Những câu hỏi dai dẳng về MH370
Tuyên bố của Malaysia về việc MH370 lao xuống Ấn Độ Dương không thể dập tắt được hàng loạt nghi vấn, mà chỉ khiến người ta thêm nhớ rằng vẫn còn rất nhiều câu hỏi về chuyến bay này.
Sự biến mất của chuyến bay MH370 trở thành bí ẩn lớn nhất trong lịch sử hàng không thế giới. Ảnh minh họa: Fullist
Các chuyên gia xác định vị trí máy bay rơi như thế nào?
Công ty vệ tinh Inmarsat của Anh đảm nhận việc phân tích dữ liệu vệ tinh và rút ra kết luận chuyến bay MH370 “kết thúc” ở phía nam Ấn Độ Dương. Dựa trên các dữ liệu, Thủ tướng Malaysia cho biết dấu vết cuối cùng của MH370 là ở vùng trời cách thành phố Perth, Australia, 2.500 km về phía tây.
Chris McLaughlin, phó chủ tịch của Inmarsat, khẳng định chiếc phi cơ không thể nào đi về hướng bắc. Theo ông, lộ trình về phía nam Ấn Độ Dương là “phù hợp nhất” với các tín hiệu mà MH370 gửi cho một vệ tinh liên lạc.
“Chúng không phải là vệ tinh quan sát trái đất, chúng chỉ là vệ tinh dữ liệu. Bởi vậy, cần phải có rất nhiều kỹ thuật khác, rất nhiều người khác, để có thể xác minh chuyện gì đã xảy ra với chiếc máy bay”, McLaughlin nói.
McLaughlin cho biết Inmarsat và chi nhánh Điều tra Tai nạn Hàng không của Anh thực hiện quá trình phân tích “mang tính đột phá” dựa trên các thuật toán. Cách tính toán mới thông qua sự đánh giá bởi các chuyên gia thuộc cơ quan không gian, cùng sự giúp đỡ từ hãng Boeing.
Kết luận sẽ chấm dứt làn sóng chỉ trích?
Thủ tướng Malaysia quyết định công bố kết luận máy bay rơi bởi không muốn chính phủ nước mình bị chỉ trích là che giấu thông tin. Kể từ khi MH370 mất tích, Malaysia đã phải hứng chịu nhiều búa rìu dư luận.
Tuy nhiên, tuyên bố của ông Najib càng làm làn sóng phẫn nộ dâng cao cả trong lẫn ngoài nước. Nhiều người cho rằng Malaysia kết luận thiếu căn cứ và không có bằng chứng thuyết phục. Thân nhân của những hành khách mất tích đã hét lên trong lúc biểu tình hôm qua bên ngoài sứ quán Malaysia ở Bắc Kinh: “Bằng chứng đâu?”. Ngoài ra, tin đồn gia đình các hành khách chỉ được báo tin máy bay rơi bằng tin nhắn cũng góp phần thêm dầu vào lửa.
Hộp đen và những mảnh vỡ ở đâu?
Chưa mảnh vỡ nào được tìm thấy. Mọi nguồn lực, trang thiết bị hiện đại đang được huy động để truy lùng bất cứ dấu hiệu nào của MH370, nhất là hộp đen. Trong quá trình tìm kiếm, các hoạt động có lúc phải tạm dừng vì thời tiết xấu và điều kiện biển bất lợi.
Ngay từ đầu, Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ góp một phần quan trọng trong cuộc tìm kiếm. Hạm đội này gửi nhiều tàu thuyền, máy bay và các thiết bị tối tân đến vùng biển phía nam Ấn Độ Dương. Theo Trung tá William J. Marks, phát ngôn viên của hạm đội, họ điều cả hệ thống định vị hộp đen tới nơi tìm kiếm, phòng trường hợp vị trí các mảnh vỡ được xác định.
Mảnh vỡ sẽ tiết lộ những gì?
Các chuyên gia cho biết vết cháy hoặc muội than sẽ chứng minh rằng có đám cháy xảy ra trên khoang. Những mảnh kim loại bị cong hoặc vỡ cho ta biết chiếc máy bay bị rơi xuống nước hay nổ tung giữa bầu trời.
Alan Diehl, cựu điều tra viên chuyên về tai nạn không quân cho biết mảnh vỡ giúp xác định các vụ cháy nổ. Buồng lái cũng cung cấp bằng chứng về hỏa hoạn nếu hệ thống oxy khẩn cấp có dấu hiệu được kích hoạt.
“Những thiệt hại do va chạm rất dễ nhận thấy. Đặc biệt là ở cấp độ vi mô, chúng trông rất khác so với thiệt hại do cháy nổ”, Diehl nói.
