Nhiều kỹ thuật mới đem tin vui cho người bệnh
Sinh thiết kết hợp MRI chẩn đoán sớm ung thư tuyến tiền liệt, mổ 3D các bệnh ở phụ nữ, trị hết bệnh vảy nến bằng thuốc sinh học, tầm soát không cần lấy máu… là những kỹ thuật mới đang có tại TP HCM
Gần đây, nhiều bệnh viện (BV) tại TP HCM đã đầu tư kỹ thuật y khoa mới, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.
Hai kỹ thuật sinh thiết tuyến tiền liệt
TS-BS Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc BV Bình Dân, cho biết bệnh viện vừa triển khai 2 kỹ thuật mới sinh thiết tuyến tiền liệt qua hướng dẫn siêu âm kết hợp hình ảnh MRI (MRI Fusion Biopsy), giúp phát hiện ung thư tuyến tiền liệt ở giai đoạn sớm, ngay cả trong trường hợp kết quả sinh thiết tiêu chuẩn không phát hiện tế bào ác tính.
Kỹ thuật thứ 2 là chụp cộng hưởng từ đa thông số (Multiparametric MRI), đây là một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hiện đại, có khả năng phát hiện những trường hợp ung thư phát triển nằm sâu bên trong tuyến tiền liệt. Ưu điểm của kỹ thuật này là người bệnh không phải lấy nhiều mẫu mô tuyến tiền liệt, so với sinh thiết hệ thống theo tiêu chuẩn trước đây.
Kỹ thuật sinh thiết tuyến tiền liệt qua hướng dẫn siêu âm kết hợp hình ảnh MRI, vừa được Bệnh viện Bình Dân TP HCM triển khai
Theo TS-BS Đỗ Anh Toàn, Trưởng Đơn vị Can thiệp Tiết niệu – Sinh dục BV Bình Dân, trước đây phương pháp sinh thiết tuyến tiền liệt tiêu chuẩn, người bệnh sẽ được nội soi lấy ngẫu nhiên 12 mẫu mô bất kỳ tại vùng ngoại biên của tuyến tiền liệt để chẩn đoán ung thư. Phương pháp này vẫn bỏ sót các tổn thương nghi ngờ ung thư, ở những vị trí khó tiếp cận đối với các ung thư ở giai đoạn sớm.
Những hạn chế vừa nêu sẽ được khắc phục bởi những kỹ thuật mới, các hình ảnh chụp MRI trong lúc siêu âm, sẽ giúp các bác sĩ lấy đúng mẫu mô nghi ngờ, tránh bỏ sót các nhân ung thư tuyến tiền liệt. Ngoài ra, kết quả MRI đa thông số còn giúp bác sĩ đánh giá các nguy cơ tại chỗ và di căn hạch, giảm thiểu sinh thiết không cần thiết.
Mổ nội soi 3D xuất viện trong ngày
Lần đầu tiên ở phía Nam, BV Phụ sản Hùng Vương vừa đưa vào sử dụng công nghệ mổ nội soi 3D để phẫu thuật các bệnh lý như bóc u nang buồng trứng, cắt phần phụ (tai vòi buồng trứng), cắt tử cung, bóc nhân xơ, ung thư giai đoạn sớm cổ tử cung, ung thư nội mạc tử cung, nạo hạch sâu trong chậu…
BS Huỳnh Xuân Nghiêm, Phó Giám đốc BV Phụ sản Hùng Vương, cho biết bằng hình ảnh 3D, các phẫu thuật viên có thể nhìn trực tiếp vùng phẫu thuật như mổ hở thông thường, có thể phát hiện các khối u ở những khu vực lẩn khuất và dễ dàng loại bỏ các khối u này. Nhờ công nghệ mổ nội soi 3D mà việc cắt mổ, bóc tách khối u dễ dàng, chính xác, giảm nguy cơ để sót. Giúp bệnh nhân hậu phẫu nhẹ nhàng, ít đau, hồi phục nhanh.
