Những 9x giữ ‘hồn’ cho trung thu
Các cô gái xinh xắn, không bước chân vào giảng đường đại học nhưng vẫn bằng lòng với cuộc sống hiện tại của mình ở ngôi làng “tung” đèn ông sao 5 cánh ra mọi miền.
Làng Báo Đáp (xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, Nam Định) là nơi làm đèn ông sao duy nhất của cả nước. Tại đây, người Hà Nội, TP.HCM thường đổ về nhập hàng để bán buôn cũng như bán lẻ ra toàn quốc.
Trong những ngày này, khác với sự tấp nập, lung linh sắc màu ở thành phố, làng Báo Đáp rất yên bình với những lối đi nhỏ, sạch sẽ. Chỉ khi vào bên trong từng nhà, không khí trung thu mới thực sự rộn ràng.
Tại nhà ông Nguyễn Văn Xá (xóm 1), con trai và con gái, từ lớn đến nhỏ đều tập trung vào việc làm đèn ông sao. Các cô bé, cậu bé thường làm những việc đơn giản như ghép các thanh tre lại thành hình đèn 5 cánh, phết hồ và dán giấy lên, sau đó xếp lại thành từng chồng. Hiện tại, công việc của cô bé này là dán giấy vàng lên từng cánh sao.
Cuộc sống yên bình, các cô bé ở đây có thể không đỗ đại học nhưng không lo thất nghiệp bởi đã có nghề truyền thống. Trong khi các ông bố chia sẻ rằng nghề đèn ông sao thu nhập một năm chỉ khoảng 40-50 triệu đồng thì các cô bé vẫn cảm thấy rất yêu thích công việc hiện tại.
Vào mùa này, ngoài việc học thì các bạn trẻ ở đây luôn ngập trong sắc màu rực rỡ của những chiếc đèn ông sao. Từng chồng đèn chất ngổn ngang trong sân, có độ cao còn hơn cả cô bé con gái của ông Nguyễn Văn Xá. Mỗi ngày, cô bé làm được khoảng 50 chiếc đèn. Mỗi chiếc bán buôn, loại nhỏ có giá 2.500-3.000 đồng, loại lớn là 7.000 đồng.
Cậu bé út cũng rất hồ hởi giúp gia đình trong việc làm đèn. Bình thường em có nhiệm vụ gom đèn lại cho gọn, sắp xếp những đồ rải rác trong nhà, nhưng hôm nay, em quyết học cách ghép các thanh tre thành hình một ngôi sao năm cánh. Được bố chỉ dẫn, cậu bé chỉ mất 3 phút là ghép xong.
Vũ Kim Xuyến năm nay lên lớp 10, là con gái út của ông Vũ Văn Chủng (xóm 4). Xung quanh cô bé đang là các chất liệu để hoàn thành chiếc đèn ông sao, gồm một nồi hồ, thước quệt hồ để dán giấy màu lên cánh ông sao.
Chị gái của Kim Xuyến là Vũ Thị Yến, Yến năm nay 19 tuổi. Năm ngoái em thi trượt ĐH nên quyết định ở nhà làm nghề đèn ông sao với bố. Yến cho biết mình bằng lòng với cuộc sống hiện tại. Trung thu chỉ tấp nập khoảng một tháng nhưng tại làng nghề công việc diễn ra quanh năm nên thu nhập của em tương đối ổn định.
Vũ Thị Hương năm nay cũng 19 tuổi, là con gái trong gia đình có truyền thống làm đèn ông sao từ hơn nửa thế kỷ. Hương không thi đại học vì em xác định mình khó có thể đủ điểm đỗ. Em làm đèn ông sao với bố từ thưở còn thơ nên giờ đây đã thành thạo các khâu.
Hương có thể kể vanh vách quá trình ngâm tre ra sao, chẻ thành từng thanh mảnh thế nào, nhuộm giấy màu, đóng dấu lên giấy, rồi cuộn các sợi tua rua vào làm sao cho tròn trịa….
Video đang HOT
“Em nghĩ nếu không học được một trường đại học thì mình vẫn có một cuộc sống yên ổn gần gia đình với nghề làm đèn ông sao. Em thích công việc này, mỗi tháng bố cũng trả lương cho em, em có một “quỹ tiết kiệm” cho đến ngày đi lấy chồng” – Hương chia sẻ.
Qua niềm đam mê và đôi bàn tay khéo léo của các bạn trẻ, những chiếc đèn ông sao đến khắp mọi miền đất nước, cùng các em nhỏ hát rộn ràng: “chiếc đèn ông sao, sao năm cánh tươi màu…”
Theo VietNamNet
Những kỷ lục Guinness cực độc của người Việt Nam
1. Đèn ông sao lớn nhất Việt Nam
Các bạn đã quá quen thuộc với những chiếc đèn ông sao
đủ màu sắc vào Rằm Trung Thu hàng năm phải không nào?
