Những bé gái bỏ học lấy chồng
Đang tuổi thiếu niên, thay vì đến trường, những em gái người dân tộc thiểu số lại về nhà chồng làm dâu. Những đứa trẻ lần lượt chào đời và những hệ lụy buồn bắt đầu từ đó.
Lấy chồng từ tuổi 15
Xã Tà Lài, huyện Tân Phú, Đồng Nai, có gần 2.000 hộ dân sinh sống, trong đó có hơn 300 hộ thuộc người đồng bào Stiêng, Châu Ro và dân tộc Mạ. Người thiểu số nơi đây có cuộc sống khó khăn mang nhiều tập quán lạc hậu. Một trong số đó là tình trạng tảo hôn.
Lấy chồng từ khi 15 tuổi, đến nay Điểu Thị Ngọc Diên đã có 2 người con
Già làng K’Lư (91 tuổi) cho biết: “Trên này không giống như người miền xuôi, không quy định tuổi lấy vợ, lấy chồng. Khi đến tuổi dậy thì là trai gái có thể ở với nhau. Nếu thích nhau hoặc mang thai thì sẽ làm đám cưới”.
Cũng theo già K’Lư, đa phần trai gái người thiểu số ở xã Tà Lài đều bỏ học sớm và kết hôn trước 18 tuổi.
Một trong những cô dâu tuổi 15 là Điểu Thị Ngọc Diên, người Châu Ro. Diên cho biết, khi đang học cấp hai thì em đem lòng mến yêu một người trong xóm. “Thấy em thích anh ấy nên cha mẹ cũng ưng thuận và cho hai đứa chung sống như vợ chồng. Lúc đó em đang đi học. Ở với nhau được gần 5 tháng thì em thấy bụng mình to lên và sau đó không lâu thì em phải nghỉ học để cưới và sinh em bé” – Diên kể. Năm nay con gái lớn của Diên đã 4 tuổi, con trai thứ hai lên 2 tuổi mà Diên mới bắt đầu bước sang tuổi 19.
Không riêng gì Diên, nhiều cô gái người Stiêng, Mạ cũng phải bỏ học về nhà chồng làm dâu. Ka’Nga kể: “Cha mẹ bảo đi học nhiều chữ rồi cũng phải về làm nương, làm rẫy. Có người ưng thì bỏ học mà lấy chồng, lỡ sau này không ai yêu phải ở một mình”.
Người Stiêng, Châu Ro, Mạ ở Tà Lài có phong tục trai gái đến tuổi dậy thì là có thể ở với nhau và lấy nhau, không quy định độ tuổi
Diên và Nga chỉ là 2 trong số hàng chục cô gái ở đây kết hôn trước tuổi. Theo như chị Ka’Rong – Hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 4, xã Tà Lài – đa số các cặp đôi đều kết hôn từ độ tuổi 15 – 17. Cả thôn may lắm chỉ được 1-2 cặp kết hôn đúng tuổi.
Video đang HOT
Những hệ lụy buồn
Cuộc sống của người dân nơi đây chủ yếu dựa vào nương rẫy. Những cặp vợ chồng trẻ càng khó khăn trong việc kiếm miếng cơm, manh áo. “Bọn em cưới nhau được gần 4 năm nhưng đến nay vẫn phải sống nhờ vào cha mẹ. Từ ngày em lấy vợ, cuộc sống gia đình ngày càng khó khăn. Giờ hai đứa con của em đói quá nên bị bệnh, ốm nhom” – K’Nhau là chồng của Điểu Thị Ngọc Diên cho biết.
Kết hôn khi còn quá trẻ nên các cặp đôi chưa được trang bị kiến thức sinh sản lẫn sức khỏe gia đình. Những đứa trẻ ra đời liên tiếp và đau ốm triền miên, thậm chí chết vì bệnh tật. Ka’Mai, cha của 3 đứa trẻ, thật thà nói, do cưới vợ và sinh con từ ngày còn đi học nên chẳng biết nuôi con thế nào. Đứa con đầu lòng chào đời được gần 1 tuổi thì chết. Hai đứa sau không hiểu sao cứ ốm đau liên miên.
Năm 16 tuổi, Ka’Bé theo chồng về làm dâu. Ka’Bé tâm sự: “Lúc đầu cuộc sống cũng bình thường nhưng khi em sinh con thì chồng em bắt đầu lạnh nhạt. Anh ấy bảo không yêu em nữa rồi đuổi em ra khỏi nhà”. Khoảng 1 năm sau đó, Bé kết hôn với người khác và đến nay đã có 3 đứa con.
