Những bí mật của Real Madrid
Ở Real, chỉ tài năng là không đủ, bạn còn cần cá tính và tinh thần thép. CLB này sẽ cho bạn thiên đường tươi đẹp, nhưng cũng có thể tạo ra địa ngục.
Điều gì đã giúp Zidane trở thành nhà quản lý thành công ở Real? Và tại sao CLB thành Madrid có thể ngự trị trên đỉnh cao của bóng đá châu Âu trong nhiều năm qua?
“Với tôi, Real Madrid là trải nghiệm khổng lồ và khắc nghiệt hơn nhiều so với Chelsea hay PSG”, Paul Clement, cựu trợ lý của HLV Carlo Ancelotti, từng nói.
Zidane là HLV thành công nhất của Real trong vòng nhiều thập niên trở lại đây. Ảnh: Getty.
Khắc nghiệt
Ngồi trong văn phòng quen thuộc ở thủ đô Madrid, cựu Chủ tịch Ramon Calderon tin Real có thể là CLB đòi hỏi cao nhất thế giới. “Ở Real, chiến thắng là bắt buộc. Nó không phải là mục tiêu hay nhiệm vụ, nó là lẽ sống”, Calderon nói. “Bạn chỉ có vài ngày để tận hưởng sự thư thái vì không bị tấn công, về mỗi quyết định mua cầu thủ hay thuê HLV”.
Trong suốt nhiệm kỳ của mình tại Bernabeu (2006-2009), khi đội bóng chiến thắng, Calderon chưa bao giờ cảm thấy vui sướng hay hạnh phúc, ông đơn giản chỉ cảm thấy nhẹ nhõm.
Vị luật sư 68 tuổi gần đây thường giãi bày về giai đoạn làm bóng đá ngắn ngủi nhưng đầy thăng trầm của mình. Khi rời nhiệm sở Real vì bê bối tài chính vào năm 2009, Calderon biết ông gần như không còn đường quay lại Bernabeu.
Tuy nhiên, cuộc sống khắc nghiệt ở Real hiện diện rõ ràng hơn qua cuộc đời của những HLV nổi tiếng từng gắn bó tại đây. Kể từ khi HLV John Toshack đến vào năm 1989, Real đã trải qua 26 đời HLV khác nhau. Chỉ Vicente del Bosque và Jose Mourinho hoàn tất 3 mùa giải tại CLB trong 3 thập niên đã qua.
Quả ngọt và trái đắng tại Real luôn song hành cùng nhau, giống như cách Carlo Ancelotti bị sa thải chỉ một năm sau khi giúp Real đoạt cú “Decima” – danh hiệu Champions League thứ 10 lịch sử cho CLB.
Một vài HLV nổi tiếng khác đi nhanh hơn. Như Jose Antonio Camacho rời đi vào tháng 9/2004, khi ông mới nhậm chức được 4 tháng. Người thay thế Camacho, Mariano Garcia Remon tại vị được 3 tháng. Rafa Benitez, Julen Lopetegui hay Santiago Solari sau đó đều trụ không quá nửa năm.
Aitor Karanka, cựu cầu thủ Real và trợ lý một thời của Jose Mourinho, hiểu rõ sự tàn nhẫn trên băng ghế huấn luyện tại đây hơn ai hết. Ông đã chơi cho Jupp Heynckes khi HLV này giúp Real vô địch Champions League 1998, để rồi chiến lược gia người Đức bị sa thải không lâu sau đó.
Vài năm tiếp theo, Karanka tiếp tục chứng kiến người thầy khác của mình, HLV Del Bosque bị sa thải sau khi giúp Real vô địch Champions League và giành 2 danh hiệu La Liga. “Mọi chuyện ở CLB này xảy ra tự nhiên như hơi thở, khi bạn không có màn trình diễn hoàn hảo nhất, bạn sẽ bị thay thế”, Karanka phân tích.
Ở Real, sự kiên nhẫn dành cho các CLB dường như là thứ xa xỉ. Đó có thể là lý do Pep Guardiola, Diego Simeone, Antonio Conte, Mauricio Pochettino hay Juergen Klopp sẽ không bao giờ có được sự chờ đợi tại Bernabeu, giống như ở các CLB chủ quản trước đó.
