Nho xanh, lập lờ xuất xứ
Vụ việc siêu thị Big C bán nho không rõ nguồn gốc xuất xứ đang gây xôn xao dư luận. Một lần nữa, quyền lợi người tiêu dùng lại bị doanh nghiệp bỏ qua ngay trong thời gian cao điểm thực hiện chương trình “Hành động vì quyền lợi người tiêu dùng” năm 2013.
Sản phẩm nhầm lẫn về nhãn mác
Nho của Việt Nam hay Trung Quốc?
Video đang HOT
Trao đổi với PV ANTĐ ngày 24-3, bà Dương Quỳnh Trang – Giám đốc Quan hệ công chúng và đối ngoại Big C nhấn mạnh: “Chúng tôi khẳng định đây là sơ suất của nhân viên trong quá trình đóng khay bày bán đã dán nhầm cờ chỉ nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Đây là nho Việt Nam có nguồn gốc từ vùng Ninh Thuận”. Theo bà Trang, cách đây 3 – 4 năm, dựa trên ý kiến đóng góp của khách hàng, Big C đã sử dụng biểu tượng cờ các nước để chỉ nguồn gốc xuất xứ của một số sản phẩm rau củ quả nhập khẩu để giúp khách hàng dễ nhận biết hơn. Sau sự cố nhầm lẫn trên, Big C đã tạm ngừng việc sử dụng cờ các nước chỉ nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm để tìm giải pháp tối ưu hơn. Đối với nhân viên đã gây ra lỗi trên, Big C đã tiến hành kỷ luật với hình thức cao nhất.
Chị Hoàng Thu Thủy (Nguyễn Khánh Toàn – Cầu Giấy) bất bình: “Lâu nay tuyên truyền người Việt dùng hàng Việt, nhưng nếu hàng Việt chỉ là cái mác ngoài, còn thực chất là hàng Trung Quốc thì doanh nghiệp gian dối. Sức khỏe người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng”.
Cùng chung nỗi bức xúc này, anh Nguyễn Minh Mạnh (Lý Nam Đế) cho hay: “Người Việt sẽ quay lưng với hàng Việt vì kiểu kinh doanh lập lờ này”. Khách hàng Đỗ Thùy Trang (phố Hoàng Ngân – Cầu Giấy) khẳng định: Rõ ràng khâu kiểm soát chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của siêu thị này đang có vấn đề. Khách hàng có quyền nghi ngờ không ít mặt hàng bày bán tại đại siêu thị này có nguồn gốc từ Trung Quốc, được nhập về với giá rẻ, bán với giá cao trong khi chất lượng chưa được kiểm soát.
Người tiêu dùng thiệt thòi
Trách nhiệm đầu tiên thuộc về doanh nghiệp, bởi đã đưa hàng ra thị trường, doanh nghiệp phải có trách nhiệm đến cùng với sản phẩm, với người tiêu dùng. Mặt khác, khi người tiêu dùng Việt Nam chưa có nhiều kiến thức về chất lượng, tiêu chuẩn, thành phần của từng loại hàng hóa thiết yếu, khó kiểm tra, đối soát, chỉ biết tin vào nhãn mác doanh nghiệp ghi trên sản phẩm thì sự trung thực của doanh nghiệp càng phải được đặt lên hàng đầu. Chị Nguyễn Mai Anh (Láng Hạ – Đống Đa) cho biết: “Ngày càng có nhiều người tiêu dùng Việt Nam tin tưởng vào hàng hóa trong siêu thị, bởi các mặt hàng đều có ghi mã số, mã vạch, xuất xứ, thành phần rõ ràng. Người không hiểu biết về mặt hàng cũng đọc để biết và yên tâm hơn. Hơn nữa, hàng mua tại siêu thị nếu có vấn đề gì, khiếu nại dễ hơn. Nhưng những vụ việc thế này lại làm lung lay lòng tin của người tiêu dùng về hàng hóa bán tại siêu thị”.
