Nhiều nước siết chặt hạn chế, phong tỏa nhằm ‘chặt đứt’ nguồn lây nhiễm
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 30/7 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 197.581.211 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.218.773 ca tử vong.
Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 178.682.885 người.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Bogor, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN
Dịch bệnh COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều nước do sự lây lan của biến thể Delta phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ.
Tại Đông Nam Á, Indonesia, Malaysia, Philippines tiếp tục ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Cụ thể, Indonesia có thêm 41.168 ca, Malaysia có thêm 16.840 ca và Philippines có thêm 8.562 ca.
Ở thời điểm hiện tại, Chính phủ Indonesia đã áp dụng lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) khẩn cấp nhằm giảm số ca nhiễm mới trong ngày. Ngoài ra, Indonesia cũng đã đẩy mạnh việc truy vết các cá nhân có tiếp xúc với các bệnh nhân COVID-19 đã được xác nhận để có thể “chặt đứt” nguồn lây nhiễm.
Người dân chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại San Juan, Philippines ngày 27/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Philippines đã quyết định siết chặt lệnh phong tỏa ở mức cao nhất tại vùng thủ đô Manila từ ngày 6 đến 20/8. Hiện vùng thủ đô Manila duy trì lệnh phong tỏa đã được tăng cường trước đó.
Trong khi đó, Trung Quốc, một trong những nước được đánh giá kiểm soát tốt dịch COVID-19, đang đối mặt với đợt bùng phát mới nghiêm trọng do sự xuất hiện của biến thể Delta, với tâm điểm là thành phố Nam Kinh. Tính tới ngày 30/7, thành phố này đã ghi nhận tổng cộng 184 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng kể từ khi 9 nhân viên vệ sinh ở sân bay quốc tế Lộc Khẩu Nam Kinh có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Ổ dịch này lây lan sang 5 tỉnh và thủ đô Bắc Kinh, buộc hàng trăm nghìn người phải sống trong cảnh phong tỏa trong bối cảnh giới chức nước này đang nỗ lực dập dịch. Ít nhất 206 ca mắc trên toàn quốc có liên quan đến ổ dịch ở Nam Kinh.
Cơ quan y tế thành phố Nam Kinh – thủ phủ tỉnh Giang Tô cho biết một chuyến bay từ Nga đã được xác định là nguồn gốc dẫn đến đợt lây nhiễm đại dịch COVID-19 mới nhất ở thành phố này. Các nhân viên sân bay bị nhiễm bệnh khi làm vệ sinh khoang máy bay.
Một điểm lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc ngày 29/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Chính phủ Nhật Bản ngày 30/7 đã quyết định mở rộng phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp về y tế do dịch COVID-19 ra 4 tỉnh, trong đó có 3 tỉnh giáp thủ đô Tokyo là Chiba, Kanagawa và Saitama, và tỉnh Osaka ở phía Tây. Đây là 4 tỉnh đang nằm trong danh sách áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm.
Quyết định trên được đưa ra chỉ một ngày sau khi thủ đô Tokyo ghi nhận số ca mắc mới cao chưa từng thấy, dẫn tới những lo ngại về sự sụp đổ của hệ thống y tế trong lúc Olympic Tokyo 2020 đang diễn ra. Dự kiến, tình trạng khẩn cấp sẽ bắt đầu có hiệu lực ở 4 tỉnh trên từ ngày 2 đến 31/8.
Cùng với việc mở rộng phạm vi áp dụng tình trạng khẩn cấp, Chính phủ Nhật Bản cũng quyết định kéo dài thời gian áp dụng biện pháp này ở Tokyo và tỉnh Okinawa tới ngày 31/8, dài hơn 9 ngày so với kế hoạch ban đầu. Như vậy, Nhật Bản sẽ áp dụng tình trạng khẩn cấp về y tế ở 6 tỉnh, thành tới ngày 31/8.
