Nhìn từ “đại án” đăng kiểm: Thượng bất chính, hạ tắc loạn
“Đại án” đăng kiểm là vụ án tham nhũng có tổ chức, hành vi có hệ thống, xuyên suốt từ lãnh đạo Cục Đăng kiểm, Phòng kiểm định xe cơ giới đến giám đốc nhiều trung tâm, cho đến các kiểm định viên, nhân viên…
Từ kết quả điều tra cho thấy, khi người đứng đầu sử dụng “ quyền lực đen” để tham nhũng, thì công thức tham nhũng cũng “áp dụng” từ trên xuống dưới. 245 bị can bị truy tố, với 11 nhóm tội danh, cho thấy, sai phạm diễn ra ở tất cả các khâu liên quan đến đăng kiểm. Nhìn toàn cảnh vụ án, ngẫm lời dạy của người xưa “thượng bất chính, hạ tắc loạn” – người trên mà làm bậy thì cấp dưới không thể nghiêm chỉnh.
“Quyền lực đen” trong đại án đăng kiểm
Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh vừa tống đạt cáo trạng truy tố 254 bị can liên quan đến sai phạm xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các đơn vị liên quan. Hồ sơ vụ án cũng đã được VKS chuyển qua TAND TP. Hồ Chí Minh để chuẩn bị đưa các bị can ra xét xử.
Theo cáo trạng, hành vi phạm tội của các bị can diễn ra từ các trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới, các chi cục đăng kiểm phương tiện thủy nội địa, đến phòng kiểm định xe cơ giới, phòng tàu sông và cao nhất là Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Lực lượng chức năng tổ chức khám xét tại Trung tâm đăng kiểm.
Theo đó, dù là các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực đăng kiểm chất lượng, an toàn kỹ thuật, an toàn lao động, bảo vệ môi trường đối với phương tiện, thiết bị giao thông vận tải, đánh giá và cấp thông báo cơ sở đủ điều kiện đóng mới, hoàn cải, sửa chữa phương tiện, thiết bị giao thông… nhưng, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, các phòng và trung tâm đăng kiểm đã cùng nhau thống nhất chủ trương, chỉ đạo các đăng kiểm viên và nhân viên cấp dưới nhận tiền từ các chủ phương tiện để bỏ qua lỗi, bỏ qua các điều kiện về chất lượng, an toàn kỹ thuật, an toàn lao động, bảo vệ môi trường… Bên cạnh đó, trong quá trình thẩm định hồ sơ thiết kế xe cơ giới cải tạo, các đăng kiểm viên của Phòng Kiểm định xe cơ giới (Phòng VAR) đã nhận tiền hối lộ của các doanh nghiệp thiết kế, cải tạo để duyệt cấp giấy thẩm định thiết kế xe cơ giới cải tạo.
Một thời gian dài trước đây, có một quy luật “bất thành văn” mà những người đi đăng kiểm phương tiện hay rỉ tai nhau thực hiện. Là khi đi đăng kiểm, hãy vờ như bỏ quên một hoặc một vài trăm nghìn đồng để tại hộc gần cần số, trên ghế… để được tạo điều kiện đăng kiểm nhanh.
Việc lặp đi lặp lại trong một thời gian dài, thành một thói quen của người dân khi đi đăng kiểm. Chỉ khi vụ án được khởi tố, điều tra, cái luật ngầm này mới được giải mã. Hóa ra đây là sự chỉ đạo thông suốt, là chủ trương từ lãnh đạo đến đăng kiểm viên và nhân viên Trung tâm.
Quyền lực nào để những sai phạm diễn ra trong thời gian dài và có tính hệ thống như vậy? Theo tài liệu của cơ quan điều tra, hai Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam là Trần Kỳ Hình và Đặng Việt Hà chính là người đề ra chủ trương để cấp dưới dung túng sai phạm, hàng tháng hai ông này đều nhận tiền hối lộ từ cấp dưới. Việc nhận hối lộ từ duyệt, ký cấp thông báo năng lực cơ sở đóng mới, sửa chữa, hoán cải, phục hồi phương tiện thủy nội địa cho các cơ sở đóng tàu, từ các Trung tâm Đăng kiểm diễn ra từ giai đoạn ông Hình là Cục trưởng.