Video đang HOT
Phẫu thuật nội soi 3D đã được BV Hùng Vương áp dụng 1 tháng qua, với hơn 30 ca mổ, các bệnh nhân đều phục hồi nhanh, ổn định sức khỏe. Sắp tới, kỹ thuật này sẽ được áp dụng vào chương trình phẫu thuật trong ngày (sáng phẫu thuật, chiều xuất viện) nhằm giảm tối đa thời gian nằm viện, hạn chế thương tổn cho người bệnh.
Hết sợ bệnh vảy nến
Trước đây căn bệnh vảy nến khiến nhiều người khốn khổ, mặc cảm thì nay đã có cách chữa trị mới vừa được BV quận Thủ Đức triển khai. Theo BS Hoàng Thanh Tuấn, Khoa Da liễu BV quận Thủ Đức, hiện nay thuốc sinh học là một phương pháp điều trị vảy nến toàn thân, được tạo ra từ tế bào sống, như protein từ người hoặc động vật.
Bản chất là thuốc điều hòa miễn dịch trong điều trị, các chất sinh học bao gồm nhiều loại với cơ chế tác dụng khác nhau. Sử dụng thuốc sinh học, bệnh nhân có thể hoàn toàn không cần phải uống thuốc hay bôi thuốc như phương pháp điều trị truyền thống mà vẫn cho hiệu quả lâu dài, giúp bệnh nhân cân bằng cuộc sống, cải thiện tâm lý và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tại Khoa Da liễu BV quận Thủ Đức, thuốc sinh học đã được đưa vào điều trị và bước đầu ghi nhận hiệu quả cao. Thương tổn vảy nến cải thiện nhanh, chỉ sau 4 tuần điều trị đã có 40% bệnh nhân cải thiện 75% các triệu chứng bệnh; 13,3% bệnh nhân đạt hiệu quả lên tới 90%. Tại tuần thứ 12, trên 60% bệnh nhân cải thiện 75% các triệu chứng bệnh và gần 30% bệnh nhân gần như không còn các triệu chứng của bệnh vảy nến. Hiệu quả điều trị đạt mức cao nhất ở tuần thứ 16 và vẫn duy trì hiệu quả đến tuần 24.
Tại BV Quân Dân y miền Đông TP HCM cũng vừa ứng dụng tầm soát công nghệ cao với ứng dụng máy tầm soát Oligocheck. Máy Oligocheck là thiết bị tầm soát tổng quan các yếu tố về sức khỏe mà không cần mẫu máu. Máy kết nối với máy chủ (đặt tại Pháp) thông qua đường truyền internet hai chiều, có nhiệm vụ phân tích và trả kết quả tầm soát về máy tính. Máy Oligocheck sẽ trả kết quả xét nghiệm quang hóa tức thì với nhiều chỉ tiêu hóa chất, vitamin, cả bác sĩ và người tham gia tầm soát không tốn thời gian chờ đợi.
TS-BS Trần Vĩnh Hưng cho biết ung thư tuyến tiền liệt là bệnh lý ác tính thường gặp nhất của hệ tiết niệu – sinh dục ở nam giới sau tuổi 50. Việc chẩn đoán sớm ung thư tuyến tiền liệt là cực kỳ quan trọng vì nếu được phát hiện sớm, có tới 85% người bệnh ung thư tuyến tiền liệt có thể sống đến 10 năm.
Y học hiện đại 'cứu' người bệnh vảy nến ra sao?
Điều trị bệnh vảy nến đã có những tiến bộ vượt bậc trong suốt 10 năm qua, đó là tin vui cho những người bệnh vảy nến trên toàn thế giới. Một trong những tiến bộ đó là thuốc sinh học.
Y học đang có nhiều tiến bộ trong điều trị vảy nến - Ảnh minh họa: Berita Harian/AsiaOne
Vảy nến là bệnh tự miễn mạn tính, hay tái phát nên điều trị rất khó khăn. Các phương pháp điều trị 'truyền thống' là thuốc, quang hóa trị liệu, gần đây có thêm thuốc sinh học nhận được nhiều phản hồi tích cực.