Mặt khác, Chính phủ Nhật Bản cũng quyết định đưa 5 tỉnh gồm Hokkaido, Ishikawa, Kyoto, Hyogo và Fukuoka vào danh sách áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm trong thời gian từ ngày 2/8 đến 31/8.
Ngày 30/7 là ngày thứ 2 liên tiếp Nhật Bản ghi nhận số ca nhiễm mới trên 10.000 ca/ngày. Với 10.743 ca nhiễm mới, đây cũng là ngày Nhật Bản có số ca nhiễm mới cao nhất từ trước tới nay, trong đó riêng thủ đô Tokyo là 3.300 ca. Trong bối cảnh đó, một hội đồng của Bộ Y tế Nhật Bản ngày 30/7 đã phê duyệt việc sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca cho những người từ 40 tuổi trở lên trong bối cảnh nguồn cung vaccine thiếu hụt.
Người dân di chuyển trên đường phố tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN
Biến thể Delta lây lan khiến một số nước châu Âu, trong đó có Italy và khu vực Trung Đông bắt đầu bước vào làn sóng dịch bệnh thứ 4.
Viện Y tế quốc gia (ISS) của Italy ngày 30/7 cho biết Delta đã trở thành nguồn lây nhiễm chủ đạo tại nước này khi chiếm tới 94,8% tổng số ca mắc mới tính đến ngày 20/7, trong khi chỉ 1 tháng trước đó, biến thể này chỉ chiếm khoảng 22,7% số ca mắc mới. Theo ISS, cần tiếp tục truy vết các ca nhiễm mới và đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng nhanh nhất có thể để ngăn chặn sự lây lan của biến thể này.
Video đang HOT
Kể từ khi bùng phát vào tháng 2/2020, dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 128.029 người tại Italy – con số tử vong do COVID-19 cao thứ 2 châu Âu, sau Anh và cao thứ 8 thế giới. Tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này đã lên tới 4,34 triệu ca. Tính đến ngày 30/7, gần 59% người trên 12 tuổi tại nước này đã được tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vaccine, trong khi có khoảng 10% số người đang chờ tiêm mũi 2.
Số ca lây nhiễm mới ở Đức ngày càng tăng trong những tuần gần đây, chủ yếu do sự lây lan mạnh của biến thể Delta. Trong 24 giờ qua, nước Đức đã ghi nhận 2.454 ca nhiễm mới, tỷ lệ lây nhiễm trung bình 7 ngày trên 100.000 dân là 17, tăng mạnh so với mức 4,6 hồi đầu tháng 7. Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) mới đây cảnh báo Đức đã bước vào làn sóng lây nhiễm thứ tư.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao đang khiến số ca mắc COVID-19 tăng vọt tại khu vực Trung Đông, gây ra làn sóng dịch bệnh thứ 4 tại đây trong khi tỷ lệ dân số được tiêm vaccine vẫn ở mức thấp.
Theo WHO, biến thể Delta đã xuất hiện ở 15 trong số 22 quốc gia và vùng lãnh thổ ở Trung Đông. Hầu hết các ca nhiễm và nhập viện mới là những người chưa được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Tính đến tuần cuối của tháng 7 này, chỉ 41 triệu người, tương đương 5,5% dân số tại khu vực Trung Đông đã được tiêm đủ liều vaccine.
Số liệu thống kê cho thấy số ca nhiễm mới và tử vong trong tháng 6 tại khu vực Trung Đông đã tăng lần lượt là 55% và 15% so với tháng trước đó. Mỗi tuần, khu vực này ghi nhận hơn 310.000 ca nhiễm và 3.500 ca tử vong vì COVID-19. Tình trạng thiếu nghiêm trọng bình oxy và giường cho bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt đã làm giảm khả năng cứu chữa của hệ thống y tế khu vực.
Người Việt ở Australia mùa cách ly: Giấy vệ sinh hết, lương thực đầy
Mặc dù lệnh phong tỏa khiến cuộc sống bị xáo trộn, một số người Việt cho rằng đây là biện pháp thiết yếu để giúp Australia vượt qua làn sóng Covid-19.
