Nhiều nước ghi nhận số ca nhiễm tăng cao đột biến do biến thể Delta
Biến thể Delta lần đầu tiên phát hiện tại Ấn Độ, có tốc độ lây nhiễm cao gấp nhiều lần chủng gốc đang là một trong những nguyên nhân phá hỏng những nỗ lực của thế giới trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 25/7/2021. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), quốc gia này ghi nhận thêm 1.896 ca COVID-19 mới trong 24 giờ qua, trong đó có 1.823 ca lây nhiễm trong nước và 73 ca nhập cảnh, nâng tổng số ca nhiễm từ đầu dịch đến nay lên 191.531 ca. Trong số các ca mắc mới có 1.242 ca nhiễm biến thể Delta. Hàn Quốc cũng ghi nhận thêm 4 ca tử vong, nâng tổng số ca không qua khỏi do đại dịch tại nước này lên 2.083 người.
Có nhiều ý kiến lo ngại sự lây lan trong làn sóng dịch bệnh lần thứ tư này sẽ gia tăng khi người dân đổ xô đến các khu nghỉ mát và bãi biển trên khắp đất nước trong cao điểm của kỳ nghỉ Hè. Với xu hướng như hiện nay, giới chức Hàn Quốc cảnh báo số ca nhiễm trong ngày ở nước này có thể lên đến 2.000 ca.
Trong bối cảnh Indonesia đối mặt với một trong những đợt bùng phát dịch bệnh tồi tệ nhất thế giới, kể từ đầu tháng 7, gần 19.000 người nước ngoài đã rời khỏi quốc gia Đông Nam Á này để về nước từ Sân bay Quốc tế Soekarno-Hatta ở thủ đô Jakarta.
Theo truyền thông sở tại, chỉ riêng trong 3 ngày qua, số lượng công dân nước ngoài rời khỏi Indonesia đã gia tăng đáng kể, chiếm gần một nửa tổng số người xuất cảnh từ đầu tháng 7. Đại sứ Nhật Bản tại Indonesia, ông Kenji Kanasugi cho biết một số công dân nước này phải hồi hương để tiêm chủng do gặp khó khăn trong việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Indonesia.
Trong khi đó, Thái Lan cũng ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục, với 16.533 ca mắc trong 24 giờ , nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á này lên 543.361 ca, trong đó có 4.397 ca tử vong.
Số ca nhiễm virus tại Iran tiếp tục lên đỉnh mới, với gần 35.000 ca mắc trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca ghi nhận tại nước này lên 3.758.197. Đây là lần thứ hai trong một tuần qua, quốc gia vùng Vịnh này ghi nhận số ca nhiễm trong ngày cao kỷ lục
Tại Palestine, Bộ trưởng Y tế Chính quyền Palestine (PA) Mai Alkaila ngày 27/7 cho biết sự lây lan nhanh chóng của các biến thể mới như Delta đang gây ra làn sóng dịch bệnh thứ tư tại Palestine. Tờ Jerusalem Post dẫn lời bà Alkaila kêu gọi người dân Palestine đi tiêm phòng vaccine và tuân thủ các quy định phòng chống dịch bệnh, như đeo khẩu trang và duy trì giãn cách xã hội.
Tại Bờ Tây, hiện đã có trên 477.000 người được tiêm vaccine, so với 101.000 người tại Dải Gaza. Trong ngày 27/7, hai khu vực này ghi nhận số bệnh nhân mắc mới tương ứng 26 ca và 113 ca.
Video đang HOT
Tại châu Phi, Maroc cũng ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất từ trước tới nay, với 6.971 ca, nâng số người nhiễm virus tại quốc gia Bắc Phi này lên 588.448, trong đó có 9.638 ca tử vong. Về chiến dịch tiêm chủng, tính đến thời điểm hiện tại, tổng cộng hơn 12.52 triệu người đã tiêm ít nhất một mũi vaccine, trong khi hơn 9,924 triệu người đã tiêm mũi thứ 2.
Tại châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ đã ghi nhận số ca mắc mới tăng lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 5, với 19.761 ca và 51 ca tử vong trong ngày 27/7. Bộ Y tế cho biết số ca tăng mạnh trở lại trong những tuần qua sau khi chính quyền dỡ bỏ tất cả các biện pháp hạn chế để chống dịch.
Ca Covid-19 bùng phát mạnh, Mỹ chạy đua ngăn "ác mộng" đại dịch trở lại
Mỹ đứng trước nguy cơ bùng dịch trở lại với làn sóng Covid-19 thứ 4, trong khi các nhà chức trách triển khai hàng loạt biện pháp để đối phó với tình hình mới.
