Những “bóng hồng quyền lực” của Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019
Trong số 63 nông dân Việt Nam xuất sắc 2019 sẽ được vinh danh vào tối 12/10 tới đây, có 10 đại biểu là nữ.
Dù chiếm tỷ lệ khiêm tốn nhưng các chị không hề “lép vế”, ngược lại đã góp thêm sắc màu rực rỡ, dịu dàng và cũng đầy quyền lực của lần hội tụ năm nay.
Cắt cử việc nhà trước khi ra Thủ đô
Gần 16h chiều chị Đỗ Thị Duyên – chủ trang trại rau sạch ở xã Hùng Tiến (Vĩnh Bảo – Hải Phòng) mới tới Khách sạn Công Đoàn – “đại bản doanh” của 63 nông dân Việt Nam xuất sắc năm nay. Lý giải cho việc “đến muộn” của mình, chị Duyên nhanh nhảu phân bua: “20 năm làm nông nghiệp, tôi cũng không ít kinh nghiệm đâu, nhưng nói thật trồng rau không khác gì chăm con mọn, chỉ cần lơ là một chút là có thể mất trắng cả vụ luôn, nên tôi đi đâu cũng sốt ruột lắm. Sáng nay tôi phải ở nhà sắp xếp cẩn thận mọi việc rồi đi đâu mới đi được”.
Chị Đỗ Thị Duyên cho hay, phải sắp xếp mọi việc chu toàn mới yên tâm ra Thủ đô tham dự Lễ tôn vinh. Ảnh: Nguyễn Chương.
Trước khi lên đường đến Lễ tôn vinh, chị Duyên chỉ đạo từng tốp thợ cần làm gì, chuẩn bị sẵn phân bón, nhân công cho từng vùng, từng thửa. Đảm bảo việc vắng mặt trong 3 ngày tới của chị sẽ không ảnh hưởng gì tới tiến độ sản xuất. “Tôi đang thử nghiệm giống bắp cải chịu nhiệt nên thực sự đi xa dài ngày với tôi là thử thách lớn”.
Dù rất sốt ruột nhưng chị Duyên cũng bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi khi được về Thủ đô và tham dự Lễ vinh danh những nông dân xuất sắc nhất năm 2019. Với chị, đây không chỉ là phần thưởng mà còn là sự ghi nhận của các cấp Hội dành cho những nỗ lực, cố gắng của chị trong suốt thời gian qua.
Cũng chung tâm trạng như chị Duyên, chị Lương Thị Đoan ở Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường – Vĩnh Phúc) cũng như ngồi trên đống lửa khi bỏ lại đàn bò 30 con cùng rất nhiều việc không tên khác. Dù đã mượn người chăm sóc nhưng chị Đoan vẫn không thực sự yên tâm “chỉ sợ người ta không biết cách chăm, không biết cách vắt sữa là bò bị viêm vú, rất dễ mất sữa hoặc chất lượng sữa kém”.
Gặp nhau, các chị không chỉ có chuyện làm giàu mà còn chuyện chăm chồng con, kinh nghiệm quản lý, và tất nhiên không thể thiếu những câu chuyện rất phụ nữ đó là: mua sắm, làm đẹp. Các chị đều đã chuẩn bị những bộ áo dài rực rỡ nhất cho Lễ tôn vinh, và những bộ váy áo hợp mốt để tham dự các sự kiện bên lề cũng như các hoạt động thăm quan Hà Nội.
Chị Đoan vui vẻ nói: “Dù sốt ruột nhưng cả đời mới có 1 dịp như này, chị em chúng tôi bảo nhau tạm gác hết mọi việc thường nhật để tận hưởng không khí vui hơn Tết của những ngày này”.
Bán xong 10 tấn dứa mới yên tâm đi “tiệc”
Đó là câu chuyện của chị Nguyễn Thị Dung, bà chủ của trang trại tổng hợp rộng 30ha ở xã Thành Vân, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa). Nở nụ cười tươi rói khi được hỏi cảm xúc của dịp về Thủ đô lần này, chị Dung chia sẻ: “Vì công việc nên tôi cũng thường xuyên ra Hà Nội, nhưng lần này đúng là rất khác, được gặp các anh chị đại diện cho 62 tỉnh, thành còn lại thấy vinh dự lắm. Cả tỉnh chỉ có mình tôi đại diện nên tôi tự thấy mình có thêm trọng trách khá lớn lao nữa”.