Ông Hình lợi dụng chức vụ quyền hạn, vị trí công tác duyệt cấp đủ năng lực cho các cơ sở không đủ điều kiện theo quy định, tạo điều kiện cho cơ sở đóng tàu hoạt động trái pháp luật, trực tiếp nhận tiền hối lộ (định kỳ hằng tháng, quý) của các giám đốc trung tâm đăng kiểm nhằm bỏ qua sai phạm của các trung tâm trong việc nhận tiền hối lộ của chủ xe, đối tượng môi giới để cấp giấy chứng nhận đăng kiểm đối với các phương tiện xe cơ giới không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật. Theo cáo buộc ông Trần Kỳ Hình nhận hối lộ trong quá trình thẩm định hồ sơ thiết kế hơn 6,5 tỷ đồng và 23.000 USD.
Sau khi ông Trần Kỳ Hình nghỉ hưu, ông Đặng Việt Hà được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Đăng kiểm, có quyền hành trong tay, ông Hà không chấn chỉnh, xử lý đối với các hành vi tiêu cực, sai phạm của lãnh đạo tiền nhiệm, mà tiếp tục chỉ đạo cấp dưới phải nâng mức hưởng lợi, số tiền ông nhận được phải là cao nhất.
Công bố các quyết định đối với bị can Trần Kỳ Hình.
Cũng giống như ông Trần Kỳ Hình, các Trung tâm Đăng kiểm có nguồn vốn xã hội hóa (Khối D) phải đưa hối lộ cho ông Hà. Việc đưa hối lộ nhằm xin chủ trương, ký duyệt cấp Mã số đăng kiểm, bỏ qua các lỗi vi phạm trong quá trình kiểm tra đánh giá lần đầu để cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động đăng kiểm khi chưa đủ các điều kiện theo quy định hoặc bỏ qua lỗi vi phạm trong quá trình hoạt động của Trung tâm Đăng kiểm. Đầu năm 2022, ông Hà đưa ra chủ trương yêu cầu các Trung tâm Đăng kiểm phải tăng tiền đưa hối lộ hàng tháng cho mình.
Theo cáo buộc, bị can Hà phải chịu trách nhiệm hình sự chung về số tiền nhận hối lộ của Phòng Kiểm định xe cơ giới giai đoạn từ ngày 1/8/2021 – 30/9/2022 là hơn 31 tỷ đồng, số tiền nhận hối lộ của 4 Trung tâm Đăng kiểm Khối V tại TP. Hồ Chí Minh từ ngày 1/4/2022 đến tháng 11/2022 là hơn 7,6 tỷ đồng, số tiền nhận hối lộ của 5 Trung tâm Đăng kiểm Khối V tại TP. Hà Nội là 780 triệu đồng và số tiền hối lộ của các giám đốc Trung tâm Đăng kiểm khối D là 680 triệu đồng. Tổng số tiền nhận hối lộ mà bị can Hà phải chịu trách nhiệm hình sự là 40 tỷ đồng.
Video đang HOT
Tìm mọi cách để có tiền chung chi
Theo cáo trạng, Phòng Kiểm định xe cơ giới (VAR) là tổ chức trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam. Từ tháng 3/2019, ông Trần Anh Quân làm nhiệm vụ quyền trưởng phòng. Phòng VAR có nhiệm vụ, quyền hạn trong việc thực hiện thẩm định thiết kế, nghiệm thu cải tạo xe cơ giới và xe máy chuyên dùng đang lưu hành. Ông Quân đã nhận tiền hối lộ của các công ty từ 1,5 – 3 triệu đồng/hồ sơ để cấp giấy chứng nhận thẩm định thiết kế.
Các đối tượng liên quan trong vụ “đại án” đăng kiểm.