Liên quan đến quyền lợi người tiêu dùng, một lãnh đạo của Văn phòng tư vấn khiếu nại (Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam – Vinastas) cho rằng: “Thật may là khách hàng này đã phát hiện ra vụ việc. Theo tôi, việc Big C giải thích ban đầu do nhầm lẫn của nhân viên là thiếu thuyết phục, mặc dù ai cũng có lúc nhầm lẫn”. Vị chuyên gia này cũng cho rằng, sơ suất này chứng tỏ hệ thống kiểm soát hàng hóa của Big C từ khâu nhập hàng, đóng gói, đưa ra kệ hàng bày bán không hề có kiểm soát.
Đứng về phía khách hàng, các chuyên gia cho rằng, Big C cần có lời xin lỗi chính thức với không chỉ khách hàng của Big C The Garden nói riêng và mọi khách hàng nói chung. Đại diện Big C, bà Dương Quỳnh Trang ngày 24-3 trong thông cáo gửi các cơ quan báo chí cũng đã công khai xin lỗi khách hàng. “Chúng tôi thành thật xin lỗi quý khách hàng về sự nhầm lẫn đã gây nên những hiểu lầm không đáng có”- bà Trang cho biết.
Theo ANTD
Truy tìm thịt lợn có chất tạo nạc
Ngày 13-4, Đoàn thanh tra liên ngành VSATTP Hà Nội tiến hành kiểm tra việc kinh doanh gia súc, gia cầm và truy tìm thịt lợn chứa chất tạo nạc (chất cấm nhóm Benta - agonits sử dụng trong chăn nuôi) tại một số chợ, siêu thị trên địa bàn Thủ đô.
Lấy mẫu thịt lợn tại chợ Nghĩa Tân kiểm nghiệm tìm chất tạo nạc
Tại chợ Nghĩa Tân, địa điểm kinh doanh nhiều gia súc, gia cầm giết mổ sẵn, đoàn đã phát hiện một số tồn tại như điều kiện vệ sinh khu vực bày bán thực phẩm rất bẩn, thịt lợn sống với chín bày xen lẫn, các bàn bày bán thịt lợn không đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh.
Tương tự, tại siêu thị Big C cũng tồn tại sai phạm như một số sản phẩm thịt đóng gói do siêu thị mua lô về tự sơ chế đóng gói không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng không ghi đầy đủ theo quy chế nhãn mác... Đoàn kiểm tra đã lấy 5 mẫu thịt lợn tươi tại chợ Nghĩa Tân và siêu thị Big C để gửi Viện Chăn nuôi - Bộ NN&PTNT làm kiểm nghiệm, tìm xem có chứa chất tạo nạc hay không. Nếu phát hiện có mẫu thịt chứa Benta - agonits sẽ tiếp tục truy tìm nguồn gốc.
Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, mặc dù Bộ NN&PTNT đã có thông báo số mẫu thịt lợn chứa chất tạo nạc ở các tỉnh phía Bắc chiếm tỷ lệ rất ít và Hà Nội chưa phát hiện mẫu nào chứa chất cấm này, nhưng phần lớn thịt lợn bày bán tại các chợ ở Hà Nội được chuyển từ các tỉnh thành lân cận về nên các quận/ huyện, các ban quản lý chợ cần tiếp tục tăng cường giám sát, kiểm soát chất lượng việc kinh doanh mặt hàng này.
Theo ANTD
Vỡ đường ống nước sông Đà, hơn 70.000 hộ dân Hà Nội bị ảnh hưởng Trưa ngày 23/3, đường ống nước sạch rộng 1,6m từ sông Đà (Hòa Bình) về Hà Nội bị vỡ toang khiến hơn 70 nghìn hộ dân ở các quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy và huyện Thanh Trì, Từ Liêm bị ảnh hưởng. Ông Nguyễn Anh Việt, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng kinh doanh nước sạch (Viwaco)...