Video đang HOT
Chị Lương Thị Đoan (trái) và chị Nguyễn Thị Dung chia sẻ với nhau đủ chuyện trong dịp hội ngộ 63 nông dân Việt nam xuất sắc năm 2019. Ảnh: Nguyễn Chương
Vui mừng khi được về Thủ đô đón nhận danh hiệu nông dân Việt Nam xuất sắc, nhưng cũng chung tâm trạng như những người phụ nữ khác, trước khi đi chị Dung còn tranh thủ dậy từ 4h sáng để chuyển 10 tấn dứa kịp cho xe trở vài thị trường phía Nam. Sau đó sắp đặt mọi thứ ở nhà chu đáo rồi 9h sáng mới yên tâm lên xe ra Thủ đô.
Vừa là bà chủ trang trại, vừa là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân, Chủ tịch Hội Làm vườn huyện, Bí thư Chi bộ, thật không quá lời khi nói chị Dung “trăm công nghìn việc”, thế nhưng bông hồng xứ Thanh luôn biết cách sắp xếp mọi việc khoa học và hợp lý. Chị Dung cho hay: “Tối nào trước khi ngủ, tôi cũng nhẩm lại tất cả những việc đã làm được trong ngày và sắp xếp các việc sẽ làm vào ngày mai. Tôi tự hình dung và cắt đặt mọi thứ mà không cần ghi ra giấy, hôm sau cứ thế làm. Chưa bao giờ sai kế hoạch”.
Việc xã hội đã vậy, việc nhà chị cũng không hề “chểnh mảng”, vẫn quán xuyến lo chu toàn cho cả gia đình và hỗ trợ trông 5 đứa cháu nội ngoại. “Cũng có lúc mệt nhưng tôi không thấy khổ nhọc gì cả, được lao động và làm việc vì gia đình mình chính là niềm vui, là động lực với tôi”.
Theo Danviet
Lai Châu: Nữ tỷ phú vượt qua nỗi ám ảnh dịch tả lợn châu Phi
Táo bạo cả trong suy nghĩ và việc làm, bà Tô Thị Bắc, đội 10 (xã Phúc Than, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu) đã phất lên thành tỷ phú nhờ nuôi lợn siêu nạc theo quy trình khép kín. Cũng chính nuôi theo quy trình khép kín, trang trại nuôi lợn siêu nạc của nữ tỷ phú đất Lai Châu này đã vượt qua nổi ám ảnh dịch tả lợn châu Phi.
Bà Tô Thị Bắc - người vừa được bình chọn danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019" chia sẻ về mô hình nuôi lợn siêu nạc.
Ngồi đối diện với chúng tôi bên bộ bàn ghế salon bọc da, kê giữa phòng khách trong ngôi nhà 2 tầng khang trang, là một phụ nữ xinh xắn, nước da hồng hào. Ít ai nghĩ người phụ nữ này đã tuổi ngoài 50. Đó là bà Tô Thị Bắc - Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019.
Dám nghĩ, dám làm
Cảm nhận đầu tiên khi tiếp xúc với bà Bắc, đó là một người phụ nữ dám nghĩ, dám làm, tính cách mạnh mẽ. "Tôi thường suy nghĩ, không làm thì thôi mà đã làm thì phải làm cho "ra tấm, ra món". Cũng chính vì vậy nên trước khi quyết định làm cái gì đó, tôi đều tìm hiểu kĩ, chứ không làm theo kiểu phong trào "được chăng, hay chớ". Có thể vì thế, tôi luôn thành công" - bà Bắc mở đầu câu chuyện với chúng tôi như vậy.
Với nhiều cách làm hay trong nuôi lợn, bà Bắc nuôi lứa nào thắng lứa ấy.
Qua câu chuyện với người phụ nữ dám nghĩ, dám làm này, chúng tôi được biết: Bà Bắc nuôi lợn đã lâu nhưng nuôi theo kiểu trang trại lớn quy trình khép kín như hiện giờ thì mới được vài năm trở lại đây. "Bén duyên" với nghề nuôi lợn từ năm 2005, gia đình bà khi đó chỉ nuôi vài con lợn nái. Rồi đàn lợn cứ đông dần lên theo năm tháng, nhưng cũng chỉ dừng lại ở số lượng trên dưới 100 con lợn thương phẩm.
"Nhà ở mặt đường nên tôi thường xuyên chứng kiến những chiếc xe tải chở lợn thịt thương phẩm từ nơi khác đến huyện Than Uyên, thậm chí lên cả thành phố Lai Châu, tiêu thụ. Khi đó, tôi nghĩ, người ta làm được thì mình cũng làm được. Nếu mình làm chắc chắn sẽ thuận lợi hơn họ nhiều, bởi giảm được khâu vận chuyển đi xa, tức là giảm được giá thành..." - bà Bắc nhớ lại.
