Nhiều ngân hàng miễn phí giao dịch ATM
Để thu hút khách hàng mới, một số ngân hàng sẽ không tính phí giao dịch ATM nội, ngoại mạng sau ngày 1/3. Các nhà băng này cho hay sẽ chấp nhận bù lỗ để phát triển số lượng khách hàng thay vì tận thu bằng mọi loại phí.
Sau khi Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho thu phí nội mạng kể từ ngày 1/3, nhiều khách hàng đã phản đối và thậm chí, một số cho biết sẽ không dùng ATM để tránh mất phí. Trước thực trạng trên, nhiều ngân hàng đã thông báo miễn phí toàn bộ chi phí giao dịch nhằm “câu” thêm nhiều khách hàng.
Ngân hàng Quốc tế Việt Nam ( VIB) cho biết sẽ tiếp tục duy trì chính sách miễn phí rút tiền tại hơn 14.000 ATM nội địa trên cả nước đã áp dụng từ tháng 6/2012. Theo đó, các khách hàng mở mới tài khoản thanh toán tại VIB sẽ được miễn phí rút tiền tại tất cả ATM của các ngân hàng nội địa trong 6 tháng đầu kể từ ngày đăng ký. Từ tháng thứ 7 trở đi, nếu duy trì số dư trung bình tài khoản tháng trước từ 500.000 đồng trở lên, khách hàng sẽ tiếp tục được miễn phí. Với các khách hàng hiện hữu, VIB đã áp dụng chính sách miễn phí trong thời gian 6 tháng cuối năm 2012 và từ tháng 1/2013, khách hàng sẽ tiếp tục được rút tiền miễn phí nếu duy trì số dư trung bình tài khoản tháng trước từ 500.000 đồng trở lên,
Lý giải quyết định trên, ông Richard Harris – Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ VIB – cho rằng, chính sách này nằm trong định hướng phát triển ngân hàng bán lẻ giai đoạn hiện nay của VIB nhằm giúp khách hàng an tâm, thoải mái khi sử dụng thẻ, đồng thời giúp khách hàng tiết kiệm thời gian khi có thể dễ dàng rút tiền tại bất kỳ cây ATM nội địa nào thay vì phải tìm đúng cây ATM khi có nhu cầu về tiền mặt hay phải xếp hàng chờ đến lượt rút tiền, nhất là trong những dịp cao điểm lễ Tết cuối năm. “VIB muốn chú trọng việc phát triển số lượng khách hàng cá nhân và sản phẩm dịch vụ cho đối tượng này thay vì quan tâm lệ phí thu được. Đây cũng chính là tiền đề để VIB đẩy mạnh những sản phẩm dịch vụ khác như Mobile Banking, Internet Banking trong tương lai”, ông Richard Harris cho biết.
VIB vẫn tiếp tục duy trì chính sách miễn phí giao dịch ATM để tăng số lượng khách hàng. Ảnh:Hoàng Hà.
Ngày 28/12, Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 35 quy định về phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa, trong đó có biểu phí mới về các giao dịch thẻ được thực hiện tại máy rút tiền tự động (ATM).
Theo đó, từ ngày 1/3/2013 đến hết năm 2013, phí rút tiền nội mạng được khống chế không quá 1.000 đồng mỗi giao dịch. Sang năm 2014, mức phí này sẽ tăng gấp đôi và gấp ba vào năm 2015. Các giao dịch rút tiền ngoại mạng sẽ mất tối đa 3.000 đồng mỗi giao dịch. Các mức phí này đều chưa có Thuế giá trị gia tăng (VAT).
Tương tự, Ngân hàng Tiên Phong cũng khẳng định chưa thu phí ATM nội và ngoại mạng đối với các chủ thẻ. Hiện tại, mọi giao dịch rút tiền ATM ngoại mạng (ngoại trừ tại ATM của Ngân hàng ANZ, HSBC và Citibank) đều được miễn phí.