Làn sóng dịch Covid-19 đang quét qua các bang đông dân nhất tại Australia. Tính đến ngày 14/7, nước này ghi nhận thêm 97 ca mắc, nâng tổng số trường hợp nhiễm bệnh tính từ đợt bùng phát dịch vào giữa tháng 6 lên con số 864, và 2 người đã tử vong.
Phong tỏa, biện pháp tưởng như đã rơi vào quên lãng, một lần nữa lại được áp đặt ở nhiều thành phố lớn xứ sở chuột túi.
Hôm 9/7, Thủ hiến Gladys Berejiklian áp đặt lệnh phong tỏa tại bang New South Wales. Bang Victoria, nơi có thành phố Melbourne đông dân nhất cả nước, cũng đóng cửa lần thứ 5 kể từ ngày 16/7.
Ước tính gần 20 triệu người dân tại các bang lớn nhất Australia, tương đương 3/4 dân số nước này, đang sống tại khu vực phong tỏa hoặc phải thực hiện biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, BBC đưa tin.
Chia sẻ với Zing , một số người Việt sống tại Australia cho biết họ gặp nhiều khó khăn khi lệnh phong tỏa được tái áp nhiều lần.
"Bạn tôi ở Cabramatta, New South Wales nói rằng nếu tình trạng này vẫn tiếp tục kéo dài, nhiều cửa hàng trong vùng này sẽ phải đóng cửa, bỏ của chạy lấy người", ông Túy Nguyễn, hiện sống ở bang New South Wales cho biết. "Lý do là tiền thuê mướn cửa hàng ở đây rất mắc, mà không có thu nhập thì chỉ trong vòng vài tháng, chủ cửa hàng có thể thua lỗ từ vài chục nghìn, đến hàng trăm nghìn AUD".
Dẫu vậy, một số người Việt vẫn cho rằng phong tỏa là biện pháp thiết yếu để đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Ngã tư vắng người vào giờ đi làm buổi sáng ở Sydney, Australia. Ảnh: Reuters.
Giấy vệ sinh hết, lương thực còn nhiều
Bang New South Wales hiện là "tâm chấn" của làn sóng dịch Covid-19 lần này. Ông Túy Nguyễn chia sẻ ngay khi có thông tin về lệnh phong tỏa, người dân đã bị xáo động.
"Tất cả siêu thị tràn ngập người mua thực phẩm để dùng trong thời gian bị giới hạn đi lại. Vợ chồng tôi lái xe ra siêu thị gần nhà, mua hàng thì dễ, nhưng đến khi xếp hàng chờ tính tiền thì rất nản vì phải chờ cả nửa tiếng mới đến lượt mình", ông cho biết.
Theo quy định, người dân bang New South Wales sẽ không được ra khỏi nhà, ngoại trừ 4 trường hợp cần thiết: mua thực phẩm và hàng hóa thiết yếu, chăm sóc y tế (bao gồm tiêm vaccine Covid-19), tập thể dục với nhóm không quá 2 người (không được đi cách nhà quá 10 km), đi làm hoặc đi học (trong trường hợp không thể làm việc hay học trực tuyến).
Tại thành phố Sydney và khu vực lân cận, đám cưới không được phép tổ chức. Trong khi đó, đám tang giới hạn tối đa 10 người tham dự kể từ ngày 11/7.
Thủ hiến Gladys Berejiklian cho biết chỉ khi số ca mắc mới trong cộng đồng về 0, bang New South Wales mới dỡ bỏ các biện pháp này.
Thế nhưng, sau 3 tuần, người dân vẫn chưa thoát khỏi cảnh đóng cửa trong khi giới chức y tế vật lộn để kiểm soát dịch bùng phát nhanh chóng do biến chủng Delta.
Tương tự, hôm 16/7, toàn bộ bang Victoria, trong đó có thành phố Melbourne, bắt đầu phong tỏa 5 ngày sau khi ghi nhận nhiều ca nhiễm mới liên quan đến nhóm người đến từ bang New South Wales.