Trong cuộc họp với lãnh đạo phòng VAR, ông Hà đã yêu cầu phòng VAR hằng tháng phải báo cáo chính xác số liệu hồ sơ đã thẩm định thiết kế, phải bảo đảm lợi ích của ông Hà là cao nhất. Sau cuộc họp trên, phòng VAR đã thống nhất lại cách thức chia tiền theo tỉ lệ: chia cho ông Đặng Việt Hà 400.000 đồng/hồ sơ, ông Quân 300.000 đồng/hồ sơ, các phó phòng VAR mỗi người 100.000 đồng/hồ sơ… Ông Quân khai nhận hành vi và cho biết bản thân hưởng lợi hơn 11,5 tỷ đồng, chia cho ông Hình 1,68 tỷ đồng, ông Hà hơn 5,9 tỷ đồng.
Theo lời khai tại cơ quan chức năng của lãnh đạo các Trung tâm đăng kiểm, để có tiền đưa cho các lãnh đạo Cục Đăng kiểm, không bị gây khó khăn trong công việc và tăng thêm thu nhập cho đăng kiểm viên…, các Trung tâm đăng kiểm đưa ra chủ trương cho phép nhận tiền hối lộ của chủ phương tiện để bỏ qua lỗi không đạt tiêu chuẩn khi kiểm định. Để bỏ qua các lỗi không đạt tiêu chuẩn khi kiểm định tại các trung tâm đăng kiểm (TTĐK), tài xế hoặc chủ xe để tiền hối lộ từ 100 – 600 nghìn đồng.
Cáo trạng của VKSND TP Hồ Chí Minh truy tố 254 bị can. Trong đó, 132 người về tội “Nhận hối lộ”, 53 người bị truy tố về tội “Đưa hối lộ”, 5 người bị truy tố về tội “Môi giới hối lộ” và 10 người bị truy tố về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Ông Đặng Việt Hà, cựu Cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam, bị cáo buộc Nhận hối lộ của các trung tâm tổng cộng 40 tỷ đồng để bỏ qua sai phạm, hưởng lợi cá nhân hơn 9 tỷ; ông Trần Kỳ Hình bị truy tố tội Nhận hối lộ tổng cộng hơn 6,5 tỷ đồng, 23.000 USD, và tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ…
Quá trình điều tra, Cơ quan Điều tra đã thu hồi, tạm giữ tổng cộng hơn 43 tỷ đồng và 118.800 USD cùng nhiều tài sản khác để khắc phục hậu quả.
Không những vậy, quy trình nhận hối lộ còn được thống nhất, từ lãnh đạo đến nhân viên của các Trung tâm đăng kiểm. Một công thức tham nhũng được áp dụng ở tất cả các Trung tâm có sự phối hợp, ăn rơ với nhau thành một quy trình khép kín. Cụ thể, công đoạn 1, Đăng kiểm viên sẽ lên cabin kiểm tra người đi đăng kiểm có bỏ tiền vào các vị trí như: cần gạt số, hộc đựng đồ, trong bao thuốc lá để trên cabin… hay không. Nếu có, đăng kiểm viên công đoạn 1 sẽ lấy.
Các phương tiện đến đăng kiểm có đưa tiền hối lộ thì các đăng kiểm viên sẽ bỏ qua các lỗi khiếm khuyết, hư hỏng của phương tiện gắn thêm phụ kiện mui gió, nhíp; hoặc sử dụng kết quả kiểm tra khí thải của xe khác để thay thế kết quả của xe không đạt; hoặc gõ ống bô ra hết muội khói và đạp ga nhiều lần rồi mới đưa xe lên chuyền kiểm tra…
Ngược lại, nếu trên xe không để tiền hối lộ, đăng kiểm viên ở công đoạn 1 sẽ bật đèn ra hiệu để cho các đăng kiểm viên trong chuyền kiểm tra kỹ, ghi nhận tất cả các lỗi và in phiếu kiểm định lần 1 không đạt; yêu cầu chủ xe phải khắc phục các lỗi này mới cho kiểm định lại lần 2. Tuy nhiên, các chủ phương tiện khi xe kiểm định không đạt lần 1 sẽ không mang xe ra ngoài sửa chữa mà liên hệ trực tiếp với ĐKV trong chuyền, đưa tiền hối lộ từ 150 – 500 nghìn đồng để được bỏ qua các lỗi ở lần kiểm định thứ 2.
