Những bác sĩ “không cho phép mình gục ngã” trong cuộc chiến chống Covid-19
“Nếu chúng tôi gục ngã, điều gì sẽ xảy cho cho tất cả mọi người đây?”, bác sĩ Zhang Xiaochun ở Vũ Hán chia sẻ.
Tháng trước, lái xe trên đường vào một buổi tối ở Vũ Hán, Zhang Xiaochun đã phải tấp xe vào lề đường. Cô gần như kiệt sức.
Zhang Xiaochun là một bác sĩ. Cô đã làm việc không ngừng nghỉ trong nhiều ngày tại một bệnh viện ở thành phố là tâm chấn của dịch Covid-19 này. Cha mẹ cô đều đã nhiễm SARS-CoV-2. Đồng nghiệp của cô cũng có nhiều người mắc phải chủng virus này. Số người nhiễm bệnh và tử vong vẫn đang tăng lên từng ngày. Vào những ngày này, bác sĩ Zhang gần như quên đi cô con gái 9 tuổi của mình, đứa trẻ đang phải ở nhà 1 mình và sợ hãi.
Mắt Zhang sưng lên nhưng cô không còn sức để khóc.
Những bác sĩ “không cho phép mình gục ngã” trong cuộc chiến chống Covid-19. Ảnh: Reuters
Trên khắp thế giới, các bác sĩ vẫn đang gồng mình trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Thiếu ngủ, thiếu cả các trang thiết bị bảo hộ cần thiết, những người mặc blouse trắng này ngày đêm nỗ lực ngăn chặn một dịch bệnh bí ẩn mà cho tới nay không ai dám chắc đã hiểu hết về nó. Cùng với sự căng thẳng, họ không chỉ mạo hiểm sức khỏe của mình khi chẩn đoán và chăm sóc cho các bệnh nhân nhiễm bệnh mà còn mạo hiểm sức khỏe của cả vợ chồng, con cái, gia đình và những người thân của họ.
Giữa bối cảnh dịch Covid-19 ngày càng lan nhanh ở các khu vực ngoài Trung Quốc, các quốc gia đang đối mặt với các thách thức không ngừng gia tăng từ vấn đề y tế này.
Tại Trung Quốc, hơn 3.000 bác sĩ đã nhiễm bệnh và ít nhất 22 người đã tử vong vì dịch Covid-19. Một số chuyên gia y tế tin rằng số lượng này thậm chí còn cao hơn khi vẫn chưa có số liệu cụ thể về các bác sĩ ở những nơi khác đang đối phó với chủng virus này. Cũng không có thống kê nào về người thân và các thành viên trong gia đình của họ đã nhiễm bệnh.
Các bác sĩ Trung Quốc đang làm việc khoảng 10 tiếng hoặc hơn mỗi ngày. Nhiều người vẫn phải mặc cùng 1 bộ đồ bảo hộ y tế trong suốt thời gian đó trong tình trạng không thức ăn, không nước uống và không có cả thời gian nghỉ để đi vệ sinh. Cởi đồ bảo hộ để ăn uống hay đi vệ sinh đều có thể tăng nguy cơ nhiễm bênh. Các nhân viên y tế cũng đang yêu cầu những hỗ trợ về tâm lý để vượt qua tình trạng căng thẳng kéo dài.
Các bác sĩ về bệnh truyền nhiễm trên khắp thế giới đã được đào tạo để đối phó với dịch bệnh có khả năng lây lan cao này và họ biết rõ về những nguy cơ phải đối mặt. Tuy nhiên, giữa bối cảnh dịch bệnh bùng phát đang lan ra nhanh chóng hiện nay, nhiều bệnh viện buộc phải huy động cả nhân viên ít kinh nghiệm về các bệnh truyền nhiễm và đôi khi thiếu cả các trang thiết bị y tế để bảo vệ họ an toàn. Một số bệnh viện không thể tìm đủ số nhân viên sẵn sàng đối phó với dịch bệnh.
Tại Hàn Quốc, một số y tá và các nhân viên hỗ trợ y tế đã bỏ việc khi dịch bệnh lan nhanh và gia đình họ gần như “cầu xin” họ làm điều này. Iran cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu các trang thiết bị trong khi Thứ trưởng Bộ Y tế nước này, vốn là một bác sĩ phẫu thuật cũng đã nhiễm virus SARS-CoV-2.
Các bác sĩ ở Trung Quốc cho biết các điều kiện đã được cải thiện đáng kể, kể từ thời điểm ban đầu dịch bệnh bùng phát. Khoảng 42.000 nhân viên y tế trên khắp quốc gia này đã được huy động tới Vũ Hán và khu vực xung quanh tỉnh Hồ Bắc trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Con số này cũng đã bao gồm khoảng 4.000 bác sĩ quân y trong một đợt huy động nguồn lực quân y lớn nhất từng thấy ở Trung Quốc.