Thuốc uống
Bác sĩ thường kê toa các thuốc giúp làm giảm triệu chứng ngứa, lo âu, thuốc nâng tổng trạng... Thuốc đặc trị sẽ được cân nhắc cho các trường hợp nặng (biến chứng khớp, vảy nến mủ, đỏ da toàn thân).
Những thuốc đặc trị này thường được các bác sĩ có kinh nghiệm kê đơn, dành cho bệnh nhân nằm viện có sự theo dõi sát sao của nhân viên y tế. Các thuốc này bao gồm:
- Thuốc ức chế sự hình thành quá trình miễn dịch như cyclosporin
- Thuốc ức chế sự tân sinh như methotrexate
- Thuốc chứa chất vitamine A acid (Tigason, Soriatane) là các thuốc đặc trị, được dùng cho trường hợp vảy nến kháng trị hoặc vảy nến mủ. Thuốc này cho kết quả tốt nhưng đắt tiền và nhiều tác dụng phụ (nghiêm trọng nhất là gây quái thai cho phụ nữ nếu như mang thai trong giai đoạn dùng thuốc).
- Các chế phẩm sinh học chứa chất alefacept và etanercept cũng có tác dụng tốt trên bệnh vảy nến.
Thuốc bôi
Các thuốc giúp lột sừng, tiêu sừng như acid salicylic, AHA, các dẫn xuất của retinoid, ure, hắc ín... Thuốc bôi có chứa các chất corticoid giúp thuyên giảm nhanh triệu chứng ngứa, đỏ. Tuy nhiên các thuốc này nếu dùng lâu sẽ gây teo da, rậm lông, nổi mụn, đỏ da, lệ thuộc thuốc, tăng nguy cơ bội nhiễm (vi trùng, vi nấm, siêu vi trùng) hoặc làm nặng thêm tình trạng bệnh...
Thuốc có chứa chất calcipotriol, một dẫn xuất của vitamin D, giúp ngăn chặn sự tạo vảy sừng, chống viêm, giúp da về trạng thái bình thường. Chất này đang được xem là chọn lựa đầu tiên cho việc trị liệu tại chỗ bệnh vảy nến. Tuy nhiên không được thoa lên mặt vì khả năng gây kích ứng và không được dùng cho phụ nữ có thai.
Quang và quang hóa liệu pháp
Phương pháp này được dùng cho các bệnh nhân vảy nến dai dẳng hoặc người có diện tích da bệnh khá nhiều (hơn 40% diện tích cơ thể). Lúc này việc thoa thuốc có thể bất tiện cũng như cơ thể phải gánh chịu các tác dụng phụ của thuốc thoa khi dùng trên diện rộng. Tuy nhiên không phải ai cũng được áp dụng phương pháp điều trị này.
Người có tiền căn nhạy cảm ánh sáng, đục thủy tinh thể, suy gan thận, người có các bệnh gắn liền với nguy cơ ung thư da như ngộ độc arsenic, người có các bệnh mà việc phơi nắng sẽ làm nặng thêm như bệnh lupus ban đỏ, porphyrie hoặc trẻ em dưới 12 tuổi đều không được chỉ định quang liệu pháp.
Bệnh nhân sẽ được chiếu tia cực tím A sau khi uống psoralen (gọi là PUVA liệu pháp) hoặc phối hợp uống chất retinoid với liệu pháp PUVA hoặc phối hợp thoa hắc ín với chiếu tia B hoặc chiếu tia cực tím B (UVB) đơn độc.
Quang trị liệu có tác dụng ức chế quá trình phân chia và nhân lên của các tế bào thượng bì do tác động trực tiếp của tia UVB lên nhân tế bào và phân tử khác. Mặt khác, cũng có giả thuyết cho rằng việc chiếu UVB sẽ làm chết các tế bào Lympho T, là tế bào có trách nhiệm một phần cho chứng viêm gây ra bệnh.
