Những bóng hồng xinh đẹp làm kỵ sĩ bên sông Tiền
Từ lâu, loại hình đi xe ngựa rong ruổi ở những miệt vườn cù lao miền Tây đã được hàng trăm du khách thích thú khi đến với mảnh đất này. Đặc biệt hơn, việc điều khiển xe ngựa lại là những bòng hồng xinh đẹp nơi đây.
Những nữ kỵ sĩ ngày ngày ngồi trên lưng ngựa với nụ cười rạng rỡ như mùa xuân tỏa nắng, nhưng cũng vô cùng an toàn và yên tâm khi được ngồi sau dây cương của bàn tay mềm mại ấy.
Bóng hồng sau yên cương
Vượt quãng đường gần một trăm cây số, từ trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi tìm về miệt Châu Thành (Bến Tre) để tận mắt thấy những bóng hồng đang ngày ngày ngồi trên lưng, điều khiển những chú ngựa cực kỳ dũng mãnh phục vụ du khách đi du lịch.
Ai cũng biết, ngựa là loài vật mạnh mẽ, sức khỏe phi thường và khá khó bảo. Từ xưa, chỉ có những vị tướng tài, những chiến binh thiện chiến hay những người huấn luyện viên ngựa lão luyện mới có thể điều khiển được chúng mà thôi. Còn lại, sẽ vô cùng khó khăn để thuần phục loài vật nhìn vô cùng đẹp đẽ với chiếc bờm tung bay này.
Chị Vân trên chuyến xe ngựa của mình.
Tuy nhiên, với những chị em phụ nữ chân yếu tay mềm ở các xã Quới Thiện, Tân Thạch (Châu Thành), đó lại là chuyện vô cùng dễ dàng. Trò chuyện với chúng tôi, chị Trần Thị Hồng, 34 tuổi cho biết. Ngày bé nhìn thấy ngựa tôi cũng sợ lắm bởi chúng luôn tỏ ra vô cùng hung hãn, nhất là với người lạ. Đặc biệt, khi chúng dựng vó tung bờm, hý lên từng hồi dài khiến mình nhiều phen thất kinh.
Tuy nhiên, cách đây chừng gần 5 năm, khi những khu du lịch miền sông nước quê mình bắt đầu thu hút được nhiều du khách và loại hình đi xe ngựa ngắm cảnh miệt vườn được ưa chuộng thì nhiều chị em trong xã bắt đầu học cách làm quen và cưỡi ngựa. Nói thì đơn giản chứ thực ra, ngựa rất khó thuần phục. Hàng ngày, mình phải làm quen với chúng dần dần, phải lấy cỏ cho ngựa ăn, tắm cho ngựa hay dắt chúng đi dạo. Khi đã quen rồi thì mới có thể điều khiển được ngựa cũng như mới có thể đem ngựa đi chở khách được.
Chị Hồng vừa xong một chuyến xe.
Video đang HOT
Riêng về công việc hiện nay, chị Hồng bảo, do đang là dịp đầu năm Giáp Ngọ nên hầu hết du khách về miền Tây đều muốn được ngồi trên xe ngựa, rong ruổi dưới những hàng dừa, trong những vườn nhãn, vườn sầu riêng, dọc theo bờ sông Tiền êm đềm gợn sóng hay thử cảm giác vuốt ve cái bờm dài lộng lẫy của chúng cho thỏa chí tò mò. Theo đó, mỗi chuyến xe ngựa thường chở từ 3 đến 5 người khách, kể cả người nước ngoài nữa. Giá của những chuyến xe ngựa thì được tính theo “tua”, tức là cố định trước.
Riêng về phần những người chở xe ngựa như chị thì mỗi chuyến chỉ được 20 ngàn đồng mà thôi. Với số tiền ít ỏi như vậy, một ngày các chị em phải cố gắng chở được chừng 4 đến 6 chuyến mới có thể đủ tiền chi tiêu trong cuộc sống cũng như chăm sóc con ngựa của mình. Tuy nhiên, chị Hồng cũng cho biết, ngoài số tiền “cứng” mà chị nhận được theo số lượng mỗi chuyến chở khách, nhiều khi chị còn được một số khách hàng tặng thêm tiền “hoa hồng”, gọi là tiền thưởng cho những chuyến đi đầy trải nghiệm thú vị như thế.
Có thể nói, dù chỉ xuất hiện chừng gần chục năm nay nhưng đối với những người dân ở miệt cù lao Châu Thành này, tiếng nhạc ngựa vang vọng mỗi ngày đã là một âm thanh thân thuộc và vô cùng đáng yêu rồi. Những đứa trẻ miệt vườn có lẽ là những người thích thú với những chuyến xe ngựa nhất bởi chúng vô cùng thích tiếng nhạc ngựa vang vọng, tiếng hý vang cùng những chiếc bờm lộng lẫy như trên tivi mà chúng vẫn thường xem.