Video đang HOT
Ngân hàng TMCP Bản Việt (VCCB) cũng đang áp dụng chính sách miễn phí cho chủ thẻ Viet Capital E-Plus bao gồm phí thường niên, rút tiền mặt, chuyển khoản nội bộ, in sao kê, kiểm tra số dư tài khoản. Nếu khách hàng sử dụng thẻ Viet Capital E-Plus, phí rút tiền tại máy ATM của ngân hàng khác sẽ được Viet Capital Bank trả thay chủ thẻ.
Tổng giám đốc Nguyễn Hưng cho biết: “Chủ trương hiện tại của ngân hàng là sẵn sàng bù lỗ để mở rộng khách hàng. Mọi chi phí tại các giao dịch của khách hàng hiện nay đều do ngân hàng chịu”. Từ chối cung cấp chi tiết chi phí bù lỗ hàng tháng nhưng ông Hưng cho biết cũng “kha khá”. “Ví dụ như với mỗi giao dịch rút tiền, TienPhong Bank vẫn phải trả cho ngân hàng bạn 3.300 đồng. Do đó, hoạt động ATM chưa bao giờ lãi”.
Ở phía Nam, hai đơn vị là Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Á và Ngân hàng Phát Triển Mê Kông (MDB) cũng sẽ tiếp tục miễn toàn bộ phí đối với các giao dịch ATM (cả nội lẫn ngoại mạng). Tổng giám đốc Ngân hàng Nam Á Trần Anh Tuấn chia sẻ: “Việc khuyến khích người dân thanh toán không dùng tiền mặt cũng rất quan trọng nên NamA Bank xe, quyết định không thu phí giao dịch ATM như một giá trị cộng thêm để thu hút khách hàng”.
Theo ông Tay Han Chong, Tổng giám đốc MDB, việc gia tăng giá trị cộng thêm và sự tiện lợi cho khách hàng quan trọng hơn nhiều so với việc ngân hàng tận thu các loại phí.
Nhìn nhận động thái một số ngân hàng miễn phí giao dịch ATM cho khách hàng dù đã được “bật đèn xanh” bằng Thông tư 35, một quan chức của Ngân hàng Nhà nước cho rằng, điều này là đáng ghi nhận. “Việc này không trái với Thông tư, các ngân hàng có thể thu phí 0 đồng đối với khách hàng, tùy vào chính sách cạnh tranh của mỗi nơi”, vị này trả lời. Cũng theo ông, những quy định được đưa ra trong Thông tư chỉ mang tính định hướng và cơ sở pháp lý để ngăn chặn việc một số nhà băng tự ý thu phí với mức quá cao, không phù hợp.
Trong khi đó, nhiều nhà băng có hệ thống máy ATM lớn vẫn đang cân nhắc kỹ việc thu phí. Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Sacombank Phan Huy Khang cho biết, dù chưa quyết định cụ thể nhưng đảm bảo không thu nhiều để khách hàng phải bức xúc. “Sacombank có thể cân nhắc miễn giảm phí với những đối tượng thu nhập thấp, học sinh, sinh viên và đưa ra mức phí hợp lý cho các đối tượng khác”, ông Khang cho hay.
Còn theo ông Nguyễn Thanh Toại – Phó tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB), ngân hàng cũng đang cân nhắc chính sách thu phí và sẽ thu phí theo đúng quy định của Thông tư 35. Tuy nhiên, lãnh đạo này từ chối tiết lộ có miễn phí cho khách hàng hay không.
Theo tổng giám đốc của một ngân hàng phía Nam có trên 800 ATM trên toàn quốc, nếu hạch toán thì kinh doanh dịch vụ thẻ ATM trước đến nay đều lỗ. “Mỗi máy ATM giá mười mấy nghìn USD cộng với chi phí thuê địa điểm ngày càng đắt. Phí bảo trì, sửa chữa hàng năm cũng khá lớn nên số lãi từ tiền gửi không kỳ hạn mà chủ thẻ gửi vào không đủ bù đắp”, ông cho hay.