Video đang HOT
Có muôn vàn lý do và áp lực để khiến các HLV tại Real bay ghế. Tháng 6/2007, Real Madrid vừa vô địch La Liga, nhưng các CĐV Real không hài lòng. Họ liên tục chửi rủa HLV Fabio Capello trên các khán đài sân Bernabeu, khiến ông này, trong một lúc mất bình tĩnh đã giơ “ngón tay thối” về phía CĐV Real.
Đó là thời điểm Calderon biết ông phải thay thế vị HLV lừng danh người Italy. “Ở trường hợp Capello, ông ấy đã nói với tôi rằng mình không thể chịu nổi áp lực tại CLB”, cựu chủ tịch Real bật mí.
Người kế vị Capello, Bernd Schuster, cũng chỉ tại vị 18 tháng. 5 ngày trước trận gặp Barca tại Camp Nou, Schuster bảo Real không thể đánh bại Barcelona. Điều đó là không thể chấp nhận được với HLV Real. Schuster bị sa thải chỉ 6 tháng sau khi vô địch La Liga.
Trong cuốn tự truyện của mình, HLV Ancelotti kể lại khi người đại diện của Gareth Bale điện thoại cho Florentino Perez yêu cầu về việc được chơi ở vị trí trung tâm, Chủ tịch Real đã gây áp lực buộc HLV này phải đáp ứng yêu cầu nói trên. Ancelotti do dự và đến cuối mùa, ông phải ra đi.
The Athletic tiết lộ HLV khác đã giận dữ và đòi đẩy Cristiano Ronaldo lên băng ghế dự bị sau một buổi tập. Những trợ lý phải đến gặp riêng ông trong phòng sau buổi tập, để làm dịu cái đầu nóng của vị HLV trưởng. Họ sợ ông sẽ không tại vị ở Real lâu. “Bạn không thể sa thải 24 cầu thủ, vì thế điều rõ ràng và dễ dàng nhất luôn là sa thải HLV”, Calderon bình luận.
Những năm làm việc tại Real giúp Calderon hiểu rõ sự khắc nghiệt của CLB. Ảnh: Getty.
Vị thế khổng lồ
Một HLV hay cầu thủ có thể tự hào rằng họ từng thành công ở Bernabeu. Cựu cầu thủ Hà Lan Van der Vaart từng nói thẳng rằng khi bạn rời Real Madrid, bạn sẽ thấy mọi CLB khác đều ở tầm vóc bé hơn.
Khi Real chiêu mộ David Beckham vào năm 2003, CLB này ấn định giờ ra mắt vào lúc 11h (giờ địa phương), để phục vụ nhu cầu của thị trường châu Á. Những con số thống kê sau đó cho thấy sức hút của lần ra mắt Beckham vượt xa mọi tưởng tượng của nhiều người. Nó trở thành sự kiện được chú ý nhiều thứ hai trong lịch sử thế giới, chỉ sau lễ tang của Công nương Diana vài năm trước.
Paul Clement, cựu trợ lý của HLV Ancelotti tại Real, người có nhiều năm sống trong thế giới bóng đá chuyên nghiệp, đã phải sửng sốt trong lần đầu tiên đến trung tâm huấn luyện Valdebebas: “Mọi thứ rất khác so với những CLB khác như PSG hay Chelsea. Nó khổng lồ và vĩ đại”.
Khi Calderon chiêu mộ tân binh nào đó, nhiệm vụ đầu tiên của ông là phải nói với cầu thủ rằng, ở Real, mọi người trông đợi cậu trình diễn 150% phong độ. Không biết cậu là ai, nhưng với Real, cậu sẽ có thử thách lớn nhất sự nghiệp.
Karanka đồng ý với quan điểm này: “Thử thách lớn nhất khi bạn là cầu thủ Real đó là việc lúc nào bạn cũng sẽ nghe ai đó nhận xét về mình. Chỉ tài năng bóng đá là không đủ, bạn còn cần có cá tính và tinh thần thép. Madrid cho bạn thiên đường tốt nhất vũ trụ, nhưng cũng có thể tạo ra địa ngục kinh khủng nhất”.
