Những ca sĩ chỉ biết ăn sẵn trên giọng hát
Được trời ban tặng cho giọng ca đẹp, họ cũng chịu khó trau dồi, luyện tập, nhưng vẫn loay hoay, không tìm được hướng đi và bản sắc riêng. Nhiều người thắc mắc không hiểu vì sao sự nghiệp cứ lẹt đẹt, dù về khả năng, họ chẳng thua chị, kém em.
Để tìm một giọng ca có cá tính trong đời sống ca nhạc hiện nay quá hiếm. Đa số giọng ca từ các “lò” nhạc viện bị na ná lẫn nhau, nhiều ca sĩ thị trường lại thiếu và yếu về kĩ thuật. Một số lại chọn cách trở thành bản sao của các ngôi sao đàn anh, đàn chị…
Những trường hợp đáng tiếc
Luôn luôn tỏa sáng trên sân khấu mỗi khi xuất hiện bởi vẻ điển trai, Kasim Hoàng Vũ biết cách làm cho các cô gái yêu thích. Anh cũng gây chú ý về một giọng hát rất đàn ông, từng đạt giải ba của Liên hoan Tiếng hát truyền hình toàn quốc 1999, giải Ca sĩ được yêu thích nhất tại Sao Mai điểm hẹn 2004… Chàng trai mang dòng máu Ai Cập hội tụ những yếu tố quan trọng nhất để thành một ngôi sao ca nhạc, vậy nhưng, bẵng đi một thời gian, ngoài việc lấn sân sang điện ảnh, những gì Kasim đạt được trong âm nhạc quá khiêm tốn so với khả năng sẵn có của anh.
Kasim Hoàng Vũ.
Lê Thị Mỹ Như, một cô gái Bana sở hữu giọng ca rực lửa, giọng hát cao vút và khỏe khoắn, đặc biệt hợp với những ca khúc mang âm hưởng rock pha trộn opera. Mỹ Như từng gây ấn tượng mạnh tại Sao Mai 2009 vàSao Mai điểm hẹn 2010, nhưng tiếc là cô không may mắn với thi cử. Khó khăn, chật vật về tài chính, Mỹ Như gạt hoàn cảnh riêng để đến với Sài thành tìm cơ hội đổi đời. Tuy nhiên, không thể chạy sô mãi với những ca khúc rock cô buộc phải hát nhiều loại nhạc khác nhau để được diễn, có tiền mưu sinh.
Sau hơn một năm trời Nam tiến, cô mới chỉ làm được việc sửa mũi, mà chưa có hoạt động gì đáng kể. Mới đây, cô lại tham gia vào cuộc thi Giọng hát Việt ở tuổi ngấp nghé 30. Tiếc cho Mỹ Như, bởi với giọng hát đó, cô hoàn toàn có thể thành danh mà không cần phải lao vào các cuộc thi thố. Tìm ra hướng đi, ekip sản xuất phù hợp có lẽ là những điều mà cô cần tìm kiếm hơn cả.
Nhà báo Đỗ Huyền, báo Văn hóa, tiếc cho một giọng ca từng ghi dấu ấn tại Sao Mai điểm hẹn năm 2006, Hồng Phương có chất giọng khá đẹp, lạ, nhưng cách hát lại quá nghiệp dư. Cũng trong cuộc thi năm đó, Từ Hiền Trang có khởi đầu tốt, album đầu tay do nhạc sĩ Quốc Bảo sản xuất khá vừa vặn với cô, nhưng không hiểu sao, sau sản phẩm âm nhạc đó, Từ Hiền Trang biến mất.
Nữ ca sĩ trẻ Hoàng Lệ Quyên.
Một trường hợp nữa, mà theo nhà báo Đỗ Huyền, là Hoàng Lệ Quyên, giọng rất hay nhưng luôn trượt ở các cuộc thi hát, là do cách xử lý cũng như chọn bài không phù hợp. Quyên cũng không có hướng đi rõ ràng, từng được nhạc sĩ Lê Minh Sơn dìu dắt, nhưng Quyên vẫn dậm chân tại chỗ, thậm chí thụt lùi. Nhà báo Đỗ Huyền lý giải: “Có những bạn giọng hay mà ko biết cách hát hoặc hát hay mà gu thẩm mỹ lại kém”.
Video đang HOT
Vượt lên nhờ tìm ra lối đi
Trong khi đó, nhà báo Mạnh Hà (báo Tiền Phong) nói: “Từ lâu, người ta đã kết luận giọng hát không làm nên ca sĩ. Thời âm nhạc cổ điển châu Âu khi mọi thứ đều được chuyên môn hóa thì giọng hát được đặt lên hàng đầu. Bây giờ ca sĩ, thực ra là các nghệ sĩ giải trí, kết hợp cùng lúc nhiều hiệu ứng nghệ thuật, đâm ra họ cần phải nhanh nhạy, có gu thẩm mỹ tốt, có ê-kip tốt. Nhiều khi những ưu điểm đó đủ tốt để bù đắp cho giọng hát”.