Số ca nhiễm ở Mỹ dự kiến sẽ tăng nhanh trong suốt mùa hè và mùa thu, đạt đỉnh vào giữa tháng 10 năm nay (Ảnh: NYTimes).
Trong bối cảnh "làn sóng" nhập viện tăng do chương trình tiêm chủng đình trệ và biến thể Delta hoành hành khắp đất nước, các chính quyền địa phương và các tổ chức tại Mỹ đang phải "căng mình" để áp đặt lệnh tiêm chủng bắt buộc từng gây tranh cãi trước đây.
Số ca Covid-19 tại Mỹ dự kiến tăng nhanh trong suốt mùa hè và mùa thu năm nay, và có thể sẽ đạt đỉnh vào giữa tháng 10, với số ca tử vong hàng ngày nhiều khả năng sẽ cao gấp 3 lần hiện tại. Ngày 25/7, 49 người đã tử vong vì Covid-19 tại Mỹ.
"Những gì đang xảy ra liên quan tới Covid-19 ở Mỹ trùng khớp với các kịch bản bi quan nhất của chúng tôi", nhà dịch tễ học Justin Lessler tại Đại học Bắc Carolina nói với National Public Radio .
Số ca mắc Covid-19 tại Mỹ tăng mạnh trong những tuần gần đây khi biến thể Delta ngày càng có xu hướng lan rộng. Mỹ hiện vẫn là nước dẫn đầu thế giới về số ca tử vong (hơn 627.000 người) và số ca nhiễm (hơn 35,3 triệu người). Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, tất cả các bang tại Mỹ tuần qua đều ghi nhận nhiều ca nhiễm hơn so với một tuần trước đó.
"Ngoài tác động của biến thể Delta, chúng ta có thể thấy tác động tổng hợp của việc mọi người trở nên ít thận trọng hơn", Tiến sĩ Lessler cảnh báo.
Hiện tại, khoảng một nửa dân số Mỹ đã được tiêm vắc xin Covid-19, nhưng tỷ lệ tiêm chủng đang chậm lại đáng kể do sự hoài nghi về vắc xin vẫn còn mạnh mẽ trên khắp đất nước, đặc biệt là ở các bang ủng hộ đảng Cộng hòa.
Trong kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất, Tiến sĩ Lessler cho biết, với tỷ lệ tiêm chủng đạt 70%, tới giai đoạn đỉnh điểm vào giữa tháng 10, sẽ có khoảng 60.000 ca nhiễm và khoảng 850 ca tử vong mỗi ngày ở Mỹ.
Trong khi đó, Tiến sĩ Tom Frieden, cựu giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), dự đoán "nếu quỹ đạo dịch bệnh tại Mỹ tương tự Anh, có khả năng số ca nhiễm mới mỗi ngày tại Mỹ sẽ lên tới 200.000 người". Ông Frieden thừa nhận Mỹ đang bước vào "giai đoạn khó khăn".
Phần lớn những ca nhập viện ở Mỹ hiện nay là những người chưa tiêm chủng, trong đó có cả trẻ em. Các bậc cha mẹ cũng lo ngại rằng, làn sóng Covid-19 mới sẽ kéo dài đến hết mùa thu, khi các trường học mở cửa trở lại vào tháng 9 sau kỳ nghỉ hè.
Vắc xin và khẩu trang
Người dân chờ bên trong Trung tâm Javits, một địa điểm tiêm chủng Covid-19, ở thành phố New York, Mỹ (Ảnh: AFP).
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) ngày 27/7 đã điều chỉnh khuyến cáo, đề nghị những người đã tiêm vắc xin đầy đủ vẫn đeo khẩu trang khi đến những nơi công cộng có môi trường kín, ở các khu vực có số ca nhiễm tăng mạnh.
CDC cũng khuyến cáo toàn bộ sinh viên, giáo viên và nhân viên tại các trường học đeo khẩu trang, bất kể họ đã tiêm vắc xin hay chưa. Trước đây, CDC chỉ yêu cầu học sinh đeo khẩu trang nếu chưa được tiêm chủng.
Ngày 26/7, thành phố New York và bang California thông báo sẽ yêu cầu hàng trăm nghìn nhân viên chính phủ tiêm chủng hoặc xét nghiệm hàng tuần. Bộ Các vấn đề cựu chiến binh Mỹ trở thành cơ quan liên bang đầu tiên yêu cầu tất cả nhân viên phải tiêm chủng Covid-19. Thành phố St Louis, bang Missouri, đã áp đặt quy định đeo khẩu trang trong nhà. 57 tổ chức y tế, bao gồm Hiệp hội Y khoa Mỹ, Hiệp hội Y tá Mỹ và Viện Nhi khoa Mỹ, ngày 26/7 đã ra tuyên bố chung kêu gọi việc tiêm chủng vắc xin.
