Nhớ miếng chuối chiên của nội ngày mưa
Nha Trang mưa suốt những ngày qua. Nhìn bầu trời u ám, không khí ẩm ướt, cây cối trong vườn ủ rũ… lại nhớ những ngày mưa khi còn có nội. Nhớ nhất là món chuối chiên nội hay làm trong những ngày mưa dầm khi chúng tôi còn thơ bé.
Phía sau nhà tôi có một khoảng đất trống, nội trồng các loại rau: Mồng tơi, rau ngót, cải xanh, ổ qua, rau muống… Mùa nào thức ấy nên những bữa cơm nhà luôn có rau sạch, không phải mua. Đặc biệt hai bên mé vườn, nội trồng hai dãy chuối. Nhờ chăm sóc tốt, nhà tôi luôn có chuối ăn tráng miệng. Thỉnh thoảng, nội đổi món với đủ loại bánh làm từ chuối: bánh chuối hấp với dừa nạo, chuối nướng nước cốt dừa, chè chuối bột báng…
Đặc biệt, vào những ngày mưa triền miên như thế này, gian bếp nhỏ của nội không chỉ ấm sực vì lửa đỏ mà còn thơm lừng mùi chuối chiên. Những ngày mưa ấy, hầu như hôm nào chúng tôi cũng xúm xít quanh bếp để chờ được ăn chuối chiên.
Video đang HOT
Nội chọn những trái chuối vừa chín tới rồi vừa thao tác vừa bày chúng tôi cách làm: Sau khi bóc vỏ, cắt quả chuối thành 3 mảnh theo chiều dọc để có những cái bánh chuối dài. Còn muốn bánh chuối tròn thì cắt theo chiều ngang, dày mỏng tùy thích. Công đoạn này được giao cho bọn trẻ và chúng tôi rất háo hức làm nhiệm vụ. Trong khi đó, nội đi pha bột. Trước, nội hay làm bằng bột gạo với đường và chút muối. Sau đó, nghe người ta bày, nội thêm bột mì, bột bắp… Cho chảo dầu lên bếp, đợi đến lúc dầu sôi lăn tăn, nội nhúng từng miếng chuối vào hỗn hợp bột vừa pha rồi cho vào chảo dầu. Chỉ trong chốc lát, những chiếc bánh căng phồng, vàng ươm nổi lên trên bề mặt chảo. Mùi chuối chiên thơm phức lan tỏa khắp gian bếp nhỏ, đẩy lùi các thứ mùi khó chịu do mưa dầm như mùi ẩm mốc của đồ vật, mùi tanh nồng của đất nhão… Khi lớp bột bọc bên ngoài miếng chuối chuyển sang màu vàng, nội lật lại chiên tiếp cho mặt còn lại cũng vàng đều rồi vớt ra để vào vỉ cho ráo dầu. Khi đó, dù bánh vẫn còn nóng hổi, cả bọn đã chìa tay, nhao nhao: Cho cháu cái này đi… Nội cười hiền hậu: “Đợi chút cho nguội. Ăn ngay là phỏng miệng đó. Đứa nào cũng sẽ có phần hết. Nhưng cái đầu tiên dành cho Út Ti nè!”. Bé Ti chìa bàn tay nhỏ xíu, toét miệng cười, hở cả hàm răng sún ngộ nghĩnh, đón miếng bánh vàng ươm bọc trong mảnh lá chuối từ tay nội: “Dạ! Con cảm ơn nội!”.
Nội nói đúng. Lần lượt từng đứa chúng tôi đều có phần bánh, ăn thoải mái đến no. Hối hả cầm miếng bánh chuối, vừa thổi phù phù vừa đưa vào miệng cắn cái rốp. Miếng bánh giòn rùm rụm tan dần trong miệng. Vị ngọt của chuối quyện với vị béo của dầu, ngon không thể tả. Hôm nào chúng tôi cũng ăn mà không hề thấy ngán.
Tôi vẫn nhớ hình ảnh nội ngồi bên bếp, thong thả đảo từng miếng bánh trong chảo dầu đang sôi sùng sục. Khi nhìn nội chiên bánh giữa trời se lạnh, cảm giác ấm áp và bình an cứ lưu mãi trong tâm trí tôi đến tận bây giờ. Mỗi khi Nha Trang vào mùa mưa, tôi lại da diết nhớ món chuối chiên của nội…
Nhớ bánh ống gạo ngày xưa
Những buổi chiều mưa đó, hòa vào nhịp điệu tí tách của giọt mưa là tiếng máy đùng bánh ống gạo chạy xình xịch, mùi gạo thơm lừng lan trong không khí, những bịch bánh ống gạo thuôn dài, đều tăm tắp treo lủng lẳng khắp quán chờ người đến mang về...
