Những chiếc máy bay kỳ lạ nhất trong lịch sử hàng không
Đây được xem là những chiếc máy bay có hình dạng kỳ quặc nhất thế giới từng được chế tạo.
Hầu hết mọi người nghĩ rằng máy bay chỉ có một số thiết kế tiêu chuẩn, nhưng điều này hoàn toàn không đúng. Rất nhiều máy bay cũ, (không kể đến máy bay quân sự) có hình dạng kỳ lạ hoặc có kích thước nhỏ hơn hay lớn hơn bình thường. Điều này khiến cho chúng trở thành những chiếc máy bay độc nhất vô nhị.
1. Hughes H-4 Hercules – Ngỗng vân sam
Chiếc máy bay này có tên chính thức là Hughes H-4 Hercules và được chế tạo bởi Hughes Aircraft Company. Được xây dựng trong Thế chiến thứ hai bằng gỗ do thiếu vật liệu thời chiến như nhôm, nó có biệt danh là Spruce Goose (tạm dịch: ngỗng vân sam) và chỉ bay một lần vào năm 1947. Nó được chế tạo để chở 700 hành khách và là phương tiện bay lớn nhất trước đến nay.
(Ảnh: Aerocorner)
Với sải cánh dài hơn cả sân bóng đá, Spruce Goose thực chất là một chiếc thuyền bay và có thể chở tổng cộng tới 68 tấn, bao gồm cả hai xe tăng M4 Sherman nặng 30 tấn. Nó còn được một số người biết đến với cái tên The Flying Lumberyard và ngày nay nó nằm trong Bảo tàng Hàng không Evergreen ở McMinnville, Oregon.
2. Máy bay “mang bầu”
Pregnant Guppy là tên gọi của một dòng máy bay đặc biệt với khoang chứa hàng cực rộng chuyên để vận chuyển các hàng hóa quá khổ. Chiếc máy bay này có vẻ ngoài cồng kềnh và trông giống như một con cá.
(Ảnh: Aerocorner)
Chỉ có một chiếc Pregnant Guppy từng được chế tạo, nhưng nó đã bay trong suốt 15 năm từ 1962 đến 1977. Đây là một chiếc máy bay chở hàng thân rộng, rất lớn được NASA sử dụng thường xuyên nhất để vận chuyển các thành phần của chương trình mặt trăng Apollo.
3. Northrop Tacit Blue
Thay vì hình tròn như hầu hết các hãng hàng không thương mại ngày nay, Northrop Tacit Blue có hình chữ nhật và chỉ có một chiếc được chế tạo. Northrop Tacit Blue được phát triển vào năm 1982, vào thời điểm đó, nó được coi là một trong những công nghệ tốt nhất hành tinh.
(Ảnh: Aerocorner)
Tacit Blue có một số biệt danh như xe buýt trường học ngoài hành tinh và cá voi. Máy bay có tổng trọng lượng 13,6 tấn. Tốc độ bay tối đa đạt 290 dặm/giờ.
4. The Flying Pancake
Mẫu máy bay này thực sự kỳ lạ vì trông giống một con cá đuối gai độc khổng lồ. The Flying Pancake được Hải quân Hoa Kỳ sử dụng trong Thế chiến II và tự hào có sải cánh dài hơn 9,7 mét. Flying Pancake có tốc độ tối đa 550 dặm/giờ và trọng lượng cất cánh tối đa gần 8,5 tấn, khá ấn tượng.
(Ảnh: Aerocorner)
Chiếc máy bay này chỉ cần một phi công và có thể chứa 6 súng máy hoặc 4 khẩu pháo 20 ly.
5. Máy bay siêu cá bảy màu
The Super Guppy là một viên ngọc quý do Aero Spacelines chế tạo. Đây là dòng máy bay chở hàng lớn với thân to và rộng.
(Ảnh: Aerocorner)
Máy bay có khuôn mặt người ngoài hành tinh vẫn đang hoạt động cho đến ngày nay và được sử dụng chủ yếu để vận chuyển các bộ phận chở hàng quá khổ. Chỉ có 5 chiếc The Super Guppy được sản xuất, nhưng chiếc máy bay này đóng vai trò rất quan trọng trong chương trình Apollo vì nó mang theo giai đoạn S-IVB hoàn chỉnh, phần thứ ba của tên lửa Saturn V.
