Những bí mật bất ngờ ở hội nghị Paris
Lần họp cuối cùng, Kissinger ngỡ ngàng khi đoàn Việt Nam không ra cổng đón mà còn bị cố vấn Lê Đức Thọ mắng xối xả: “Chính các ông, không phải ai khác đã bôi nhọ danh dự nước Mỹ”.
Cuộc đấu tranh về ngoại giao tại Paris giữa bốn bên Mỹ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa diễn ra đồng thời với cuộc đấu tranh trên mặt trận quân sự. Thắng lợi về quân sự ảnh hưởng trực tiếp đến cục diện trên bàn ngoại giao. Chính vì vậy, sau thất bại của “đòn quyết định” dùng B52 tấn công miền Bắc Việt Nam, Mỹ đã phải gửi công hàm đề nghị nối lại đàm phán Paris sau khi trì hoãn thống nhất nội dung.
Ông Hà Đăng, thành viên đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam kể, ở Paris, đoàn đàm phán cũng theo dõi được chuyện bắn rơi B52 như thế nào, ở đâu. Đến khi nghe nói “trận Điện Biên Phủ trên không” thì tất cả mọi người đều sung sướng. “Như vậy là mình đã chiến thắng, chúng tôi tin tưởng và mong chờ ngày họp lại, cố vấn Lê Đức Thọ sẽ sang”, ông Đăng kể.
Đúng là cố vấn trở lại Pháp sau đó. Ngày 13/1, cuộc gặp riêng cuối cùng giữa cố vấn Lê Đức Thọ và cố vấn tổng thống Mỹ Kissinger tại Paris. Theo ông Đăng, đoàn của Việt Nam đến sớm, đoàn Mỹ đến đúng giờ. Nơi hẹn là ngôi biệt thự có sân to để được mấy chiếc xe hơi. Những lần trước, khi còn đang đàm phán với nhau, với tư cách là chủ thì theo phong tục Việt Nam ra đón khách, mọi người đứng ngoài cổng, bắt tay mời đoàn Mỹ vào phòng họp.
Cố vấn Lê Đức Thọ (người giơ tay). Ảnh tư liệu.
“Nhưng lần này báo chí tập trung sẵn sàng chụp ảnh ngoài cổng vẫn không thấy đoàn Việt Nam ra. Đúng giờ hẹn, đoàn Kissinger đến thì người gác ra mở cổng. Ông ta không thấy có người ra đón nên ngỡ ngàng, vào phòng thì bị cố vấn Lê Đức Thọ chỉ trích túi bụi. Bọn tôi ở trên gác nghe rất sướng”, ông Hà Đăng kể.
Ông Phùng Khắc Tư, phóng viên báo Phòng không Không quân thì cho hay, ngày 4/2/1973, ông xuống tiểu đoàn 77 tên lửa để đón cố vấn Lê Đức Thọ đến thăm. Lúc đó, tiểu đoàn trưởng Đinh Thế Văn thay mặt các chiến sĩ chúc mừng chiến thắng của cố vấn từ hội nghị Paris trở về, ông đa xua tay nói: “Không, không phải tôi mà chính các đồng chí. Bởi vậy, sau khi vừa xuống máy bay tôi đã đề nghị được đến thăm một trận địa tên lửa. Chính các đồng chí đã cho tôi sức mạnh và sự kiên quyết trước kẻ thù trên bàn hội nghị”.
Cố vấn kể, sau khi hội nghị Paris được nối lại vào ngày 8/1, Kissinger và phái đoàn Mỹ vừa ngồi vào bàn hội nghị thì cố vấn nói thẳng: “Các ông đã kiếm cớ thương lượng bị gián đoạn để dùng B52 đánh vào Hà Nội, đúng hôm tôi vừa trở về. Hành động của các ông lúc đó thật trắng trợn và rất thô bạo. Chính các ông không phải ai khác đã bôi nhọ danh dự nước Mỹ”.
Kissinger lúc đó rất lúng túng và phân bua: “Đó không phải là trách nhiệm của tôi. Việc ném bom B52 xuống Hà Nội không phải là lỗi của tôi”. Nhưng cố vấn Lê Đức Thọ tức giận, đập tay xuống bàn và nói: “Hơn 10 năm Mỹ đã dùng bạo lực để khuất phục Việt Nam, nhưng các ông không rút ra được bài học nào từ thất bại đó. Thật là ngu xuẩn, thật là ngu xuẩn, ngu xuẩn”.
