Nhờ con gái nhớ món ăn tuổi thơ, mẹ Hà Nội bán chè bưởi thạch găng gây sốt
Mới bán được 4 tháng nay nhưng quán chè bưởi thạch găng của chị Nguyên ở Hoàng Ngọc Phách đã tấp nập khách ghé ăn. Trung bình mỗi ngày chị làm khoảng 70kg chè và thạch găng.
Hà Nội những ngày vào thu nắng vàng nhè nhẹ, thưởng thức một cốc chè ngòn ngọt mát lạnh là một sự lựa chọn vô cùng thú vị. Tuy nhiên, nhắc đến những món chè ở mảnh đất Thủ Đô này nhiều người cũng phải đau đầu lựa chọn vì “không biết ăn gì”, nào chè thập cẩm, chè bưởi, chè chuối, chè đậu xanh, đậu đỏ, chè Thái, chè khúc bạch…
Nếu như bạn cảm thấy nhàm chán với những món chè đã ăn mãi này rồi thì hãy thử đổi vị thưởng thức món chè tưởng như quen thuộc lại vô cùng lạ lẫm, độc đáo và thú vị ở ngay đầu con phố Hoàng Ngọc Phách, đó là chè bưởi thạch găng.
Chè bưởi thạch găng ở phố Hoàng Ngọc Phách.
Mới lạ từ 2 món ăn quen thuộc
Quán chè này nằm ngay đầu con ngõ số 1 của phố Hoàng Ngọc Phách. Gọi là quán vậy thôi, thực chất ở đây chỉ có một chiếc xe đẩy đựng nguyên liệu chè. Khách đến ăn thường gọi món và đi thẳng vào trong ngồi ở 3 chiếc bàn ghế xanh lá cây.
Thực đơn của quán chỉ bán 2 loại, đó là chè bưởi và thạch găng nên mọi người đến đây không hề phải băn khoăn lựa chọn “không biết ăn món nào”. Đôi khi, mọi người có thể phá cách, thưởng thức món ăn vô cùng mới khi mix chè bưởi và thạch găng cốt dừa với nhau.
Quán của chị chỉ đơn giản một xe đẩy chè.
Chè bưởi với ngập tràn đậu xanh ninh nhừ, cùi bưởi giòn giòn dai dai quyện vào nhau trong lớp bột nấu dẻo quẹo, phủ lên trên là nước cốt dừa thơm thơm và béo ngậy có thể đủ để làm nên món chè lôi cuốn bao nhiêu người.
Còn thạch găng mát lạnh ăn chung với nước đường, một số quán thì cho thêm hoa nhài để có hương thơm nhẹ thoang thoảng cũng khá thú vị cho buổi trưa nắng.
Khi 2 món ăn quen thuộc ấy kết hợp tưởng như sẽ “khó nuốt” nhưng nào ngờ lại làm nên một món ăn vô cùng hay ho. Thạch găng quyện trong nước cốt dừa ngọt đậm mang lại hương vị rất lạ thanh thanh nhè nhẹ. Đặc biệt thưởng thức kết hợp cốt dừa, thạch găng, và cùi bưởi giòn cùng đỗ xanh ninh bở, mọi thứ hòa quyện theo một cách riêng thú vị.
Phải nói, cốc chè bưởi thạch găng ở đây nhìn khá bắt mắt với màu vàng của đỗ xanh, màu xanh mát mắt của thạch găng tô điểm màu trắng của nước cốt dừa. Với những người không hảo ngọt, khi đến đây gọi thêm đá là vô cùng vừa miệng.
Ngoài ra, khi đến đây mọi người có thể thưởng thức cốc thạch găng thập cẩm gồm thạch đen và thạch dừa mát lạnh. 3 thứ thạch ấy và nước đường thêm chút đá sẽ giúp bạn quên đi cái nắng hè.
Video đang HOT
Quán mở từ 11h-17h hàng ngày. Chè bưởi thạch găng và chè bưởi có giá 13 nghìn/cốc còn thạch găng thập cẩm có giá 10 nghìn/cốc. Ở đây cũng bán lẻ và bán buôn chè bưởi 50 nghìn/kg, thạch găng 20 nghìn/kg.
Món ăn này cũng khá lạ miệng và vô cùng hay ho.
