Nhiều tỉnh khó khăn nhưng không xin gạo cứu đói
Đến ngày 5/1, có 15 tỉnh xin cấp gạo cứu đói với hơn 17.000 tấn. Một số tỉnh khó khăn như Sơn La, hay gặp thiên tai như Quảng Nam nhưng không xin cứu trợ
Thứ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm trả lời về việc cứu trợ gạo dịp Tết 2017.
- Thưa ông, đến nay có bao nhiêu tỉnh xin hỗ trợ gạo cứu đói dịp giáp Tết Nguyên đán 2017?
- Có 15 tỉnh với lượng gạo xin cấp 17.000 tấn. Tỉnh gửi báo cáo về đến đâu Bộ trình Thủ tướng đến đó và một số địa phương đã nhận được quyết định cấp gạo từ Chính phủ. Thiên tai nặng nề kéo dài suốt năm nên địa phương phải chuẩn bị tích cực để lo Tết đầy đủ cho người nghèo.
Trước đó trong năm 2016, Chính phủ xuất 67.000 tấn gạo để vừa lo Tết Nguyên đán Bính Thân, hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn, sự cố môi trường miền Trung. Lượng gạo cấp phát gấp 3 lần những năm trước.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm trao đổi với báo chí chiều 5/1. Ảnh:Hoàng Phương.
Video đang HOT
- Một số tỉnh thường xuyên đi xin gạo cứu đói dù trong năm không gặp thiên tai, mất mùa, ông nhìn nhận việc này thế nào?
- Thực ra, các địa phương rất mong muốn tự lực, không phải xin Trung ương. Dù tình hình kinh tế – xã hội tốt hơn, có tăng trưởng GDP, nhưng phải nhìn nhận thực tế rằng trong cộng đồng rộng lớn thì vẫn có bộ phận người nghèo ngày giáp hạt, ngày Tết thiếu lương thực nên tỉnh mới xin. Những địa phương như vậy không xin nhiều lắm, chỉ vài ba trăm tấn để đảm bảo hỗ trợ cho người dân. Có thể GDP các tỉnh đều tăng nhưng không phải cứ tăng trưởng là có cuộc sống tốt đẹp cho tất cả, điều kiện sống được cải thiện như nhau hết.
Đảm bảo an sinh, nắm chắc đời sống người dân là nhiệm vụ của địa phương, Trung ương không thể làm thay được. Nhưng địa phương không được để người dân nào bị thiếu đói, đứt bữa trong khi Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn.
- Hà Nam là tỉnh trồng lúa nhưng vẫn có đơn xin 400 tấn gạo, Bộ đã thẩm tra việc này thế nào?
- Năm nay Hà Nam cũng bị ảnh hưởng nhẹ bởi thiên tai nên có đơn xin hỗ trợ gạo. Bộ đã trao đổi và đi kiểm tra, thấy nhiều gia đình ruộng đất ít, lại bị ảnh hưởng của bão nên thiếu lương thực, vì thế Bộ vẫn đề xuất hỗ trợ.
Trách nhiệm xác định nhu cầu thiếu đói là của địa phương. Bộ không thể đi kiểm tra hết mà đánh giá trên cơ sở địa phương bị ảnh hưởng thiên tai, tôn trọng việc rà soát của địa phương để trình Thủ tướng. Hầu như không có địa phương nào xin gạo mà Thủ tướng không cấp. Nếu địa phương không trình, để người dân đói mà báo chí phản ánh là không được.
Người dân Quảng Bình phơi số gạo bị ngâm nước 3 ngày do mưa lũ để cho gà và lợn ăn. Ảnh: Hoàng Táo.
- Những tỉnh nào khó khăn do thiên tai nhưng không xin gạo cứu đói?
- Có tỉnh như Quảng Nam nằm trong vùng bị thiệt hại nặng do thiên tai nhưng vẫn chủ động bằng nguồn ngân sách, trích quỹ bảo đảm xã hội ra để lo cho người dân chứ không xin Trung ương. Năm nay Quảng Nam còn điều tiết cho ngân sách Trung ương.
Hay như Sơn La dù thiếu đói nhưng thấy không cần thiết xin thì không xin.Trung ương khuyến khích các địa phương tăng trưởng kinh tế, tự lực chăm lo được cho người dân.
Theo Hoàng Phương (VNE)
500 tấn gạo cứu đói người dân bị ảnh hưởng cá chết
Quảng Bình phân bổ 500 tấn gạo cứu đói người dân ven biển của 6 địa phương bị ảnh hưởng bởi cá biển chết hàng loạt.
Cá biển chết hàng loạt ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống bà con ngư dân. Ảnh: Đức Hùng
Ngày 27/4, tỉnh Quảng Bình có quyết định phân bổ 500 tấn gạo hỗ trợ cứu đói nhân dân 6 huyện thị, thành phố ven biển bị ảnh hưởng do cá chết bất thường với mức 10kg cho mỗi hộ.
Chính quyền cho rằng tình trạng cá chết hàng loạt trong những ngày vừa qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất, việc làm của ngư dân. Đa số người dân vùng biển không dự phòng lương thực nên nếu không ra khơi đánh bắt thì sẽ bị thiếu đói. Không chỉ ngư dân, nhiều hộ nuôi trồng thủy sản, làm muối, kinh doanh dịch vụ du lịch hay hậu cần nghề cá cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Tình trạng cá biển chết xuất hiện đầu tiên ở xã Quảng Đông (huyện Quảng Trạch) vào ngày 14/4 và lan dần về các huyện phía nam. Sở Nông nghiệp Quảng Bình cho hay có khoảng 25-30 tấn cá biển chết. Ước tính hiệt hại lên đến 115 tỷ đồng, trong đó khai thác thủy sản thiệt hại hơn 60 tỷ đồng, nuôi trồng thủy sản gần 41 tỷ đồng, các cơ sở dịch vụ nghề cá hơn 10 tỷ đồng.
Hoàng Táo
Theo VNE