Mặt khác, theo vị lãnh đạo này, nhà băng còn phải duy trì số dư thấp nhất vài trăm triệu đồng mỗi máy. Hiện nay, chỉ cần vài trăm máy ATM đã có thể ngốn hàng trăm tỷ đồng số tiền không sinh lãi.
Chia sẻ với VnExpress.net, tổng giám đốc một ngân hàng nhỏ vẫn duy trì chính sách miễn phí ATM thừa nhận: “Có lẽ ngân hàng chỉ miễn phí được thêm một thời gian nữa để tăng số lượng khách hàng chứ không thể chấp nhận bù lỗ mãi. Để nâng cao chất lượng dịch vụ thì có thể ngân hàng sẽ thu phí nhưng khoanh vùng đối tượng chứ không thu toàn bộ”.
Đồng tình với quan điểm này, một nữ tổng giám đốc tại ngân hàng cổ phần khác nói thẳng: “Khách hàng nên chia sẻ cùng ngân hàng và nên hiểu những dịch vụ miễn phí mãi sẽ khó đi kèm với chất lượng cao”.
Theo VNE
"Mặt trái" từ thu phí ATM nội mạng
Việc thu phí rút tiền ATM nội mạng sẽ giúp các ngân hàng có thêm nguồn thu nhập không nhỏ, nhưng bên cạnh đó, những mặt trái không mong muốn cũng có thể phát sinh. Dưới đây là ý kiến của chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong:
Ngân hàng Nhà nước vừa có dự thảo thông tư quy định về phí rút tiền mặt qua ATM cho giao dịch nội mạng sẽ áp dụng từ tháng 3/2013, với hy vọng giúp các ngân hàng thuơng mại có thêm nguồn thu nhập không nhỏ để đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ ATM của mình.
Tuy nhiên, cần hết sức thận trọng khi thực hiện việc này, vì thực tiễn ngày càng cho thấy dịch vụ ATM mang lại lợi ích cho tất cả các bên có liên quan, từ người cung cấp, đến người thụ huởng và Nhà nước. Còn về nguyên tắc trong kinh tế thị truờng, những người huởng lợi đều phải trả tiền cho mọi dịch vụ thương mại trong sự hài hoà lợi ích chung, giảm thiểu tác động mặt trái có thể phát sinh.
Đối với ngân hàng, với tư cách là nhà cung cấp dịch vụ ATM, thì họ được hưởng lợi từ những khoản thu trực tiếp phí duy trì dịch vụ và từ lợi nhuận danh nghĩa do chênh lệch lãi suất không thời hạn với có thời hạn cho tổng các khoản tiền lưu ký tối thiểu phải gửi 50.000đ/thẻ và các khoản tiền thường xuyên kết dư trên ATM...
Theo một ước tính nhanh, với con số do NHNN và Hiệp hội thẻ Việt Nam công bố, thì với khoảng 37,7 triệu tài khoản ATM cá nhân, trong đó trên 90% là thẻ thanh toán nội địa và tổng số tiền kết dư gần 70.000 tỷ đồng (thời điểm cuối tháng 6/2012) chỉ được hưởng lãi suất không kỳ hạn 2%/năm so với mức có kỳ hạn từ 1 tháng trở lên tối thiểu 9%/năm, đã mang lại cho các ngân hàng phát hành ATM tới trên 4.900 tỷ đồng/năm; tức bình quân mỗi trong số 13.920 cây ATM hiện có thu về trên 350 triệu đồng/năm.