Video đang HOT
Cựu phi công máy bay thương mại, Shawn Pruchnicki, cho biết thêm rằng mảnh vỡ giúp trả lời câu hỏi liệu máy bay tiếp nước bằng đuôi hay bằng đầu. “Chúng ta suy luận bằng cách phân tích sự biến dạng và hư hại của các vật thể”, Pruchnicki nhận định.
Người nhà các hành khách chỉ mong có câu trả lời thích đáng. Ảnh: AFP
Các thân nhân muốn gì?
Họ chỉ muốn một thứ duy nhất, đó là bằng chứng. Hàng trăm người là thân nhân các hành khách trên chuyến bay MH370 biểu tình trước đại sứ quán Malaysia ở Trung Quốc, bày tỏ sự giận dữ và thất vọng cực độ. Lý do là họ chưa thể chấp nhận thông báo của chính phủ Malaysia khi chưa có bằng chứng xác thực.
“Nếu các người tìm được mảnh vỡ thì chúng tôi đành chấp nhận”, một người nói. “Nhưng ở đây chẳng có gì cả, chỉ suy đoán từ dữ liệu và phân tích thôi sao?”
“Đó không phải là lập luận vững chắc”, Sarah Bajc, người có bạn trai là hành khách trên chuyến bay mất tích, viết trên tài khoản Facebook. “Nếu chưa tìm được thi thể, chúng tôi vẫn cứ hy vọng”.
Bimal Sharma, người có chị gái đi trên chuyến bay MH370, thừa nhận rằng anh đã “tự mình dong thuyền ra biển vài lần” để tìm câu trả lời.
Các chuyên gia có đồng ý với kết luận của Malaysia không?
Arthur Rosenberg, một luật sư hàng không, bày tỏ sự bối rối trước thông tin mà công ty vệ tinh và chính quyền Malaysia đưa ra. “Chuyên gia Inmarsat bảo là ‘rất có thể’, còn Malaysia lại dùng từ ‘chắc chắn’?”, Rosenberg phàn nàn. “Tôi không tin rằng họ biết chắc chiếc máy bay đang ở đâu. Có thể họ xác định được máy bay rơi ở một vùng nào đấy, nhưng tất cả vẫn là suy diễn”.
Nhiều chuyên gia hàng không khác cũng tỏ ra chán nản và thất vọng với thông tin nhận được. “Chúng tôi chờ hơn hai tuần chỉ để nghe những lời lý giải nực cười”, Jeff Wise, phi công kiêm nhà báo hàng không, nói.
“Trong khoa học, những công bố quan trọng luôn đi kèm với các bằng chứng thuyết phục”, nhà phân tích Miles O’Brien khẳng định. “Hãy cho tôi bằng chứng”.
Có phải việc tìm kiếm MH370 đặc biệt hơn so với những vụ khác?
Theo Ian MacDonald, giáo sư hải dương học Mỹ, những người tìm kiếm phải mò sâu xuống đáy đại dương, bắt đầu rà soát từ một khu vực rộng lớn. Họ tập trung vào các vùng có dấu hiệu tiềm năng của mảnh vỡ.
Đầu tiên, bề mặt đáy biển được rà quét. Người tìm kiếm sử dụng thiết bị định vị thủy âm để dò tìm sóng những âm thanh khả nghi hoặc tín hiệu hộp đen. Họ lập bản đồ để xác định những”vùng có mảnh vỡ bất thường hoặc những vật thể lạ dưới đáy biển rồi cố gắng thu hẹp phạm vi tìm kiếm dựa vào đó”. Lúc này, đội tìm kiếm có thể sử dụng cả thiết bị người lái lẫn thiết bị tự động.
Một ví dụ về thiết bị người lái là Jiaolong, một trong những tàu ngầm định vị có khả năng lặn sâu nhất trên thế giới (hơn 6.400 m). Các thiết bị không người lái tiêu biểu là Towed Pinger Locator, dò được máy bay chìm ở độ sâu 6.000 m, hay Bluefin-21, có thể rà quét và chụp ảnh đáy đại dương ở độ sâu 4.500 m với độ phân giải cao.
Chính quyền Trung Quốc phản ứng ra sao?
Giới chức Trung Quốc kiên quyết đòi thêm bằng chứng từ phía Malaysia. Thứ trưởng Ngoại giaoTrung Quốc Xie Hangsheng yêu cầu đại sứ Malaysia tại Bắc Kinh, ông Iskandar Bin Sarudin, cung cấp “bằng chứng chi tiết” dẫn đến kết luận máy bay rơi.
“Chúng tôi đòi hỏi phía Malaysia đưa ra bằng chứng chi tiết dẫn đến việc họ đánh giá như vậy, cung cấp mọi thông tin và bằng chứng liên quan về kết quả phân tích dữ liệu vệ tinh”, ông Xie nói.
Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Hồng Lỗi, cũng đưa ra lời đề nghị tương tự.