Lúc đó người phiên dịch không dám dịch những từ cuối của cố vấn Lê Đức Thọ, nhưng thành viên trong phái đoàn Mỹ không những đã dịch nốt mà còn nhấn mạnh từ cuối: “Stupid, stupid, stupid”. Lúc đó, cố vấn Kissinger rất lúng túng và đề nghị: “Xin mời ông giảm âm lượng và không nên dùng những từ như vừa rồi, vì ở ngoài kia còn bao nhiêu người theo dõi”.
Cố vấn đáp luôn: “Những từ đó tôi đã dùng hết sức kiềm chế, còn báo Mỹ, người Mỹ còn dùng những từ khắc nghiệt hơn nhiều về hành động này”. Với khí thế chiến thắng, cố vấn kể, ông đã không đồng ý khi Kissinger đặt điều kiện đòi Việt Nam phải trả hết tù binh ngay sau khi ký hiệp định và phía ngụy quyền trả sau 60 ngày. Kissinger đã phải nhượng bộ.
Video đang HOT
Trong câu chuyện, thỉnh thoảng cố vấn Lê Đức Thọ lại nói với những người lính tên lửa: “Cảm ơn các đồng chí đã cho tôi đập bàn và cho tôi nói. Không có chiến thắng của các đồng chí trên mặt trận quân sự thì sẽ không có chiến thắng ở mặt trận ngoại giao. Các đồng chí đã bắn rơi B52 trên bầu trời Hà Nội và chính cái đó buộc Mỹ ký hiệp định ngày 27/1/1973″.
Ông Lý Văn Sáu (phải) tại một buổi họp báo. Ảnh tư liệu.
Đoàn Việt Nam không chỉ khôn khéo, cương quyết trên bàn đàm phán mà thông tin trao đổi với báo chí nước ngoài cũng rất rõ ràng. Ông Lý Văn Sáu, người phát ngôn của Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại hội nghị Paris cho biết, để cho người ta hiểu được thế nào là miền Bắc, miền Nam, đường mòn Hồ Chí Minh… cũng rất phức tạp. Đoàn Việt Nam phải nói để cho báo chí hiểu, từ hiểu mới viết đúng được.
Lần họp báo đầu tiên sau phiên họp bốn bên, một nhà báo Mỹ đã đưa ra một bức ảnh bản đồ nước Việt Nam và nói: “Các ông là Việt cộng, các ông vỗ ngực nói giải phóng 2/3 miền Nam Việt Nam, ông chỉ cho tôi xem vùng giải phóng của các ông ở đâu”. Lúc này, ông Sáu nghĩ, vùng giải phóng của mình đang bị tấn công tới tấp, mà chủ yếu là rừng núi, còn đồng bằng chỉ có “tấm lòng giải phóng”.
“Tôi trả lời là ông hãy về hỏi Bộ tư lệnh Mỹ ngày hôm nay ném bom ở đâu, nơi bị ném bom chính là vùng giải phóng của tôi”, ông Sáu kể và cho hay lúc đó phòng họp vỗ tay rào rào.
Đến phiên họp báo sau khi ký hiệp định Paris, có mấy nhà báo Mỹ hỏi “Bây giờ, qua mấy năm đấu tranh, chúng ta đã quen biết nhau, ông muốn nhắc nhở chúng tôi điều gì?”. Ông Sáu nói: “Đừng quên Việt Nam, nhớ Việt Nam để đừng sai phạm một lần nữa ở Việt Nam”.
Các mốc lịch sử quan trọng trong quá trình đàm phán Hiệp định Paris:
Năm 1968:
31/1: Quân giải phóng miền Nam Việt Nam tổng tiến công các thành phố lớn, hầu hết các tỉnh lị và nhiều căn cứ của Mỹ và chính quyền Sài Gòn ở miền Nam.
31/3: Tổng thống Johnson tuyên bố hạn chế ném bom miền Bắc và nói chuyện hòa bình với Việt Nam dân chủ Cộng hòa.
13/5: Hội nghị Paris giữa hai bên Mỹ và Việt Nam dân chủ Cộng hòa khai mạc.
31/10: Johnson ra lệnh chấm dứt ném bom miền Bắc và đề nghị họp hội nghị bốn bên vào ngày 6/11/1968.
Năm 1969:
25/1: Hội nghị bốn bên Việt Nam dân chủ Cộng hòa – Mặt trận dân tộc giải phóng – Hoa Kỳ – Việt Nam cộng hòa khai mạc ở Paris.
4/8: Henry Kissinger bí mật gặp ông Xuân Thủy lần đầu ở Paris.
Năm 1970:
21/2: Lê Đức Thọ – Xuân Thủy gặp Kissinger, bắt đầu gặp riêng giữa Lê Đức Thọ và Kissinger.
