Nhiều tỉnh quá tải khi trung chuyển người dân đi xe máy về quê
Nhiều tỉnh miền Trung huy động xe khách, xe tải đưa người dân về quê qua địa bàn, tuy nhiên các đoàn về quá đông khiến việc trung chuyển gặp khó khăn.
Ngày 2/8, chốt kiểm soát y tế Sen Thuỷ (huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình) đón hàng nghìn xe máy và người dân từ các tỉnh, thành phía Nam về quê tránh dịch Covid-19.
Theo công điện ngày 31/7 của Thủ tướng, các tỉnh thành đang thực hiện Chỉ thị 16 không để người dân di chuyển ra khỏi địa phương sau ngày 31/7. Đối với người dân đã rời khỏi địa phương xuất phát đến tỉnh khác thì các tỉnh liên quan phải tổ chức đón, đưa bảo đảm an toàn; tổ chức xét nghiệm, vận chuyển bằng xe ca (có thể bố trí xe tải chở theo xe gắn máy của người dân)… Sở Giao thông Vận tải Quảng Bình bố trí tại chốt Sen Thuỷ 25 xe khách từ 16 đến 45 chỗ, 10 xe tải để trung chuyển người và xe máy của người dân về quê.
Tuy nhiên, việc trung chuyển gặp khó do quá tải và nhiều người dân không hợp tác. “Một số người dân không chấp hành, đúng ra là bà con đã mệt mỏi sau hành trình dài, họ sợ lên xe khách đông người dễ lây lan dịch bệnh”, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Quảng Bình, nói.
Tỉnh Quảng Bình bố trí xe tải để trung chuyển xe máy của người dân về quê tránh dịch. Ảnh: XV
Tại chốt kiểm soát, lực lượng chức năng tập trung động viên những người đi đường xa mệt mỏi, người già, phụ nữ có thai, trẻ em lên xe trung chuyển. Những người còn sức khoẻ được phép tự đi xe máy dưới sự dẫn đường của công an.
Trong 2 ngày qua, Quảng Bình đã trung chuyển 50 chuyến xe khách, với gần 730 người; 31 chuyến xe tải chở 402 xe máy. Quãng đường từ Quảng Bình ra điểm tiếp giáp với Hà Tĩnh khoảng 140 km.
Dòng người đi xe máy về quê vẫn còn rất đông, đoạn qua xã Hải Trường (Hải Lăng, Quảng Trị), lúc 17h ngày 2/8. Ảnh: Hoàng Táo
Cùng ngày, dòng người đi xe máy từ các tỉnh thành phía Nam vào tỉnh Quảng Trị vẫn rất đông, buộc CSGT phải dẫn đoàn qua địa bàn.
Lúc 8h30, một đoàn hơn 200 xe máy, 300 người được cảnh sát giao thông Hải Lăng dẫn dọc quốc lộ 1A từ xã Hải Chánh (Hải Lăng) ra đến xã Sen Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình). Lúc 17h, chốt này cũng đón và dẫn một đoàn hơn 400 xe máy.
Nhà chức trách cho hay ngày 1/8, số lượng người về bằng xe máy tăng đột biến, với 4 đoàn, 1.400 xe, 2.000 người. Trong đó, 450 người quê Quảng Trị được đưa đi cách ly tập trung.
“Theo tinh thần công điện của Thủ tướng thì tỉnh phải bố trí xe khách chở người và xe tải chở xe máy, nhưng lượng người về đông, tỉnh không kịp đáp ứng. Các tỉnh tiếp giáp Quảng Trị vẫn dẫn đoàn xe máy ra nên chúng tôi buộc phải tiếp nhận”, Trung tá Văn Son, Trạm trưởng cảnh sát giao thông Hải Lăng, nói.
Bãi xe tại chốt kiểm soát y tế Hải Chánh đã chật, với 300 xe. CSGT Hải Lăng đề nghị công an Quảng Trị chi viện người để giải toả số xe máy này về bãi chứa khác. Nếu không kịp giải toả, Trung tá Son nói sẽ khó tiếp nhận thêm xe máy của người dân quê Quảng Trị, vì họ được chở đi cách ly tập trung nên bỏ lại xe máy tại chốt y tế. Từ 27/7 đến nay, đã có hơn 1.000 xe máy bỏ lại chốt.