Các bị can quy ước số tiền nhận hối lộ từ 100 – 150 nghìn đồng/xe/lượt kiểm định đối với xe ô tô con dưới 9 chỗ và xe ô tô từ 9 chỗ đến dưới 16 chỗ; 200 nghìn đồng/xe/lượt kiểm định đối với xe ô tô từ 16 chỗ đến 45 chỗ, xe ô tô tải dưới 5 tấn và sơ-mi rơ-mooc; 300 nghìn đồng/xe/lượt kiểm định đối với xe ô tô tải trên 5 tấn và xe đầu kéo.
Từ lời khai của giám đốc các Trung tâm đăng kiểm, số tiền nhận hối lộ, được Trung tâm chia thành các phần. Trong đó có “tiền cứng” để tiếp khách, ăn uống, quà biếu cho lãnh đạo Cục Đăng kiểm, số còn lại chia cho đăng kiểm viên, giám đốc và phó giám đốc. Trực tiếp giám đốc Trung tâm đăng kiểm sẽ mang tiền lên chung chi cho Giám đốc Cục đăng kiểm theo tháng, theo quý hoặc theo lịch hẹn của các dịp lễ, tết.
Câu chuyện tiêu cực trong lĩnh vực đăng kiểm tồn tại trong một thời gian dài đang liên tiếp bị phanh phui khắp trong cả nước. Thoạt nhìn, đây như một loại “tham nhũng vặt” khi giá trị vật chất của hối lộ không lớn. Nhưng do tính hệ thống, sai phạm từ người đứng đầu, như ngôi nhà bị “dột từ nóc”, sai phạm thành tính hệ thống, gây hệ lụy lớn. Nguy hại hơn, những tiêu cực này sẽ làm tổn hại lâu dài, gây hậu quả cho xã hội. Bởi, khi những chiếc xe không đủ điều kiện, tiêu chuẩn vẫn ngang nhiên lưu hành, gây mất an toàn cho tính mạng của người tham gia giao thông. Những tuyến đường giao thông vừa được sửa sang bị những chiếc xe được cơi nới tải trọng cày nát.
Khoảng tháng 12/2022, do sợ vụ việc bị phát hiện, ông Hà đã trả lại 5 tỷ đồng cho ông Quân, ông Quân giao cho Nghiêm Văn Cường cất giữ. Sau đó, khi cơ quan điều tra vào cuộc, ông Hà nhờ Nguyễn Văn Chung tìm hiểu thông tin xem công an xử lý như thế nào. Sau đó, ông Quân đưa 100.000 USD cho ông Hà, ông Hà nhờ người đưa 100.000 USD cho Chung để nhờ tìm người thu thập thông tin vụ án đăng kiểm. Tuy nhiên Chung không có khả năng thực hiện mà chiếm đoạt số tiền trên.
Cựu phó Phòng CSGT TP.HCM đưa hối lộ 2.000 USD trong 'đại án đăng kiểm'
Ông Trần Văn Thương (cựu phó Phòng CSGT TP.HCM) bị xác định là mua cổ phần Trung tâm Đăng kiểm 50-15D và trực tiếp đưa hối lộ cho cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Trần Kỳ Hình.
Bị can Trần Văn Thương (63 tuổi, ngụ quận Tân Phú) từng là Thượng tá, giữ chức Phó trưởng phòng Phòng CSGT - Công an TP.HCM, phụ trách lĩnh vực đăng ký xe.
Trong "đại án đăng kiểm", bị can Thương bị đề nghị truy tố về tội "Đưa hối lộ" và được tại ngoại hầu tra.