Capello và Ancelotti, hai HLV lừng danh nhất của bóng đá Italy đều từng cay đắng rời Real ngay sau những thành công. Ảnh: Getty.
Bí quyết thành công
Trong một thập niên qua, những ai thành công nhất tại Real? Với tư cách cầu thủ, đó có thể là Sergio Ramos hoặc Cristiano Ronaldo. Trên tư cách nhà lãnh đạo, đó là Florentino Perez, Zinedine Zidane và có thể bao gồm cả Carlo Ancelotti.
Khi Ancelotti đến, phòng thay đồ Real đang hỗn độn từ sau khi sự ra đi của Mourinho. HLV người Italy đã xây dựng lại mối quan hệ với các cầu thủ trong phòng thay đồ. Ông khiêm tốn, hòa đồng và cũng biết cách kiểm soát mọi thứ khi cần thiết.
“Những cầu thủ Real có thể thắng 80% số trận đấu trong một mùa giải mà không cần đến HLV”, Clement phân tích. Tuy nhiên, 20% còn lại là chuyện khác, không một đội bóng nào lên đỉnh mà không cần HLV.
Ancelotti đã đưa Real đến với cột mốc “Decima” mà các CĐV luôn mong ước. Ngày ông ra đi, những cầu thủ như Ronaldo hay Ramos vô cùng thất vọng. Tuy nhiên, họ không có cách nào khác. “Bố già” Perez đã quyết định, và Ancelotti phải ra đi.
Perez là chủ tịch thành công nhất lịch sử Real. Sau giai đoạn nắm quyền ở CLB từ năm 2000-2006, ông trở lại vào năm 2009 và trở thành “bất khả xâm phạm” từ đó đến nay.
Calderon khẳng định dù Perez có nói bao nhiêu lời hoa mỹ trên mặt báo, điều tiên quyết mà ông muốn tại Real vẫn luôn là chiến thắng. Chiến thắng và các danh hiệu giúp Perez tồn tại trên chiếc ghế Chủ tịch Real.
Cả tá HLV đã bị Perez sa thải trong 2 nhiệm kỳ đã qua, nhiều hơn số HLV đã bị Roman Abramovich sa thải tại Chelsea. “Perez là người thông minh”, Calderon phân tích. “Những danh hiệu giúp chiếc ghế của bạn vững chắc, khi điều đó xảy ra, mọi sai lầm sẽ được che đậy”.
Tuy nhiên, trên tất cả, mọi thứ vẫn phải xuất phát từ tình yêu và sự đam mê. Perez là chủ tịch hiếm có của bóng đá thế giới. Ông không phải những nhà đầu tư như ở PSG hay Manchester United. Ông có mặt ở mọi trận đấu của Real trong 30 năm qua.
Khi người vợ qua đời vào năm 2012, toàn bộ cuộc sống của Perez đã dành cho Real. Ông muốn biết, kiểm soát và tìm hiểu mọi thứ ở CLB, đặc biệt là trong phòng thay đồ. Đó là lý do Zidane đã đến, tạo ra những cột mốc chưa từng xuất hiện trong lịch sử CLB này.
Zidane và Perez biết nhau từ những năm đầu của thế kỷ 21, khi Real chiêu mộ tiền vệ người Pháp về “dải ngân hà” của mình. Với tầm nhìn của mình, Perez đã đánh cược vào Zidane và thắng lớn.
“Zidane biết cách kiểm soát phòng thay đồ”, Calderon phân tích. “Anh ta là chuyên gia tâm lý, người quá hiểu cái tôi và những vấn đề nội bộ của Real Madrid”.
Một cầu thủ Real giấu tên khẳng định Zidane đã thu phục toàn bộ đội hình bằng sự thẳng thắn và trung thực. Tất nhiên uy thế khi từng là cầu thủ vĩ đại tại Bernabeu cũng giúp Zidane rất nhiều.
