Nhiều nước hạn chế xuất khẩu lương thực trong mùa dịch COVID-19
Nga và nhiều nước đã quyết định hạn chế xuất khẩu nhiều mặt hàng lương thực như hạt hướng dương, kiều mạch, gạo và lúa mạch đen cho đến ngày 30/6 do dịch COVID-19.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng hoặc đang xem xét áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại đối với các mặt hàng thực phẩm và nông sản do sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Hãng tin RIA mới đây dẫn lời Ủy ban Eurasian, kết hợp khu vực hải quan của Nga và Kazakhstan, cho biết đã quyết định hạn chế xuất khẩu nhiều mặt hàng lương thực như hạt hướng dương, kiều mạch, gạo và lúa mạch đen cho đến ngày 30/6 do dịch COVID-19.
Liên minh hải quan này, còn bao gồm Belarus, Armenia và Kyrgyzstan, cũng sẽ không cung cấp đậu tương và nhiều loại rau củ như tỏi ra ngoài khối này đến ngày 30/6.
Theo hãng tin Interfax, quyết định trên sẽ có hiệu lực từ ngày 12/4.
Chính phủ Nga mới đây đã thông qua đề xuất của Bộ Nông nghiệp nước này trong việc giới hạn lượng ngũ cốc xuất khẩu xuống 7 triệu tấn từ tháng Tư đến hết tháng Sáu.
Bộ này cũng cho biết sẽ bán 1,5 triệu tấn ngũ cốc trong tổng số 1,8 triệu tấn dự trữ để góp phần đáp ứng nhu cầu trong nước.
Video đang HOT
Ukraine cũng đã cấm xuất khẩu kiều mạch đến ngày 1/7 để bảo vệ thị trường trong nước trước nhu cầu tăng cao.
Các công ty thương mại ngũ cốc lớn nhất Ukraine đầu tuần này đã nhất trí với một đề xuất của Bộ Kinh tế nước này trong việc giới hạn lượng lúa mỳ xuất khẩu còn 20,2 triệu tấn trong vụ mùa 2019-2020 để tránh làm tăng giá bánh mỳ trong nước.
Tương tự, Kazakhstan chỉ cho phép xuất khẩu 200.000 tấn lúa mỳ và 70.000 tấn bột mỳ trong tháng này.
Bộ Nông nghiệp nước này cho biết, Kazakhstan sẽ áp dụng hạn ngạch xuất khẩu đối với nhiều mặt hàng khác như kiều mạch, đường và một số loại rau củ nhất định như khoai tây và tỏi, thay vì cấm xuất khẩu như thông báo trước đó.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen mới đây cho hay sẽ cấm xuất khẩu một số mặt hàng gạo để đảm bảo an ninh lương thực trong nước.
Tại Ấn Độ, các công ty thương mại gạo đã ngừng ký các hợp đồng xuất khẩu mới, do thiếu nhân lực và những gián đoạn trong hoạt động hậu cần (logistics) vốn đang cản trở việc giao hàng cho những hợp đồng hiện tại.
Ai Cập cũng sẽ ngừng xuất khẩu các loại đậu trong ba tháng để bảo toàn nguồn cung trong nước./.
Khánh Ly
Giữa dịch Covid-19, doanh nghiệp lo thiếu tôm xuất khẩu
Thông tin nhiễu loạn về tình hình thị trường xuất khẩu trong dịch covid-19 làm cho bà con nông dân không dám triển khai nuôi tôm vụ mới.
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 và hạn hán xâm nhập mặn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), theo lịch mùa vụ và khuyến cáo đối với nuôi tôm nước lợ, các địa phương đã chủ động điều chỉnh lịch mùa vụ, khuyến cáo kỹ thuật nuôi, quan trắc cảnh báo môi trường, tổ chức liên kết sản xuất cho phù hợp với điều kiện của địa phương. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của các tỉnh ĐBSCL ước trong quý I diện tích thả nuôi mới chỉ đạt 425.215 ha (bằng 85% so với cùng kỳ), chủ yếu là diện tích nuôi tôm quảng canh. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ 2 tháng đầu năm đạt 383,391 triệu USD (tăng 2,6% so với cùng kỳ 2019).
Tin đồn về thị trường gây bất lợi cho người nuôi tôm
Sáng nay (3/4), trao đổi với VOV, ông Trương Hữu Thông - Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị kiêm Tổng Giám đốc công ty TNHH Thông Thuận cho biết: Thông tin nhiễu loạn về tình hình thị trường xuất khẩu trong dịch covid-19 làm cho bà con nông dân không dám triển khai nuôi.
Hiện tại, Công ty Thông Thuận có 3 nhà máy chế biến, nuôi tôm giống, tôm thịt. Thị trường Nhật 35%, châu Âu 40%, Mỹ hơn 10 %, các thị trường khác khoảng 7-10%. Hiện tại, thị trường bị ảnh hưởng khoảng hơn 20% do khách đề nghị giao hàng chậm, còn chưa bị ảnh hưởng gì lắm.
"Thế nhưng các thông tin đồn đại khách không mua tôm, thị trường đóng cửa giao dịch dẫn đến đại lý, ngân hàng, các tổ chức tín dụng không cho vay, đặc biệt không thu mua được khiến dân không dám nuôi tôm. Các thông tin này làm thị trường rối loạn" -ông Trương Hữu Thông cho biết.
Trong lúc có thông tin thị trường nông sản bị ngưng trệ, ngành hàng tôm lại không nằm trong xu thế này, mặc dù có chậm giao hàng nhưng nguyên liệu trong nước chưa đáp ứng được cho các nhà máy, đơn hàng. Đơn cử, công suất của Thông Thuận mỗi tháng xuất 8 triệu USD, thành nguyên liệu mỗi ngày khoảng 40-50 tấn nhưng nay không đủ nguyên liệu sản xuất.