Cuộc sống của người dân nơi đây còn lưu giữ nhiều tập tục lạc hậu
Bà Kiều Thị Hải, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tà Lài, cho biết, tình trạng tảo hôn ở người đồng bào Stiêng, Châu Ro, Mạ là vấn đề nan giải. Để tránh tình trạng trên, các ban ngành địa phương thường xuyên tổ chức các cuộc vận động và giáo dục giới tính, phổ biến luật hôn nhân đến với mọi người dân.
Còn theo ông Đặng Văn Cường, cán bộ Tư pháp xã Tà Lài, người Stiêng, Châu Ro, Mạ có phong tục đến tuổi dậy thì là trai gái có thể ở với nhau nên rất khó quản lý. Chỉ khi họ có con với nhau rồi lên chính quyền địa phương xin đăng ký kết hôn, xã mới có thể can thiệp, xử lý theo luật định. Những năm gần đây, vì sợ bị phạt nên nhiều cặp đôi tảo hôn đã tổ chức đám cưới “chui”, càng gây khó cho xã.
Theo Dantri
Tổ ấm của những bé gái bị cướp trinh trắng
Tưởng rằng con gái lạc rơi vào "nhà chứa", người mẹ hoảng hốt lên Sài Gòn tìm kiếm. Gặp được cô bé đang chăm chú học may trong mái ấm Hoa Hồng Nhỏ (quận 7, TP HCM), người mẹ ngỡ ngàng rơi nước mắt.
Đây là một trong những trường hợp bé gái tại đây được người nhà tìm kiếm, mà bà Nguyễn Kim Thiện, quản lý mái ấm Hoa Hồng Nhỏ nhớ nhất trong hơn 10 năm làm việc. Nơi đây đang nuôi dưỡng hơn 20 em gái từ 11 đến 18 tuổi có hoàn cảnh bất hạnh, nguy cơ trở thành nạn nhân của tình trạng xâm hại tình dục trẻ em.
"Mái ấm này ngày xưa là một cái chuồng lợn", bà Thiện cho biết. Năm 1992, trong một con hẻm được cho là tụ điểm mại dâm ở quận 7, một nhóm nữ tu sĩ quy tụ các bé gái trong độ tuổi dậy thì về nuôi dạy với mục đích tránh cho các em sa vào tệ nạn. Họ mua lại mảnh đất này khi ấy đang là chuồng lợn của một nhà dân và xây dựng nên căn nhà chung cho các bé gái.
Các em gái cùng nhau lau dọn phòng ăn. Ảnh: Xuân Hường.
Mái ấm Hoa Hồng Nhỏ hình thành từ đó, dưới sự quản lý của Hội bảo trợ trẻ em TP HCM. Nơi đây trở thành chốn nương thân của nhiều trẻ gái bơ vơ sau khi cha mẹ vướng vòng lao lý.
Vào khoảng năm 2004, mái ấm nhận về 3 chị em gái, lớn nhất 12 tuổi, nhỏ nhất 8 tuổi. Cả ba đều bị người cha dượng xâm hại tình dục trong một thời gian dài. Đau đớn hơn là chính người mẹ đẻ lại tiếp tay, giúp đỡ chồng sau trong việc giữ chặt tay chân, đè con gái mình ra.
Ba Thiện cho biết, đó là một vụ án rất nổi tiếng ở quận 7 cách đây vài năm. Cha dượng nhận án tử hình, còn người mẹ tù chung thân. Các em chỉ còn một người thân là bà ngoại đã lớn tuổi nên cơ quan chức năng gửi cả ba vào mái ấm.
"Tôi không thể hiểu được những người cha, người mẹ như thế nghĩ gì. Chúng tôi khi đã nhận nuôi các em sẽ không quan tâm đến quá khứ nữa. Nhiệm vụ của chúng tôi ngay lập tức là giúp các em thôi hoảng sợ và hòa nhập cùng bạn bè trong mái ấm", bà Thiện nói.
Trường hợp của ba chị em gái này không phải là hiếm. Bà Thiện phân tích, những chuyện đáng tiếc xảy ra đều là do các em sống trong một gia đình thiếu sự quan tâm. Để đưa các em trở lại trạng thái tâm lý bình thường là một việc đòi hỏi nhiều kỳ công.
Chỉ vào một cô bé đang quét dọn căn phòng sinh hoạt, bà Thiện nói đó là Mai, quê ở Long An, vào mái ấm cách đây hơn 1 năm. Bố mẹ thường xuyên vắng nhà, Mai hay sang chơi ở nhà người hàng xóm năm nay gần 70 tuổi. Và một ngày bố mẹ cô bé ngỡ ngàng khi thấy bụng con gái mình ngày càng lớn và bỗng dưng lại thích chơi búp bê. Lúc đó, Mai đã mang thai 5 tháng.
