Những anh chàng ki bo quanh đời tôi
Chúng tôi đi chơi, ăn uống với nhau anh hay nói: ví anh toàn tiền chẵn, hôm nay em trả nhé. Anh đã nhìn cái hóa đơn rất kỹ, hô 81 nghìn, anh đưa tôi một nghìn và bảo tôi trả nốt 80 nghìn.
ảnh minh họa
Tôi năm nay 25 tuổi, thành ra bị phụ huynh và bạn bè giục giã. Tâm lý tôi lúc cũng muốn một gia đình cho riêng mình, nhưng lúc lại chỉ muốn có thời gian cho bố mẹ, bạn bè thôi là đủ. Tôi cũng phải học cách mở lòng mình để đón nhận một vài người mới, sự việc mới, để “cho người ta cơ hội, cũng chính là cho bản thân mình cơ hội” như mọi người vẫn thường khuyên nhủ nhau. Tự đánh giá tôi không xinh, dáng cũng không đẹp lắm mà có phần bụ bẫm, nhưng thường được nhận xét là khá duyên, sexy và do tính chất công việc nên tôi cũng có nhiều “đối tượng” để gặp gỡ. Tôi bắt đầu “hẹn không hò”.
Chàng trai thứ nhất sinh năm 87, một đời vợ. Theo kinh nghiệm truyền lại, đây là báu vật cần giữ gìn. Tôi không quan trọng chuyện đã một đời vợ, vì hợp nhau mới là điều quan trọng. Chàng rất nhiệt tình đi chơi, theo tôi mọi lúc mọi nơi, đến mức mình cũng thấy nhàm chán và tìm cách lảng tránh dần. Mặc dù tôi đi với bạn nhưng chàng vẫn tìm cách đi cùng. Chàng sẽ giận hờn nếu bị bỏ rơi, nhưng khổ nỗi chẳng hiểu sao tiền nong thanh toán khi có bạn tôi là chàng rất chậm rút ví, thành thử đi chơi mấy lần đều là bạn tôi trả. Tôi cũng ngượng với bạn, thường phải chia sẻ phần bạn đã thanh toán đó.
Chàng trai thứ hai sinh năm 74, chưa vợ. Tôi thường có cảm tình với những chàng nhiều tuổi, do họ có nhiều kinh nghiệm sống, tự tin vượt qua mỗi khó khăn trong cuộc đời. Nói chuyện với nhau tương đối hợp, đến mức tôi bỏ qua hết về vấn đề hình thức, tuổi tác, và bệnh da liễu của chàng, muốn chung kết với chàng. Chuyện đó có ai ngờ khi chúng tôi đi chơi, ăn uống với nhau anh hay nói: ví anh toàn tiền chẵn, hôm nay em trả nhé. Anh đã nhìn cái hóa đơn rất kỹ, và hô 81 nghìn, anh đưa tôi một nghìn và bảo tôi trả nốt 80 nghìn. Thực sự tôi hơi sốc, vì nếu anh nói câu “ví anh toàn tiền chẵn sớm hơn” thì tôi nhất quyết cũng đem tờ tiền chẵn của tôi ra trả. Là đàn ông, gần 40 tuổi đầu mà còn ngại đem tiền to ra tiêu, cũng may anh không đem cái thẻ visa để khoe với tôi.
Ngẫm lại mới nhớ, vì sao anh liên hệ với tôi bằng Viber, mặc dù sóng rất chập chờn, để rồi mấy hôm nay tôi đánh rơi điện thoại, phải sử dụng tạm loại cùi bắp không 3G thì cũng chấm dứt việc gọi điện liên tục nhiều lần trong ngày và nhiều ngày trong tuần. Thôi thì, trong cái rủi cũng có cái may.
Chàng trai thứ ba, sinh năm 83, hình thức đẹp đẽ, trắng trẻo, thư sinh. Chàng hẹn tôi đi chơi khắp Văn Miếu, tôi đi đến mệt lử, không được miếng nước nào. Chàng đến thăm tôi đi qua chợ, hỏi mua cân hoa quả, người bán hàng nói “Lấy 20 nghìn em nhé, cho tròn tiền”. Chàng khăng khăng, nhất quyết: “Không, lấy 15 nghìn, một kg thôi”.
Chàng trai thứ tư, sinh năm 76, chưa vợ. Chàng rất thích tôi nhưng cách nói chuyện nhàn nhạt, thường dẫn đến tình trạng không có gì để nói. Tôi được khuyên, lựa chọn lấy người yêu mình nên tôi đã cố tìm ra chuyện để gắn kết, nhưng anh ấy lại soi hóa đơn rất kỹ khi thanh toán. Tự nhiên, tôi thấy chột da.
Mình chưa là gì của người ta, không có “quyền” đòi hỏi cái nọ cái kia. Tôi không có tính bòn rút hay dựa dẫm gì về tiền bạc của các anh chàng, cũng không bao giờ lợi dụng trong các mối quan hệ này, tuy nhiên cảm thấy rất dị ứng với thói quen chi tiền “ki bo” như vậy. Sống là phải phóng khoáng “xởi lởi trời cho, bo bo trời phạt”, sống làm sao để sau khi tiết kiệm mỗi tháng cho mình một khoản, vẫn có khả năng tham gia dịch vụ làm mới bản thân mỗi tuần làm việc căng thẳng.
Tôi muốn khi đã đi chơi là phải thoải mái chuyện tiền nong, còn nếu không hãy lựa chọn hình thức gặp gỡ nhau khác, miễn là vẫn nói chuyện thoải mái, vui vẻ, được thể hiện là mình. Trà đá, trà chanh cũng chẳng quan trọng lắm với tôi, vậy mà sao khó quá nhỉ. Chàng trai mùa thu ơi, chàng ở đâu?
Theo VNE