Từng thi đấu cùng HLV người Pháp tại Real, Owen miêu tả đồng đội cũ như thủ lĩnh trầm lặng nhưng cực kỳ thông minh. “Khi chúng tôi đang ở phòng thay đồ, Zidane là một trong những người luôn ngồi đó, lắng nghe và chú ý tất cả. Anh ta không nói quá nhiều, nhưng không gì có thể lọt qua mắt anh ấy”.
Zidane dường như được sinh ra để dành cho Real, và ngược lại. Tất nhiên chỉ đến khi nào ánh hào quang chiến thắng của vị HLV người Pháp chưa lụi tắt. Bản thân Zidane và Perez hiểu rõ điều này hơn ai hết. Khắc nghiệt và vinh quang, tàn nhẫn và quả ngọt, đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha có thể mang lại cho bạn tất cả.
Hồng An
Ronaldo chạm mặt Ibrahimovic sau 5 năm
Zlatan Ibrahimovic và Cristiano Ronaldo đều để lại dấu ấn trong trận AC Milan hòa Juventus 1-1 ở bán kết lượt đi cúp quốc gia Italy diễn ra rạng sáng 14/2 (giờ Hà Nội).
Cristiano Ronaldo có dịp đối đầu Ibrahimovic khi Juventus đến San Siro đấu AC Milan tại cúp quốc gia Italy mùa này. Cả Ronaldo và Ibra là những cầu thủ vĩ đại của làng túc cầu, được CĐV ngưỡng mộ bởi sự bền bỉ. Ibra là đầu tàu của Milan ở tuổi 38. Trong khi đó, Ronaldo tạo chuỗi 11 trận ghi bàn liên tiếp ở tuổi 35.
Hai ngôi sao gặp lại trên sân cỏ sau 5 năm. Lần gần nhất Ronaldo đối đầu trực tiếp Ibra diễn ra tại vòng bảng Champions League 2015/16. Khi đó, Real Madrid gặp PSG, có thành tích một thắng và một hòa.
Milan với lợi thế sân nhà là đội nhập cuộc chủ động. Trong hiệp một, Ibra di chuyển tích cực, nhưng chủ yếu bám khu vực 16,5 m. Nhiệm vụ của anh là thu hút hậu vệ Juventus, làm tường cho người đá cặp Ante Rebic.
Phút 61, Rebic mở tỷ số cho Milan. Ibra góp công trong bàn thắng này, khi cú bật nhảy của anh thu hút sự chú ý của Leonardo Bonucci và Matthijs de Ligt. Rebic từ phía sau lao lên, được rảnh chân và tung cú sút hiểm hóc hạ Gianlugi Buffon.
Vì thế trận bế tắc của Juventus, Ronaldo hoạt động nhiều hơn thường lệ. CR7 thậm chí nhiều lần lùi về sân nhà để tìm bóng và tổ chức tấn công. Ronaldo ít nhận sự hỗ trợ của đồng đội, do đó thường xuyên sử dụng kỹ thuật để rê dắt. Những pha xử lý của Ronaldo đẹp mắt, nhưng thiếu hiệu quả.
Phút 90 1, Ronaldo ngả bàn đèn dứt điểm trong vòng cấm. Cú sút của Ronaldo may mắn đưa bóng chạm tay một cầu thủ Milan. Trọng tài xem lại VAR và cho Juventus hưởng penalty. Ronaldo không mắc sai lầm để cân bằng tỷ số cho "Lão phu nhân".
Trận đấu kết thúc với tỷ số 1-1, 2 đội phải phân định tấm vé đi tiếp ở Copa Italia trong trận lượt về. Dẫu vậy, 90 phút sắp tới thiếu hấp dẫn khi Ibra bị treo giò. Tổn chất chồng chất cho Milan vì Theo Hernandez nhận thẻ đỏ phút 71, sẽ bị treo giò tương tự Ibra.
Theo Zing
Liverpool cần chốt vụ Werner trong 2 tháng tới Để có thể sở hữu Timo Werner với giá rẻ nhất có thể, Liverpool cũng như các ông lớn khác cần phải sớm hành động... Timo Werner đang là chân sút người Đức tốt nhất và là một trong những tiền đạo hàng đầu châu Âu thời điểm hiện tại. Dễ hiểu khi ngôi sao 23 tuổi lọt vào tầm ngắm của hàng...