Nhớ món cá kho vỏ dưa của mẹ
Đó là ký ức một thời nghèo cực. Mẹ tôi, người đàn bà quê tháo vát bao giờ cũng biết cách gồng lưng thu vén cho cuộc sống gia đình thật giản đơn mà hữu hiệu.
Gia đình tôi không tốn kém nhiều vẫn tồn tại được qua những ngày tháng khó khăn là nhờ mẹ. Tận dụng phế phẩm, sáng chế ra nhiều món ăn lạ nhưng vẫn ăn được – thậm chí ăn ngon đó chính là cái tài của mẹ tôi. Một trong những món nêu trên là món… vỏ dưa hấu đem kho cá!
Thường vỏ dưa hấu gọt ra người ta chỉ đem làm thức ăn cho bò, heo hoặc đổ bỏ. Vậy nhưng với mẹ thì không. Ăn dưa, phần vỏ gọt ra mẹ sẽ gom đem rửa sạch, xắt nhỏ, dài cỡ lóng tay, cho vào xoong bỏ cá kho chung. Cá kho với vỏ dưa mẹ thường mua các giống cá biển da trơn, thịt nhiều ngọt đậm như: cá nục, cá ồ hoặc cá ngừ. Cá làm sạch, sắp vô xoong cùng vỏ dưa, đổ nước, nêm mắm muối và bắt đầu kho. Thường mẹ sẽ sai tôi chạy ra cây hái vài trái ớt sừng chín đem bẻ đôi bỏ kho chung. Đun sôi, liu riu lửa, đun đến khi nào mùi cá quyện gia vị cùng vỏ dưa bốc lên thơm lừng; nước trong xoong chỉ còn lấp xấp mẹ sẽ nhanh tay nhắc xuống. Mẹ giảng: cá kho vỏ dưa phải “kho nước” (tức trong xoong còn ít nước để chan cơm) mới ngon. Kho khô miếng dưa sẽ mặn, dai, ăn không còn giòn, ngọt…
Video đang HOT
Lần đầu tiên ăn món cá với vỏ dưa hấu kho chung tôi cứ thấy… ngài ngại, lựa toàn cá mà gắp, không dám đụng đến vỏ dưa. Tới khi thấy cả nhà ai cũng gắp vỏ dưa, còn khen ngon nên tôi cũng gắp đại một miếng. Chao ơi, đúng là ngon thiệt! Cái vỏ dưa cứng quèo đã được sức nóng trong quá trình kho làm mềm ra. Đặc biệt nhất là vị ngọt của cá như bị “hút” vào dưa; cộng thêm chút thơm cay của mấy trái ớt kho chung khiến hương vị miếng vỏ dưa kho trở nên vô cùng đặc biệt.
Nước cá kho chan cơm đương nhiên cũng rất tuyệt vời. Một đặc điểm nữa của món cá kho vỏ dưa là càng hâm càng ngon. Nhớ ngày tôi đi học xa, lâu lâu dắt lũ bạn cùng lớp về nhà chơi, mẹ dọn cơm có món cá kho vỏ dưa, đứa nào mới trông cũng mắt tròn mắt dẹt! Vậy nhưng, tới lúc ăn thì hít hà khen ngon, gắp liên tục. Đương nhiên rồi, đám bạn đa phần con nhà khá giả, làm chi biết tới những món ăn chỉ người nghèo mới có thể nghĩ ra. Lạ miệng thì ngon. Coi như đám bạn một lần được “mở mang tầm mắt” để biết mẹ tôi giỏi giang, tháo vát cỡ nào…
Chợt thèm trái giác nấu chua...
Khi mùa mưa kéo về miệt bưng biền U Minh tưới tắm cho cây rừng đâm chồi nảy lộc, tôi lại nhớ đến món canh chua trái giác bà thường nấu cho ăn vào những ngày thơ bé.
Bà tôi mê món canh chua trái giác như mê con người và vùng đất miệt bưng biền này. Món canh chua tuy giản dị ấy của bà đã thấm đẫm vào tuổi thơ tôi, theo tôi lớn lên cùng những buổi trưa hè hanh nắng, và bây giờ vẫn còn ngòn ngọt đầu môi tôi mỗi khi ký ức của những ngày thơ bè ùa về.