=Ai ở lứa tuổi 8X, 9X hẳn không thể không biết đến chiếc bánh ống gạo, một trong những món ăn vặt yêu thích của đám trẻ con ngày ấy. Thời bấy giờ, nếu mang theo nguyên liệu thì khá nặng và cồng kềnh, nên những người làm bánh chỉ mang theo chiếc máy là chính, còn nguyên liệu là do người dân tự chuẩn bị lấy. Do đó, chiếc bánh được làm ra của nhà này hoàn toàn không giống với nhà khác. Bởi nguyên liệu chính là gạo trắng, nhưng tùy khẩu vị từng nhà mà có người cho thêm gạo lứt, bắp, đường, đậu xanh, đậu đỏ... để tạo vị khác lạ.
Bánh ống gạo. Ảnh: PV
Trong ký ức của tôi, những ngày mưa đầu mùa, mẹ thường xúc một lon gạo, một lon bắp cùng ít đường trộn đều cho vào chiếc túi ni lông con con, rồi bảo tôi đạp xe vào chợ chiều, hoặc đến nhà xay xát cuối xóm để đùng gạo. Ngày ấy xăng dầu còn khan hiếm, thường thì khi có đông người đến xát gạo hoặc nổ ống, ông chủ mới khởi động máy, vì thế tôi thường rủ thêm mấy đứa bạn trong xóm đi đùng bánh gạo cùng.
Trong lúc khởi động máy, chúng tôi nhanh chóng đổ đường, bắp, gạo đã trộn sẵn vào chiếc chậu nhôm. Bác thợ trộn thật đều các nguyên liệu rồi đổ vào một đầu máy loe ra như cái phễu. Trong tiếng máy chạy xình xịch vui tai, một lát sau, ở đầu máy bên kia, những ống gạo thuôn dài, màu trắng ngà đã chạy ra, còn nóng bỏng và bốc khói nghi ngút. Bác thợ nhanh tay dùng kéo cắt ống gạo thành từng đoạn, cho vào thúng trong ánh mắt háo hức của lũ trẻ. Những ống gạo vừa ra khỏi máy còn giòn tan. Cắn miếng ống gạo giòn rụm, ngậm một chút trong miệng, thấy thấm đẫm hương thơm, vị bùi, dẻo. Rồi đứa này cho đứa kia nếm thử miếng bánh gạo của nhà mình với đủ hương vị. Không chỉ thơm ngon, bánh ống gạo còn hấp dẫn bởi màu sắc dịu nhẹ. Bánh nhiều gạo có màu trắng đục, bánh nhiều bắp có màu vàng, bánh nhiều đậu xanh có màu xanh dịu, bánh nhiều đậu đỏ có màu nâu nhạt...
Chờ cho ống gạo nguội bớt, khỏi bị hấp hơi, bác thợ xếp ngay ngắn lại, bọc cẩn thận bên ngoài bằng túi bóng rồi cho vào bao để chúng tôi xách về. Lũ trẻ chúng tôi đứa cầm bao, đứa bỏ bánh vào, vừa phụ làm, vừa nói chuyện rôm rả. Những hôm trời mưa, vừa cắn ống gạo kêu rôm rốp vừa ngắm mưa đã trở thành niềm vui đơn giản của đám trẻ quê chúng tôi. Chúng tôi vừa ăn, vừa mong trời mưa dầm thật lâu để có cớ xin gạo đi nổ ống.
Lũ trẻ trong xóm lại chờ đợi đến rằm tháng Bảy, bởi trên mâm cúng rằm tháng Bảy ở quê tôi không thể thiếu bịch bánh ống gạo. Nhưng loại bánh ống gạo này cầu kỳ hơn, bánh ống gạo có ruột xoắn. Mâm cúng vừa dọn xuống, bịch bánh ống gạo được mẹ chia đều cho mấy chị em. Đám trẻ con lại tụ tập để so kè xem ai có thể kéo được phần ruột xoắn ra khỏi bánh mà không bị đứt, tiếng hò reo vang cả một góc đường.
Bánh ống gạo - món quà vặt dân dã của tuổi thơ, nhưng luôn có sức hút kỳ lạ. Giá mà giờ có được vài ba đứa bạn ngồi ăn bánh ống gạo, kể cho nhau nghe chuyện của tuổi thơ thì vui biết bao!...
Cóc, ổi, mía ghim- món ăn vặt Là món ăn vặt gắn với tuổi thơ của rất nhiều người, hiếm ai biết nguồn gốc của cái tên "cóc ổi mía ghim" từ đâu mà ra? Tuổi thơ của chúng ta chắc hẳn ai cũng từng nghe nói đến món "cóc ổi mía ghim". Thế hệ ngày nay dù chẳng biết "mía ghim" thực chất là gì nhưng cứ nhắc đến...