Đỗ Đức Anh đang sống tại Melbourne, thuộc bang Victoria kể lại trong đợt đóng cửa thứ 4 hồi cuối tháng 5, người dân đã đổ xô đi mua đồ tích trữ.
Giấy vệ sinh hết tại siêu thị Woolworths, Australia. Ảnh: NVCC.
"Tôi và bạn đi siêu thị vào buổi tối để mua giấy vệ sinh. Tôi không hiểu tại sao giấy vệ sinh lại hết trong khi lương thực còn rất nhiều. Buổi sáng hôm sau, chúng tôi phải dậy từ 5 giờ sáng để xếp hàng. Đợt đó, giá giấy vệ sinh lên rất cao", anh nói.
Tuy nhiên, dường như người Việt đã bắt đầu thích ứng và học cách chuẩn bị sẵn sàng trước tương lai không chắc chắn bởi đại dịch Covid-19.
Trong đợt phong tỏa lần thứ 5 tại Melbourne, Nguyễn Kiều Trang (22 tuổi) học tại Deakin University, cho biết đã quen với tình trạng này.
"Phong tỏa giờ không phải là câu chuyện hiếm gặp nữa. Để tránh tình trạng này, tôi thường sẽ mua đồ ăn cho hẳn một tuần, siêu thị gần nhà rất tiện. Các đồ như nước rửa tay, khẩu trang thì luôn có sẵn trong nhà từ trước", Trang nói.
Chị cho biết thêm để hạn chế người dân tích trữ, một số nơi buôn bán đã có quy định về số lượng mua cho các mặt hàng cụ thể.
Khó khăn vì phong tỏa
Sự xuất hiện của biến chủng Delta đi cùng với các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt đã khiến cuộc sống của người Việt bị đảo lộn.
Lê Nguyễn Phương Vy (28 tuổi), sống ở Australia 5 năm, cho biết công việc của chị bị ảnh hưởng bởi những đợt phong tỏa bất ngờ.
"Trong đợt phong tỏa bang Victoria lần thứ 4, tôi được phân đi thực tập ở vùng quê cách thành phố Melbourne khá xa. Tuy nhiên, vì có việc gấp tôi phải quay trở lại và bị kẹt ở thành phố do lệnh hạn chế di chuyển. Kỳ thực tập vì vậy cũng phải trì hoãn suốt 3 tuần", Vy cho biết
Đức Anh cũng chia sẻ tình trạng đóng cửa gây ra nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày.
Anh cho biết trong thời gian phong tỏa, người dân tại Melbourne không được phép đi quá 5 km bán kính xung quanh nhà. Cảnh sát sẽ thường xuyên tuần tra bên ngoài để đảm bảo người dân tuân thủ quy định này.
"Tôi làm cho hãng quần áo. Do tính chất công việc, mỗi ngày, tôi phải đến nhà kho để làm việc trực tiếp. Thủ tục để đi tới chỗ làm là phải cầm theo giấy phép xin đi quá 5 km. Nếu công an trên đường kiểm tra, mình có giấy là được đi. Hôm nào quên, tôi phải quay về nhà hoặc là không được đi làm", anh nói.
Bên cạnh trở ngại trong việc đi lại, lệnh phong tỏa cũng khiến nhiều người Việt gặp phải vấn đề kinh tế.
Đức Anh chia sẻ khó khăn lớn nhất mà anh gặp phải trong giai đoạn bang Victoria đóng cửa là chi tiêu sao cho hợp lý.
"Trong quá trình giãn cách, tôi phải thắt chặt chi tiêu hơn vì công ty giới hạn số người làm. Trước kia, tôi có thể làm 3 hoặc 4 buổi. Còn trong lúc giãn cách, tôi chỉ được làm 2 buổi thôi", Đức Anh cho biết.
Nguyễn Kiều Trang (22 tuổi), đang sống tại Melbourne, bang Victoria. Ảnh: NVCC.