Chè bưởi được nấu đỗ nhừ vẫn còn nguyên hạt ăn bùi bùi, cùi bưởi to, giòn giòn còn thạch găng mát lạnh, tan từ từ trong miệng.
Nhờ có cốt dừa và vị ngọt của chè bưởi quyện vào làm thạch găng ăn hơi ngòn ngọt, có vị thanh thanh nhè nhẹ.
Tuy nhiên, điểm trừ ở đây là cùi bưởi hơi ít.
Cốc thạch găng thập cẩm khá ngon.
Nhờ con gái nhớ món ăn tuổi thơ, mẹ Hà Nội nghĩ ra món ăn gây sốt
Được biết, chủ quán chè bưởi thạch găng này là chị Trịnh Thị Nguyên, 46 tuổi có nhà ở trong con nhỏ Hoàng Ngọc Phách. Hàng ngày, cứ đến 11h là mẹ con chị lại đẩy xe chè ra đầu ngõ bán rồi đến tối lại đẩy xe về. Theo chị Nguyên chia sẻ, chị mới bán chè bưởi được 5 tháng nay từ tháng 4/2019 sau khi nghỉ hưu.
Chia sẻ về lý do mở quán chè, chị Nguyên cho biết, hồi nhỏ còn đi học được các bạn dẫn đi ăn chè bưởi, chị đã ấn tượng và thích ngay từ lúc đó bởi vị chè độc đáo, béo ngậy nước cốt dừa, giòn giòn cùi bưởi cùng mùi thơm của đỗ xanh. Chính vì vậy, sau khi nghỉ hưu chị đã quyết định lựa chọn chè bưởi làm mặt hàng chính để bán.
Sau đó, con gái lớn của chị chia sẻ về món ăn “xanh xanh mát mát” ngày bé mẹ thường cho đi ăn và bảo mẹ làm thêm món này mà chị đã bán thêm thạch găng.
Chị Nguyên còn bán chè bư và thạch găng theo cân.
Tuy nhiên, nói về món chè bưởi mix thạch găng với nhau, theo chị Nguyên chia sẻ, đó là ý tưởng của khách. Trong một lần khách đến ăn đòi mix 2 món ăn đó lại với nhau đã làm nên món ăn mới lạ và được mọi người nhớ đến quán chị nhiều hơn.
“Chè bưởi là món ăn tuổi thơ của mình nhớ mãi còn thạch găng là món ăn tuổi thơ của con gái. Nhờ ý tưởng phát sinh của con gái mà đã tạo nên món chè bưởi thạch găng vô cùng thú vị hiện nay.
Ban đầu khách hàng đến yêu cầu mix 2 thứ với nhau. Mình nghĩ ăn sẽ không ngon nên bảo khách nhưng khách nhất quyết đòi như vậy nên mình làm. Không ngờ mix vào nhau thấy vị ngọt của chè kết hợp với thạch găng được vơi bớt đi lại vô cùng thanh mát nữa. Từ đấy mọi người rất thích ăn chè mix thạch”, chị Nguyên chia sẻ.
Món chè lạ từ 2 nguyên liệu quen thuộc. Đến những quán chè khác nếu có chè bưởi và thạch găng bạn hãy thử gọi để thưởng thức nhé!
Chia sẻ thêm, chị Nguyên cho biết, 2 món ăn này tưởng như dễ làm lại vô cùng khó. Để chè bưởi ngon thì phải làm sao để cùi bưởi giòn, đỗ ninh bở không bị vỡ hạt còn nước cốt dừa phải béo ngậy. Chính vì thế, chị đã phải vào tận trong An Giang, Đồng Tháp để học làm chè bưởi. Bên cạnh đó, chị cũng phải đặt lấy nước cốt dừa Bến Tre vận chuyển ra.
“Sáng mình phải dậy từ 6h đồ đỗ, nấu chè đến 11h mới xong để dọn hàng. Mình phải ngâm đỗ từ tối hôm trước, hôm sau rửa sạch mới không bị thiu đỗ, xong cho vào nồi đồ như đồ xôi thì đỗ mới bở được như thế này. Trên mạng người ta cứ dạy cho vào lò vi sóng nhưng không bao giờ làm được.
Còn món thạch găng rất dễ làm nhưng cũng rất khó. Hôm nào mình làm chậm tay là đông rất nhanh. Để thạch găng ngon điều đầu tiên là khi làm nước phải sánh, thạch găng tự đông mới mịn ngon, không được loãng quá và không được đông quá. Nếu làm thạch không thành thớ được cũng phải bỏ đi.