Chính vì điều này, những ngày cuối tuần, khi cô con gái út được 7 tuổi của mình nghỉ học, chị Hồng lại chiều con bằng cách cho cô bé ngồi ngay sau lưng mẹ, sát bên chiếc càng kéo xe. Những khi đông khách, cô bé lại tha thẩn một mình chơi dưới gốc dừa, đợi mẹ đưa xong chuyến rồi mới ngồi vào lòng mẹ. Khi được chúng tôi trò chuyện, cô bé có cái tên rất dễ thương là Thanh Trúc đã bảo, ước mơ của con sau này sẽ được lái xe ngựa như mẹ, được đưa tất cả khách đi khắp những miệt vườn quê mình.
Ngoài ra, theo nhiều du khách mà chúng tôi tiếp xúc, họ luôn cảm thấy an tâm khi ngồi trên những chiếc xe ngựa thổ mộ len lỏi giữa những vườn cây trái xanh um tùm quả chín của miền Tây, nghe tiếng sóng sông Tiền vỗ rì rào. Mặc dù người cầm cương là những phụ nữ chân yếu tay mềm nhưng những cỗ xe ngựa luôn chạy rất êm, đều đặn và theo ý chủ. Những chú ngựa to khỏe nhìn có vẻ hung tợn nhưng kỳ lạ là luôn luôn nghe lời và sự điều khiển của những bàn tay mềm mại kia một cách thuần thục.
Duyên lành bên chiếc dây cương
Không chỉ là một cái nghề mang lại thu nhập và cuộc sống cho nhiều phụ nữ ở miệt vườn nơi đây, cuộc sống của những bóng hồng ngày ngày cầm cương ngựa này cũng có khá nhiều điều thú vị. Chia sẻ về chuyện này, chị Vân, 31 tuổi cho biết: Tôi đã bắt đầu chở xe ngựa từ khi còn khá trẻ bởi trước kia, ba tôi cũng có nghề chở xe ngựa cho khách hàng trong vùng. Ngày đó, chiếc xe ngựa của ba chủ yếu chở dừa, nông sản cho những chủ vựa ngoài ven bờ sông Tiền mà thôi.
Giây phút thảnh thơi sau lưng ngựa.
Họ mua hàng của nông dân quanh vùng nhưng nhiều chỗ, kênh rạch bồi lấp mà xe cơ giới lại không vào được nên đành thuê xe ngựa để chở ra bờ sông, tập kết lại trước khi được thuyền lớn chở đi. Sau đó, khi du lịch ngựa ở đây bắt đầu phát triển, tôi đã xin cha mua một con ngựa và đóng chiếc xe này rồi đăng ký với công ty để chở khách. Ai ngờ, khi chở khách được mấy năm, trong một dịp, cũng vào khoảng đầu năm như hiện nay, có một vị khách nam khá trẻ rất “đáng ghét” ở trên Sài Gòn xuống, sau khi đi xe ngựa của tôi thăm thú miệt vườn cứ nằng nặc đòi…đi tiếp.
Rồi, vừa nhìn ra dòng sông Tiền mênh mang con nước, chị Vân vừa tiếp tục. Dường như đó cũng là mối lương duyên trời định hay sao ấy các chú ơi. Tôi với anh ấy gặp nhau trên chuyến xe ngựa, rồi nên duyên vợ chồng có lẽ cũng từ những chuyến xe ngựa này bởi sau buổi gặp đầu tiên, những cuối tuần sau đó, anh ấy luôn luôn chạy xe máy từ trên thành phố xuống thăm tôi.
Hiện nay, sau khi kết đôi vợ chồng, có với nhau một cậu con trai, anh ấy quyết định bỏ hẳn việc làm ở một công ty phần mềm trên thành phố Hồ Chí Minh rồi về dưới thành phố Bến Tre mở công ty riêng. Cũng trong năm đó, hai vợ chồng mua một miếng đất ở phía bên Nam cầu Hàm Luông, dựng nhà để tổ ấm hạnh phúc thêm phần chắc chắn. Hơn nữa, một điều thú vị là mặc dù 2 anh chị đã nên duyên từ những chuyến xe ngựa như thế nhưng biết chị đam mê nghề này, chồng chị Vân cũng không bắt chị bỏ nghề sau khi cưới mà vẫn để chị tiếp tục công việc. Với anh, niềm vui và hạnh phúc là cuối tuần đưa cậu con trai đi xe ngựa cùng mẹ.
Riêng về công việc hiện nay, chị Vân cho biết, sau hơn 8 năm trong nghề, cỗ xe ngựa đóng bằng gỗ của cha chị thì chưa có gì thay đổi nhiều ngoài việc trang trí mái che, rèm để phục vụ du khách nhưng ngựa thì chị đã phải thay bởi chú ngựa trước quá già, không thể tiếp tục kéo xe được nữa. Kể về chú ngựa Mã Long hiện nay của mình, chị Vân cho biết luôn. Đây là chú ngựa thuộc dòng ngựa đua mà chồng tôi mua ở tận trên Hóc Môn (TP HCM) cách đây 4 năm. Nó có đặc điểm là rất khỏe, có thể chở được gần chục người cùng chiếc xe kéo này mà vẫn đi băng băng.
