Những bế tắc của “tình” đồng giới
Ra thành phố trốn tránh cái nghèo và những bế tắc ở làng quê, nhưng cuối cùng những nữ công nhân lại bị cuộc sống đô thị xô đẩy vào những khủng hoảng mới.
“Mối tình” cô độc
“Cuộc sống xa nhà cô quạnh quá, đứa bị người yêu bỏ rơi, đứa thì xanh rêu vì chưa từng biết đến mùi vị đàn ông. Hết giờ làm việc chẳng biết đi đâu, làm gì. Sáu đứa con gái ở chung một phòng chật, tắm chung, ngủ chung, rồi chuyện xảy ra lúc nào không biết…”- Tại ngôi nhà nhỏ trên đường Tân Kỳ- Tân Quý (quận Tân Phú, TP.HCM), N thì thầm kể với tôi cái lý do mà họ, hai cô gái, có tình cảm luyến ái với nhau.
Sau rất nhiều cố gắng, tôi mới tiếp cận được N và Ng. Hai công nhân nữ sống cùng nhau, một người vai “chồng”, người kia là “vợ” sinh hoạt như một gia đình. Sau giờ làm việc, “anh chồng” lo sửa lại cái mái nhà bị dột, “chị vợ” lui cui dưới bếp, quét dọn nhà cửa.
Ng làm tại một công ty may trên đường Âu Cơ, còn bạn tình là N làm trong một xí nghiệp sản xuất bánh tại đường Lũy Bán Bích (cùng quận Tân Phú). Sau khi phát sinh tình cảm luyến ái, không chịu được những lời dị nghị của bạn bè, hai người dọn ra ngoài thuê nhà riêng. Tin đồn rỉ tai nhau giữa những người đồng hương, bay về quê. Mẹ N chết ngất.
Ông bố tuyên bố từ con. Đường về quê phút chốc bị bịt kín. Bế tắc, Ng và N lao vào vòng tay nhau, đắm đuối như bất cứ đôi nam nữ nào gặp trắc trở trong tình trường.
Cả nước có hơn 1 triệu lao động làm việc trong các KCN. Tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương có tới 70% công nhân là người ngoại tỉnh. Nhóm lao động di cư chủ yếu làm việc trong các doanh nghiệp may mặc và da giầy, vì vậy trên 80% là lao động nữ. Hầu hết những công nhân này đều đi thuê nhà với giá điện, nước sinh hoạt cao. (Bộ LĐ-TB&XH 2008)
Ngược lại với vẻ rụt rè nữ tính của N, thì Ng có ngôn ngữ, cử chỉ “lai lai” đàn ông. Ngồi trước mặt người lạ nhưng Ng không e dè thể hiện những hành động tình tứ với “bạn tình”. Liếc xéo “vợ mình” một cái rõ yêu, Ng cười cười: “Cô ấy dễ thương chi mà lạ, nhõng nhẽo như trẻ con ấy, bắt chồng chiều dữ lắm cơ, ghét!…”. Không hiểu sao nhìn Ng cười nói bày tỏ tình cảm lộ liễu với “bạn tình”, tôi chợt cảm thấy sự cô đơn đang dâng đầy căn phòng chưa đến 10m2. Giống như Ng đang cố gắng làm một điều gì đó để che giấu sự cô độc trong lòng. Nếu ở quê, một cô gái khoẻ mạnh hừng hực sức sống như em liệu có tìm được cho mình một tấm chồng tử tế?
Không thể quay về?
Nói đến chuyện quan hệ đồng giới, nhiều công nhân nữ thuê nhà trọ trên đường Bà Hom (phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân) chưa quên một vụ đánh ghen kinh hồn tại đây. Chị L.T.M.D, quê Vĩnh Long, lên thành phố làm công nhân đã gần 10 năm nay. Chị cùng 5 công nhân nữ khác thuê nhà trọ sống chung. Được nửa năm thì có một cặp “tách tốp”, quyến luyến nhau. Lình xình nửa năm nữa bỗng nhiên một người trong cặp đó quay sang… liếc mắt đưa tình với chị D. Bao năm lên thành phố không có được người yêu, tự nhiên có người chăm lo, chiều chuộng từ việc giặt đồ đến chăm sóc lúc ốm đau, chị D thấy trái tim mình rung động. “Tình cảm” lâu ngày dồn nén nên “bùng”. “Cuộc tình tay ba” vỡ lở. Chị D bị đánh một trận tơi bời, tóc tai quần áo te tua.
Sau lần ấy, bố mẹ bắt D về để gả chồng tại quê. Đám cưới cũng diễn ra rình rang, thế nhưng chỉ 3 tháng sau D đưa đơn ly dị. “Bấy lâu nay sống “đời cùng giới”, khi lấy chồng thiệt rồi em không thể cùng ảnh làm chuyện “chăn gối” được. Buồn, chia tay cho đỡ khổ cả hai” – D khóc với bạn bè thân. Từ ngày chia tay chồng, chị không còn mặn mà gì tới việc lập gia đình nữa. Giờ D vẫn làm công nhân, đã bước sang cái tuổi 39 nhưng vẫn sống đơn chiếc một mình.
Ra thành phố để trốn cái nghèo và những bế tắc ở làng quê, nhưng rốt cuộc nhiều nữ công nhân lại bị cuộc sống đô thị đẩy vào những khủng hoảng mới. Yêu chớp nhoáng, sống thử, nuôi con một mình và quan hệ đồng giới- những người như Ng, N, D và còn nhiều cô gái nữa đã từng phải trả giá đắt cho giấc mơ ra thành phố làm công nhân, liệu có thể trở về cuộc sống bình thường? Dường như còn cần cả câu trả lời từ phía chính quyền và các doanh nghiệp.
Theo VNE