Những ai có mặt trên MH370?
239 người trên chuyến bay đến từ nhiều quốc gia, làm nhiều công việc khác nhau, trong đó có kỹ sư, diễn viên đóng thế, Phật tử hành hương, họa sĩ hay đơn giản chỉ là khách du lịch.
Có người bay từ Kuala Lumpur sang Bắc Kinh để đoàn tụ với người thân, có cặp đôi đang trên đường đi hưởng tuần trăng mật, có kẻ chuẩn bị bắt đầu cuộc sống mới ở một nơi mới…
Họ có nhiều dự định và suy nghĩ khác nhau. Điểm chung là họ đều có người thân, bạn bè, những người mòn mỏi ngóng tin và mong chờ phép màu xảy ra dù chính phủ Malaysia đã đi đến kết luận cuối cùng.
Theo VNE
Crưm sáp nhập vào Nga: 3 câu hỏi lớn
Ngày 16/3 tới đây, Cộng hòa Tự trị Crưm thuộc Ukraina sẽ tiến hành trưng cầu dân ý để trả lời cho câu hỏi khu tự trị này có sáp nhập vào Liên bang Nga hay không. Cuộc trưng cầu dân ý bị chính quyền trung ương Kiev và phương Tây phản đối kịch liệt, coi là bất hợp pháp.
Trong khi đó, Nga coi đây là nguyện vọng chính đáng thể hiện mong muốn của người dân, đa phần nói tiếng Nga, tại bán đảo này. Dưới đây là ba vấn đề liên quan tới việc trưng cầu dân ý này.
Những người thân Nga tại Crưm tuần hành. Ảnh: RIA
Crưm có sáp nhập với quyền hạn là một chủ thể của Liên bang Nga?
Sẽ có hai câu hỏi được đưa ra trong cuộc trưng cầu dân ý: "Ông, bà ủng hộ sáp nhập Crưm vào Liên bang Nga với quyền hạn là một chủ thể của Liên bang Nga?" và "Ông, bà ủng hộ khôi phục hiệu lực của Hiến pháp Cộng hòa Crưm năm 1992 và giữ nguyên quy chế Crưm là một bộ phận của Ukraina?".
Hôm 10/3, Chủ tịch Xô viết Tối cao Cộng hòa tự trị Crưm Vladimir Konstantinov tuyên bố có trên 80% dân chúng bán đảo Crưm muốn sáp nhập với Nga.
Trong khi đó, chính quyền mới Crưm cam kết sẽ nhanh chóng biến bán đảo Crưm thuộc Nga trong "thời hạn sớm nhất". "Nếu như cuộc trưng cầu dân ý toàn dân ủng hộ việc Crưm cần phải nằm trong thành phân của Nga, thì chúng tôi sẽ bắt đầu làm việc suốt ngày đêm. Chúng tôi có thể và sẽ làm việc để nhanh chóng đến mức tối đa nằm trong cơ chế pháp lý của Liên bang Nga. Tôi có niềm tin chắc chắn rằng nhận thấy tất cả mọi vấn đề và sẽ làm tất cả để mọi việc hoàn tất trong thời hạn nhanh nhất" - Đó là lời khẳng định của Thủ tướng Cộng hòa tự trị Crưm Sergei Acsenov.
1.500 quân nhân lực lượng vũ trang Crưm sẽ được huy động bảo vệ các điểm bỏ phiếu trưng cầu dân ý tại Crưm về việc sáp nhập vào Liên bang Nga trong ngày 16/3 tới đây. Đó là thông báo của Thủ tướng nước Cộng hòa tự trị Crưm Sergei Acsenov hôm thứ Hai sau khi tiểu đoàn quân đặc nhiệm lực lượng vũ trang Crưm tuyên thệ.
Hãng Itar-Tass dẫn lời Thủ tướng Cộng hòa Tự trị Crưm: "Chúng tôi đã có 1.500 quân nhân tuyên thệ bảo vệ tất cả các địa điểm bỏ phiếu. Trưng cầu dân ý sẽ được những người có vũ trang bảo vệ, trước tiên là lực lượng dân phòng và lực lượng vũ trang của Cộng hòa tự trị".
Người đứng đầu chính phủ Crưm cũng tuyên bố trong trường hợp sáp nhập vào Liên bang Nga, lực lượng vũ trang Crưm sẽ nằm trong thành phân của quân đội Nga. Đồng thời ông cũng không loại trừ khả năng những quân nhân của quân đội Ukraina đóng tại Cộng hòa tự trị Crưm cũng có thể tuyên thệ sáp nhập vào Crưm, sau đó là Liên bang Nga.