Thành phố Vũ Hán có 53.000 giường bệnh, các cơ sở cách ly và cơ sở y tế tạm thời để điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 và theo mục tiêu sẽ bổ sung thêm 17.000 giường bệnh nữa. Những đám đông và những hàng dài người đứng xếp hàng ở các phòng bệnh đã giảm bớt khi tỷ lệ các ca nhiễm mới đang giảm dần ở Trung Quốc. Tuy nhiên, khoảng hơn 100 ca nhiễm mới vẫn tiếp tục xuất hiện ở tỉnh Hồ Bắc mỗi ngày.
Liu Fan, một y tá 59 tuổi ở Bệnh viện Wuchang tại Vũ Hán – một trong những trung tâm điều trị virus corona chủng mới quan trọng ở Vũ Hán, đã chết do nhiễm SARS-CoV-2 mặc dù bà không làm việc tại phòng bệnh. Cha mẹ của bà đã qua đời vì nhiễm chủng virus này trước bà vài ngày và anh trai của bà – một đạo diễn phim cũng đã tử vong cùng ngày với bà.
Trong những ngày đầu tiên khi dịch bệnh bùng phát, giám đốc Bệnh viện Wuchang 51 tuổi, bác sĩ phẫu thuật thần kinh Liu Zhiming đã khuyên các đồng nghiệp của ông không nên làm việc quá sức bởi ông lo ngại hệ miễn dịch của họ sẽ suy giảm.
Tuy nhiên, ngày 24/1, vị bác sĩ này được xác nhận đã dương tính với SARS-CoV-2. Ngay cả khi nằm trong phòng chăm sóc tích cực, bác sĩ Liu vầ tiếp tục gọi điện và hỏi han về các bệnh nhân.
Video đang HOT
“Tôi rất lo rằng mình không thể làm gì cả”, vị bác sĩ này chia sẻ.
Vợ ông, bà Cai Liping – một y tá trưởng tại một bệnh viện khác đề nghị bác sĩ Liu để bà tới thăm ông nhưng bác sĩ Liu đã từ chối. Bà Cai yêu cầu ông gọi cho bà mỗi ngày lúc 14h hàng ngày để bà biết rằng ông vẫn ổn. Bà cũng nhắc nhở ông nhớ thở oxy và đừng sợ hãi.
Ngày 18/2, bác sĩ Liu qua đời. Một đồng nghiệp của ông khóc nức nở khi chia sẻ rằng: “Chúng tôi thực sự muốn tạm biệt ông ấy nhưng chúng tôi còn quá nhiều việc phải làm”.
Những gánh nặng lớn nhất đang dồn lên vai những bác sĩ và y tá trẻ hơn, những người sẽ phù hợp hơn trong môi trường có nguy cơ rủi ro cao bởi hệ thống miễn dịch của họ mạnh hơn.
Một bác sĩ khác, Peng Yinhua đã qua đời khi chỉ 29 tuổi. Anh thậm chí đã hoãn đám cưới của mình để tiếp tục công việc trong đơn vị chăm sóc hồi sức tích cực. Hay bác sĩ Lý Văn Lượng, người có công cảnh báo sớm dịch Covid-19 cũng đã qua đời vì virus SARS-CoV-2 ở độ tuổi 30.
Trở lại câu chuyện của bác sĩ Zhang, người luôn lo lắng cho cô con gái 9 tuổi và cha mẹ đang bị ốm của mình, đã chuẩn bị kỹ càng hơn bao giờ hết trong cuộc chiến chống Covid-19. Bác sĩ Zhang từng ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống SARS năm 2003 cũng như từng có kinh nghiệm xử lý khủng hoảng y tế trong trận động đất ở Tứ Xuyên năm 2008.
Ngày 31/12 là ngày đầu tiên trong kỳ nghỉ của bác sĩ Zhang. Cô định sẽ đưa cha mẹ và con gái về quê của họ ở Nội Mông. Buổi sáng hôm đó, cấp trên của Zhang gọi điện và yêu cầu cô dự một cuộc họp khẩn.
Hai bệnh nhân ở Zhongnan đã bị viêm phổi với các triệu chứng giống với SARS. Các nhân viên y tế bắt đầu nói chuyện với nhau về một căn bệnh bí ẩn đã “càn quét” qua một chợ hải sản ở phía tây của thị trấn.
Tại cuộc họp này, các nhà chức trách trong bệnh viện đã đưa ra những hướng dẫn mới với các nhân viên y tế, yêu cầu họ khử trùng nơi làm việc, mở cửa sổ để thoáng khí, đeo kính và mặc đồ bảo hộ y tế ở một số khu vực.