Chuồng trại nuôi lợn nhà bà Bắc lúc nào cũng được vệ sinh sạch sẽ.
Nghĩ là làm, sau khi thống nhất với chồng, bà Bắc quyết định đầu tư xây dựng trại nuôi lợn. Thay vì nuôi giống lợn địa phương như trước đây, bà Bắc chọn nuôi giống lợn siêu nạc. Sau một thời gian tìm hiểu cách thức xây dựng chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc lợn siêu nạc tại một số trang trại lớn ở các tỉnh, thành phố, bà Bắc trở về thuê thợ xây dựng chuồng trại. Năm 2014, sau khi hoàn tất việc xây dựng chuồng trại, bà Bắc về tận Công ty Cổ phần DABACO Việt Nam ở thành phố Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) để chọn mua 15 con lợn nái về nuôi.
Chuồng trại nuôi lợn nái của bà Bắc được chia thành 3 khu: Khu nuôi lợn thịt thương phẩm, khu nuôi lợn nái hậu bị, khu nuôi lợn nái để nuôi con.
"Nhờ chăm sóc đúng kĩ thuật, cho ăn, tiêm phòng đầy đủ, đàn lợn nái sinh trưởng, phát triển tốt, lần lượt đẻ những chú lợn con mập mạp, khỏe mạnh. Tôi giữ lại nuôi toàn bộ lợn con, chứ không bán giống. Làm ăn có lãi, tôi tiếp tục mua thêm lợn nái giống về nuôi. Hai năm trở lại đây, tôi thường xuyên duy trì khoảng 60 con lợn nái và hơn 500 con lợn thịt. Có lúc đàn lợn nuôi thịt thương phẩm của gia đình lên đến 700 con" - bà Bắc vui vẻ nói.
Thành tỷ phú nhờ nuôi lợn siêu nạc
Sau một hồi trò chuyện, chúng tôi ngỏ ý muốn đi thăm trại lợn, bà Bắc tỏ vẻ lưỡng lự. Chúng tôi hiểu rõ, ở cái thời điểm dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành ở nhiều tỉnh, thành phố trong nước, trong đó có tỉnh Lai Châu, thì hộ chăn nuôi lợn lớn như bà Bắc ái ngại trước đề xuất đó cũng là chuyện bình thường.
Nhờ được chăm sóc đúng kỹ thuật, đàn lợn thương phẩm của bà Bắc con nào cũng béo tốt, khỏe mạnh.
Sau nhiều tháng nỗ lực trong công tác phòng chống, cuối cùng, cách đây hơn 1 tháng, huyện Than Uyên cũng phải công bố dịch tả lợn châu Phi bùng phát trên địa bàn.
"Ngay từ khi nghe thông tin về dịch tả lợn châu Phi bùng phát trên địa bàn tỉnh, ngoài tăng cường công tác vệ sinh phòng dịch, khử trùng chuồng trại thường xuyên, tôi không cho ai vào trại lợn, ngoài mấy công nhân chăm sóc, cho đàn lợn ăn mỗi ngày. Đàn lợn của gia đình vẫn khỏe mạnh, phát triển bình thường..." - bà Bắc cho hay.
Sau khi bàn bạc với chồng, cuối cùng bà Bắc cũng đồng ý cho chúng tôi vào thăm trại lợn, nhưng phải đi ủng, mặc áo blouse trắng, dài tới đầu gối và tiến hành khử trùng cẩn thận.
Thẻ theo dõi ngày phối của đàn lợn nái được bà Bắc ghi chép cẩn thận.
Trại lợn của gia đình bà Bắc cách nhà ở vài chục mét, được xây dựng khá khoa học, có cổng sắt và tường rào bao quanh. Bước qua cổng vào khu chuồng trại nuôi lợn, chúng tôi phải lội qua vũng nước sát trùng, sau đó đi qua giàn phun khử trùng quần áo vào trại lợn.
Bà Bắc xây dựng 3 trại san sát nhau, trại nào cũng được quây, lợp tôn lạnh chống nóng và lắp đặt hệ thống quạt làm mát, hút mùi. Trại ngoài cùng gồm 7 ngăn, mỗi ngăn rộng vài chục mét vuông, dành để nuôi lợn thịt. Kế đến là trại nhốt lợn đẻ. Trại trong cùng dành cho lợn nái ở. Trại nào, trại nấy cũng sạch sẽ. Mặc dù nuôi tới 60 con nái và hàng trăm con lợn thịt, nhưng trại lợn của bà Bắc không bốc mùi đặc trưng thường thấy ở những hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ.
