Nhiều vé tàu Tết bị làm giả
Ga Sài Gòn vừa phát hiện 55 vé tàu giả sử dụng công nghệ in tinh vi với màu sắc, đặc điểm giống hệt vé thật, hành khách rất khó nhận biết.
Ngày 11/1, ông Nguyễn Văn Thành, Phó ga Sài Gòn cho biết, nhà ga vừa phối hợp với công an phường 9 (quận 3, TP HCM) phát hiện 55 vé tàu giả.
Trước đó, trưa 9/1, một nữ hành khách mang nhiều vé tàu SE16 đi Sài Gòn – Vinh vào ngày 17/1 đến quầy trả vé. Sau khi tiếp nhận, nhân viên nghi ngờ số vé này bị làm giả nên báo nhà ga kiểm tra.
Vé tàu giả được in rất tinh vi rất giống vé thật nên nhiều hành khách không thể phân biệt được. Ảnh: CTV.
Sau khi dùng hệ thống máy quét nhận diện mã vạch, đối chiếu số seri in, nhà ga đã phát hiện toàn bộ 55 vé hành khách mang trả là giả vì không đúng với danh sách đi tàu. Nhà ga đã giao người phụ nữ cho công an.
Qua điều tra, nhà chức trách phát hiện lượng lớn vé tàu giả, kể cả chiều khứ hồi, đã được đường dây của người phụ nữ này bán cho nhiều hành khách. Công an cũng thu một USB có chứa hơn 100 mẫu vé giả.
Theo ông Thành, các vé tàu giả được sử dụng công nghệ in hết sức tinh vi với màu sắc, đặc điểm giống hệt vé tàu thật nên hành khách rất khó phát hiện. “Dấu hiệu để nhận biết là vé thật in tên, CMND người đi tàu bằng chữ không có dấu, trong khi trên vé giả lại có dấu. Ngoài ra, số seri và số ghế, mã vạch vé theo thứ tự danh sách của hành khách đi trên tàu không trùng nhau”, ông Thành cho hay.
Trước sự việc trên ông Thành cũng khuyến cáo, để tránh mua phải vé tàu giả, hành khách nên trực tiếp đến ga mua vé hoặc mua qua hệ thống đại lý phân phối do nhà ga quản lý được đăng tải trên hệ thống website tại địa chỉ vetau.com.vn.
Theo VNExpress
Nhộn nhịp "chợ" vé tàu quá đát!
Dù chưa vào thời điểm thuận lợi để làm ăn như bán vé tàu vào dịp Tết, nhưng đội quân "cò" vé trước ga Sài Gòn vẫn nhộn nhịp bán vé tàu dùng vào mục đích thanh toán. Bằng công nghệ tẩy xóa rất tinh vi, những tấm vé tàu gian dối vẫn được "xuất xưởng" trót lọt.
GIÁ NÀO CŨNG DÍNH
Vừa trờ tới khu vực cổng ga, ngay lập tức chúng tôi đã được đội quân "cò" vé ngoắt tay, mời chào í ới. Chưa kịp bước đến cạnh phòng bán vé, bốn phụ nữ nhao lên hỏi chúng tôi tới tấp: "Mua vé đi đâu, ngày nào, khi nào vào Sài Gòn?". Khi biết chúng tôi cần vé khứ hồi từ Sài Gòn đi Quy Nhơn và ngược lại, người bán vé đã nhanh chóng chạy ù sang bên kia đường, vào một quán cà phê để lấy vé. Năm phút sau, chị ta quay lại đưa cho khách với đầy đủ "thông số".
- Bao nhiêu tiền vậy chị?
- Hai trăm nghìn đồng.
Thấy chúng tôi chê đắt, chị ta nại lý do "vì mua vé tàu nằm mà, đi chỗ nào cũng vậy thôi, nếu mua được giá rẻ hơn tôi sẽ bù lại tiền".
Lấy cớ thoái thác, chúng tôi nổ máy xe thì bị chặn lại. Lần này, người phụ nữ vui vẻ đồng ý khi chúng tôi trả nửa giá cho cặp vé. Tuy nhiên, giá đó cũng khá cao, bởi theo một số người mới mua vé tàu để về thanh toán, giá thông thường chỉ có 40.000 - 60.000 đồng/cặp. Dù người bán luôn hét giá trên trời, nhưng người mua trả giá nào cũng dính. Đôi khi cần gấp vé nên nhiều khách hàng phải cắn răng móc vài trăm nghìn để mua vé tàu có ngày đi, ngày về phải khớp với công lệnh.
CẢNH GIÁC VÉ "ĐỂU"
Thông thường, nhằm tránh tình trạng tuồn vé quá hạn ra ngoài chợ đen, các nhân viên kiểm soát thường thu hết lại vé tàu của khách để tiêu hủy. Tuy nhiên, "chợ" vé tàu trước ga Sài Gòn vẫn hoạt động rất công khai và có rất nhiều cách để đối phó.
Vài năm trước, cứ mỗi lần hành khách bước ra khỏi ga là lập tức đã bị bao vây bởi hàng chục "cò" vé. Họ đòi mua lại tấm vé đã đi với giá rẻ nhằm mục đích bán lại cho những người có nhu cầu, nhất là công nhân viên chức cần vé để về thanh toán với cơ quan. Nhưng hiện nay, một số cò vé đã tự tay "làm" vé bằng công nghệ "cạo, xóa" rất tinh vi, nên họ không cần phải bỏ vốn mà vẫn kiếm được tiền. Nếu không quan sát thật kỹ thì không thể phát hiện đâu là vé thật, đâu là vé giả vì chúng rất giống nhau. Rõ ràng, vé giả được tẩy xóa rất sắc sảo. Không chỉ thế, trước kia còn xảy ra tình trạng làm giả vé tàu rồi bán cho hành khách đi tàu. Nhiều nạn nhân từng "đụng" phải vé giả khi mua ở chợ đen chỉ biết lắc đầu ngao ngán.
Được biết, "chợ" vé trước ga Sài Gòn đã tồn tại từ nhiều năm qua. Vào các mùa cao điểm, hàng chục người, thậm chí trăm tay cò đứng ngồi trước ga, thực hiện giao dịch cả trong quán cà phê đến tận... bãi xe. Nhiều gia đình huy động tất cả thành viên để làm ăn. Dù cơ quan chức năng đã nhiều lần tổ chức dẹp bỏ nhưng họ vẫn bám trụ dưới mọi hình thức. Do vậy, nạn cò vé chợ đen vẫn tồn tại như một thách thức.
Sắp đến mùa cao điểm bán vé tàu Tết, một nhân viên kiểm soát vé cho biết: để tránh mua phải vé dỏm, cách tốt nhất là hành khách nên đến mua tại ga hoặc đặt vé tàu qua mạng.
Theo CATP
Vé tàu chợ đen vào mùa "săn" khách Đội quân bán vé tàu Tết chợ đen hoạt động tấp nập quanh khu vực ga Sài Gòn, ai có nhu cầu thì đặt tiền cọc trước, còn vé đến gần ngày đi mới có. Khoảng 10 giờ ngày 16-11, thấy chúng tôi lảng vảng trước cổng ga Sài Gòn, lập tức có hơn mười phụ nữ chạy đến mời mua vé tàu...