Hỏi anh có tiếc cho ai đó, nhà báo Mạnh Hà kết luận: “Đã làm ca sĩ và có giọng mà lại không nổi được thì chịu thôi, nếu khát vọng nghề nghiệp của họ đủ mạnh thì họ sẽ biết mình phải làm gì!”.
Thực tế, có nhiều ca sĩ chất giọng bẩm sinh của họ ở mức “thường thường bậc trung” nhưng với thẩm mỹ âm nhạc tốt và biết lựa chọn hướng đi cho mình, họ đã làm nên chuyện. Thậm chí, những diva như Mỹ Linh, Thanh Lam cũng luôn phải tìm tòi cho mình hướng đi ngay khi họ đang ở đỉnh cao phong độ. Hà Trần từng bị chê thậm tệ về giọng hát, từng có thời gian “nhang nhác” Mỹ Linh, vậy nhưng, chị đã thay đổi hoàn toàn mọi thứ.
Không chiêu trò, ca sĩ Tấn Minh vẫn thu hút khán giả bằng giọng hát.
Với album Nhật thực, người ta choáng váng trước kỹ thuật, nhạc cảm và xu hướng âm nhạc mà chị theo đuổi. Sau Nhật thực, Hà Trần tiếp tục ghi dấu ấn với những sản phẩm âm nhạc mang phong cách riêng. Chị được xưng tụng là một trong 4 diva hàng đầu Việt Nam là nhờ hát bằng trí tuệ và cảm xúc.
Chưa có ai trầm trồ về giọng ca trời sinh của Tấn Minh, nhưng với những tìm tòi và sáng tạo của mình, anh đã có rất nhiều ca khúc ghi dấu ấn cá nhân và được coi là một tấm gương nghệ thuật của nhiều ca sĩ. Xa lạ với những chiêu trò PR, kết hợp với toàn nhà sản xuất lặng lẽ như Đỗ Bảo, Huyền Trung…, Tấn Minh hớp hồn người nghe bằng giọng ca đầy kĩ thuật và rung cảm.
Theo Đất Việt
Ca sĩ trẻ "nhọc nhằn" về với nhạc xưa
Đã có một thời gian, nhạc xưa phải nép mình nhường chỗ cho dòng nhạc thị trường trẻ trung, sôi động, tươi mới. Nhưng khi thị trường âm nhạc rơi vào trạng thái bất ổn thì chính những ca sĩ trẻ lại tìm về với nhạc xưa - dòng nhạc đã đi cùng năm tháng. Nhưng con đường trở về ấy cũng khá nhọc nhằn.
Tại sao ca sĩ trẻ muốn hát nhạc xưa?
Khoảng cuối thế kỷ 20, một lượng ca sĩ trẻ tiến quân vào làng nhạc Việt khiến âm nhạc mang màu sắc tươi mới, trẻ trung. Nhưng tất cả không chỉ dừng lại ở đó, số lượng ca sĩ ngày càng tăng cho tới nay chiếm một con số tương đối hùng hậu. Ca sĩ nhiều đến nỗi đến khán giả chẳng nhớ hết tên thậm chí còn chưa nghe tên bao giờ.
Họ dễ dãi hơn trong việc lựa chọn ca khúc. Một trong số đó có thể hát bất cứ bài hát nào miễn được mọi người biết đến mà chẳng quan tâm nội dung bài hát đó có hay, có ý nghĩa không và khán giả đánh giá thế nào. Hội chứng thích được nổi tiếng và muốn nổi tiếng nhanh chóng, đã làm cho thị trường âm nhạc thực sự rơi vào trạng thái nhiễu loạn. Phong trào người người đi hát, nhà nhà đi hát, diễn viên đi hát, người mẫu cũng đi hát nốt... hỏi tại sao không bất ổn cho được. Những ca khúc trẻ sớm ra đời nhưng lại nhanh "chết yểu" chỉ bởi ở đó người ta không thực sự tìm ra cái hay, cái mới mẻ và tinh túy của nghệ thuật trong mỗi ca từ. Có chăng chỉ là những ngôn từ chắp nối, chạy theo cái mode của thời thượng. Mà đã là mode thì rồi cũng có lúc cũng "lỗi thời". Người đời cũng sẽ quên, nhưng nhạc xưa lại chẳng ai quên được.