Các đồng nghiệp của bác sĩ Zhang đã trao đổi với cô về kết quả chụp X-quang của 2 bệnh nhân trên và cô đã vô cùng lo ngại về những gì mình đã thấy. Cô đã cảnh báo các đồng nghiệp rằng nếu virus này truyền từ động vật sang người thì khả năng lây nhiễm từ người sang người là rất dễ xảy ra.
Trước tình hình thiếu các trang thiết bị y tế, bác sĩ Zhang đã tự làm những chiếc khẩu trang từ băng gạc cho cha mẹ và con cái để phòng bệnh – điều mà cô học được trong suốt thời gian đối phó với SARS. Gia đình họ đã hủy bỏ kỳ nghỉ đã lên kế hoạch trước.
Công việc của bác sĩ Zhang chủ yếu là xem các kết quả chụp X-quang nhưng cứ một vài ngày, cô lại mặc đồ bảo hộ y tế và tới thăm bệnh nhân.
Lo ngại mình có thể mang virus về nhà, và vì có quá nhiều việc cần làm, Zhang thường ngủ ở ghế sofa văn phòng. Cô hầu như không có thời gian để ăn uống và tắm rửa.
Tuy nhiên, sau đó, cha mẹ cô vẫn bị nhiễm dịch Covid-19. Mặc dù kết quả ra âm tính với SARS-CoV-2 nhưng khi nhìn phim chụp CT, bác sĩ Zhang lại thấy điều khác
“Khi nhìn thấy phim chụp CT, tôi đã biết. Trái tim tôi như trùng xuống”. Cha và mẹ của cô đều nhiễm bệnh mặc dù cha cô trước đó hầu như không có triệu chứng nhiễm bệnh nào.
Zhang đang đối mặt với sự khủng hoảng. Chồng cô ở xa, cha mẹ đều nhiễm bệnh và cô phải ở bệnh viện thường xuyên. Không có ai chăm sóc con gái cô khi mà các ngôi trường đều đã đóng cửa.
Bác sĩ Zhang tin rằng sẽ phải cần thêm vài tháng nữa để các bệnh viện chữa trị khỏi cho tất cả các bệnh nhân nhiễm bệnh.
Một buổi tối, bác sĩ Zhang quay về khách sạn của cô và mang đồ ăn cho các đồng nghiệp, cô cảm thấy mệt mỏi và có những cơn ho kéo dài.
Một nhân viên bảo vệ khách sạn đã kiểm tra thân nhiệt của bác sĩ Zhang.
“Tôi ổn”, cô nói khi nhân viên này đưa chiếc nhiệt kế cho cô. Thân nhiệt bình thường.
“Nếu chúng tôi gục ngã, điều gì sẽ xảy cho cho tất cả mọi người đây?”./.
Theo VOV
'Miễn người dân khỏi bệnh, họ không biết tôi là ai cũng không sao'
Với nhiều y bác sĩ ngày đêm mặc đồ bảo hộ kín mít chống dịch tại Trung Quốc, điều mong mỏi nhất là ngày càng chữa khỏi cho nhiều bệnh nhân để nhanh chóng dập tắt dịch.
"Hôm nay, có tổng cộng 11 bệnh nhân trong phòng tôi phụ trách được xuất viện. Tôi và các đồng nghiệp rất vui mừng", bác sĩ Shang Xiending, thuộc nhóm nhân viên y tế từ Phúc Kiến tới hỗ trợ Vũ Hán chống dịch, chia sẻ với The Paper.
Mỗi buổi sáng, Shang sẽ tới kiểm tra các giường bệnh. Gần đây, có nhiều bệnh nhân đã được xuất viện nhưng tình hình dịch vẫn rất nghiêm trọng. Số bệnh nhân nguy kịch và nhập viện mới cũng tăng trong khi lượng giường bệnh có hạn, khiến đội ngũ chữa trị gặp áp lực rất lớn.
Giữa tình hình khó khăn, Shang và nhiều đồng nghiệp được tiếp thêm sức mạnh khi nhận về những lá thư cảm ơn của bệnh nhân. Một số chỉ biết cô là bác sĩ đến từ Phúc Kiến mà không rõ tên tuổi hay đơn vị cụ thể.
"Bệnh nhân không cần phải nhớ tôi là ai, miễn họ được khỏe mạnh xuất viện, chúng tôi sẽ rất hạnh phúc", nữ bác sĩ chia sẻ.
Bác sĩ Shang Xiending và đồng nghiệp tình nguyện tới Vũ Hán chống dịch.
"Chỉ sợ có đồng nghiệp ngã xuống"
Shang và các đồng nghiệp đã chiến đấu ở Vũ Hán được gần 20 ngày. Đây sẽ là một trải nghiệm khó quên trong đời cô.