Mình phải vò hết độ nhầy của thạch thì mới tự đông được. Nhiều bạn bảo cho nước vôi trong vào nhưng điều đó sẽ làm thạch cứng, không đông tự nhiên”, chị Nguyên cho hay.
Chị Nguyên tâm sự, chị không muốn bán nhiều các loại chè mà chỉ chuyên về món chè bưởi, thạch găng để tập trung làm và để khách nhớ đến chè bưởi là nhớ đến mình. Hơn nữa, một mình chị làm chè bưởi và thạch găng số lượng lớn cũng đã mệt, nên để làm nhiều chè bán chị phải thuê thêm người. Vì muốn mang đến món ăn sạch, chất lượng cho khách nên chị chỉ bán vậy là đủ. Tuy chỉ bán có 2 món nhưng ngày nào chị cũng phải tất bật làm từ sáng đến trưa mới dọn được hàng.
Mặc dù quán của chị mới mở được 5 tháng nay nhưng chị không gặp nhiều khó khăn bởi khách hàng đến thường xuyên. Mỗi ngày trung bình chị làm 50kg chè bưởi, 30kg thạch găng chỉ đến 5-6h tối là hết hàng.
“Nhiều người ngày nào cũng đến đây mua chè trêu “Chị cho heroin vào đây à mà em nghiện”. Mình chỉ cười nói rằng “Chị bán có 13 nghìn/cốc, cho vào không đủ tiền chị làm”, chị Nguyên cười.
Theo Khampha
Bánh pía: Ngọt ngào những ngày Trung thu trong hồi ức
Bánh pía giờ đây dễ tìm, dễ mua. Người ta thưởng thức chúng như một món ăn vui miệng. Nhưng với riêng những đứa trẻ lớn lên ở miền quê mới hiểu hết cái vị đậm đà mà chúng mang lại trong những ngày của quá khứ
Những ngày của tuổi 25, tôi chợt muốn đi nhiều, như một sự bù đắp cho những năm tuổi trẻ có phần đơn điệu và buồn chán. Chuyến xe khởi đầu từ những tỉnh miền Tây, vùng đất tôi sinh ra và lớn lên nhưng vẫn còn vô vàn những điều mơ hồ về chúng. Tôi chọn Sóc Trăng làm trạm dừng chân trong một ngày đầu tháng 9 đầy nắng vàng.
Sóc Trăng nổi tiếng với bún nước lèo, bánh cống, mè láo... hay những chùa chiền có tuổi đời ngót nghét vài trăm năm. Nhưng trước khi đến với những điều thú vị này, Sóc Trăng lại chào đón khách thập phương bởi một vị ngọt thơm đã làm nên tên tuổi suốt mấy thế kỷ qua - bánh pía.
Dọc quốc lộ 1A trước khi tiến vào trung tâm thành phố, không khó để bắt gặp những hàng quán san sát nhau bày bán loại bánh này. Bánh pía dường như không chỉ là kế sinh nhai, mà còn là niềm tự hào của chính người dân nơi đây với hàng loạt thương hiệu lớn nhỏ.
Nhắc đến bánh pía, nhân đậu xanh sầu riêng trứng muối được xem như vị đặc trưng nhất. Ngày còn thơ bé, cái hương vị ấy đã được mặc định trong đầu như đặc điểm nhận dạng của loại bánh này. Bánh pía theo chân người Hoa trong những ngày đi mở cõi phương Nam, từ thế kỷ 17. Chiếc bánh tròn, to bằng lòng bàn tay này có nguồn gốc từ bánh trung thu của người Triều Châu với nhân nguyên thuỷ là thịt heo, mỡ và đậu xanh được gói trong lớp vỏ có nhiều lớp bột chồng lên nhau. Từ pía là cách gọi chệch đi phiên âm từ "pi-é" nghĩa là bánh trong tiếng của người Hoa.
Nhưng khi vào đến vùng Nam bộ, bánh pía lại có sự thay đổi đôi chút về nhân bánh để phù hợp với khẩu vị và sở thích của người dân sở tại.
