiều người mắc lừa những gian thương. Câu chuyện bắt đầu với những chiếc máy điện thoại giá tương đối dễ chịu, điểm giao hàng tại nhà, “bao test thoải mái”.
Video đang HOT
Sức nóng của iPhone 4 cũng tạo điều kiện để giới gian thương lừa đảo.
Tuy nhiên, khi đến nơi, các đối tượng này lại “lươn khươn” rằng nhà có trẻ nhỏ/người già đau ốm, ra ngoài đầu ngõ uống nước test máy. Thường thì chúng chọn lúc giao dịch vào tầm chiều tối nhập nhoạng để giao máy và trong lúc mua thường giả vờ có cuộc điện thoại tới giục đi ngay, có việc gấp.
Người mua phần vì test thấy không có vấn đề gì, phần thì thấy giá cũng được, hình thức máy dễ chấp nhận và thấy người bán cũng nhiệt tình nên không ngần ngại xuống tiền. Đem máy về nhà dùng chưa được một ngày thì sụt nguồn, ăn pin, cảm ứng lệch tứ tung hay thậm chí là máy đang dùng là tự khởi động lại một cách đầy… ngẫu hứng.
Tiền mất tật mang, gọi lại thì ò í e, thuê bao không liên lạc được và nick rao bán hàng cũng là nick mới lập hoặc lập đã lâu nhưng tiểu sử buôn bán chưa được là bao nhiêu.
Nhiều kiểu rao hàng lừa đảo còn đem cả các trung tâm bảo hành ra làm “tem đảm bảo” với cụm từ “sẵn sàng lên hãng check bảo hành” nhưng đó cũng chỉ là một hư chiêu của các “lừa sỹ”. Lấy ví dụ về Nokia 6700 Classic Vàng một thời gian rộ lên do… vàng tăng phi mã. Từ 8 triệu, máy tăng lên 13 triệu đồng mà không có máy bán. Trong khi đó, cùng phiên bản Silver thì giá chỉ xấp xỉ 5 triệu, cộng cả công thay và bộ vỏ 2 triệu thì bán đi vẫn lời.
Các sản phẩm thay vỏ rất khó để kiểm tra qua IMEI bởi thông số này không hiển thị màu sắc máy (Ảnh: 5giay).
Những chiếc 6700 Classic vàng thay vỏ với IMEI chuẩn, Nokia chính hãng xác thực bảo hành “tung tăng” rao bán giá cao. Và để rồi sau đó vô khối trường hợp bị từ chối bảo hành vì đã qua thay vỏ, bị can thiệp phần cứng mặc dù IMEI chuẩn vì nó vốn thuộc về sản phẩm màu bạc.
Làm sao để tránh bị lừa?
Quả là một câu hỏi lớn không lời đáp bởi trên thực tế những lời khuyên đại loại như “đi mua máy cùng người có kinh nghiệm, không nên mua máy cũ” có thể chẳng áp dụng được trong trường hợp nào. Nhiều gian thương cao tay có thể qua mặt được cả những người mua kinh nghiệm khi đã thực sự muốn lừa.
Giao dịch lừa đảo các mặt hàng di động ngày một nhiều và hãy cảnh giác khi tham gia mua bán dạng này.
Thêm vào đó, việc nên hay không nên mua máy cũ vẫn là một cái khó bởi với nhiều người kinh phí hạn hẹp, việc tìm mua các sản phẩm “lướt” là nhu cầu chính đáng.
Tuy nhiên, một số lời khuyên sau có thể phần nào giúp bạn mua hàng qua mạng an toàn:
Nên đặt ra nhiều câu hỏi với người bán về sản phẩm họ đang rao. Ví dụ như máy ra sao, chất lượng thế nào, xước sát ra sao, cần thiết thì chụp ảnh lại các chỗ xước để tiện đánh giá. Nếu người bán là đối tượng bán lẻ có uy tín thì chắc chắn các thông số về máy sẽ nắm được chính xác và trả lời rành rọt. Trước khi mua bạn nên tham khảo thông số máy kỹ càng qua các website công nghệ để biết đường mà “quay”. Phải ghi nhớ nằm lòng rằng: Mất tiền mua thì phải hỏi cho kỹ.
Khi test máy phải kỹ các chức năng cơ bản gồm nghe, gọi, nhắn tin. Hãy thực hiện một cuộc thoại dài 10-15 phút lên tổng đài di động để kiểm tra chức năng thoại. Nhắn tin tra cước hoặc cho bạn bè liên tục để kiểm tra các nút bấm. Chú ý các dấu hiệu máy đã bị mở như ốc bị nhờn, tem dán ốc bị vỡ, một số main, mạch bị hoen rỉ do rơi vào nước…
Các chức năng không dây như WiFi, Bluetooth, 3G cũng là những yếu tố tiên quyết phải kiểm tra kỹ. Bạn có thể vào website để kiểm tra kết nối WiFi, gửi một vài tệp tin nhạc số lớn qua Bluetooth hoặc thực hiện cuộc gọi 3G, truy cập Internet để xem độ ổn định khi kết nối.
Khi mua hàng từ xa, giao hàng qua chuyển phát nhanh, ngoài việc chọn mặt gửi vàng, cửa hàng/người bán uy tín thì bạn cũng phải thỏa thuận kỹ phương án chuyển phát. Các hãng chuyển phát nhanh dù ít nhiều uy tín thì cũng không phải không có trường hợp “chuyển điện thoại, nhận cục gạch” và thật khó để xác định đâu là lỗi do nhà chuyển phát, đâu là giao dịch bất minh.
Đừng quá trông chờ vào IMEI và các thông số mà người bán quảng cáo là trong hạn bảo hành. Máy bán ra có thể bị từ chối bảo hành nếu rơi vào nước, cài firmware ngoài sự cho phép của nhà sản xuất hay thậm chí là jailbreak/root như trên các dòng máy iOS và Android.
Theo ICTnew
Chiêu lừa tiền của tội phạm công nghệ cao
Chúng lừa doanh nhân hoặc người có tài sản lớn tin rằng tài khoản của họ đang bị đánh cắp. Khi nạn nhân hoang mang, chúng giả dạng công an thuyết phục chuyển toàn bộ tiền vào tài khoản riêng của cơ quan này để được bảo vệ an toàn.
Thời gian qua, nhiều vụ tội phạm nước ngoài thâm nhập Việt Nam lắp đặt máy móc, sử dụng thiết bị viễn thông và Internet tốc độ cao sau đó vạch "kịch bản" tiến hành lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều nạn nhân đang sống tại Trung Quốc, Singapore, Đài Loan... đã bị triệt phá.
Ngày 7/7/2010, Cơ quan an ninh (Bộ Công an) đã phát hiện băng nhóm lừa đảo xuyên quốc gia bằng công nghệ cao, bắt giữ 99 người nước ngoài chủ yếu là Đài Loan, Trung Quốc đã có lệnh truy nã quốc tế.
Một nhóm tội phạm công nghệ cao của hai "ông trùm" Trương Chí Tài (Chang) và Hứa Chí Hoàng (Huang) bị bắt.
Qua điều tra, cơ quan an ninh phát hiện những người này chia thành nhiều nhóm (khoảng 8-10 người) và hoạt động độc lập nhau. Nhằm tránh sự phát hiện của các cơ quan chức năng, họ thuê nhà tại những nơi kín đáo thuộc các quận 7, quận 8, quận 12 (TP HCM).
Tuy hoạt động riêng lẻ theo nhóm nhưng đều do hai "ông trùm" chỉ huy gồm Trương Chí Tài (Chang, 45 tuổi) và Hứa Chí Hoàng (Huang, 27 tuổi, đều là người Đài Loan). Sau khi nhập cảnh vào Việt Nam, Chang và Huang đã thuê nhà và lắp đặt đường truyền Internet tốc độ cao, máy tính nối mạng cùng các thiết bị viễn thông đàm thoại quốc tế. Xong xuôi, những người này xây dựng kịch bản và thực hiện hành vi lừa đảo đối với nạn nhân ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Trước hết, băng nhóm này sẽ lập các tổng đài viễn thông giả, điều khiển bằng công nghệ thông tin tấn công vào tài khoản cá nhân của một số khách hàng đang sử dụng dịch vụ viễn thông hoặc có mở tài khoản riêng tại các ngân hàng. Nạn nhân chủ yếu là các doanh nhân có nhiều tiền hoặc những người có tài sản lớn.
Sau đó, khi đánh cắp được thông tin cơ bản của "con mồi", chúng sẽ tấn công lừa bịp khách hàng, làm cho họ tin tài khoản của mình đang bị đánh cắp. Khi nạn nhân đã rất hoang mang, chúng sẽ giả dạng tổng đài của cơ quan công an thuyết phục họ chuyển toàn bộ số tiền vào tài khoản riêng của cơ quan này để được bảo vệ an toàn. Chỉ vài giờ sau đó, những tên tội phạm sẽ rút hết tiền số tiền của các nạn nhân và cao chạy xa bay.
"Kịch bản" đó đã được Chang và Huang thực hiện nhiều lần. Vào một buổi sáng, một người đàn ông ở Cao Hùng, Đài Loan nhận được cuộc điện thoại. Người gọi tự xưng là cán bộ của ngân hàng nơi ông đang gửi tiền, báo cho ông biết là tài khoản của ông trong ngân hàng đã bị một nhóm xã hội đen sử dụng để tiến hành các hoạt động phi pháp.
Tiếp theo, vị "cán bộ" cung cấp cho ông số máy của bộ phận kiểm tra tài khoản khách hàng để ông liên lạc. Lúc gọi đến số máy này, người nghe sau khi hỏi han, lại đề nghị ông bấm phím số 9 hoặc một phím bất kỳ đã được Chang và Huang cài mặc định sẵn, để chuyển cuộc gọi đến "cảnh sát Đài Loan" nhằm làm sáng tỏ vụ việc, chứng minh rằng ông vô can trước những vi phạm pháp luật.
Khi người đàn ông này gọi đến "cảnh sát Đài Loan" đã được nghe một nền âm thanh giả, thấy tiếng gõ bàn phím, tiếng bộ đàm, tiếng người đang trao đổi với nhau về một vụ án nào đó và thậm chí còn có cả tiếng còi hú văng vẳng xa xa. Tất cả những việc này, Chang và Huang đã lập trình trên máy tính.
Phía "cảnh sát Đài Loan" yêu cầu người đàn ông này chuyển tất cả số tiền trong tài khoản của ông sang tài khoản của cảnh sát, mà thực chất là tài khoản của Chang và Huang để được an toàn. Chỉ vài giờ sau khi việc chuyển tiền hoàn tất, bọn tội phạm sẽ rút ngay.
Cũng với "chiêu" tương tự, thời gian qua, Cơ quan an ninh Bộ Công an đã triệt phá 6 vụ việc tội phạm xâm nhập Việt Nam, sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản.
Ngày 5/9, Cơ quan an ninh Bộ Công an phối hợp cùng Công an tỉnh Phú Yên bất ngờ ập vào 5 tụ điểm trên địa bàn thành phố Tuy Hòa (Phú Yên), bắt giữ 57 người. Trong đó phần lớn là người Trung Quốc đã sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản xuyên quốc gia.
Ngày 13/9, Công an TP HCM cũng bắt quả tang 11 người ngoại quốc thực hiện hành vi tương tự để lừa đảo. Tại hiện trường, cơ quan chức năng thu giữ 7 máy tính xách tay, 16 modem, hàng trăm đầu kết nối Internet và 5 thiết bị phát sóng wi-fi...
Mới đây nhất, ngày 17/10, Công an tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Tổng cục An ninh I kiểm tra hai khách sạn ở Nha Trang, bắt quả tang 23 người Trung Quốc và một người Việt Nam đang "hành nghề" lừa đảo. Cảnh sát thu giữ 2 bộ thiết bị đường truyền tốc độ cao, 14 bộ đàm cầm tay, 8 điện thoại wi-fi, 37 điện thoại bàn, 2 USB có dữ liệu và 7 máy tính xách tay.
Một thành viên nhóm lừa đảo công nghệ cao ở Khánh Hòa bị bắt và dẫn giải ra xe. Ảnh: Việt Nữ.
Trung tướng Phạm Quý Ngọ (Thứ trưởng Bộ Công an) cho biết, hiện tội phạm công nghệ cao đang diễn biến khó lường, với nhiều thủ đoạn tinh vi và phức tạp nên công tác điều tra phá án cũng còn gặp nhiều khó khăn. Theo ông Ngọ, cần tăng cường phối hợp, hợp tác và đào tạo tập huấn chuyên sâu cho lực lượng cảnh sát giữa các nước thành viên của Interpol mới đem lại kết quả thiết thực hơn.
Về vấn đề này, Chánh văn phòng Interpol Việt Nam Đặng Xuân Khang cũng cho hay, Việt Nam đã hợp tác với các nước để hỗ trợ nhau trong việc huấn luyện đào tạo. "Đã có nhiều cán bộ chiến sĩ Cục cảnh sát truy nã được đưa ra nước ngoài để đào tạo trong khuôn khổ hợp tác Interpol Việt Nam với các nước thành viên", ông Khang nhấn mạnh.
Ông Khang cũng cho rằng trong thời gian qua tội phạm người nước lợi dụng con đường thăm thân nhân, du lịch để vào Việt Nam lẩn trốn và vi phạm pháp luật. Xu hướng này ngày càng có chiều hướng gia tăng. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ hợp tác với các nước tăng cường kiểm soát biên giới nhằm ngăn chặn tình trạng sử dụng hộ chiếu giả.
Theo VNExpress
Cảnh giác với những chiêu lừa mua bán người Cô gái không lý giải được có một thứ "bùa mê" nào đó đã sai khiến chân cô bước theo họ. Chỉ khi bước chân vào địa ngục thực sự, cô mới hoàn toàn thoát khỏi cơn mê đó. Cô gái được công an Việt Nam phối hợp với công an Trung Quốc cửu trở về từ động mại dâm nằm sâu trong...