Ngoài nuôi lợn, bà Bắc nuôi thêm 500 con thỏ, mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng.
"Nuôi lợn nái, lợn thịt với số lượng lớn nên tôi đặc biệt chú ý đến khâu cho ăn, phòng chống dịch bệnh xảy ra. Tôi cho lợn ăn hoàn toàn bằng cám công nghiệp. Tôi tự mầy mò xây dựng chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn phù hợp với từng loại lợn cũng như thời kỳ sinh trưởng của chúng. Đối với lợn nái, lợn đẻ, tôi cho chúng ăn theo định lượng, tùy theo thể trạng của mỗi con. Khi lợn con tập ăn, tôi cho chúng ăn cám có độ đạm cao" - chủ trại lợn siêu lạc lớn nhất huyện Than Uyên chia sẻ thêm.
Theo bà Bắc, làm gì cũng phải tâm huyết thì mới thành công. Nuôi lợn cũng vậy, có chăm sóc tốt chúng thì chúng mới cho mình "cái ăn". Định kỳ 6 tháng, bà Bắc tiêm đầy đủ vắc xin phòng các loại bệnh: Tụ huyết trùng, tai xanh, lở mồm lòng móng, khô thai... cho đàn lợn nái. Còn với lợn con, ngay từ lúc mới đẻ cho đến khi cai sữa, bà lần lượt tiêm các loại vắc xin: Chống còi xương, phòng bệnh tả, tụ huyết trùng... cho chúng.
Gia đình bà Bắc trồng khoảng 6.000m2 cỏ VA06 để làm thức ăn cho đàn thỏ và dự định nuôi trâu sau này.
Đàn lợn thịt được bà chăm bẵm mỗi ngày, cho ăn bằng máng ăn tự động, đói lúc nào ăn lúc đấy, ăn no lại quay ra ngủ nên chỉ nuôi tầm 3 đến 5 tháng là bà Bắc lại có lợn bán ra thị trường.
Để tháng nào cũng có lợn hơi xuất bán ra thị trường, bà Bắc tính toán thụ tinh nhân tạo cho đàn lợn nái với số con hợp lý. Không hết, bà còn cẩn thận ghi ngày thụ tinh, ngày lợn đẻ để tiện cho việc theo dõi, chăm sóc.
"Lợn nhà tôi là lợn siêu nạc nên thương lái tranh nhau mua, lứa nào hết lứa đó, không có tình trạng ùn ứ lợn trong chuồng. Khi đến bắt lợn, thương lái không cần xem mà chỉ trao đổi với nhau giá cả. Bình quân mỗi tháng tôi bán ra thị trường khoảng 10 tấn lợn hơi. Năm 2018, tôi thu hơn 1 tỷ đồng từ bán lợn thương phẩm cho thương lái, trừ chi phí còn hơn 700 triệu đồng tiền lãi.
Với thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế gia đình, bà Bắc nhiều năm liền được UBND tỉnh Lai Châu, các cấp, các ngành trong tỉnh tặng Bằng khen, Giấy khen. Bà Tô Thị Bắc vinh dự là 1 trong 63 gương mặt nhà nông tiêu biểu của cả nước được bình chọn và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019". Lễ tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019" sẽ diễn ra trọng thể tại thủ đô Hà Nội vào trung tuần tháng 10 năm 2019.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, bà Bắc còn tạo việc làm, thu nhập thường xuyên, ổn định cho 3 lao động tại địa phương. Bà thường xuyên giúp đỡ, hỗ trợ các hộ nuôi lợn trong bản, trong xã về kĩ thuật, cách thức làm chuồng trại nuôi lợn...
Ngoài nuôi lợn, bà Bắc còn nuôi 500 con thỏ Newzealand, nuôi 300 con gà. Trong thời gian tới, bà dự định nuôi thêm 50 con trâu sinh sản. Hiện chuồng trại nuôi trâu đã được bà Bắc xây dựng xong.
Theo Danviet
Tác giả đoạt giải Nhất: Được viết về nông dân, nông thôn là điều may mắn Tám năm làm báo viết về người nông dân nông thôn, tôi đã từng nhận được khá nhiều câu hỏi vì sao lại chọn lĩnh vực này? Viết về người nông dân có khó không? Thực ra, với người làm báo, viết về mỗi lĩnh vực đều có một cái khó riêng, cái hay riêng. Với tôi có lẽ là một cái duyên....