Ông Acsenov nói thêm: "Quân đội Ukraina, tất cả các đơn vị quân sự hiện đang bị các lực lượng dân phòng phong tỏa. Sau khi quyết định trưng cầu dân ý sáp nhập vào Liên bang Nga được thông qua, họ cần hoặc rời khỏi lãnh thổ Cộng hòa tự trị Crưm, hoặc nếu họ sẵn sàng còn phục vụ trong lực lượng vũ trang, thì họ cần phải tuyên thệ phục vụ Cộng hòa tự trị hoặc Liên bang Nga - mọi việc sẽ rõ ràng vào thời điểm trưng cầu dân ý".
Itar-Tass cho hay Quốc hội Crưm đã tuyên bố Xô viết Tối cao nước Cộng hòa tự trị đã chính thức mời các quan sát viên của Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) tới giám sát cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 16/3.
Cuộc sống của bán đảo sau trưng cầu dân ý sẽ như thế nào sau khi sáp nhập vào Nga?
Thủ tướng Acsenov cũng cho biết, nếu như kết quả trưng cầu dân ý nghiêng về sáp nhập với Nga, thì Crưm dù sao vẫn đòi giữ nguyên quyền coi mình là khu tự trị. "Cần tiếp tục giữ nguyên hiện trạng tự trị, nhưng là một chủ thể của Nga" - ông Acsenov tuyên bố.
Nhưng ông Acsenov cũng thừa nhận chắc chắn đó là khu tự trị không đồng nhất. Về dân chúng thành phố Sevastopol muốn trực thuộc chính quyền trung ương Nga, ông nói: "Nếu họ muốn nằm trong thành phần Crưm, chúng tôi cũng ủng hộ, còn họ trực thuộc trung ương, chúng tôi cũng tán thành". Tại Crưm sẽ sử dụng hai thứ tiếng là tiếng Nga và tiếng Crưm-Tatar là hai ngôn ngữ chính thức.
Tình trang đối đầu căng thẳng tại Crưm giữa lực lượng thân Nga và Ukraina vẫn không có chiều hướng giảm.
Trước đó, ông Acsenov đã từng tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý thực sự rất cấp bách, nếu như Nga đồng ý thu nhận Crưm vào thành phần Nga. Hiện vấn đề này sẽ do Chính phủ và Quốc hội Nga quyết định. Cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraina dẫn đến khả năng tan rã lãnh thổ đất nước được bắt đầu từ mùa Thu năm 2013, sau khi chính phủ cũ của Ukraina từ chối ký Hiệp định liên kết với EU.
Trong suốt thời gian diễn ra những hành động phản đối tại Ukraina đã làm cho trên 80 người thiệt mạng. Ngày 1/3 Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga) đã trao cho Tổng thống Nga quyền đưa quân vào lãnh thổ Ukraina để ổn định tình hình chính trị xã hội tại đây.
Số phận người Tatar-Crưm
Thủ tướng Cộng hòa tự trị Crưm Acsenov cam kết sẽ tăng gấp đôi đại diện người Tatar trong ban lãnh đạo Crưm.
"Người Tatar-Crưm sẽ có khả năng tăng đáng kể đại diện của mình trong ban lãnh đạo Crưm. Thực tế là sẽ tăng gấp đôi" - Đó là tuyên bố của Thủ tướng Acsenov với hãng Thông tấn Nga Itar-Tass.
Ông Acsenov cho biết ngày thứ Ba, tại khóa họp của Xô viết tối cao sẽ đưa ra đề nghị về hai ứng cử viên Phó Thủ tướng và Phó chủ tịch Xô viết Tối cao là người Tatar-Crưm.
Hai đai diện của người Tatar-Crưm cũng sẽ giữ chức Bộ trưởng. Thủ tướng Acsenov cũng thông báo chính quyền Crưm sẵn sàng hỗ trợ và tăng gấp đôi kinh phí cho người Tatar-Crưm.
Ông Acsenov tuyên bố: "Luật pháp Liên bang Nga hiện nay cho phép người dân thuộc các dân tộc khác nhau sống bình yên và chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ và tăng số lương cung cấp tài chính cho họ. Họ có quyền như chúng tôi và cũng như các công dân Nga. Giữa chúng tôi không có sự khác biệt nào.
Hiện nay, người Tatar-Crưm chiếm khoảng 15% dân số tại bán đảo. Còn số người nói tiếng Nga chiếm khoảng 60%.
Lê Văn
Theo_VietNamNet
Những câu hỏi không lời giải về cuộc khủng hoảng Ukraine? Từ sau khi chính quyền của Tổng thống Ukraine Yanukovych bị lật đổ, dư luận khá quan tâm tới những vấn đề "nhạy cảm" mà phương Tây thường né tránh trả lời. 1. Tại sao phe đối lập lật đổ Tổng thống Yanukovych sau khi ông thực hiện theo yêu cầu của họ? Vào ngày 21/2, ông Yanukovych và ba nhà lãnh đạo...