Nhóm thượng nghị sĩ Mỹ thống nhất về khuôn khổ dự luật kiểm soát súng đạn
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, một nhóm gồm 20 thượng nghị sĩ của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa của Mỹ ngày 12/6 đã nhất trí về khuôn khổ đối với dự luật kiểm soát súng đạn, bao gồm ủng hộ luật “cờ đỏ” và kiểm tra lý lịch chặt chẽ hơn đối với những người mua súng dưới 21 tuổi.
Người dân Mỹ chọn mua súng tại cửa hàng K&W ở Delray Beach, Florida. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong một tuyên bố, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chris Murphy và Thượng Nghị sĩ đảng Cộng hòa John Cornyn nêu rõ: “Kế hoạch của chúng tôi nhằm bảo vệ tính mạnh cho mọi người, cũng như bảo vệ quyền lập hiến của những người dân Mỹ tuân thủ luật pháp. Chúng tôi hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ rộng rãi, từ lưỡng đảng và quyết định thông qua đề xuất này của chúng tôi để ban hành thành luật”.
Những cuộc thảo luận về kiểm soát súng đạn được đẩy mạnh sau hàng loạt vụ xả súng thảm khốc ở nước Mỹ trong thời gian gần đây, trong đó có vụ xả súng tại một trường học ở thị trấn Uvalde của bang Texas hồi tháng 5 khiến 19 trẻ em thiệt mạng và một vụ xả súng khác cũng xảy ra trong tháng 5 tại một siêu thị ở thành phố Buffalo, bang New York, khiến 10 người thiệt mạng. Những vụ việc này đã góp phần dẫn đến quyết định của Thống đốc bang New York Kathy Hochul về việc nâng độ tuổi được phép mua súng trường bán tự động từ 18 lên 21 tuổi nhằm siết chặt công tác quản lý sở hữu súng. Bà Hochul cũng đồng ý nới rộng luật “cờ đỏ”, cho phép tòa án tước quyền sở hữu súng đạn đối với những đối tượng có khả năng gây nguy hiểm cho chính mình và người khác.
Sự nhất trí nói trên được thông báo một ngày sau khi hàng chục nghìn người tại thủ đô Washington DC và tại hàng trăm địa điểm khác trên toàn nước Mỹ tham gia biểu tình để yêu cầu các nhà lập pháp thông qua dự luật nhằm ngăn chặn bạo lực súng đạn.
Đến nay, các nhà lập pháp của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa vẫn chưa thể nhất trí về dự luật kiểm soát súng đạn. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi thúc đẩy một dự luật kiểm soát súng đạn mới, trong đó có quy định cấm mua vũ khí tấn công. Thậm chí, ông cũng khuyến nghị nâng độ tuổi được phép mua vũ khí tấn công từ 18 lên 21 tuổi.
Khi tranh cử vào Nhà Trắng, ông Biden đã cam kết sẽ thúc đẩy các biện pháp đảm bảo an toàn súng đạn và giảm hàng chục nghìn ca tử vong vì súng hàng năm ở Mỹ. Khi nhậm chức, ông đã quan tâm thúc đẩy thông qua các quy định mới nhằm tăng cường kiểm soát súng đạn.
Palestine hối thúc Mỹ rút PLO khỏi danh sách các tổ chức khủng bố
Ngày 11/6, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã tiếp một phái đoàn Mỹ do Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách khu vực Cận Đông Barbara Leaf dẫn đầu.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas phát biểu tại một cuộc họp ở thành phố Ramallah, Bờ Tây. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo Phủ Tổng thống Palestine, tại buổi tiếp, Tổng thống Abbas đã hối thúc Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Barbara Leaf và Phó Trợ lý về các vấn đề Israel và Palestine Hady Amr rút Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) khỏi danh sách các thực thể khủng bố. Nhà lãnh đạo Palestine cũng đề nghị Mỹ cho mở lại văn phòng của PLO tại Washington cùng lãnh sự quán Mỹ tại Đông Jerusalem, sau khi cả hai cơ quan này đều bị đóng cửa dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump. Tổng thống Abbas khẳng định PLO là một đối tác hòa bình và đã ký hàng loạt thỏa thuận hòa bình do Mỹ bảo trợ với Israel.
Hãng thông tấn Palestine (WAFA) cho biết Trợ lý Ngoại trưởng Leaf đã tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với giải pháp hai nhà nước và nhiệm vụ của phái đoàn Mỹ lần này là chuẩn bị cho chuyến thăm dự kiến tới Palestine của Tổng thống Biden và hội đàm với ông Abbas. Hai nhà lãnh đạo được cho là sẽ thảo luận về việc tăng cường quan hệ đối tác Palestine-Mỹ và tìm ra cách thức ngăn chặn căng thẳng leo thang tại khu vực. Bà Leaf nhấn mạnh chính quyền Mỹ mong muốn tạo dựng một môi trường phù hợp và mang lại hy vọng cho người dân Palestine cũng như tất cả người dân trong khu vực.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết chuyến thăm 3 ngày của bà Leaf tới các vùng lãnh thổ Palestine và Israel nhằm mục đích thảo luận quan hệ Mỹ-Palestine, viện trợ của Mỹ cho người dân Palestine, củng cố quan hệ và nhất là các biện pháp bảo đảm "tự do, an ninh và thịnh vượng" cho cả người Israel và người Palestine.
Ngày 9/6 vừa qua, chính quyền Mỹ đã nâng cấp phái đoàn ngoại giao về Palestine, đảo ngược quyết định của cựu Tổng thống Donald Trump. Theo quyết định mới, "Đơn vị các vấn đề Palestine" (PAU) đã được đổi tên thành "Văn phòng Mỹ về các vấn đề Palestine" (OPA) và trực tiếp báo cáo các vấn đề quan trọng về Washington. Trước khi bị hạ cấp thành PAU, văn phòng này là lãnh sự quán Mỹ tại Jerusalem. Người phát ngôn của OPA cho hay "văn phòng hoạt động dưới quyền của Đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem và trực tiếp báo cáo các vấn đề quan trọng cho Vụ các vấn đề Cận Đông thuộc Bộ Ngoại giao". Cũng theo người phát ngôn này, việc đổi tên nhằm phù hợp với quy định của Bộ Ngoại giao.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Biden cho biết ông đang xem xét thăm Saudi Arabia, Israel và các vùng lãnh thổ của Palestine vào tháng 7 tới.
Hạ viện Mỹ thông qua gói dự luật kiểm soát súng đạn Với 223 phiếu thuận và 204 phiếu chống, Hạ viện Mỹ ngày 8/6 đã thông qua một gói dự luật kiểm soát súng đạn. Tuy nhiên, gói dự luật này được cho là khó qua được "ải" Thượng viện. Súng được bày bán tại cửa hàng ở Lake Barrington, Illinois, Mỹ. Ảnh: Getty/TTXVN Gói dự luật mang tên "Đạo luật bảo vệ con...