Chiếc đèn ông sao khổng lồ này được Trung tâm Quảng cáo và Hội chợ Triển lãm Hà Nội thực hiện với sự tài trợ của Tổng công ty Thủy tinh và Gốm xây dựngViglacera. Chiếc đèn ông sao ngoại cỡ này là ý tưởng độc đáo của ông Nguyễn Văn Bảo - Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long - Hà nội. Với chiều dài 20,03m, cao tổng cộng 23,9m, đường kính 21,6m, đây được coi như chiếc đèn ông sao to nhất Việt Nam.
Đèn được làm bằng thép, tre, bạt. Nơi khung ngũ giác chính giữa chiếc đèn
là biểu trưng của Hà Nội: Khuê Văn Các.
Chiếc đèn này được thắp sáng trong ngày khai mạc hội chợ "Tết trung thu với trẻ em và gia đình" do Bộ văn hóa Thông tin, Ủy ban Dân số - Gia đình và trẻ em, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung Ương đoàn TNCS phối hợp tổ chức với mong muốn đem lại cho các em thiếu nhi một ngày tết trung thu vui vẻ, đầy ắp niềm vui.
2. Chiếc xích lô đắt nhất Việt Nam
Trong bộ phim "Khi đàn ông có bầu" của hãng phim Phước Sang, mọi người đã được chứng kiến một cảnh quay vô cùng độc đáo, đó là cảnh quay xích lô "bay". Cảnh quay này chắc không là gì so với những bộ phim nước ngoài, nhưng thực sự để đầu tư cho nó cũng đã tốn rất nhiều tiền.
Chiếc xích lô "bay", đạo cụ chính trong cảnh quay, đã được hãng phim Phước Sang đặt làm riêng. Nhìn nó trông giống như bao chiếc xích lô bình thường nhưng chỉ khác là được lắp thêm các bộ phận như: mô tơ, ống khói, cánh quạt... nhưng chi phí thực hiện chiếc xích lô này lên đến 1.000 USD.
Ngày 4/2/2005, chiếc xích lô "bay" đã được đem ra đấu giá tại hãng phim Phước Sang với giá khởi điểm là 1.000 USD và công ty Quang Dũng đã trở thành chủ sở hữu mới của chiếc xích lô đặc biệt này sau khi trả giá 3.900 USD.
3. Bộ truyện tranh dài nhất Việt Nam
"Thần đồng Đất Việt" rất xứng đáng với danh hiệu "bộ truyện tranh dài nhất Việt Nam" với 100 tập, thu hút hàng nghìn người đủ mọi lứa tuổi tìm đọc.
"Thần đồng Đất Việt" là bộ truyện tranh đậm chất Việt Nam do tác giả Lê Linh cùng với Công ty Phan Thị thực hiện. Tập đầu tiên mang tên "Pháp sư gọi bưởi" được ra mắt công chúng vào ngày 16/2/2002 và nhận được vô số phản hồi tích cực.
Tập 1 của bộ truyện tranh "Thần đồng Đất Việt"
Với nét vẽ vui nhộn, trẻ trung, giọng điệu hài hước cùng các nhân vật nhí đáng yêu, dễ thương như Tí, Sửu, Dần, Mão, Thìn... "Thần đồng Đất Việt" đã thực sự chiếm được một vị trí trên thị trường truyện tranh nước nhà. Đọc "Thần Đồng đất Việt", trẻ em không chỉ có cơ hội được mở mang kiến thức về lịch sử Việt Nam, về các danh nhân văn hóa nước nhà mà còn có thể sáng tạo, thư giãn và học hỏi được nhiều kiến thức mới lạ. Chính vì vậy, "Thần Đồng đất Việt" không chỉ gần gũi với trẻ em mà còn rất quen thuộc đối với các bậc phụ huynh.
4. Bức tranh xé dán dài nhất Việt Nam
Nhân dịp kỷ niệm ngày sinh nhật của Chủ tịch Hồ Chí Minh và tiến tới kỷ niệm đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, gần 3.000 thiếu niên Bắc Ninh đã cùng chung tay hoàn thiện một bức tranh xé dán khổng lồ. Bức tranh được làm từ 8 giờ 30 phút đến 10 giờ 40 phút sáng ngày 16/5/2010.
Bức tranh có bố cục đẹp mắt. Phần giữa tranh là hình tượng vua Lý Thái Tổ và lễ dâng hương, rước tế. Hai bên tranh là tổng thể các hoạt động văn hóa với những trò chơi như đánh đu, đấu vật... đi kèm với các hoạt động thể dục thể thao. Xen kẽ vào đó là những di tích lịch sử của quê hương.
5. Mô hình điện thoại gọi và nghe được lớn nhất Việt Nam
Với dáng dấp của một chiếc Nokia đời cũ, chiếc điện thoại di động do Trung tâm dạy nghề tư thục Thanh xuân sáng chế cao 3,3 m, rộng 1,16m và dày 46cm, nặng 302 kg, tivi màn hình tinh thể lỏng 42inch hiệu plasma và 3 loa bass có công suất 100W, chiếc điện thoại này đã được sách Kỷ lục Guinness Việt Nam công nhận là chiếc điện thoại lớn nhất Việt Nam.
Thân điện thoại được làm bằng gỗ với lớp sơn màu xanh, xám và trắng. Điện thoại bao gồm những tính năng vốn có của một chiếc điện thoại bình thường là nghe, gọi, nhắn tin, kết nối bluetooth, ghi âm, nghe nhạc, xem video.
Đây là kết quả sau 6 tháng làm việc của các học viên tại trung tâm dạy nghề tư thục Thanh Xuân. Với mô hình khổng lồ này, những người quản lý trung tâm mong muốn sẽ đem lại niềm hứng khởi, đam mê học tập cũng như giúp ích trong việc nâng cao tay nghề của các học viên.
6. Cuốn Album ảnh khổng lồ nặng nhất Việt Nam
8 tấn là trọng lượng của cuốn Album khổng lồ do công ty Lever Việt Nam tổ chức và thực hiện. Theo khảo sát trên toàn thế giới, rất ít phụ nữ Việt Nam tự tin vào sắc đẹp và vóc dáng của mình. Chính vì vậy, chương trình "Dove - tôn vinh vẻ đẹp thật sự" đã ra đời và được rất nhiều người trên cả nước hưởng ứng.
Sáng ngày 22/7, đông đảo quan khách và báo chí đã chứng kiến buổi lễ ra mắt album khổng lồ, có chiều cao 20,5 mét, chiều ngang 41 mét, được lắp đặt trên dàn khung sắt cao hơn 17 mét và nặng 8 tấn với trọng lượng album là 882kg. Để hoàn thành album khổng lồ này, 12 nhân viên đã xử lý 102.974 tấm ảnh để thiết kế album và 80 nhân công thực hiện công đoạn sản xuất và lắp đặt album.
7. Mâm ngũ quả to nhất Việt Nam
Hướng đến 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, từ ngày 14/2 đến ngày 16/2/2010, tại lễ hội văn hóa xuân Cao Lãnh, mâm ngũ quả có chiều dài 14m, ngang 1m, cao 4m với hình ảnh 2 con rồng bao quanh chùa Một Cột - một trong những biểu tượng của Hà Nội, phía dưới là những đóa hoa sen được kết từ các loại trái cây, hoa như đu đủ, thanh long, cam, quýt, bưởi, xoài,...
8. Chiếc nem dài và nặng nhất Việt Nam
Một chiếc nem chua khổng lồ do trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang thực hiện đã được trưng bày trong dịp Festival biển Nha Trang năm 2007, đồng thời phá kỷ lục Việt Nam về chiếc nem to nhất.
Chiếc nem hình con rồng ấn tượng và đẹp mắt
Để làm được chiếc nem này, đội sản xuất đã phải dùng 330 kg thịt heo, xay nhuyễn, thêm gia vị, chế biến để đem đi gói nem. Sau 7h, chiếc nem khổng lồ hoàn thành với chiều dài 110cm, đường kính 30cm, trọng lượng 456kg. Chiếc nem này được thực hiện trong ngày 6-6-2007 được trưng bày đến ngày 11-6-2006 và sau đó đem ra phục vụ trong Festival Biển Nha Trang 2007 để mọi người cùng thưởng thức.
9. Chiếc đèn kéo quân lớn nhất Việt Nam
Chiếc đèn có hình khối trụ cao 7,5m đường kính 9,6m, trọng lượng toàn phần là 3 tấn, trong đó phần quay của đèn chiếm 1 tấn. Hoa văn trên thân đèn mô tả cảnh sinh hoạt dân gian vào dịp tết cổ truyền như múa lân, viết thư pháp, những lời chúc tết của con cái dành cho ông bà, cha mẹ, người thân.
Chiếc đèn được thực hiện trong vòng gần 1 tháng, do 15 nhân công thực hiện, với chất liệu chủ yếu là thép và những tấm bạt.
10. Bánh kem hình Heo Đông Hồ lớn nhất Việt Nam
Nhân dịp tết thiếu nhi 1/6, cơ sở sản xuất bánh Hỷ Lâm Môn đã tổ chức "Lễ Hội bánh Việt". Chiếc bánh kem có trọng lượng 2 tấn, chiều dài 3,8m, đường kính 2m, cao 1,4m, làm từ 175 kg bột, 275 kg đường, 18kg sữa tươi, 10kg bơ, 13kg sôcôla, 8.750 quả trứng gà, 20 thùng kem sữa tươi và 100kg dầu ăn.
Để thực hiện thành công chiếc bánh này, hơn 100 thợ làm bánh chuyên nghiệp của Hỷ Lâm Môn đã làm việc liên tục trong 48 giờ để thực hiện phần nhân bánh tại cơ sở, cùng 24 giờ trang trí và bắt bông kem tại chỗ. Chiếc bánh được giữ ở nhiệt độ thích hợp trong tủ kính trang trọng. Nó có thể phục vụ cho 10.000 người.
Theo VCTV