Những bậc thầy phụ kiện
Bạn biết đến những đôi giày Chanel, găng tay Louis Vuitton hay mũ Alexander McQueen nhưng liệu đã biết đến những xưởng chuyên môn hóa đã trực tiếp làm ra những món phụ kiện này?
Nicole Kidman kiều diễm với đôi găng tay của Fabre trong phim Grace of Monaco
Lucien Lelong, chủ tịch của Chambre Syndicale de la Haute Couture, và ngành mốt Pháp từng đứng trước sức ép của Đức Quốc xã phải chuyển các nhà thời trang haute couture đến Berlin trong những năm 1940. Ông đã kiên quyết phản biện rằng đó là điều không thể bởi thời trang cao cấp Paris phụ thuộc chặt chẽ vào hàng ngàn xưởng chuyên môn hóa nhỏ. Chuyển các nhà mốt đi nghĩa là phải chuyển toàn bộ các xưởng này theo.
Video đang HOT
Quả thực, một bộ sưu tập thời trang sẽ không thể hoàn chỉnh nếu thiếu đi những món phụ kiện đắt giá từ mũ, giày, găng tay, túi đến trang sức. Ngay cả một thiết kế trang phục cũng sẽ trở nên vô vị nếu thiếu sự điểm tô của các nghệ nhân thêu, đính đá, kết kim sa, lông vũ… Các hãng thời trang dù lớn đến mấy cũng không thể tự mình đảm đương hết mọi thứ mà sẽ cần đến kỹ nghệ của các bậc thầy khác cho một số công đoạn nào đó. Đây cũng chính là một trong những lý do để Chanel mua lại mười xưởng thủ công: xưởng thêu đính Lesage, xưởng mũ Michel, xưởng giày Massaro, xưởng làm cúc áo và nữ trang cho trang phục Desrues, xưởng kim hoàn Goossens và nhà cung cấp lông vũ cùng hoa vải nghệ thuật Lemarié…
Hãy cùng Bazaar ghé thăm một vài trong số những xưởng phụ kiện nổi danh nhất:
MASSARO
Một công đoạn chế tác gót giày của xưởng Massaro và giày Massaro trong show diễn của Chanel Haute Couture
Bạn sẽ chẳng phải là tín đồ thực thụ của giày nếu không sở hữu một đôi đặt làm riêng của Massaro trong tủ đồ. Những ngôi sao nổi tiếng như Lady Gaga và các nhà thời trang danh giá như Chanel đều trông đợi vào xưởng giày bậc thầy này. Nhà làm giày mở cửa trên đại lộ Paix của Paris từ năm 1894 này đã tạo nên những đôi giày làm theo số đo riêng cho rất nhiều người của công chúng từ Marlene Dietrich và Elizabeth Taylor đến ngôi sao với những đôi cao gót kỳ quặc như Lady Gaga. Chỉ với 13 nhân viên, Massaro làm ra đến 1.000 đôi giày mỗi năm trong đó có cả những mẫu cho các show diễn của Chanel.
PHILIP TREACY
Madonna với thiết kế mũ của Philip Treacy
Philip Treacy đã đưa ngành làm mũ lên một bậc cao hơn về chuẩn mực nghệ thuật và design. Ông trở thành tâm điểm của giới thời trang với những thiết kế lộng lẫy và không thể nhầm lẫn vào đâu được: chiếc lồng chim hay lon soup Campbell của Andy Warhol, hoặc nổi tiếng nhất là kiểu mũ thuyền buồm màu đen… Ông hợp tác với các tên tuổi như Valentino, Versace, Armani, Ralph Lauren… Nhiều show diễn thời trang cao cấp hàng đầu như Dior, Chanel hay Givenchy với các siêu mẫu mang những thiết kế của ông đã làm ngưng đọng mọi ánh nhìn. Danh sách khách hàng của ông có Lady Gaga, Madonna, Sarah Jessica Parker… Những người sưu tập còn trưng bày các thiết kế mũ của Philip Treacy trong bảo tàng, ví dụ bảo tàng Victoria & Albert ở London.
CAUSSE VÀ MAISON FABRE
Millau, một thị trấn nhỏ yên bình ở Pháp từng là trung tâm của ngành làm găng tay châu Âu nay đang tái sinh nhờ thời trang cao cấp đã mang phụ kiện này trở lại sàn catwalk từ những năm 1990. Chanel, Dior, Hermès, Louis Vuitton hay Karl Lagerfeld nếu muốn thay đôi găng tay đen đính đinh tán không ngón của mình cũng đều tìm đến Millau. Trong số những xưởng thuộc da và làm găng tay còn tồn tại, lớn nhất là Causse.
Mỗi năm xưởng găng tay Causse cho ra đời khoảng 25.000 đôi
Với 42 nhân công, mỗi năm xưởng găng tay Causse cho ra đời khoảng 25.000 đôi. Causse sản xuất dưới thương hiệu riêng bên cạnh đơn hàng cho các nhà mốt nổi tiếng, đính kết lông, chi tiết kim loại. Xưởng còn hợp tác với các nghệ sỹ graffiti làm nên những thiết kế có giá lên đến 4.000 đô-la Mỹ. Không chỉ Karl Lagerfeld, Madonna, Kylie Minogue và Sharon Stone cũng đều yêu thích phụ kiện của Causse.
Sau Causse là Maison Fabre, hãng đã làm nên những đôi găng cho Grace Kelly thông qua thương hiệu Christian Dior, cũng là nơi cung cấp găng tay cho Nicole Kidman trong bộ phim Grace of Monaco và mang đến các thiết kế độc quyền cho Lady Gaga, Beth Ditto. Vào thời hoàng kim, Fabre từng có đến 2.000 mẫu khác nhau, cung cấp găng tay cho khắp châu Âu. Giờ đây, chỉ với 10 nhân công, Fabre đang dần tái sinh khi nhiều nhà thiết kế tên tuổi như Ann Demeulemeester, Walter van Beirendonck, Carven và Stéphane Rolland cần đến họ. Dù buộc phải từ chối đơn hàng lớn từ Louis Vuitton, Fabre cũng rất tự hào đã có 24.000 đến 26.000 đôi găng tay xuất xưởng mỗi năm.
Theo Bazaar VN