Công an Quảng Trị huy động đoàn viên di chuyển xe máy của người đi cách ly tập trung để lại tại bãi xe chốt kiểm soát y tế Hải Chánh (Hải Lăng, Quảng Trị). Ảnh: Hoàng Táo
Chung tình trạng quá tải, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó chủ tịch Thừa Thiên Huế cho biết, trong ngày 2/8, số lượng người đi xe máy từ TP HCM và các tỉnh phía Nam qua chốt kiểm soát y tế quá đông, nên địa phương không thể bố trí xe trung chuyển từ đèo Hải Vân ra tới Quảng Trị.
Trung tá Hoàng Phước Tế, Trạm trưởng CSGT Phú Lộc, thông tin thêm riêng sáng 2/8, đơn vị tiếp nhận hơn 700 xe máy với khoảng 1.200 người dân.
“Mấy hôm nay hoạt động trung chuyển xe máy và người từ đèo Hải Vân ra huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã tạm dừng. Bà con tự chạy xe, được CSGT đón và dẫn đường ra Quảng Trị”, Trung tá Tế cho hay.
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 Thừa Thiên Huế ngày 2/8, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh này cho biết từ 2/5 đến 2/8, trên địa bàn ghi nhận 66 F0, chủ yếu là người dân tự phát trở về từ vùng dịch bằng xe máy, ôtô (56 trường hợp); tất cả đều đã được sàng lọc cách ly từ đầu.
Đoàn xe máy về quê trên quốc lộ 1A đoạn qua xã Hải Trường (Hải Lăng, Quảng Trị), lúc 17h ngày 2/8. Video: Hoàng Táo
Vì sao Thủ tướng yêu cầu người dân không ồ ạt về quê tránh dịch?
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, việc người dân ồ ạt về quê nếu không kiểm soát tốt sẽ tạo nguy cơ lây lan dịch bệnh. Với tình hình hiện nay, mục tiêu chống dịch cần được ưu tiên.
Trong công điện ngày 31/7, Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi tỉnh, thành phố nơi cư trú từ sau ngày 31/7 cho đến khi hết giãn cách (trừ những người được chính quyền cho phép). Lãnh đạo tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng nếu để người dân tự ý di chuyển khỏi địa phương.
Trao đổi với Zing , PGS.TS Trần Đắc Phu (Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam) cho rằng yêu cầu này xuất phát từ thực tế nhiều người đi xe máy về quê tránh dịch tự phát, không được kiểm soát tốt, tạo ra nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Mục tiêu phòng chống dịch phải đặt lên hàng đầu
Theo ông Phu, lực lượng chức năng đã phát hiện một số ca dương tính trong số những người di chuyển về quê tránh dịch. Tình trạng này tiếp diễn sẽ tạo sự lây lan giữa những người cùng đi với nhau và lây lan dịch ra nhiều tỉnh, thành phố.
"Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại TP.HCM và một số địa phương khác, mục tiêu phòng, chống dịch phải được đặt lên hàng đầu. Trong lúc này cần phải làm nghiêm như thế, các nơi đã phong tỏa bắt buộc thực hiện nghiêm để kiểm soát tình hình", ông Phu nêu quan điểm.
PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng việc người dân ồ ạt về quê nếu không được kiểm soát sẽ tạo nguy cơ lây lan dịch. Ảnh: Duy Anh.
Về lo ngại số lượng lớn lao động ở lại TP.HCM sẽ gây áp lực cho địa phương, ông Phu cho rằng hoàn cảnh hiện tại bắt buộc phải cân đối giữa vấn đề trên và mục đích phòng bệnh chung cho cả cộng đồng. Nhắc lại việc người dân tự do di chuyển về các địa bàn, chuyên gia cho rằng nếu không tổ chức tốt thì bắt buộc phải siết lại vì nguy cơ dịch bệnh rất cao.
"Chính phủ, Thủ tướng cũng đã cân nhắc giữa việc cho người dân về quê và không cho về. Sau khi phân tích, tính toán, cân nhắc thì thấy việc người dân ở lại địa bàn cư trú, không tự do di chuyển sẽ tốt hơn cho nhiệm vụ phòng chống dịch", ông Trần Đắc Phu nói.
Song với những người dân đã rời khỏi địa bàn, vị chuyên gia nhấn mạnh công điện Thủ tướng nêu rõ các địa phương liên quan phải lo cho người dân về quê. Ví dụ, người dân từ TP.HCM về quê nếu đi qua Tiền Giang hay Cà Mau, các địa phương này phải hỗ trợ người dân di chuyển, không đưa ngược trở lại TP.HCM.
Theo ông Phu, vấn đề quan trọng nhất khi đưa ra yêu cầu này là phải đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Có những nơi giãn cách 14 ngày, thậm chí 28 ngày nên người dân gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các địa phương đang giãn cách phải tổ chức hỗ trợ cung cấp đủ lương thực, thực phẩm cho tất cả người lao động nghèo, mất thu nhập, không còn dự trữ với tinh thần không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc.