Ông Trần Văn Thương khi còn giữ chức phó Phòng CSGT - Công an TP.HCM. Ảnh: Linh An
Theo hồ sơ vụ án, năm 2018, Danh Thanh Tiền, Nguyễn Trọng Vĩnh và Đoàn Hải Linh góp vốn để thành lập Công ty TNHH Lâm Hà Trúc với mục đích thành lập trung tâm đăng kiểm tại TP.HCM.
Giữa tháng 1/2019, Tiền mang hồ sơ đến Cục Đăng kiểm Việt Nam gặp ông Trần Kỳ Hình (lúc đó là Cục trưởng) đưa hối lộ 10 triệu đồng để xin cấp mã số đăng kiểm.
Ông Hình đã ký giấy cấp cho Tiền mã số trung tâm là 50-15D. Sau đó Tiền tiến hành lắp đặt hoàn thiện trang thiết bị phục vụ đăng kiểm.
Tiếp đó, Tiền gửi văn bản ra Cục Đăng kiểm đề nghị cử đoàn vào kiểm tra đánh giá lần đầu để Trung tâm Đăng kiểm 50-15D đi vào hoạt động. Tuy nhiên, sau thời gian dài nhưng Cục Đăng kiểm không cử đoàn kiểm tra vào. Do đó, Vĩnh đích thân tới Cục Đăng kiểm để gặp ông Hình.
Lúc này, ông Hình cho biết không đồng ý để Tiền làm tại Trung tâm 50-15D nhưng không nêu rõ lý do. Khi Vĩnh về thông báo, họp bàn thì Tiền chủ động bán lại toàn bộ cổ phần cho ông Trần Văn Thương với số tiền 365 triệu đồng.
Ông Thương được các cổ đông bầu làm Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Lâm Hà Trúc. Có một số người cũng tham gia góp vốn vào công ty này nhưng nhờ người khác đứng tên.
Ông Trần Kỳ Hình (cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam) khi bị khởi tố, bắt tạm giam. Ảnh: CACC
Tháng 5/2019, ông Thương và Vĩnh ra Cục Đăng kiểm gặp, đưa hối lộ 2.000 USD cho ông Trần Kỳ Hình để ông này cử đoàn kiểm tra vào đánh giá cho Trung tâm 50-15D sớm đi vào hoạt động.
Tháng 6/2019, ông Thương ký quyết định bổ nhiệm Nguyễn Trọng Vĩnh làm giám đốc, Đoàn Hải Linh làm phó giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-15D.
Thời gian ngắn sau, ông Trần Anh Quân (khi đó là quyền phó Phòng kiểm định xe cơ giới) đã làm trưởng đoàn kiểm tra Trung tâm Đăng kiểm 50-15D. Ông Hình cũng duyệt, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới cho trung tâm này bắt đầu hoạt động từ ngày 22/6/2019 tại đường Hoàng Hữu Nam, phường Long Thạnh Mỹ, TP. Thủ Đức.
Cơ quan điều tra xác định, ông Thương không trực tiếp điều hành, mà giao toàn quyền quyết định Trung tâm Đăng kiểm 50-15D cho Nguyễn Trọng Vĩnh, Đoàn Hải Linh.
Hai người này giao cho Vũ Hữu Bình đứng ra móc nối với các đối tượng môi giới để nhận hối lộ của chủ các phương tiện đăng kiểm định kỳ và phương tiện nghiệm thu xe cải tạo để cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện xe cơ giới đường bộ.
Các đối tượng "cò" móc nối đăng kiểm viên để nhận hối lộ 400 - 700 ngàn đồng/xe nhằm bỏ qua các lỗi sai phạm.
Theo cơ quan điều tra, từ khi đi vào hoạt động đến tháng 11/2022 các "cò" đã đưa hối lộ khoảng 3,5 tỷ đồng cho Trung tâm Đăng kiểm 50-15D thông qua Vũ Hữu Bình, để cấp 17.940 lượt giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Bình cất tiền vào tủ riêng, báo cáo cho Vĩnh hằng ngày và 1 - 2 tuần sẽ tổng kết để ăn chia nhau.