Đứng trước "thế sự" nhiễu nhương này, nhiều ca sĩ trẻ, thậm chí có những ca sĩ từng rất thành công với nhạc trẻ đã tìm về nhạc xưa như để khẳng định tên tuổi, để cứu vãn cho sự nhạt nhòa của âm nhạc đương đại.
Có muôn ngàn lý do mà các ca sĩ trẻ đưa ra khi tìm lại dòng nhạc này. Người thì cho rằng nhận thấy mình có thể hát được cả hai dòng nhạc, cũng có ca sĩ cho biết mình yêu nhạc xưa từ bé và bây giờ mới có điều kiện để trở lại với nó... Nói gì thì nói, chung quy lại, điều quan trọng nhất là hát nhạc xưa dễ kiếm... lợi nhuận nhất. Sau hiện tượng Đàm Vĩnh Hưng thắng lớn với các album và liveshow nhạc xưa, nhiều ca sĩ khác đã nhìn thấy tiềm năng của những ca khúc "tưởng rằng đã quên" này.
Nhạc xưa kén ca sĩ chả khác gì... mẹ chồng kén nàng dâu
Có lẽ cũng chính vì thi nhau "nối gót" hát nhạc này mà ca sĩ thành công thì ít, ngậm ngùi thì nhiều, bởi nhạc xưa vốn không phải là "kẻ lãng mạn" dễ dãi, nó vừa kén chọn người nghe lại kén cả người hát.
Hơn nữa, nhiều ca sĩ trẻ chỉ nghĩ đơn giản chỉ cần hát nhạc xưa là đủ, nhưng điều đó hoàn toàn sai lầm. Trong mỗi một ca từ của bài hát đều có ý nghĩa riêng của nó. Nếu chỉ sai một lời thôi đã mất đi nhiều ý nghĩa. Nhưng nhiều ca sĩ không hiểu điều đó, vẫn hồn nhiên hát sai lời mà không biết rằng chính mình đã làm giảm đi giá trị và thần thái của bài hát, đó là còn chưa kể đến chất giọng không phù hợp.
Quang Dũng được xem là người thành công sớm với nhạc xưa
Quang Dũng có lẽ là người may mắn nhất thành công sớm với dòng nhạc này, trong khi đó giọng ca cùng thời được đánh giá hay hơn anh là Xuân Phú phần nhiều vẫn chỉ được biết đến tại các phòng trà. Nhiều người cho rằng, sự may mắn của Quang Dũng là anh xuất hiện đúng lúc sân khấu đang thiếu một hình ảnh ca sỹ nam tính hát những bản tình ca Trịnh.
Đàm Vĩnh Hưng cũng là một trong số ít những ca sĩ thành công với dòng nhạc này. Nổi tiếng với chất giọng khỏe, khàn đặc biệt và lối hát đầy day dứt... của dòng nhạc trẻ nhưng để chứng tỏ khả năng của mình, Đàm Vĩnh Hưng cũng không ngần ngại tìm về với các bài hát xưa và gặt hái được khá nhiều thành công. Anh từng chia sẻ: "... Hưng luôn cố gắng để khán giả thấy Hưng hát được và hát hay những dòng nhạc khác nhau".
Đàm Vĩnh Hưng được ghi nhận là hát nhạc xưa thành công
Khán giả đón nhận sự đổi mới của Đàm Vĩnh Hưng tuy không nhanh nhưng như nhiều người vẫn nói, các ca sĩ dòng nhạc xưa thường là những người nắm giữ thành công muộn. Và họ thường phải chấp nhận sự mạo hiểm khi không phải lúc nào khán giả cũng lắng nghe mình. Đàm Vĩnh Hưng cũng thế. Ông hoàng nhạc Việt này đã kiên trì, mạo hiểm và cuối cùng đã được đa số khán giả đón nhận khá nhiệt tình. Có khán giả nhận xét: "Đàm Vĩnh Hưng hát nhạc xưa, người nghe thực sự cảm thấy day dứt, khắc khoải trong từng lời ca câu hát. Mùa thu cho em, Lâu đài tình ái, Mắt lệ cho người, Giã từ hay Nỗi buồn hoa phượng... đã mang những sắc thái mới lại cho những bài hát ngỡ quen thuộc".
Lệ Quyên vốn là nữ ca sĩ của dòng nhạc trẻ. Cô đã từng chia sẻ với báo chí rằng, "Tôi thích nhạc xưa từ nhỏ và có ý định làm nhạc xưa từ 2006 nhưng lúc đó tôi còn chưa đủ trình độ để hát. Khi làm nhạc để thu âm mới thấy hát nhạc xưa vất vả thế nào. Sau bốn năm cân nhắc, tôi mới quyết định ra album nhạc xưa đầu tiên của mình". Có lẽ Khúc tình xưa được ra đời trong sự ấp ủ này của Lệ Quyên. Mới cuối 2011, Lệ Quyên lại cho ra đời album Trả lại thời gian (Khúc tình xưa 2) như một sự tri ân khán giả. Có nhiều khán giả yêu mến chất giọng đặc trưng của nữ ca sĩ trẻ xinh đẹp này bởi khi nghe cố hát nhạc xưa, theo họ "nghe rất lạ, nghe thánh thót và nồng nàn".