Ngày 27/1, giống 137 nhân viên y tế khác, Shang đăng ký làm tình nguyện viên tới Hồ Bắc hỗ trợ chống dịch.
Sau khi tới Vũ Hán, mọi người đều cẩn thận và luôn mặc quần áo do bệnh viện cung cấp, đeo khẩu trang ngay cả khi ở khách sạn. Mỗi khi trở về từ bên ngoài, mọi người vẫn tiếp tục khử trùng.
"Chúng tôi làm việc như bình thường, được trang bị bảo hộ đầy đủ khi đối mặt bệnh nhân với quần áo, kính, khẩu trang và che kín toàn thân", nữ bác sĩ cho biết.
Shang và bệnh nhân thường giữ khoảng cách với nhau. Điều này ảnh hưởng tới việc tư vấn bệnh, kiểm tra nhiệt độ hay cơ thể bệnh nhân. Bên cạnh đó, cô và mọi người phải nói lớn để giao tiếp vì đồ bảo hộ kín, khó nghe âm thanh bên ngoài.
Đội ngũ nhân viên y tế đang nỗ lực ngày đêm cứu chữa bệnh nhân. Ảnh: China Daily.
"Cứ mặc đồ bảo hộ vào là chúng tôi không thể ăn cơm, uống nước hay đi vệ sinh vì mỗi lần cởi ra là không thể mặc lại. Chúng tôi thường chỉ uống nước một lần mỗi ngày", Shang nói.
Đội ngũ nhân viên y tế đến từ Phúc Kiến là các y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm đối phó dịch bệnh. Dù vậy, làm việc với cường độ cao và căng thẳng trong nhiều ngày, hầu hết đều lộ rõ sự mệt mỏi và không tránh khỏi lo lắng.
Một lần, có bệnh nhân do Shang Xiending phụ trách rơi vào tình trạng nguy kịch, phải chuyển sang phòng chăm sóc đặc biệt. Khi cùng hai y tá đưa bệnh nhân đi, Shang để ý một y tá có biểu hiện choáng váng, thở gấp, người ướt đẫm mồ hôi.
"May mắn là sau khi kiểm tra, cô ấy đã ổn định lại và không có dấu hiệu nhiễm virus. Tôi thì không sao, nhưng sợ nhất là trong đội của mình có ai đó gục ngã", nữ bác sĩ chia sẻ.
Hy vọng vào phép màu
Trong mắt của cô con gái 10 tuổi, Shang Xiending là một "người mẹ khó tính".
Nhưng khi nghe tin mẹ sẽ tới Vũ Hán chống dịch, cô bé lo lắng hỏi: "Mẹ sẽ không cô đơn chứ?". "Không đâu, vì mẹ có hàng trăm đồng nghiệp đi cùng rồi", cô trả lời.
Bác sĩ Shang và đồng nghiệp làm việc nhiều giờ mỗi ngày.
Dù trước khi tới Vũ Hán, Shang và nhiều nhân viên y tế không biết nhau. Nhưng sau gần 20 ngày kề vai sát cánh, tất cả đã trở thành những người anh chị em thân thiết.
"Không ai trốn tránh, né việc khi có chuyện xảy ra. Mọi người đều rất khẩn trương, nỗ lực. Tinh thần làm việc của họ thực sự khiến tôi xúc động", Shang nhận xét.
Hiện, tình hình dịch bệnh ở Vũ Hán vẫn nghiêm trọng, các nhân viên y tế như Shang đảm nhận khối lượng công việc khổng lồ mỗi ngày.
"Ban đầu nhóm chúng tôi phụ trách 45 giường, giờ tăng lên thành 57 giường bệnh. Mỗi người sẽ được phân ca làm việc sáng, trưa, tối. Ca sáng từ 8h đến 13h, ca trưa từ 13h đến 20h, ca tối từ 20h đến 8h hôm sau. Dù được luân phiên nghỉ ngơi, nhiều người vẫn tình nguyện làm việc liên tục", Shang cho biết.
Đối với những y bác sĩ như cô, miễn là bệnh nhân được nhập viện, họ sẽ có thêm cơ hội để sống sót.
"Hy vọng sẽ sớm phát triển được các loại thuốc chữa dịch bệnh này, để phép màu có thể xảy ra", nữ bác sĩ bày tỏ.
Theo Zing
Covid- 19: Đằng sau cuộc chiến chạy đua cứu chữa của các bác sỹ Vũ Hán? Trang scmp dẫn nguồn tin truyền thông của Vũ Hán cho biết, khi các bác sĩ và y tá túc trực liên tục bên các ca bệnh, thậm chí họ không thể ăn, uống hay tắm giặt. Trang scmp trích dẫn nguồn tin từ một bác sĩ đang phải đối mặt hàng ngày giữa các bệnh nhân nhiễm nhiễm covid- 19 nói rằng,...