4/5: Chính quyền Nixon cho cảnh sát bắn chết bốn sinh viên phản đối chiến tranh Việt Nam tại ĐH Kent.
9/5: Ngày toàn quốc phản đối chiến tranh Việt Nam ở khắp nước Mỹ.
Năm 1972:
25/1: Nixon đơn phương công bố nội dung các cuộc gặp riêng và đề nghị 8 điểm đưa ra hôm 16/8/1971.
31/1: Việt Nam dân chủ Cộng hòa tuyên bố đề nghị 9 điểm.
22/3: Mỹ tuyên bố ngừng họp Hội nghị Paris vô thời hạn.
6/4: Nixon hạ lệnh ném bom lại miền Bắc Việt Nam.
2/5: Lê Đức Thọ và Xuân Thủy gặp Kissinger.
8/5: Mỹ thả mìn phong tỏa các cảng biển và cửa sông miền Bắc.
Tháng 6: Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quyết định chuyển sang chiến lược hòa bình.
19/7: Tại cuộc gặp riêng, Mỹ và Việt Nam đều đưa ra tuyên bố về chính sách chung.
8/10: Việt Nam đưa ra dự thảo “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”.
20/10: Mỹ tuyên bố “Hiệp định xem như đã hoàn thành” và lập cầu hàng không Enhance Plus tiếp tế ồ ạt vũ khí cho Sài Gòn.
23/10: Mỹ lại nêu nhiều trở ngại để trì hoãn.
26/10: Việt Nam tuyên bố thỏa thuận đã đạt được.
2/11: Nixon ra lệnh B52 tiến công phía Bắc khu phi quân sự.
7/11: Nixon tái đắc cử tổng thống Mỹ.
20/11: Thương lượng lại, Mỹ đòi sửa đổi hầu hết các vấn đề thực chất trong tất cả các chương theo yêu cầu của chính quyền Sài Gòn.
18/12: Nixon cho B52 ném bom Hà Nội, Hải Phòng, mở đầu chiến dịch Linebacker 2 kéo dài 12 ngày đêm, đồng thời gửi công hàm cho Việt Nam yêu cầu họp lại. Việt Nam dân chủ Cộng hòa không trả lời.
22/12: Mỹ lại gửi công hàm yêu cầu họp lại với điều kiện Mỹ sẽ chấm dứt ném bom trên vĩ tuyến 20.
26/12: Việt Nam dân chủ Cộng hòa đòi trở lại tình hình trước ngày 18/12 thì hai bên sẽ họp lại. Mỹ chấp thuận.
30/12: Mỹ chấm dứt ném bom trên vĩ tuyến 20.
Năm 1973:
8/1: Họp lại
13/1: Hoàn thành hiệp định. Đây là cuộc gặp riêng cuối cùng.
23/1: Lê Đức Thọ và Kissinger kí tắt Hiệp định.
27/1: Bốn bên kí Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
28/1: Ngừng bắn trên tòan miền Nam.
2/3: Ký định ước Paris về Việt Nam.
Theo VNE
Ông Lê Đức Thọ 'mổ xẻ' cố vấn Mỹ ở bàn đàm phán Paris
"Ông Thọ ở Paris đã mổ xẻ tôi bằng những con dao rất nhọn, với tay nghề của một nhà phẫu thuật", cố vấn tổng thống Mỹ Kissinger đã thừa nhận.
Kéo dài 5 năm (1968-1973), cuộc đấu trí bằng ngoại giao để đi đến ký kết hiệp định Paris đã diễn ra căng thẳng, khốc liệt không kém cuộc chiến trên mặt trận quân sự. Đưa B52 ồ ạt tấn công vào Bắc Việt Nam và thủ đô Hà Nội, Mỹ âm mưu đưa nơi đây về thời kỳ đồ đá, buộc đoàn đàm phán tại Paris phải ký kết hiệp định với điều khoản có lợi cho Mỹ.
Nhưng Tổng thống Nixon đã nhầm. Mỗi đợt bay của phi công Mỹ vào Bắc Việt Nam không phải một cuộc dạo chơi. Pháo cao xạ, tên lửa, không quân... của Việt Nam đã hợp đồng tác chiến, tạo nên một trận địa lửa, sẵn sàng bắn rơi bất cứ B52 nào xâm phạm. Với thiệt hại nặng nề và không làm Hà Nội nao núng, Mỹ phải tuyên bố dừng ném bom miền Bắc, trở lại bàn đàm phán, ký hiệp định Paris.