Lệ Quyên được đánh giá là hát nhạc xưa hay nhưng khán giả lại không mặn mà
Nhưng phần lớn khán giả khó tính hơn - những người đã từng gắn bó lâu dài với dòng nhạc trữ tình thì họ lại cho rằng ở trong chất giọng của Lệ Quyên có cái gì đó gượng gạo, chưa thực sự hút người nghe: "Tôi thích sự đằm thắm và tinh tế của Lệ Quyên khi hát. Nhưng khi chị chuyển sang hát gọi là nhạc "sến" thì tôi thấy nó không còn chất "sến" đặc trưng nữa. Chị hát giọng này có vẻ gì đó gượng lắm". Có lẽ để đạt được thành công và đặc biệt chiếm được cảm tình của tất cả khán giả, nhất là những khán giả trung thành với nhạc cũ thì Lệ Quyên còn phải cố gắng thật nhiều hơn nữa.
Thế mới biết nhạc xưa kén ca sĩ chả khác gì... mẹ chồng kén nàng dâu. Có lẽ khán giả chưa quên Thanh Lam cũng đã từng thử phá cách với nhạc Trịnh nhưng cuối cùng cái mà nữ diva cá tính này nhận được chỉ là sự quay lưng của khán giả. Có lẽ Thanh Lam yêu nhạc Trịnh nhưng giọng ca của cô sinh ra không phải dành cho dòng nhạc giản dị, mộc mạc, hư vô, huyền hoặc, tĩnh lặng mà vô thường này.
Thanh Lam hát nhạc Trịnh không được khán giả chào đón
Bên cạnh một vài ca sĩ "đứng" được với nhạc xưa như Đức Tuấn, Xuân Phú... có khá nhiều ca sĩ không đủ "tiềm lực" để khai thác "tiềm năng" màu mỡ của nhạc xưa, đua giọng với dòng nhạc vàng một thời gian rồi cũng đành chia tay với nó. Có thời điểm, nhiều ca sĩ còn thi nhau ra các album nhạc xưa như Quang Hà, Phan Anh, Thy Dung, Lưu Việt Hùng... Nhiều ca sĩ trẻ thử làm mới mình bằng nhạc này còn có Cao Thái Sơn, Lê Hiếu, Khánh Ngọc, Kasim Hoàng Vũ, Đình Nguyên, Thanh Thảo... Nói chung, xem xét lại, trào lưu hát nhạc xưa cho thấy, đa phần các ca sỹ đã hát thử qua một vài lần. Cũng có người thu được ít nhiều lợi nhuận và những lời tán dương nhất định nhưng đa phần trong số ấy tuy "không về tay không" nhưng khán giả cũng chẳng mấy mặn mà.
Chẳng ai ngăn cản một ca sĩ ca hát và cũng chẳng ai nói họ không được hát nhạc xưa. Nhưng trước khi chuyển sang dòng nhạc này, hãy thực sự xem xét kỹ thực lực cũng như cảm nhận được từng ý tứ hay và đẹp trong mỗi câu chữ của một bài hát. Chỉ khi nào người ca sĩ nắm bắt được cái thần thái, hiểu nó được bằng cả trái tim, lúc đó hãy dũng cảm "quay về".
Cũng có nhiều người dự đoán, trong năm 2012 nhạc xưa vẫn có thể "trị vì" sân khấu nhạc Việt bởi yếu tố lợi nhuận cũng như vì sự yêu thích của khán giả dành cho thể loại trữ tình lãng mạn này. Nhưng đây cũng là một điều đáng báo động cho dòng nhạc trẻ, nếu vẫn lối sáng tác dễ dãi, không sáng tạo khiến người nghe một vài lần rồi quên lãng thì sau nhiều năm nữa, loại nhạc nào sẽ thay thế được nhạc xưa?
Theo VNN
Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng tưởng nhớ Huỳnh Phúc Điền Tròn 3 năm từ ngày ra đi của cố đạo diễn tài hoa, hai ca sĩ nổi tiếng hàng đầu của làng nhạc cùng với nhiều bạn bè đồng nghiệp tổ chức đêm nhạc "Còn mãi nhớ nhau", tiếp tục duy trì quỹ từ thiện của anh. Ký ức về người đạo diễn tài hoa Huỳnh Phúc Điền luôn còn mãi trong lòng...