Cô bé bỏ nhà đi sau khi phá thai, rồi lưu lạc đến mái ấm. "Những ngày mới đến, Mai luôn miệng nói rằng em thù bệnh viện vì đã cướp mất con của mình, và nhất quyết không gọi điện về cho gia đình. Vài tuần sau, em bắt đầu quen với mái ấm, với bạn bè, đã gọi điện báo về nhà và đang rất chăm chỉ học may áo dài".
Một giờ sinh hoạt của các em ở mái ấm. Ảnh: Xuân Hường.
Bà Thiện nói, chăm sóc trẻ em cần nhất là sự chân thành. Các em bé ở mái ấm vốn đã bị tổn thương và cần thời gian để vết thương lành lại. Thái độ tỏ ra thương hại hay ép buộc các em đều sẽ phản tác dụng.
Cô bé Hà bị chính cha ruột xâm hại trong nhiều năm. Đến mái ấm hơn 1 tuần rồi mà em liên tục khóc và không nói năng. Ban quản lý lo lắng đưa em đến chuyên gia tâm lý, em còn khóc lớn hơn. Buổi tối hôm ấy, bà Thiện đến cạnh giường cô bé hỏi "Cho cô ngủ chung được không?". Em gật đầu, nằm lui vào và bắt đầu kể về câu chuyện của mình.
Nữ quản lý đã rơi nước mắt khi em ngây thơ nói rằng: "Cha làm vậy với con nhiều lắm, con đau mà không dám nói vì sợ người ta phạt cha. Lúc chú cảnh sát hỏi, con chỉ dám khai có mười mấy lần hà".
Người phụ nữ chia sẻ: "Nghe em nói &'sợ bác sĩ lắm, nói chuyện với các cô thoải mái hơn', tôi nhận ra chúng tôi chẳng cần ép mình thành chuyên gia làm gì. Chỉ cần yêu thương và chờ đợi, các cô bé nhạy cảm này sẽ sẵn sàng mở lòng ra khi nhận ra rằng chúng thực sự được thương yêu".
Sau nhiều năm mở lớp dạy nghề cho các em tại mái ấm, ban quản lý đành ngưng lại vì không nhìn thấy được hiệu quả. Họ chuyển sang hướng nghiệp riêng cho từng em, chọn những em thật sự muốn học nghề và gửi đi học trực tiếp tại các cơ sở. Phổ biến nhất là làm móng tay, massage, may áo dài...
Bà Thiện nói về việc dạy nghề với vẻ mặt đăm chiêu. Bà cho biết, trong 10 em được đi học nghề thì chỉ có khoảng 2-3 em là học thành công.
"Nhiều lúc tôi nghĩ mà đau lòng, nhiều mái ấm nuôi trẻ trai đã cử các em đi học và hầu hết đều thành công. Trẻ gái cũng được đi học nghề, nhưng ra ngoài học cứ quen bạn trai là bỏ học, bỏ luôn mái ấm mà đi. Còn có em đang học nghiệp vụ nhà hàng thì gia đình lên kéo về lấy chồng, không cho học nữa", cô Thiện nói.
"Tương lai cuộc sống của các em là do chính các em và gia đình quyết định. Chúng tôi chỉ có thể nuôi nấng các em trong một thời gian và không thể thay đổi được những suy nghĩ kiểu "làm việc thì phải có tiền ngay" hay "con gái chẳng cần học hành, chỉ về lấy chồng là xong chuyện"".
Vấn đề suy tư nhiều hơn là tương lai của các bé gái đã từng bị xâm hại bởi chính người thân. Người quản lý mái ấm nói: "Dù thế nào, chúng tôi vẫn không thể thay đổi quá khứ đau lòng, nó sẽ trở thành một rào cản lớn ngăn các em đến với cuộc sống hôn nhân về sau. Nếu phải quay về sống ở quê, tôi rất sợ những con mắt kỳ thị sẽ lại vùi dập những đứa trẻ mà chúng tôi đã vực dậy. Các em hoàn toàn không có lỗi gì".
Các em gái ở mái ấm Hoa Hồng. Ảnh: Xuân Hường.
Một cô bé chừng 10 tuổi chạy tới chiếc chuông gần cửa phòng sinh hoạt, nhấn chuông báo giờ họp hàng tuần của mái ấm. Hơn 20 "bông hồng nhỏ" ngồi thành vòng tròn. Các nhóm trưởng bắt đầu báo cáo với cô Kim Thiện những vấn đề rất "con gái": khu vực máy giặt có nhiều rác, tóc đọng nhiều ở lỗ thoát nước nhà tắm... Còn có một thành viên không nêu tên bị khiển trách vì đã dùng kéo cắt váy của bạn cùng phòng.
Theo VNE