Trên thực tế, Super Guppy là chiếc máy bay duy nhất đủ lớn để hỗ trợ chương trình Apollo, với sải cánh hơn 45,7 mét và chiều dài gần 44 mét. Trọng lượng cất cánh tối đa của nó là hơn 77 tấn. Mẫu máy bay có thể hoạt động ở tốc độ gần 290 dặm/giờ.
Bom nguyên tử và bí mật về một tình bạn bị thử thách
Nhà khoa học vật lý Samuel Goudsmit (người Mỹ) có tình bạn đẹp với đồng nghiệp Werner Heisenberg (người Đức) từ thời thanh niên.
Nhưng, Thế chiến thứ hai đã đặt hai con người ấy vào thế đối đầu, giữa những lựa chọn nghiệt ngã dưới vỏ bọc "vì hòa bình thế giới".
Kế hoạch ám sát táo tợn
Werner Heisenberg là nhà vật lý hàng đầu thế giới ở thế kỷ XX, từng đoạt giải Nobel vào năm 1932. Ông là người đứng đầu Dự án vũ khí hạt nhân của Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ hai. Heisenberg trở thành mục tiêu bị tình báo Mỹ săn đuổi hàng đầu, trong nỗ lực ngăn Hitler sở hữu bom nguyên tử. Washington đã mở "Dự án Manhattan" để đánh giá tiến độ chế tạo vũ khí hạt nhân của Đức.
Nhà khoa học Đức Werner Heisenberg.
Năm 1943, Thiếu tướng Leslie R. Groves - giám đốc Dự án Manhattan, đã lên kế hoạch tiêu diệt các nhà khoa học nguyên tử Đức, bao gồm cả Heisenberg và chỉ đạo William J. Donovan - người đứng đầu Cơ quan Tình báo Chiến lược OSS (tiền thân của CIA - Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ) thực hiện.
Sau quá trình cân nhắc, đại tá Carl Eifler được giao nhiệm vụ bắt cóc Heisenberg khi nhà khoa học người Đức tham dự hội thảo tại Thụy Sĩ vào đầu năm 1944. Trong cuộc họp ở Washington, Eifler đặt câu hỏi: "Nếu tôi không bắt sống được Heisenberg và buộc phải giết ông ấy, cảnh sát Thụy Sĩ sẽ làm gì với tôi?". Ned Buxton, trợ lý của Donovan, lạnh lùng trả lời: "Thì cậu sẽ bị xử, lúc đó chúng tôi không biết cậu là ai". Về cơ bản, đây là một nhiệm vụ tự sát.
Chiến dịch bắt cóc Heisenberg bị hủy bỏ vì không khả thi nhưng OSS vẫn không bỏ cuộc. Ngày 18/12 năm 1944, Werner Heisenberg đã đến Thụy Sĩ để thuyết trình tại đại học Zurich. Trong số khoảng 20 học giả có mặt trong khán phòng, có một kẻ giấu khẩu súng lục Beretta trong áo - đó là đặc vụ Moe Berg, người được giao thực hiện nhiệm vụ.
Moe Berg thông thạo tiếng Đức và đủ kiến thức khoa học để hiểu Heisenberg đang nói gì. Theo chỉ thị, nếu Heisenberg nhắc đến kế hoạch chế tạo bom nguyên tử cho Đức Quốc xã, Berg phải bắn chết ông ấy ngay tại chỗ. Với lực lượng an ninh Quốc xã dày đặc, Berg xác định sẽ bỏ mạng nếu nổ súng. Nhưng, câu nói đáng chú ý nhất của Heisenberg trong buổi thuyết trình chỉ là "Đức đang thua trong cuộc chiến nhưng sẽ tốt biết bao nếu Đức chiến thắng".
Berg cho rằng, không đủ cơ sở để giết Heisenberg. Đặc vụ này quan sát thái độ của nhà khoa học 43 tuổi với Đức Quốc xã trong suốt bữa tiệc sau đó và quyết định không nổ súng, dù có những thời điểm Berg chỉ cách Heisenberg vài bước chân. Trong báo cáo gửi về cho Washington, Moe Berg viết: "Đôi mắt hắn ta (Heisenberg) rất nham hiểm nhưng tôi không thấy hắn định chế tạo bom hạt nhân. Thậm chí, hắn muốn đào tẩu".