Bánh pía, đặc sản của Sóc Trăng nức tiếng xa gần
Một chiếc bánh tròn vừa vặn có thể chia thành 4 phần. Bánh mềm và dẻo ở bên trong nên dùng dao cũng được hoặc dùng tay tách cũng chẳng sao. Mà thú vui của những đứa trẻ ngày xưa vẫn cứ thích dùng tay để tách bánh, để cốt yếu lấy được phần nhiều hơn. Đứa nào không tách phải chịu phần thiệt ăn miếng nhỏ hơn. Mấy điều vụn vặt con trẻ ấy, đôi khi nghĩ lại tự nhiên cười thầm, rồi đôi ba giọt nước mắt chợt rơi vì nhớ những ngày đã qua.
Cắn một miếng bánh, đầu tiên sẽ cảm nhận được độ xốp của những lớp vỏ mỏng chồng lên nhau, dính nhẹ vào răng hay lưỡi. Sau này tìm hiểu mới biết vỏ bánh coi vậy chứ đòi hỏi sự kỳ công. Người thợ phải nhào 2 loại bột khác nhau, với tỉ lệ nước, mỡ heo khác nhau để tạo nên sự khác biệt. Bột được cán phải khéo để tạo nên những lớp vỏ chồng lên nhau. Trong khi đó, phần nhân ngọt có đậu xanh, sầu riêng tán nhuyễn cộng với trứng muối hấp lại có phần đơn giản hơn, mà quan trọng nhất là nhân phải nhuyễn, mịn.
Vị ngọt, thơm, béo của bánh khiến người ăn khó quên
Vị béo, bùi của đậu xanh cộng với mùi thơm, vị ngọt đặc trưng của sầu riêng cùng chút mằn mặn, thơm béo của trứng muối kết hợp với vỏ bánh tạo nên một vị ngọt đậm đà khó thể lẫn vào đâu.
Bánh pía có độ ngọt khá gắt nên thường được dùng để nhâm nhi với nước trà, càng làm tăng thêm hương vị, và giúp người ăn đỡ ngán. Cha tôi cứ cắn một miếng bánh lại uống một ngụm trà. Người lớn là vậy, chứ tụi con nít vốn hảo ngọt nên ăn liền tù tù 2, 3 miếng cũng được. Ăn xong ực vội ly nước trắng to đùng cho không gắt cổ. Cứ vậy đó, bánh pía đi vào hồi ức của chúng tôi một cách nhẹ nhàng, như lời mẹ ru cái thuở còn nằm nôi.
Ngày trước, gia đình cũng không dư giả bao nên không phải lúc nào cũng được ăn bánh pía. Chỉ khi cận Trung thu, mẹ mới mua cùng 2 chiếc bánh, trước cúng, sau ăn. Bánh pía thường được mẹ tôi dọn cúng bàn thờ ông địa, ông thần tài. Mùi thơm của bánh hoà với mùi nhang trong một đêm miền quê yên ả lại khiến lòng dạ những đứa trẻ chợt cồn cào. Tôi thường ngồi đó chờ cho đến khi nhang gần tàn để được thỉnh bánh để ăn.
Bánh thường được người lớn nhâm nhi với nước trà
Cầm vội miếng bánh, chiếc xe lon ton (đèn Trung thu làm bằng vỏ hộp sữa) cũng đã kịp lên đèn, thế là hoà vào cuộc vui với mấy đứa nhỏ cùng xóm. Tiếng lon ton vang khắp một quãng đường kèm cái mùi ngọt ngậy của bánh lại khiến tâm hồn một đứa trẻ háo hức lạ thường để đón ông trăng, ngắm chị Hằng.
Giờ muốn ăn bánh pía có khó gì đâu. 40.000-50.000 ngàn là có bánh để ăn với nhiều vị theo sở thích. Nhưng có những điều tiền vốn dĩ không mua được, đó là tuổi thơ, là những ngày yên bình không trở lại.
.Theo Phunuonline
Nấm sò xào rau muống giòn ngon lạ miệng "đổi gió" bữa cơm Không cần thịt hay cá khi xào nhưng món ăn vẫn giữ được vị ngọt từ nấm sò, vị chua từ cà chua và giòn giòn từ rau muống. Nguyên liệu: - 300 g nấm mối - 1 bó rau muống -1 quả cà chua - Gia vị nêm. Cach làm: Bước 1: - Nấm, rau muống, cà chua rửa sạch để ráo....