Chuyên gia kinh tế, T.S Nguyễn Minh Phong
Ngoài ra, các ngân hàng đang được thu tới 3.300 đồng /lượt rút tiền và thu 1.650 đồng /lượt kiểm tra thông tin và in sao kê các khoản phí từ tổng số 130 triệu giao dịch thanh toán liên mạng, với tổng giá trị giao dịch đạt khoảng 200.000 tỷ đồng mà các chủ thẻ ATM trên đã thực hiện hàng năm. Trong khi đó, chi phí đầu tư toàn diện cho một cây ATM chỉ vào khoảng trên dưới 500 triệu tới 1 tỷ đồng. Tức thời hạn khấu hao của đầu tư một máy ATM hiện chỉ từ 2-3 năm thì quả là đáng ao ước đối với bất kỳ doanh nghiệp nào trong bối cảnh "người khôn, của khó" trên phạm vi toàn quốc và toàn cầu hiện nay.
Việc thu phí nội mạng về lý thuyết có thể tạo nguồn thu mới, nhưng cũng có thể gây thiệt hại lớn cho ngân hàng vì làm giảm thiểu các giao dịch trên ATM và hao kiệt nhanh chóng lượng tiền kết dư trên các tài khoản ATM, do nguời dùng ATM rút toàn bộ tiền mặt khỏi tài khoản để mang về nhà cất giữ, nhằm giảm số lần và giảm phí giao dịch rút tiền qua ATM...
Đối với người sử dụng thẻ ATM, dù được hưởng một phần tiện ích của ATM với tư cách là "chiếc ví điện tử", khá tiện lợi và an toàn, thì cũng cần thấy rằng, đa số họ, nhất là người lao động làm công ăn lương, đều có thu nhập trung bình và thấp, rất tằn tiện trong chi tiêu; hơn nữa, việc họ và các chủ lao động trả lương cho họ sử dụng thẻ hiện nay chủ yếu là theo áp đặt quản lý Nhà nước về tiền mặt để phục vụ lợi ích chung trong đời sống kinh tế-xã hội.
Ngoài ra, người sử dụng thẻ ATM còn đang bị cảnh ngân hàng cung cấp dịch vụ ATM đơn phương khống chế số lần và hạn mức rút tiền/giao dịch, cũng như chất lượng dịch vụ ATM còn nhiều điều đáng phàn nàn. Việc thu tiền nội mạng có thể khiến họ thiệt hại hơn do các ngân hàng tiếp tục hạ hạn mức rút tiền/giao dịch xuống để buộc chủ ATM phải thực hiện nhiều lần giao dịch hơn và do đó sẽ phải mất nhiều tiền phí giao dịch nội mạng hơn.
Đối với quản lý Nhà nước, việc phổ biến dùng ATM là trực tiếp góp phần giảm tải thanh toán qua tiền mặt trong xã hội, do đó giảm bớt các chi phí và hệ quả tiêu cực của tình trạng này, có lợi chung cho quản lý Nhà nước và văn minh toàn xã hội. Nếu thu phí giao dịch nội mạng ATM kéo theo hệ quả giảm sử dụng giao dịch ATM và tăng lượng tiền mặt kết đọng trong dân như phân tích ở trên, thì chắc chắn làm giảm và mất đi hiệu quả mục tiêu quan trọng nhất này.
Số tiền phí 1.000-3.000 đồng/lần rút tiền giao dịch nội mạng ATM có thể không lớn đối với nhiều người có nhu cầu thực sự dùng ATM và thu nhập cao, nhưng NHNN cần cân nhắc thời điểm, mức thu, các điều kiện, cũng như trách nhiệm xã hội của các bên có liên quan để bảo đảm sự hài hoà lợi ích quản lý Nhà nước, phát triển phương thức thanh toán chi tiêu không dùng tiền mặt trong thời gian tới.
Theo 24h
Phí ATM nội mạng: "Đè" chủ thẻ ra thu Không chỉ phí rút tiền ngoại mạng, theo dự thảo thông tư quy định phí giao dịch ATM, chủ thẻ "gánh" thêm hàng loạt phí khác như phí rút tiền nội mạng (rút tại chính máy ATM của ngân hàng phát hành thẻ), phí chuyển khoản... Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng thu phí ATM là không thuyết phục, nhất là...