Werner Heisenberg thoát chết nhờ những đánh giá cá nhân của Berg. Nhưng thật sự, Đức Quốc xã cũng chưa bao giờ ở gần việc sở hữu vũ khí hạt nhân cho đến giờ phút cáo chung.
Goudsmit (đầu tiên từ trái qua) và Heisenberg (thứ ba từ trái qua) chụp ảnh lưu niệm tại Đại học Michigan năm 1939, vài tuần trước khi Thế chiến thứ hai nổ ra.
Tình bạn và sự phản bội
Năm 1944, khi quân Đồng minh bắt đầu tiến sâu vào các vùng lãnh thổ do quân Đức chiếm đóng, tướng Leslie Groves đã triển khai một chiến dịch có mật danh "ALSOS" nhằm thu thập thông tin về các công trình nghiên cứu khoa học của Đức. Cố vấn khoa học cho ALSOS là nhà vật lý Goudsmit - người bạn thân của Heisenberg. Ông cũng biết rõ thông tin về kế hoạch ám sát Heisenberg và mang tiếng "kẻ phản bội" một thời gian dài.
Cùng quay ngược về những năm 1920, khi Goudsmit và Heisenberg là những sinh viên vật lý ưu tú, thường trao đổi thư từ để thảo luận những đề tài khoa học nóng bỏng. Năm 1939, cả hai gặp nhau tại Hội nghị chuyên đề mùa hè về Vật lý lý thuyết trên đất Mỹ và Heisenberg đã trú tại nhà riêng của Goudsmit khoảng thời gian này.
Một tuần sau Hội nghị, ngày 2/8 năm 1939, nhà khoa học Albert Einstein đã viết thư cho tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt để cảnh báo Đức Quốc xã có thể sử dụng phản ứng phân hạch hạt nhân để sản xuất một "quả bom cực mạnh". Khi Thế chiến thứ hai nổ ra, Heisenberg làm việc ở quê nhà Đức dưới trướng của Hitler và điều này đã dẫn đến sự chia rẽ với người bạn thân. Goudsmit muốn ngăn Đức sở hữu vũ khí hạt nhân và chấp nhận tham gia chiến dịch ALSOS dù biết có thể sẽ đối đầu Heisenberg.
Trên thực tế, Goudsmit biết rất rõ kế hoạch bắt cóc và ám sát Werner Heisenberg của Mỹ nhưng không bao giờ tỏ ý phản đối. Mâu thuẫn về tư tưởng bị đẩy thành mối thù cá nhân: Năm 1943, Goudsmit liên hệ cầu xin Heisenberg tác động Đức Quốc xã để thả tự do cho bố mẹ ruột - những người gốc Do Thái bị bắt vào trại tập trung. Heisenberg không làm gì cả và Goudsmit cho rằng đây là hành động phản bội. Nhưng có một điều mà Goudsmit không biết, bố mẹ ông đã bị sát hại ngay khi bị bắt vào trại và bất kỳ nỗ lực nào của Heisenberg cũng là quá muộn.
Vài ngày trước khi chiến tranh kết thúc, Heisenberg và các nhà khoa học Đức bị bắt ở Bavaria. Họ được đưa đến một nông trại gắn đầy thiết bị nghe lén, nơi Goudsmit nhận ra rằng Heisenberg và các cộng sự đã thất bại trong việc chế tạo bom nguyên tử. Một số nhà nghiên cứu còn cho rằng Heisenberg đã làm sai lệch hướng nghiên cứu ngay từ đầu, ngăn Hitler sở hữu bom nguyên tử và đồng thời giữ mạng cho chính mình.
Nếu điều này là thật, Goudsmit và Heisenberg đều có cùng mục tiêu là ngăn vũ khí hạt nhân xuất hiện. Nhưng những hiểu lầm đã đẩy họ vào thế đối đầu. Heisenberg cũng không hề hay biết người bạn lâu năm tham gia vào kế hoạch ám sát mình: Ông vẫn đặt trang trọng tấm hình chụp cùng Goudsmit năm 1939 trên bàn làm việc và chính Goudsmit là người phát hiện điều này khi đột nhập văn phòng của Heisenberg sau chiến tranh.