40 năm trôi qua, ông Lưu Văn Lợi, thư ký của cố vấn Lê Đức Thọ dù tuổi đã cao, nhưng vẫn không thể nào quên được những ngày đấu tranh ngoại giao ở Paris. Ông kể, khi đoàn xuất phát năm 1968, Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Lê Duẩn đã dặn ông Lê Đức Thọ là "Anh sang bây giờ sẽ là tư lệnh ở mặt trận ngoại giao. Làm thế nào thì làm nhưng anh phải đạt được là Mỹ cút, quân ta ở lại".
Cố vấn Lê Đức Thọ và cố vấn đặc biệt của Tổng thống Mỹ, tiến sĩ Henry Kissinger chúc mừng nhau sau lễ ký tắt. Ảnh tư liệu.
Thời điểm đó Trung Quốc muốn Việt Nam tiếp tục đánh, chưa đàm phán vội, mà đàm thì phải có điều kiện, còn Liên Xô thì khuyên nên sớm ký hiệp định nếu có lợi để chấm dứt chiến tranh. Khi đoàn của cố vấn Lê Đức Thọ qua Pháp dừng lại ở Bắc Kinh, họ phê phán là Việt Nam vội quá, nhượng bộ Mỹ nhiều quá và nếu họp, đáng lẽ phải họp ngay trong vùng như Campuchia, Myanmar hay Lào.
Ông Lợi nhớ, các phiên họp riêng giữa ông Xuân Thủy, Lê Đức Thọ và Kissinger (cố vấn của Tổng thống Mỹ Nixon) đều là những ngày làm việc dài, có ngày tới 13 tiếng, lấn sang cả đêm. Ông Lê Đức Thọ sinh năm 1911, khi ấy đã hơn 60 tuổi, nhiều hơn Kissinger gần một giáp. Cố vấn Mỹ vào đầu cuộc họp riêng thường đưa những chuyện dài lê thê, chiều tối mới đưa việc chính ra tranh cãi. Đó là lúc ông ta nghĩ rằng "ông già" kia mệt mỏi rồi, dễ ừ, dễ gật.
Thế nhưng đàm phán càng muộn ông Lê Đức Thọ càng tỉnh táo, làm cho đối phương phải thốt lên: "Ông Thọ ở Paris đã mổ xẻ tôi bằng những con dao rất nhọn, với tay nghề của một nhà phẫu thuật. Có những lúc ông ấy nói hàng tiếng liền, tôi bảo tôi đã nghe nhiều lần thì ông Thọ bảo nghe nhiều lần nhưng chưa thuộc, tôi nói lại".
Tháng 10/1972, Mỹ nhượng bộ không đòi quân Bắc Việt Nam rút, chỉ yêu cầu có một số biểu hiện như hồi hương một ít, di chuyển quân tượng trưng để máy bay Mỹ chụp ảnh, chứng minh cho người dân Mỹ thấy rằng cũng đòi được quân Bắc Việt Nam rút lui.
Nguyên trưởng đoàn đàm phán Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình tâm sự, vào cuối năm 1972, tình hình so sánh lực lượng trên chiến trường có lợi cho Việt Nam. Trong lúc đó nội bộ Mỹ mâu thuẫn gay gắt giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa, vấn đề bầu cử tổng thống Mỹ đang cận kề. Bộ Chính trị chỉ thị cho đoàn đàm phán ở Paris đấu tranh để buộc Mỹ đi vào giải quyết thực chất vấn đề chiến tranh Việt Nam.
Bà cho biết, các cuộc họp riêng giữa ông Lê Đức Thọ và cố vấn Kissinger diễn ra dồn dập trong những ngày đầu tháng 10/1972. Đến 20/10 hai bên căn bản nhất trí trên văn bản dự thảo Hiệp định Paris do phía Việt Nam đưa ra. Tổng thống Nixon gửi công hàm cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng hoan nghênh thiện chí của ta và đề nghị ngày 31/10/1972 sẽ ký kết.
Bà Nguyễn Thị Bình ký hiệp định Paris. Ảnh tư liệu.
Nhưng ngày 22/10, Tổng thống Nixon lại gửi công hàm nêu khó khăn với Nguyễn Văn Thiệu nên chưa thể ký kết hiệp định như đã thỏa thuận. "Chúng tôi ở Paris lúc đó hiểu ngay là Mỹ lật lọng muốn kéo dài đàm phán để vượt qua bầu cử", bà Bình nói. "Quả thật, sau ngày 7/11, Tổng thống Nixon được tái cử, trong cuộc họp ngày 23/11 giữa ta với Mỹ, Kissinger trắng trợn đòi sửa lại 60 điều trong văn bản thỏa thuận".