Trong khi đó, những trường hợp đã tiêm vắc xin đầy đủ nhưng vẫn mắc Covid-19 cũng là vấn đề gây lo ngại tại Mỹ. Một đợt bùng phát dịch ở Provincetown, bang Massachusetts, đã khiến ít nhất 132 người bị nhiễm bệnh kể từ ngày 1/7, trong đó hầu hết là những người đã được tiêm vắc xin. Tại một viện dưỡng lão, có tới 33 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó có nhiều người được cho là đã tiêm phòng.
Từ ngày 29/7, hàng trăm quán bar ở San Francisco bắt đầu yêu cầu những khách hàng muốn vào trong nhà phải trình giấy tờ chứng minh đã tiêm phòng hoặc xét nghiệm Covid-19 âm tính. Biện pháp này được thực hiện sau khi chứng kiến sự gia tăng số ca nhiễm ở các nhân viên quán bar đã được tiêm phòng đầy đủ.
"Chúng tôi tin rằng chúng tôi có nghĩa vụ bảo vệ các nhân viên và gia đình của họ cũng như cung cấp không gian an toàn cho khách hàng để họ có thể thư giãn và kết nối", liên minh chủ quán bar San Francisco cho biết trong một tuyên bố.
"Ngày càng nhiều tổ chức nhận ra rằng không thể quay trở lại văn phòng an toàn, bệnh viện an toàn và trường đại học an toàn mà không cần tiêm chủng. Trong phần lớn khoảng thời gian mùa đông, mùa xuân, tôi từng rất lạc quan rằng chúng ta sẽ có một mùa hè tuyệt vời với ít ca nhiễm, tử vong. Qua tháng 6, mọi thứ có vẻ vẫn tốt. Nhưng tình hình hiện tại rõ ràng đã trở nên tồi tệ hơn", Hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng Brown, Ashish Jha, viết trên Twitter.
Tại Florida, Tiến sĩ Victor Herrera, giám đốc y tế của AdventHealth, chuỗi bệnh viện lớn nhất Trung Florida, ngày 26/7 đã nâng tình trạng khẩn cấp lên mức đỏ sau nhiều tháng ở mức xanh.
"Chúng tôi đang tiến gần đến mức cao chưa từng có, xét về số lượng bệnh nhân mắc Covid-19, và điều này vượt quá khả năng của chúng tôi", ông Herrara nói.
Thông tin khả quan là các bệnh viện đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, như thiết bị bảo hộ cá nhân và máy thở, tốt hơn nhiều so với thời điểm đại dịch ập đến Mỹ vào năm ngoái.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng số ca nhiễm sẽ tiếp tục tăng. Cao điểm dịch bệnh, dự kiến sẽ xảy ra trong những tháng mùa thu, có thể kéo dài qua mùa đông khi nhiều người tập trung trong nhà hơn vì thời tiết lạnh.
"Chúng ta đang nhận thấy một dự đoán rất đáng lo ngại rằng chúng ta sẽ chứng kiến làn sóng Covid-19 mạnh, đạt đỉnh vào mùa thu, từ cuối tháng 9 đến tháng 10, có thể gần bằng 2/3 quy mô của đợt bùng phát dịch tồi tệ nhất mà chúng ta từng trải qua vào mùa đông vừa qua, từ tháng 1 đến tháng 3", Alan Williamson, giám đốc y tế tại Eisenhower Health ở Riverside, nam California, nói với kênh truyền hình địa phương KESQ .
Theo Tiến sĩ Aaron Wendelboe, phó giáo sư về thống kê sinh học và dịch tễ học tại Trung tâm Khoa học Y tế của Đại học Oklahoma, "chúng ta không cần phải phong tỏa xã hội, chúng ta có thể tận dụng về cơ bản những thứ đang ở ngay trước mắt chúng ta, đó là vắc xin và khẩu trang".
Tổng thống Joe Biden cho rằng việc tăng cường tốc độ tiêm chủng và đeo khẩu trang sẽ giúp Mỹ tránh được những lệnh phong tỏa nghiêm ngặt như năm 2020. Các địa phương ở Mỹ cũng triển khai nhiều biện pháp để khuyến khích người dân tiêm chủng, bất chấp tâm lý e ngại vắc xin của một bộ phận công chúng.
Tỷ giá USD, Euro ngày 28/7: Đồng USD suy yếu Tỷ giá ngoại tệ ngày 28/7 diễn biến theo xu hướng đồng USD trên thị trường quốc tế suy yếu trước thềm cuộc họp của Fed. Đồng bạc xanh giảm sau khi Mỹ công bố số đơn đặt hàng hóa lâu bền đáng thất vọng, chỉ tăng 0,8% trong tháng 6, thấp hơn nhiều so với dự báo 2,1%. Biến thể Delta của...