Mỗi ngày, công việc của Mã Long là đi vòng qua hết một rặng dừa, mấy vườn cây với chiều dài khoảng 600 mét. Đối với những chú ngựa đua như Mã Long, đó thực sự là một công việc khá nhàn nhã, ít tốn sức đối. Tuy nhiên, chế độ và khẩu phần ăn của nó cũng phải đầy đủ, phù hợp với sức lực nó đã bỏ ra. Theo đó, ngoài cỏ lông voi, Mã Long còn được ăn lúa non và như mấy ngày giáp tết này, khi phải làm việc nhiều, nó còn được uống cả sữa bò tươi và được bóp chân bằng rượu thuốc nữa.
Với khoảng hơn 30 người và chừng ấy cỗ xe ngựa, nơi đây có rất nhiều chuyện lý thú về những bóng hồng xinh đẹp sau chiếc dây cương. Ở đó, có vui buồn, có vất vả nhưng trên hết là những nụ cười hạnh phúc sau mỗi chuyến xe nhất là những chuyến dịp đầu năm phục vụ những du khách vừa thích du lịch vừa thích ngồi xe thổ mộ sau những chú ngựa oai phong này.
Theo Đoàn Xá – Lê Phong (Dân Việt/Dòng Đời)
Khán giả, kỵ sĩ bị thương tại hội đua ngựa
Bốn người, trong đó có 2 kỵ sĩ, bị ngựa giẫm bị thương tại Hội đua ngựa truyền thống huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
Sáng 8/2, gần 10.000 người đã kéo về gò Thì Thùng thuộc xã An Xuân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên để xem Hội đua ngựa truyền thống do huyện này tổ chức. Theo ban tổ chức, đây là năm có số người xem đông nhất từ trước đến nay.
Ngay từ sáng sớm, hàng ngàn người kéo nhau đến xem Hội đua ngựa
Có 32 ngựa đua được tuyển chọn từ những ngựa thồ ở 2 huyện Tuy An và Đông Hòa tham gia. Rút kinh nghiệm từ các năm trước, một vài ngựa đực không chịu đua, chỉ chạy sau xem "chị em" trổ tài, năm nay các địa phương đều chọn ngựa cái để dự hội. Dù nhiều năm lên trường đua, nhưng một số ngựa cái mỗi khi nghe ngựa bên ngoài hí vang là vượt qua "hàng rào" người thoát ra ngoài.
Những "cô" ngựa thồ nhỏ thó trên trường đua
Nhiều kỵ sĩ không quen phi nước đại bị té, có 4 người bị thương do bị ngựa giẫm. Trong đó, kỵ sĩ Vũ Hồng Hưng (37 tuổi, ngụ xã An Xuân, huyện Tuy An) bị ngựa giẫm trúng bụng và ông Nguyễn Hữu Chi (63 tuổi, ngụ xã An Hiệp, huyện Tuy An) bị ngựa giẫm gãy tay. Hai người xem khác là bà Nguyễn Thị Mỹ Ái (33 tuổi, ngụ xã An Hiệp) bị ngựa giẫm phải đầu và một cháu bé 10 tuổi (chưa rõ họ tên) cũng bị ngựa làm bị thương. Cả 4 người đang cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Tuy An.
Kỵ sĩ té lăn trên trường đua.
Kỵ sĩ Vũ Hồng Hưng đau đớn vì bị ngựa giẫm phải bụng
Kỵ sĩ Nguyễn Hữu Chi bị gãy tay do ngã ngựa
Kết thúc hội đua, ban tổ chức trao giải nhất cho kỵ sĩ Lê Văn Thu (SN 1988, ngụ xã An Hiệp) cùng "cô" ngựa tía số 4. Thu cũng là kỵ sĩ giành giải nhất tại hội đua ngựa Tuy An năm Quý Tỵ. Giải nhì được trao cho kỵ sĩ Nguyễn Văn Sáu (huyện Đông Hòa). Hai giải 3 được trao cho Lê Kim Tình và Lê Thành Trung (xã An Xuân, huyện Tuy An).
Theo H.Ánh (Người Lao Động)
Bánh Tét dịp Tết ở miệt vườn Ở miệt vườn Nam bộ, trong ngày Tết, giỗ kỵ có các lễ hội cổ truyền bánh tét để dâng cúng tổ tiên. Tuy nhiên, gần nửa thế kỷ qua, bánh tét truyền thống đã được hóa thân thành một món ăn hấp dẫn, với màu sắc và nhân bánh được cách tân... Người dân miệt vườn Nam bộ chế biến bánh tét...