Thuốc sinh học
Thuốc sinh học được làm từ các tế bào sống. Các loại thuốc sinh học khác nhau hoạt động theo những cách khác nhau, nhưng tất cả chúng đều nhắm đến cytokine - một loại protein do hệ thống miễn dịch tạo ra.
Trong trường hợp bình thường, cytokine đóng vai trò bảo vệ cơ thể khỏi các chất có hại hoặc không mong muốn. Khi cơ thể sản xuất thêm các cytokine như là một phần của phản ứng miễn dịch, tình trạng viêm sẽ xảy ra. Thông thường điều này không gây hại. Nhưng trong một số trường hợp, chẳng hạn như bệnh vảy nến, phản ứng miễn dịch vẫn tồn tại và tình trạng viêm vẫn tiếp tục.
Các nhà khoa học tạo ra thuốc sinh học từ tế bào sống được nuôi trong phòng thí nghiệm. Họ thu hoạch loại protein đặc biệt từ các tế bào này và sử dụng để bào chế thuốc. Những loại thuốc này nhằm mục đích điều trị triệu chứng của bệnh vảy nến bằng cách giảm các hoạt động miễn dịch liên quan. Một số loại thuốc có thể nhắm mục tiêu các tế bào T đặc biệt trong hệ thống miễn dịch. Điều này giúp ngăn chặn protein trong hệ thống miễn dịch phát triển. Các bác sĩ thường chỉ định loại thuốc này khi bệnh vảy nến ở mức độ trung bình đến nặng và nếu các phương pháp điều trị khác không hiệu quả.
Một số loại thuốc sinh học thường được sử dụng trong điều trị vảy nến gồm:
Interleukin-12 và -23: Interleukin-12 (IL-12) và interleukin-23 (IL-23) là 2 trong số các protein mà cơ thể tạo ra như là một phần của phản ứng miễn dịch. Chúng có liên quan đến các triệu chứng bệnh vảy nến. Ngăn chặn sự hoạt động của các protein này có thể làm giảm tình trạng viêm do vảy nến.
Ustekinumab là thuốc chẹn IL-12 được FDA chấp thuận để điều trị nhiều loại bệnh vảy nến. Nó liên kết với cả IL-12 và IL-23 và làm giảm tác động của chúng trong cơ thể. FDA cũng đã phê duyệt các thuốc chẹn IL-23 sau đây để điều trị vảy nến mảng bám và các loại vảy nến khác: Guselkumab, tildrakizumab, risankizumab.
Interleukin-17A ( IL-17A) : IL-17A là một protein khác xuất hiện, kích hoạt phản ứng của hệ miễn dịch có thể dẫn đến bệnh vảy nến. Ngăn chặn điều này cũng có thể phòng ngừa khả năng bùng phát vảy nến. Ví dụ về việc tiêm vảy nến được FDA phê chuẩn có tác dụng ngăn chặn IL-17A bao gồm: Secukinumab, ixekizumab và brodalumab.
Ức chế yếu tố hoại tử khối u: Protein được gọi là cytokine có thể kích hoạt viêm trong cơ thể. Yếu tố hoại tử khối u-alpha (TNF-alpha) là một loại cytokine. Khi một người có tình trạng như viêm khớp dạng thấp hoặc bệnh vảy nến, cơ thể sản xuất quá nhiều TNF-alpha.
Về mặt lý thuyết, ngăn chặn sản xuất TNF-alpha nên ngăn ngừa một số triệu chứng bệnh vảy nến. Một số thuốc tiêu biểu như: Etannercept (Enbrel), Infliximab (Remicade), Golimumab (Symponi), Adalimumab (Humira).
Kiểm soát hiệu quả bệnh vẩy nến bằng kết hợp thảo dược Bệnh vẩy nến là một bệnh viêm da mạn tính, bệnh bạch cầu trung tính có liên quan đáng kể đến hệ thống miễn dịch bẩm sinh và đặc hiệu. Căn bệnh về da này đang ảnh hưởng đến khoảng 5-6% dân số toàn cầu. Trong một phân tích tổng hợp gần đây cho thấy tỷ lệ mắc bệnh vẩy nến ở người...