Nhà máy chế biến tôm xuất khẩu của Công ty Thông Thuận
Theo chia sẻ của ông Thông, hiện nay, Trung Quốc, Ấn Độ đều giảm nuôi do dịch bệnh nên nói chung nguồn cung sắp tới trên thế giới rất yếu. Các cơ quan quản lý cần tổ chức, tuyên truyền để bà con nghe được thông tin chính thống. Những ngày gần đây họ toàn nghe thông tin qua mạng, đồn thổi là cấm xe, dừng xuất khẩu đi châu Âu, Nhật, Mỹ, không bán được hàng, ngân hàng không cho vay... nên người nuôi tôm sợ lỗ. Giá bán tôm hiện nay đang tốt nhưng thông tin của DN đến người dân rất khó.
Nhiều nông dân kêu rằng do hạn mặn mà không dám thả tôm, nhưng ông Trương Hữu Thông cho rằng, đây chỉ là một lý do rất nhỏ, "vì chúng tôi vẫn nuôi bình thường và cam kết bao tiêu đầu ra cho nông dân".
Nhu cầu tôm trên thế giới sẽ tăng mạnh
Trong những tháng đầu năm 2020, thị trường xuất khẩu thủy sản Việt Nam chịu tác động của dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt, từ đầu tháng 3/2020 khi dịch bệnh lan rộng gây hậu quả nghiệm trọng tại Châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc... đã làm ra tăng khó khăn cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu, nhất là các sản phẩm thủy sản tươi sống.
Để ứng phó với tình hình này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã thường xuyên chỉ đạo các đơn vị tham mưu, Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp nỗ lực không ngừng tổ chức sản xuất theo diễn biến tình hình dịch bệnh đối với thị trường nhập khẩu truyền thống và tìm kiếm các thị trường mới cho sản phẩm thủy sản trong đó có sản phẩm tôm nước lợ nhằm khai thác cao nhất tiềm năng, thế mạnh của sản phẩm thủy sản nước ta.
Nhằm ổn định sản xuất, tránh những thông tin bất lợi, chủ động tận dụng và đón bắt cơ hội trong sản xuất, nuôi tôm nước lợ năm 2020, ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản cho biết, đơn vị này đã đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh/thành phố trung ương ven biển, các Hội, Hiệp hội liên quan đến sản xuất tôm nước lợ và các đơn vị liên quan cần thông tin kịp thời và chỉ đạo sản xuất thích ứng với hạn hán, xâm nhập mặn và dịch Covid-19 để hoàn thành kế hoạch sản xuất tôm nước lợ các tháng đầu năm và cả năm 2020.
"Các đơn vị làm việc với các doanh nghiệp chế biến, Hội/Hiệp hội, HTX/THT, người nuôi và chính quyền địa phương trên địa bàn nhằm nắm bắt tình hình, cung cấp thông tin; tổ chức sản xuất, chế biến và hoạch định kế hoạch tiêu thụ sản phẩm phù hợp với diễn biến thực tế trong và sau khi dịch bệnh kết thúc. Bên cạnh đó, khuyến cáo doanh nghiệp, người dân tối ưu hoá chuỗi sản xuất để giảm giá thành sản phẩm; áp dụng quy trình công nghệ nuôi tôm an toàn để có nguồn nguyên liệu chất lượng cao, truy xuất nguồn gốc phục vụ cho chế biến. Đối với tôm nuôi đến kỳ thu hoạch cần hỗ trợ người dân kết nối với doanh nghiệp chế biến để tiêu thụ sản phẩm. Đối với các cơ sở đang nuôi với mật độ dầy, tôm kích thước nhỏ cần san thưa để chăm sóc tốt, hạn chế rủi ro, giảm thiểu tối đa chi phí sản xuất" - ông Trần Đình Luân cho biết.
Tình hình kiểm soát và khống chế dịch bệnh Covid-19 ở Trung Quốc, Hàn Quốc đã có kết quả tích cực, các nước khác cũng đang nỗ lực kiểm soát dịch bệnh. Do đó, nhu cầu tiêu thụ đối với các sản phẩm thủy sản, đặc biệt là tôm theo dự báo của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) sẽ tăng mạnh sau khi các nước khôi phục các hoạt động sản xuất như trước khi có dịch.
Dự báo của VASEP, mặt hàng tôm xuất khẩu ở các thị trường chủ lực đang biến động, nếu người nuôi tôm cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn cầm cự này bằng cách duy trì nuôi ở mức độ nào đó, để cầm cự đến tháng 6 - 7 khi thị trường hồi phục, thì ngành tôm vẫn có nguyên liệu để chế biến và xuất khẩu, bù đắp sụt giảm những tháng đầu năm.
Cũng theo VASEP, thị trường xuất khẩu thuỷ sản thế giới có nhiều tín hiệu tích cực, cụ thể tại thị trường Mỹ, doanh số bán lẻ các loại sản phẩm thủy sản tươi, đông lạnh và thủy sản có thể bảo quản lâu (shelf-stable) đều tăng mạnh tại các chuỗi siêu thị của Mỹ trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng./.
An Nhi
Dịch COVID-19: Ngành thủy sản 'cầm cự' chờ thị trường khôi phục Sau nhiều ngành hàng như dệt may, da giày thì xuất khẩu thủy sản cũng ghi nhận sự sụt giảm đám kể trong quý I/2020 do tác động từ dịch COVID-19. Với tình hình dịch bệnh lan rộng trên quy mô toàn cầu và chưa được khống chế, các doanh nghiệp thủy sản kiến nghị cần có giải pháp hỗ trợ kịp thời...