Ngoài ra, Vĩnh, Linh còn chỉ đạo Bình thực hiện việc nhận tiền hối lộ từ chủ phương tiện, công ty thiết kế, thi công cải tạo với giá tiền là 1 triệu đồng/phương tiện cải tạo có thiết kế, 500 nghìn đồng/phương tiện xe cơ giới cải tạo miễn thiết kế, 1 triệu đồng/phương tiện xe máy chuyên dụng và các hồ sơ sau khi nghiệm thu thì phải đăng kiểm đạt.
Về số tiền nhận hối lộ từ việc nghiệm thu xe cải tạo, Bình giữ và thống kê, đến cuối tháng báo lại cho Vĩnh rồi chia nhau.
Chủ động đầu thú
Bị can Vĩnh khai, từ tháng 10/2010 khi Trung tâm 50-15D có lãi thì chia cho các cổ đông 10 triệu đồng/người/tháng. Các cổ đông không biết Vĩnh đưa ra chủ trương nhận tiền bỏ qua lỗi trong quá trình đăng kiểm và thu lợi bất chính.
Để trung tâm hoạt động không bị kiểm tra, hoặc khi có đoàn thanh tra sẽ được báo trước và bỏ qua những lỗi sai phạm, Vĩnh đã đưa hối lộ trực tiếp cho ông Trần Kỳ Hình 15 triệu đồng/tháng.
Đến năm 2020, mức chung chi hằng tháng tăng lên 20 triệu đồng/tháng. Tổng cộng Vĩnh đưa cho ông Hình 90 triệu đồng và 2.000 USD.
Cuối tháng 7/2021 khi ông Đặng Việt Hà lên chức Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam thay ông Trần Kỳ Hình, Vĩnh ra đưa hối lộ 100 triệu đồng chúc mừng lên chức và thỏa thuận với ông Hà về số tiền chung chi hằng tháng là 20 triệu đồng. Tổng cộng, Vĩnh đã đưa cho ông Hà 140 triệu đồng.
Bị can Trần Văn Thương và các cổ đông tại Trung tâm Đăng kiểm 50-15D khai không biết việc nhận hối lộ để bỏ qua sai phạm khi đăng kiểm phương tiện. Ảnh: CACC
Theo cơ quan điều tra, bị can Nguyễn Trọng Vĩnh phải chịu trách nhiệm hình sự với số tiền 4,3 tỷ đồng, là tiền nhận hối lộ từ các xe đăng kiểm định kỳ và từ xe cải tạo.
Ngoài cáo buộc tội "Nhận hối lộ", bị can Vĩnh còn bị đề nghị truy tố về tội "Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" khi có hành vi làm giả và sử dụng 20 hồ sơ nghiệm thu xuất xưởng xe cải tạo khống của Công ty TNHH SX TM DV Quốc Phong.
Bị can Trần Văn Thương đã chủ động đầu thú khi xảy ra "đại án đăng kiểm". Bị can Thương khai, đã giao mọi hoạt động công ty cho Vĩnh, mỗi tháng được chia 10 triệu đồng, tổng cộng đã nhận 180 triệu đồng.
Bị can Thương không biết việc nhận hối lộ để bỏ qua sai phạm trong quá trình đăng kiểm phương tiện cũng như không biết việc đưa hối lộ hằng tháng cho Cục trưởng Cục Đăng kiểm.
Cơ quan điều tra cáo buộc bị can Thương chịu trách nhiệm hình sự với số tiền đưa hối lộ là 2.000 USD (tương đương 46 triệu đồng) cho ông Trần Kỳ Hình.
Cục Đăng kiểm phải sử dụng cả đăng kiểm viên bị khởi tố, được tại ngoại để đi làm Trong bối cảnh thiếu hụt nghiêm trọng đăng kiểm viên hiện nay, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã phải sử dụng cả những đăng kiểm viên bị khởi tố nhưng được tại ngoại, áp dụng hình thức cấm đi khỏi nơi cư trú để vận hành lại 2 trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội Ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục...