Những “chảo lửa” vùng biên (bài 2)
Vì ma túy là món hàng siêu lợi nhuận nên dù luôn đối mặt cái chết, bọn tội phạm vẫn lao vào như thiêu thân. Thế nhưng, trên trận tuyến này, lực lượng phòng chống ma túy không được phép để thua
Hai năm nay, Công an tỉnh Hòa Bình tổn thất nặng về lực lượng khi có tới 4 cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong lúc ngăn chặn tội phạm ma túy (TPMT), số bị thương thì khó ai nhớ hết. Chìa bàn tay cụt một ngón, thượng tá Nguyễn Ngọc Quang, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Phòng chống TPMT (PC47) Công an tỉnh Hòa Bình, cho biết: “Khó mà không có tổn thất khi đối đầu với bọn TPMT”.
Giàu có bất thường
Sau những chuyên án, những cuộc đối đầu sinh tử trên các “chảo lửa” vùng biên Tây Bắc, nửa năm trở lại đây, không khí có vẻ yên bình hơn. Tuy nhiên, theo PC47 Công an tỉnh Hòa Bình, TPMT đang thay đổi “chiến lược” với những hình thức ngày càng tinh vi, phức tạp. Dù vận chuyển heroin bằng ô tô hay xe máy, chúng cũng luôn cho người dò la tình hình, khi an toàn mới lên đường. Vũ khí và các phương tiện cần thiết cũng được TPMT trang bị hiện đại hơn nhiều.
“Có phải lực lượng phòng chống TPMT đã để sổng khá nhiều tội phạm?” – tôi băn khoăn hỏi thượng tá Quang. Vị sĩ quan công an từng tham gia nhiều chuyên án ma túy lớn thẳng thắn: “Sổng nhiều chứ! Tôi nghĩ số TPMT bị bắt giữ chỉ khoảng 5%-10% so với thực tế mà thôi nhưng không vì thế mà chúng ta lùi bước, để bọn chúng lộng hành”.
Thượng úy Đỗ Mạnh Linh hy sinh cách đây một năm khi vây bắt tội phạm ma túy ở Hòa Bình,
để lại nỗi đau khôn nguôi cho đồng đội. ẢNH DO CÔNG AN TỈNH HÒA BÌNH CUNG CẤP
Sau vụ 3 sĩ quan Công an tỉnh Hòa Bình hy sinh vào tháng 2-2010, Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm – Bộ Công an đã thành lập ban chỉ đạo giải quyết tình hình phức tạp tại 3 xã Hang Kia, Pà Cò (huyện Mai Châu – Hòa Bình) và Loóng Luông (huyện Mộc Châu – Sơn La). “Điều đó chứng tỏ Bộ Công an và Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm rất quan tâm tới vấn nạn ma túy nhức nhối tại đây” – thượng tá Quang nhìn nhận.
Video đang HOT
Những đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia luôn tìm đủ mọi cách để qua mắt lực lượng chức năng. Số lượng ô tô đắt tiền ở những “chảo lửa” vùng biên ngày càng nhiều chứng tỏ TPMT vẫn “làm ăn phát đạt”. Hang Kia, Pà Cò có đến 70 ô tô loại sang, chủ yếu là xe 2 cầu, dung tích lớn. Giáp ranh 2 xã này, Loóng Luông còn “giàu có” hơn với hàng trăm chiếc ô tô. Bọn TPMT còn sử dụng những xe đặc chủng có khả năng chống đạn, đủ sức vượt qua sự truy đuổi của lực lượng chức năng.
Với địa thế “rất khó khăn để phát triển kinh tế” của các xã này mà lãnh đạo hai tỉnh Hòa Bình, Sơn La đã khẳng định chúng ta có thể hình dung được tiền tỉ mua ô tô hạng sang, xe chống đạn từ đâu mà có. “Tiền đó chắc chắn là từ hoạt động buôn bán, vận chuyển ma túy. Song, bắt các đối tượng này không hề dễ bởi mạng lưới của chúng cực kỳ bí mật” – thượng tá Quang lo ngại.
Đối đầu “siêu tội phạm”
Thiếu tá Đỗ Văn Đông, chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu Loóng Sập (huyện Mộc Châu – Sơn La), người có kinh nghiệm tiếp cận nhiều đối tượng buôn bán ma túy lọc lõi, nhận xét: “TPMT là “cáo” nhất, liều lĩnh nhất, giàu có nhất trong tất cả các loại tội phạm”.
Theo thượng tá Quang, phương thức đối đầu với những kẻ “siêu tội phạm” này cần thay đổi để giảm tối đa sự tổn thất lực lượng, đồng thời giữ an toàn cho người dân. Từ tổ chức vây bắt những kẻ đặc biệt nguy hiểm đang có lệnh truy nã, Công an tỉnh Hòa Bình chuyển sang vận động chúng ra đầu thú. Hang Kia, Pà Cò có gần 20 TPMT thuộc diện truy nã đặc biệt, nếu bị bắt thì hầu hết sẽ lãnh án tử. Mới đây, Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình đã có thư ngỏ gửi các đối tượng này và gia đình. “Nhờ vậy, nhiều TPMT bị truy nã đã trình diện cơ quan công an và chấp nhận thi hành án” – thượng tá Quang cho biết.
Dù mở đường sống cho những đối tượng TPMT nguy hiểm nhưng nhiều tên vẫn cố tình lẩn trốn. “Với những đối tượng này, chúng tôi kiên quyết bắt và sẽ buộc chúng phải chịu sự trừng phạt thích đáng” – ông Quang quả quyết.
Thượng úy Trần Quốc Hoàn, Đội trưởng Đội Cảnh sát Phòng chống TPMT Công an huyện Tân Lạc – Hòa Bình, tâm sự: “Phụ trách địa bàn nóng bỏng bậc nhất về vận chuyển ma túy ở Hòa Bình, dù trước mỗi kế hoạch hay khi thực hiện các chuyên án bắt TPMT, chúng tôi luôn có phương án bảo đảm sự an toàn tối đa nhưng vẫn khó mà lường trước được sự táo tợn của chúng”.
Rủi ro mà cảnh sát phòng chống TPMT gặp phải diễn ra phổ biến như cơm bữa. Dù vậy, ngay cả khi bị đối tượng gí súng vào mặt, cảnh sát ma túy cận kề cái chết nhưng khi chúng tẩu thoát, họ vẫn truy đuổi đến cùng. Sau những hy sinh, mất mát lớn của lực lượng công an, bọn TPMT hy vọng sẽ uy hiếp được tinh thần của các anh. Thượng tá Quang ưu tư: “Nếu phải lựa chọn giữa vây bắt và thuyết phục TPMT thì phương án tối ưu vẫn là thuyết phục. Thuyết phục được một TPMT bị truy đã đặc biệt ra đầu thú nghe có vẻ đơn giản nhưng đó là cả một kỳ công, tốn rất nhiều thời gian”.
“Khó mà bắt xuể TPMT vì bắt chỗ này, chúng lại xuất hiện ở nơi khác. Cuộc chiến với TPMT chắc chắn sẽ còn kéo dài. Chính vì ma túy là món hàng siêu lợi nhuận nên dù đổ máu, dù luôn đối mặt cái chết, bọn tội phạm vẫn lao vào như thiêu thân. Thế nhưng, trên trận tuyến này, chúng tôi không được phép để thua” – thượng tá Quang quả quyết.
Hai lần suýt bỏ mạng
Gần 20 năm đối mặt với TPMT, trải qua hàng chục vụ đánh án lớn nhỏ và nhiều lần phải cận kề tình huống thập tử nhất sinh khi bọn chúng chống trả quyết liệt nhưng thượng tá Quang nhớ nhất 2 lần suýt bỏ mạng. Trong lần chặn bắt một kẻ buôn bán ma túy ở khu vực Dốc Cun, huyện Kim Bôi – Hòa Bình, ông và tên này cùng bị ngã xuống vực. “Cú ngã ấy khiến lưỡi tôi đứt một phần ba và phải đến 2 tháng sau mới nói lại được” – thượng tá Quang cho biết.
Trước đó, khi chỉ huy lực lượng vây bắt cha con tên TPMT cộm cán Vàng A Khua ở Hang Kia, thượng tá Quang và đồng đội bị bọn chúng đánh trả. “Tôi mất một đốt ngón tay vì bị chém, còn hầu hết các chiến sĩ hôm đó đều bị thương” – ông nhớ lại.
Theo NLD
Những "chảo lửa" vùng biên
Nhiều bản làng vùng biên Tây Bắc như Sơn La, Hòa Bình... thoạt trông rất nên thơ, thanh bình nhưng ít ai có thể hình dung cuộc chiến với tội phạm ma túy ở đây là những cuộc đối đầu sinh tử
Chiếc xe do Tráng A Chư điều khiển đã liều lĩnh lao thẳng vào lực lượng công an làm 2 chiến sĩ thương vong. Ảnh: Công an tỉnh Hòa Bình cung cấp
Thiếu tá Đỗ Văn Đông, chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu Loóng Sập, huyện Mộc Châu - Sơn La, cảm thán: "Tây Bắc đẹp là thế nhưng cứ những nơi đẹp nhất lại là chỗ nóng bỏng nhất về ma túy". Những địa danh như Mai Châu, Pha Luông... đầy lãng mạn trong thơ văn nhưng lại là nơi lực lượng phòng chống tội phạm ma túy luôn phải ở tư thế cảnh giác cao độ, không một phút được lơi lỏng.
Tràn ngập súng ống
Chúng tôi không khỏi giật mình khi xem một thống kê về vũ khí nóng của bọn tội phạm ma túy trong "chảo lửa" Mai Châu - Hòa Bình. Các đối tượng buôn bán, vận chuyển ma túy ở 18 xã của huyện Mai Châu trang bị đến 1.365 khẩu súng, gồm đủ loại súng ngắn, AK, súng săn... Có xã như Cun Pheo, chỉ với hơn 1.000 hộ dân nhưng tới 208 khẩu súng, xã Hang Kia 142 khẩu, Pà Có 120 khẩu, Đồng Bảng 134 khẩu...
Thượng tá Nguyễn Ngọc Quang, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm ma túy Công an tỉnh Hòa Bình, ngao ngán: "Thống kê này còn chưa kể đến các loại lựu đạn, thuốc nổ tự tạo, súng B40... Đây cũng mới chỉ là con số mà công an các xã nắm được, chưa phải số liệu thực tế bởi các đối tượng đặc biệt nguy hiểm chẳng dại gì khai ra vũ khí nóng".
Thiếu tá Đỗ Văn Đông cho biết tội phạm ma túy vận chuyển hàng trắng mang theo súng, lựu đạn để đe dọa lực lượng chức năng là chuyện bình thường. "Trong Đội Phòng chống tội phạm ma túy của đồn từng có nhiều người bị những kẻ gí súng vào mặt. Cách đây 2 năm, một cán bộ phòng chống ma túy Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Sơn La đã hy sinh khi bị chúng bắn tới 8 viên đạn vào ngực. Nhiều kẻ khi bị vây đuổi đã đập lựu đạn vào nhau chan chát như muốn nói rằng chúng sẵn sàng liều chết nếu sa lưới" - thiếu tá Đông nhớ lại.
Ở khu vực biên giới Mai Châu, Mộc Châu..., hằng đêm thường xuất hiện các nhóm từ 3 đến 10 tên mang theo súng AK, súng ngắn, khoác ba lô vận chuyển ma túy. Có những nhóm gần 20 tên áp tải hàng trắng đi lại nghênh ngang như thách thức các tổ tuần tra. Những đường mòn khu vực biên giới, đường tiểu ngạch là nơi các đối tượng vận chuyển, buôn bán ma túy xâm nhập nội địa.
Sẵn sàng liều chết
Quốc lộ 6 đoạn đi qua huyện Tân Lạc - Hòa Bình giáp địa phận huyện Mai Châu có nhiều nơi đường đèo dốc nguy hiểm. Thượng úy Trần Quốc Hoàn, Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm ma túy Công an huyện Tân Lạc, cho biết: "Quốc lộ 6, 12B, 12C và một tuyến giao thông đường thủy đi qua xã Ngòi Hoa của huyện được xác định là con đường trọng điểm về buôn bán, vận chuyển ma túy. Bọn tội phạm coi đây là tuyến vận chuyển chủ lực để đưa ma túy về xuôi. Chúng tôi cũng xem đây là địa bàn đánh chặn trọng điểm".
Đưa cho chúng tôi xem quyển sổ ghi lại ngày giờ và các vụ bắt giữ ma túy trên tuyến đường này, thượng úy Hoàn giải thích: "Chỉ cần 1 bánh heroin là kẻ vận chuyển, mua bán đã phải nhận án chung thân hoặc tử hình nhưng có những tên không ngần ngại mang đến 20, 50, thậm chí 120 bánh. Chúng xác định nếu bị bắt sẽ phải trả giá đắt nên luôn mang tư tưởng sẵn sàng liều chết. Con đường vận chuyển ma túy cũng được bọn tội phạm xem như con đường máu, chúng sẵn sàng làm mọi cách để sống còn nên lực lượng phòng chống gặp không ít tổn thất".
Theo thượng úy Hoàn, nhiều tên khi bị vây đuổi, biết chắc chắn sẽ sa lưới và không thoát khỏi án tử nên đã cắt cổ tự tử. Mới đây, khi bị truy bắt gắt gao, một đối tượng mang theo 120 bánh heroin đã cắt cổ tự tử trên chiếc xe Innova của y. "Những vụ truy lùng tội phạm ma túy chạy vào rừng mang theo súng và heroin nhiều khi gay cấn, ly kỳ chẳng kém gì phim hành động" - thượng úy Hoàn tiết lộ.
Thượng úy Hoàn còn nhớ như in vụ tên Vũ Đình Sơn mang một khẩu súng ngắn ôm theo 8 bánh heroin chạy vào rừng cách đây chưa lâu làm anh em khá vất vả. "Trước khi bỏ trốn, Sơn đã bắn một cảnh sát cơ động bị thương nên chúng tôi lo rằng y có thể tiếp tục gây nguy hiểm cho người dân. Sau một đêm để sổng, chúng tôi đã bắt được Sơn vào sáng hôm sau ở một bờ suối, khi y quá khát và phải đi tìm nước uống" - anh kể.
Hôm chúng tôi tới Hòa Bình cũng là ngày giỗ đầu của thượng úy Đỗ Mạnh Linh, chiến sĩ công an đã hy sinh trong vụ chặn bắt tội phạm ma túy. Thượng úy Linh là cảnh sát cơ động Công an tỉnh Hòa Bình, được giao nhiệm vụ tham gia cuộc chặn bắt Tráng A Chư, một đối tượng cực kỳ nguy hiểm, là mắt xích quan trọng của đường dây ma túy xuyên quốc gia. Chư là một trong những tên tội phạm ma túy điên cuồng nhất mà Công an tỉnh Hòa Bình từng đối đầu. Khi bị chặn bắt, y chống trả quyết liệt và liều chết lao thẳng ô tô vào lực lượng công an khiến thượng úy Linh tử nạn, một thượng sĩ trọng thương. Tráng A Chư cũng định tự tử trên xe nhưng tổ công tác đã kịp thời ngăn chặn.
Tổ chức chặt chẽ, khép kín Đồn Biên phòng cửa khẩu Loóng Sập chỉ quản lý, bảo vệ 29 km đường biên giới nhưng đây thật sự là "chảo lửa" ma túy. 70% số vụ, đối tượng và tang vật ma túy do Bộ đội Biên phòng Sơn La bắt giữ đều xảy ra trên tuyến biên giới do đồn quản lý. Năm 2011, đồn Loóng Sập bắt và khởi tố 37 vụ với 58 đối tượng; riêng 6 tháng đầu năm nay cũng đã bắt, khởi tố 16 vụ - 17 tên vận chuyển, buôn bán ma túy. Thiếu tá Đỗ Văn Đông nhận định: "Hoạt động của tội phạm ma túy ở khu vực biên giới rất phức tạp; phương thức, thủ đoạn rất tinh vi, nguy hiểm. Các đường dây, đối tượng buôn bán, vận chuyển ma túy ở biên giới thường tổ chức chặt chẽ, khép kín trong gia đình, dòng tộc hoặc bị các đối tượng cầm đầu khống chế".
Theo NLD
18 dân thường Afghanistan thiệt mạng trong vụ không kích của NATO Vụ việc này đang đe dọa Hiệp định đối tác chiến lược vừa ký giữa Mỹ và Afghanistan. Ngày 6/6 được xem là một trong những ngày đẫm máu nhất đối với dân thường Afghanistan khi có 18 người thiệt mạng trong vụ không kích của Tổ chức Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO). Cùng với đó là vụ đánh...