Đại dịch còn tác động nặng nề hơn tới công việc của Phương Vy và Kiều Trang. Vy cho biết chị đã tốt nghiệp ngành kế toán nhưng không thể tìm được công việc ổn định do nhiều nơi đóng cửa nên đành chuyển sang nghề khác.
"Tôi có quen một anh làm trong bộ tài chính Australia chuyên lo xử lý các vấn đề vỡ nợ của doanh nghiệp. Trong đợt phong tỏa, anh ý chia sẻ đã phải làm cả thứ 7, Chủ nhật mới kịp xử lý hết giấy tờ", Vy nói.
Kiều Trang cũng cho hay nhiều du học sinh Việt gặp phải vấn đề tài chính ở nơi xứ người.
"Đối với du học sinh, đặc biệt những bạn đang làm thêm, đều bị ảnh hưởng một phần vì chỗ làm đóng cửa và không tuyển nhân công", Trang chia sẻ.
Lệnh phong tỏa tái áp nhiều lần khiến một số doanh nghiệp, nhà hàng tại xứ sở chuột túi phải đóng cửa vì không chịu đựng được áp lực kinh tế. Theo Guardian , các chuyên gia cảnh báo sẽ có ít nhất 5.000 doanh nghiệp Australia phá sản trong 3 tháng mùa hè.
Ấm áp giữa đại dịch
Trong giai đoạn khó khăn vì lệnh hạn chế, Đức Anh cho biết cộng đồng người Việt tại Australia đã đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau rất nhiều. Anh chia sẻ hội sinh viên Việt Nam thường tổ chức các buổi phát đồ hỗ trợ du học sinh.
"Tôi từng đăng ký nhận những đồ cần thiết như gạo và rau củ. Tôi không xin hỗ trợ về tiền bạc vì tôi đi làm rồi nên nhường lại số tiền đó cho những người thất nghiệp", anh nói. "Các hãng thịt của Việt Nam cũng thường tổ chức buổi phát gà miễn phí cho những người Việt gặp khó khăn ở Melbourne".
Bên cạnh đó, chính phủ và các trường học tại Australia tung nhiều gói cứu trợ để giúp đỡ du học sinh và người nước ngoài.
"Chính phủ và trường đều quan tâm học sinh quốc tế. Chính phủ từng phát động chương trình hỗ trợ trao tặng sinh viên từ 1120 USD đến 1500 USD. Tôi cũng được nhận khoản tiền này. Hồi đó khó khăn quá. Việc làm ít", Đức Anh chia sẻ thêm.
Khu mua sắm sầm uất ở Sydney giờ đây vắng lặng. Ảnh: AP.
Kiều Trang đồng ý: "Chính phủ có chính sách y tế Medicare để giảm bớt chi phí khám bệnh cho người dân. Thông thường, nếu không có bảo hiểm, bệnh nhân có thể phải chi trả từ 20.000 USD trở lên tùy vào từng loại bệnh".
Mặc dù lệnh phong tỏa khiến cuộc sống thêm khó khăn, nhờ sự hỗ trợ từ chính phủ và cộng đồng người Việt tại Australia, đa số người được phỏng vấn vẫn bày tỏ tin tưởng vào chính sách chống dịch.
"Với một số người dân Australia, những biện pháp này kìm hãm cuộc sống cá nhân của họ. Còn tôi cho rằng điều này giúp đảm bảo sức khỏe, dịch không lây lan rộng, và đưa cuộc sống trở lại bình thường sớm nhất", Đức Anh cho biết.
Cách Trung Quốc nuôi sống chục triệu dân trong thành phố phong tỏa Trung Quốc đảm bảo các thành phố lớn có thể tự đảm bảo nguồn cung lương thực khi áp lệnh phong tỏa và nhanh chóng chuyển sang hình thức bán hàng trực tuyến. Khi Covid-19 lây lan mạnh mẽ tại Trung Quốc vào các tháng đầu năm 2020, nước này áp đặt nhiều biện pháp phong tỏa các thành phố lớn, nơi sinh...