Tối ngày 18/12/1972, máy bay B52 của Mỹ bắt đầu dội bom xuống Hà Nội, Hải Phòng và nhiêu nơi khác. Tại cuộc họp bốn bên thường lệ ở Trung tâm hội nghị quốc tế Kleber, đoàn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa tuyên bố ngừng họp để phản đối hành động tráo trở và leo thang chiến tranh của Mỹ.
"Thực tế cuộc tập kích bằng B52 của Mỹ làm anh chị em chúng tôi tại hai đoàn đàm phán ở Paris hết sức lo lắng, không biết chúng ta sẽ đối phó ra sao. Nhưng khi được tin chiếc B52 đầu tiên bị bắn hạ, chúng tôi vô cùng sung sướng", bà Bình nói.
Sau 12 ngày đêm ném bom dữ dội xuống Hà Nội và các tỉnh, 34 máy bay B52 của Mỹ bị hạ, âm mưu hủy diệt Hà Nội và Bắc Việt Nam không thành. Mỹ không những thất bại nặng nề về quân sự mà cả về chính trị, ngoại giao. Cả thế giới lên án Mỹ. Cả Anh, đồng minh thân cận nhất của Mỹ, cũng lên tiếng phản đối. Vài ngày sau chính quyền Nixon gửi công hàm đề nghị họp lại và chấp nhận hoàn toàn dự thảo Hiệp định đã thỏa thuận hồi tháng 10/1972.
"Như vậy có thể nói Mỹ muốn dùng cuộc tập kích bằng B52 uy hiếp chúng ta. Nhưng thắng lợi to lớn của trận Điện Biên Phủ trên không của quân dân ta đã đánh bại âm mưu của Mỹ, buộc họ phải chấp nhận những đòi hỏi cơ bản của nhân dân Việt Nam vì độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia", vị trưởng đoàn đàm phán khẳng định.
Ông Lý Văn Sáu, người phát ngôn của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại hội nghị Paris cho biết, trong cuộc đấu tranh ngoại giao kéo dài 5 năm ấy, điều quan trọng nhất là giữ bí mật. Paris là nơi dư luận chú ý, cũng là nơi gián điệp chú ý. Thời đó, tuy chưa có điện thoại di động, chưa có phương tiện ghi âm như bây giờ, nhưng gián điệp cũng có đủ phương tiện để hành nghề.
"5 năm ở Paris, chúng ta giữ được bí mật về đường lối, chính sách, về chủ trương, lập trường, phải nói đấy là một thành công rất lớn", ông Sáu nói.
Ông kể, hai đoàn luôn giữ được độc lập, nhưng cũng kết hợp chặt chẽ, thống nhất làm việc. Đoàn của Chính phủ cách mạng lâm thời có khoảng 40 người, chia làm nhiều ban. Ban nghiên cứu, bàn và tham mưu, Ban tiếp xúc, đi gặp gỡ bạn bè Pháp và quốc tế, gặp gỡ kiều bào, Ban báo chí và Ban Hậu cần, bộ phận nào biết việc bộ phận ấy. Ngay cả những cuộc họp công khai cũng giữ bí mật đến cùng.
"Tại Paris, mỗi đoàn có một phòng hội nghị, nguyên tắc không trao đổi với nhau. Phòng họp của từng đoàn thiết kế rất đặc biệt, làm tường hai lớp, có một loạt loa phóng thanh ở xung quanh. Ta vào trong, đóng cửa lại rồi phát nhạc. Trong này mình nói chuyện với nhau, bên ngoài chỉ nghe thấy nhạc", ông Sáu cho biết.
Sau sự kiện Tết Mậu Thân năm 1968, bốn bên tham chiến tại Việt Nam gồm Mỹ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa phải ngồi vào bàn đàm phán khi chưa bên nào giành thắng lợi bằng quân sự. Đoàn miền Bắc (Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) do ông Xuân Thủy làm trưởng đoàn, ông Lê Đức Thọ là cố vấn. Đoàn miền Nam (Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam) lúc đầu do ông Trần Bửu Kiếm làm trưởng đoàn, về sau do bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Ngoại giao, làm trưởng đoàn.
Hiệp định Paris, đỉnh cao của nền ngoại giao Việt Nam Kết thúc thắng lợi sau gần 5 năm đàm phán, Hiệp định Paris là kết quả của cuộc đấu tranh khốc liệt trên chiến trường và mặt trận ngoại giao. Sáng 25/1, lễ kỷ niệm 40 năm ngày ký hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội. Nguyên trưởng đoàn...