Nhiều phụ nữ bị trầm cảm do ở nhà chăm con, chồng ngoại tình
Nữ bệnh nhân 25 tuổi tại TP HCM vào viện do mất ngủ triền miên, đau đầu, muốn cùng con tự sát, có hành vi bạc đãi bản thân.
Sau sinh do thường xuyên ở nhà chăm con, không đi làm, chồng ngoại tình bỏ bê gia đình khiến chị rơi vào trạng thái trầm cảm. Không ít lần người mẹ trẻ có ý định ôm con đi thật xa và cả hai cùng chết.
Bác sĩ Trần Thị Mai Thy, Khoa Nội, Bệnh viện CIH (TP HCM), cho biết khoảng 90% bệnh nhân đến khám đều có chung biểu hiện là mất ngủ, đau đầu và có ý định bỏ con, tự sát… Nguyên nhân chính từ những yếu tố từ bản thân, gia đình như kinh tế khó khăn, bệnh tật, thất nghiệp, chồng ngoại tình, mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu, con đau yếu, thiếu sự giúp đỡ đồng cảm chia sẻ của người thân, đặc biệt là người chồng…
Theo bác sĩ Thy, trầm cảm sau sinh là tình trạng liên quan đến suy nghĩ và cảm giác mệt mỏi, buồn chán, lo lắng xuất hiện sau sinh. Phụ nữ mắc bệnh thường kèm theo trạng thái lo sợ con mình bị hại và bản thân là một người phụ nữ bất hạnh.
Tùy mỗi người, trầm cảm sau sinh có thể nhẹ, vừa hoặc nặng, thoáng qua hoặc kéo dài. Bệnh có thể điều trị và trong một số trường hợp dự phòng được. Một nửa số bệnh nhân có nguy cơ tái phát. 25% có tiền sử bị trầm cảm ngoài thai kỳ.
Bác sĩ tâm lý tư vấn cho bệnh nhân.
Các nghiên cứu cho thấy chiều cao của trẻ sơ sinh 3-6 tháng tuổi có người mẹ bị trầm cảm thì thấp hơn so với trẻ có mẹ không mắc bệnh. Mẹ bị trầm cảm có khả năng làm cho bé ngừng bú sớm, khiến trẻ dễ mắc các bệnh tiêu chảy, truyền nhiễm.
Video đang HOT
“Người bệnh cần được kết hợp với nhiều biện pháp khác nhau như liệu pháp tâm lý, liệu pháp hormone, thuốc chống trầm cảm”, bác sĩ Thy chia sẻ. Liệu pháp tâm lý bao gồm tâm lý cá nhân hoặc tâm lý nhóm, không cần sử dụng đến thuốc, không sợ ảnh hưởng đến trẻ nếu bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ nên thường được lựa chọn đầu tiên. Liệu pháp hormone bao gồm sử dụng estrogen thay thế, kết hợp thuốc chống trầm cảm.
Trường hợp nặng, mẹ không thể chăm sóc được bản thân và con thì cần sử dụng thuốc chống trầm cảm. Nếu người mẹ đang nuôi con bằng sữa mẹ, bác sĩ sẽ cân nhắc giữa lợi ích của việc dùng thuốc điều trị với tác dụng phụ mà thuốc có thể gây ra. Khi dùng thuốc phải có sự theo dõi của bác sĩ chuyên khoa.
Bác sĩ Bệnh viện CIH tổ chức buổi trò chuyện miễn phí về bệnh trầm cảm sơ sinh ngày 11/11, thông tin liên hệ điện thoại 028.6280.3333, máy nhánh 8178.
Lê Phương
Theo VNE
Bà mẹ cầu xin bác sĩ được chết sau khi sinh con gái
Thay vì vui mừng được làm mẹ, Steele lại cảm thấy tội lỗi khi không thể cho con bú và nhờ nữ hộ sinh đưa con gái Maddie đi.
Amy Steele 31 tuổi (Anh) trải qua quãng thời gian đen tối nhất cuộc đời sau khi sinh con gái Maddie vào tháng hai năm ngoái.
Steele mắc căn bệnh lo âu và trầm cảm trong nhiều năm. Khi mang thai, căn bệnh này càng thêm trầm trọng. "Khi mang thai, thay vì cảm thấy hạnh phúc, tôi lại luôn lo sợ, cảm giác có điều gì đó tồi tệ sắp xảy ra", cô nói.
Suốt 9 tháng thai kỳ, Steele cố gắng đẩy những suy nghĩ tiêu cực ra khỏi tâm trí với hy vọng khi đứa bé sinh ra mọi thứ sẽ tốt hơn. Nhưng Maddie chào đời chỉ khiến Steele cảm thấy tồi tệ.