Cùng với đó, địa phương phải hỗ trợ y tế cần thiết cho người dân, đặc biệt là người dân tỉnh mình đang ở TP.HCM và các tỉnh có dịch diễn biến phức tạp.
Cuối tháng 7, nhiều nhiều người ồ ạt rời các địa phương có dịch Covid-19 diễn biến phức tạp để về quê. Ảnh: Tây Nguyên.
Còn ông Lưu Bình Nhưỡng (đại biểu Quốc hội khóa XIV) cho rằng việc này là cần thiết và nên thực hiện sớm hơn, có tính toán, chuẩn bị phương án từ khi chưa xảy ra tình trạng người dân ồ ạt về quê.
Việc người dân rời TP.HCM về quê có thể giúp giảm quá tải cho TP.HCM và người lao động cũng giảm áp lực về tiền thuê trọ, ăn uống hàng ngày. Nhưng việc di chuyển từ một địa bàn dịch đang rất phức tạp về những nơi khác cũng có những nguy cơ, rủi ro nhất định.
Ông Nhưỡng cho rằng muốn người dân "ai ở đâu ở đấy", chính quyền phải đảm bảo cho họ nhu cầu tối thiểu về ăn ở, sinh hoạt, không để người dân rơi vào tình trạng đi về không được, ở lại cũng không xong.
"Khi dịch phức tạp, giãn cách kéo dài, người dân không có công ăn việc làm, cũng không có thu nhập mà chính quyền không hỗ trợ kịp thời thì không thể bắt người dân thực hiện theo yêu cầu của mình", ông Nhưỡng nêu quan điểm và cho rằng các chính sách không nên quá cực đoan mà phải linh hoạt.
Chưa thể bỏ giãn cách nếu số ca nhiễm không giảm
Về việc quyết định cho TP.HCM và 18 tỉnh, thành phía Nam tiếp tục giãn cách xã hội thêm 14 ngày, PGS.TS Trần Đắc Phu nhìn nhận đây là quyết định đúng đắn. Do thời gian giãn cách phụ thuộc vào thời gian ủ bệnh, chuyên gia cho rằng 14 ngày giãn cách là thời gian tối thiểu.
TP.HCM đã qua vài đợt giãn cách nhưng số ca mắc vẫn chưa giảm, nguy cơ dịch trên địa bàn vẫn rất cao, còn các tỉnh, thành khác như Đồng Tháp, Bình Dương, Đồng Nai... cũng trong tình trạng tương tự nên cần tiếp tục giãn cách.
Tuy nhiên, từng địa phương có thể linh hoạt áp dụng giãn cách. Những nơi đã kiểm soát được dịch bệnh thì có thể nới lỏng cục bộ từng khu vực.
Chuyên gia nêu nguyên tắc khi số ca mắc chưa giảm thì chưa thể bỏ giãn cách. Ảnh: Duy Hiệu.
Giải thích về việc số ca mắc vẫn tiếp tục tăng cao trong những ngày giãn cách xã hội, ông Phu nhận định nguyên nhân một phần do thời gian đầu, các địa phương thực hiện giãn cách chưa nghiêm. Bên cạnh đó, có những ca đã ủ bệnh từ trước nên trong 14 ngày giãn cách được phát hiện khiến số ca mắc tăng.
"Theo nguyên tắc, số ca mắc chưa giảm thì chưa thể gỡ bỏ giãn cách", ông Phu nhấn mạnh và cho rằng trong 14 ngày tới, các địa phương cần quyết liệt thực hiện giãn cách theo tinh thần nhà cách ly với nhà, người cách ly với người.
Những ca mắc có triệu chứng cần được can thiệp y tế kịp thời để giảm thiểu bệnh nhân chuyển nặng hoặc tử vong. Đặc biệt, việc tiêm vaccine phải thật nhanh và an toàn vì không thể giãn cách mãi, nhất là ở những nơi đáng lo nhất hiện nay như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai...
CSGT Hà Tĩnh tặng bánh mì, nước uống cho người đi xe máy về quê Ngoài việc kiểm soát lượng người, phương tiện từ các tỉnh phía nam về quê bằng phương tiện cá nhân, CSGT Hà Tĩnh còn tặng bánh mì, nước uống và hỗ trợ họ di chuyển qua tỉnh khác. Hơn một tuần qua, hàng nghìn lượt người từ TP.HCM và các tỉnh phía nam vượt hơn 1.000 km về quê ở các tỉnh Hà...