Goudsmit có thể biện hộ cho hành động "phản bội" rằng ít nhất không có quả bom nguyên tử nào xuất hiện. "Thật tuyệt vời khi Đức không sở hữu vũ khí hạt nhân. Vậy nên Mỹ chắc cũng không cần nữa nhỉ?", ông nói với một người bạn. Tuy nhiên, Dự án Manhattan của Mỹ đã âm thầm chế tạo thành công hai quả bom nguyên tử và ném xuống thành phố Hiroshima cùng Nagasaki, khiến ít nhất 200.000 người Nhật Bản thiệt mạng. Đó là lần đầu tiên, và hi vọng là lần duy nhất, vũ khí hạt nhân được sử dụng. Goudsmit suýt mất đi một người bạn quý và cũng không thể ngăn bom nguyên tử gây họa cho nhân loại, một kết cục khiến ông dằn vặt suốt nhiều năm sau đó.
Hàn gắn vết thương
Sau chiến tranh, Heisenberg né tránh những câu hỏi về quá khứ. Ông hoạt động tích cực với nhiệm vụ xây dựng lại nền khoa học Đức cho đến lúc qua đời. Năm 1951, ông là đại diện khoa học của Cộng hòa Liên bang Đức tại hội nghị của UNESCO và thay mặt ký công ước thành lập tổ chức nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN). Heisenberg từ chối làm giám đốc khoa học CERN và được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban chính sách khoa học của tổ chức này.
Goudsmit và Heisenberg thường xuyên trao đổi thư từ nhưng tuyệt nhiên không nhắc đến những mâu thuẫn năm xưa. Trong lần gặp nhau hiếm hoi sau chiến tranh, cả hai chỉ nói về khoa học và những ký ức đẹp từ thời còn là nghiên cứu sinh. Heisenberg qua đời năm 1976, thọ 74 tuổi.
"Tôi đã mất một người bạn", Goudsmit nói trong tang lễ Heisenberg, thêm rằng "vào mùa xuân năm 1973, tôi đã gặp và trò chuyện rất lâu với anh ấy tại Washington. Tôi không chắc cuộc nói chuyện ấy có hàng gắn được rạn nứt của chúng tôi hay không, tôi chỉ hi vọng nó sẽ an ủi chúng tôi phần nào đó". Hai năm sau, Goudsmit gặp lại người bạn ở thế giới bên kia.
Thật khó để chỉ trích Goudsmit là kẻ phản bội và cũng không dễ để gọi Heisenberg là "tội phạm chiến tranh" vì phục vụ cho Đức Quốc xã. Goudsmit không hề biết đến kế hoạch chế tạo và ném bom nguyên tử vào hai thành phố của Nhật Bản của Dự án Manhattan. Trong khi đó, Heisenberg "không muốn nước Đức thua cuộc" nhưng không phải người có tư tưởng phát xít và nhiều lần chế nhạo Hitler trong nhóm kín toàn các trí thức người Đức.
Goudsmit và Heisenberg là những nhà khoa học tài năng và có lý tưởng. Nhưng chiến tranh đẩy họ đến sự chia rẽ, làm những điều trái với đạo đức và đã chịu sự phán xét của dư luận và lương tâm. Nếu không có những năm tháng đen tối ấy, bố mẹ của Goudsmit sẽ không chết thảm và có thể cùng con trai tiếp đón người bạn Heisenberg. Nhưng lịch sử không có chữ "nếu".
Chỉ cần 1 nắm rau má, bạn có ngay 3 công thức làm đẹp da Rau má là một trong những nguyên liệu quen thuộc và dân dã trong đời sống hàng ngày. Không chỉ có tác dụng chữa bệnh, rau má còn được sử dụng giúp làm đẹp da. Rau má chứa lượng saponin cao với đặc tính kháng khuẩn, chống viêm và làm lành da. Vì vậy, loại rau này thường được sử dụng để giúp...