Steele sinh nở khá khó khăn. Cô mất gần hai lít máu sau khi phải mổ sinh. Thế nhưng cơn đau thể chất hoàn toàn bị lu mờ bởi nỗi đau khổ tinh thần của cô. "Đêm đầu tiên sau sinh tôi nói với Sean tôi muốn chết. Chồng tôi lại cho rằng tôi bị ngớ ngẩn và bảo tôi đi ngủ", người mẹ trẻ kể lại.
Steele bên con gái sau khi vượt qua trầm cảm. Ảnh: A.S
Cả bác sĩ và mẹ của Steele ban đầu đều bác bỏ các triệu chứng trầm cảm sau sinh của cô. Và rồi họ đã nhìn ra vấn đề sau khi Steele không thể cho con bú. "Sữa không về, tôi không thể cho con bú. Tôi cảm thấy tội lỗi và ghê tởm chính mình. Tôi là một người vợ, người mẹ xấu xa", Steele nhớ lại.
Khi một nữ hộ sinh đến kiểm tra cho hai mẹ con, Steele nói không muốn làm mẹ nữa và nhờ y tá hãy đưa đưa bé đi. "Tôi luôn sợ hãi việc mình sẽ vô tình giết Maddie bằng một cách nào đó. Tôi không thể đối phó với cảm giác tội lỗi đó nên đã nói với y tá", Steele nói.
Nữ hộ sinh hốt hoảng đưa Steele đến bệnh viện để kiểm tra tâm thần. Tuy nhiên, lúc ấy vào cuối tuần nên không có bác sĩ tâm thần trực. Cô phải ở lại bệnh viện hai ngày với các nữ hộ sinh chăm sóc cô. "Tình trạng của tôi dần trở nên tồi tệ hơn. Tôi không thể ngủ được và muốn kết thúc tất cả nỗi đau này", Steele kể lại khoảnh khắc cô quyết định chấm dứt mạng sống.
Steele tự tử tại bệnh viện, may mắn được một nữ hộ sinh phát hiện và đưa vào một phòng khác. Tại đây, Steele lại cầu xin được chết. "Tôi không ngừng thổn thức. Tôi không muốn ở gần Sean và Maddie, tôi nghĩ họ sẽ tốt hơn nếu không có tôi", Steele chia sẻ.
Ngày hôm sau, Steele được đưa đến Viện Sức khỏe Tâm thần ở Nottingham cách nhà 225 km. "Tôi hoàn toàn quẫn trí và đã chống cự. Họ buộc phải tiêm thuốc mê cho tôi. Khi đến Nottingham, nó giống như một nhà tù, thật ảm đạm. Thỉnh thoảng họ còn chiếu đuốc qua cửa sổ để kiểm tra tôi có tự sát hay không".
Steele ở trong viện tâm thần một tuần mà cứ như trải qua nhiều năm rồi. Cô nỗ lực chiến đấu với căn bệnh đến kiệt sức. Cuối cùng, Steele được trở về nhà cha mẹ đẻ, còn chồng cô Sean chăm sóc bé Maddie.
Sau hai tháng thăm khám hàng ngày và điều trị khủng hoảng, Steele cuối cùng đã trở về Bristol. Từ từ, cô ấy bắt đầu xây dựng mối quan hệ với con gái mình. Steele gọi Maddie, hiện 20 tháng tuổi là "người bạn đời tốt nhất". Cô dần thấy yêu bản thân và cuộc sống này hơn.
"Lúc đầu thì thật khó, nhưng tôi đã cố gắng. Tôi đi dạo cùng Maddie mỗi ngày. Sau một thời gian, tôi nhận ra mình đang thật hạnh phúc khi có Maddie bên cạnh", người mẹ từng mắc trầm cảm chia sẻ.
Khi Maddie 8 tháng tuổi, Steele trở lại công việc thiết kế đồ họa cho một công ty. Cô đã thiết kế một loại thẻ dành riêng cho bệnh nhân tâm thần, mặt sau của thẻ có số đường dây nóng trợ giúp. Cô chia sẻ câu chuyện của mình nhân Ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới để tạo động lực giúp bệnh nhân tâm thần vượt qua bệnh tật để trở lại với cuộc sống.
Thu Hiền
Theo Vnexpress
Đọc những lời thú tội của bà mẹ bị trầm cảm để biết trầm cảm sau sinh khủng khiếp đến mức nào Không muốn cho con bú, sợ con bị bắt cóc, sợ con sẽ chết chìm... chỉ là một trong những cảm giác kì lạ của bà mẹ mắc chứng trầm cảm sau sinh này. Hành trình làm mẹ thật đáng giá, nhưng chưa bao giờ là dễ dàng. Những nỗi u uất, mệt nhọc và các vấn đề tâm lý khác có thể...