Chi giác bao gồm khoảng 45 loài, một số loài trong đó có giá trị tiện ích cho con người. Chúng được tìm thấy ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới của châu Á, châu Phi, Australia và các đảo của Thái Bình Dương. Ở nước ta, dây giác mọc hoang khắp nơi, dọc các hàng rào, cây bụi trong rừng, nhưng nhiều nhất là mọc quấn quanh những lùm cây ven sông rạch ở vùng rừng U Minh Thượng, U Minh Hạ...
Dây giác là loài dây leo thân hóa gỗ, sống đa niên. Trái giác tròn, hơi dẹp, nhỏ và đơm thành từng chùm. Khi còn non, trái nhỏ như hạt đậu xanh. Càng lớn trái càng có màu xanh đậm đà và bóng bẩy. Trái chín chuyển sang màu đen thẫm, thịt trái màu tím như trái mồng tơi chín. Trái giác non có vị chua chát, nhưng càng lớn vị càng thay đổi, từ chua thanh đến chua ngọt. Bởi vậy, nhà nào thích vị canh kiểu gì thì chọn hái trái giác lứa đó về chế biến món ăn.
Bà tôi thì thích nấu canh chua với trái giác hường hường, nghĩa là bà chỉ chọn những chùm giác vừa chín tới. Bà nói những trái giác vừa chín tới như thế luôn làm cho nồi canh chua chua thanh và ngon hơn. Bà còn nói, người có kinh nghiệm chế biến ít khi chọn trái giác chín quá, bởi nó tạo màu nước dùng tím đen không đẹp mắt. Bà chèo ghe dọc theo bờ rạch, chọn hái những chùm trái già hoặc vỏ hơi hườm hườm về rồi lặt từng trái, sau đó rửa sạch để ráo. Cá rô, lươn hoặc cá lóc đồng cũng làm sạch, để ráo. Rau bà dùng để nấu canh chua trái giác thường là những ngọn rau muống đồng mọc hoang ngoài bờ ruộng, vườn tạp.
Chuẩn bị xong, bà bắc nồi nước lên nấu cho thật sôi rồi thả trái giác vào đến khi trái mềm rệu rã thì lược lấy trái ra tô. Sau đó, bà lại cho một ít nước sôi vào tô, dầm vừa tay cho trái giác nhuyễn từ từ, cho thêm một ít nước sôi nữa hòa vào phần đã dầm để lọc lấy nước và trút lại vào nồi canh đang nấu. Khi nước trong nồi sôi trở lại bà cho cá hoặc lươn vào, nhanh tay nêm nếm cho nồi canh chua vừa ăn với các gia vị quen thuộc rồi đợi cá chín cho tiếp rau vào. Nồi canh chua vừa ăn, cá và rau chín đều thì nhấc nồi xuống. Cắt nhỏ rau ngò om cho vào sau cùng để mùi thơm của rau dậy hơn. Chỉ đơn giản vậy thôi là bà đã hoàn thành xong nồi canh chua trái giác với cá hoặc lươn đồng ngon hết ý đãi cả nhà.
Ngoài dùng làm gia vị để nấu canh chua, kho cá để tạo hương vị cho những món ăn thêm ngon, dây giác còn có thể dùng làm thuốc trị một số bệnh thông thường. Theo Đông y, rễ dây giác có vị cay, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, làm săn da, trị nhọt phổi và đinh nhọt. Thân, lá và quả giác còn được nấu để lấy nước tắm trị rôm, sảy cho trẻ em cũng rất tốt.
Bí quyết để chồng luôn nhớ cơm nhà Công việc là yếu tố quan trọng để khẳng định giá trị và vị trí của người phụ nữ trong cuộc sống hiện đại. Nhưng những bữa cơm gia đình, lại là điều thiết yếu để kết nối và giữ gìn hạnh phúc gia đình. "Bà vợ nào cũng có bí quyết "giữ chồng" riêng của mình. Người có nhan sắc, người lại...