Nhiều hệ lụy nếu nâng hạn mức chỉ định thầu
Trước ý kiến đề xuất nâng hạn mức chỉ định thầu để rút ngắn thời gian lựa chọn nhà thầu, thúc đẩy tiến độ dự án và giải ngân vốn đầu tư công, nhiều chuyên gia và cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu cho rằng, việc nâng hạn mức chỉ định thầu sẽ tạo ra nhiều lỗ hổng, bộc lộ những mặt trái của cơ chế xin – cho trong quản lý và sử dụng vốn nhà nước.
Nâng hạn mức chỉ định thầu sẽ kéo theo tình trạng “xin – cho”, làm giảm tính cạnh tranh, minh bạch trong sử dụng vốn nhà nước. Ảnh: Tường Lâm
Điều này cũng làm giảm tính cạnh tranh, minh bạch trong đấu thầu và không phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo quy định của pháp luật về đấu thầu hiện hành, các gói thầu được áp dụng chỉ định thầu có hạn mức (giá trị) không quá 500 triệu đồng đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ công; không quá 1 tỷ đồng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp, mua thuốc, vật tư y tế, sản phẩm công; không quá 100 triệu đồng đối với gói thầu thuộc dự toán mua sắm thường xuyên.
Một số ý kiến cho rằng, hạn mức chỉ định thầu đối với các gói thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công nói trên là rất thấp, chưa phù hợp với thực tế. Có ý kiến đề xuất nâng hạn mức chỉ định thầu đối với gói thầu tư vấn và xây lắp, thiết bị, trong đó quy định cụ thể giá trị trao thầu phải thực hiện tiết kiệm từ 3 – 5% so với giá trị dự toán được duyệt. Việc nâng hạn mức chỉ định thầu như đề xuất này sẽ rút ngắn thủ tục đầu tư, đấu thầu mà vẫn có hiệu quả kinh tế.
Video đang HOT
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Dương Văn Cận, Tổng thư ký Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng, hạn mức chỉ định thầu hiện nay ở Việt Nam đã là quá cao so với mặt bằng chung của thế giới. Trên thực tế, ở các địa phương, số lượng gói thầu nằm trong hạn mức được chỉ định thầu là rất lớn, nếu nâng hạn mức chỉ định thầu lên nữa thì hầu hết các gói thầu ở địa phương sẽ được chỉ định thầu. Trong khi chỉ định thầu là hình thức không có tính cạnh tranh, dễ xảy ra thông đồng, móc ngoặc giữa các bên liên quan, gây thất thoát cho Nhà nước.
Còn theo TS. Nguyễn Việt Hùng – chuyên gia về đấu thầu, đề xuất nâng hạn mức chỉ định thầu là không hợp lý. Hạn mức các gói thầu được chỉ định thầu của quốc tế rất thấp vì chỉ định thầu là hình thức đấu thầu làm giảm tính cạnh tranh, minh bạch trong đấu thầu. Trong điều kiện trình độ quản lý của chúng ta vẫn còn hạn chế, tính tự giác và tinh thần trách nhiệm của những người tham gia vào công tác đấu thầu chưa cao thì cần hạn chế chỉ định thầu hơn nữa để giảm thiểu tiêu cực.
Một số chuyên gia khác cũng phân tích, hình thức chỉ định thầu do chỉ có 1 bên mua và 1 bên bán nên dễ xảy ra việc thông đồng, móc ngoặc và nâng khống dự toán gói thầu. Khi giá gói thầu bị “vống lên”, được lập không chính xác thì việc tiết kiệm 3 – 5% giá trị dự toán chỉ mang tính hình thức. Còn khi gói thầu được đưa ra đấu thầu rộng rãi, công khai minh bạch thì dù xảy ra trường hợp giá dự toán được lập không chính xác, có sai sót thì giá dự thầu và giá trúng thầu vẫn tiệm cận với giá thị trường, giá trị thực của gói thầu, sẽ khắc phục được sai sót trong khâu lập dự toán.
Theo Cục Quản lý đấu thầu – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay đấu thầu qua mạng đang là xu hướng của thế giới. Quy trình đấu thầu qua mạng đơn giản, tiết kiệm rất nhiều thời gian, thủ tục, nâng cao tính cạnh tranh, công bằng và hiệu quả kinh tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia đấu thầu. Vì vậy, gói thầu có giá trị nhỏ nên áp dụng đấu thầu qua mạng. Theo thống kê cho thấy, tỷ lệ tiết kiệm thông qua đấu thầu qua mạng khoảng 9%, đặc biệt có những gói thầu đạt tỷ lệ tiết kiệm khoảng 20 – 30%, trong khi tỷ lệ tiết kiệm đối với chỉ định thầu hầu như không có. Ngoài ra, việc hạn chế áp dụng hình thức chỉ định thầu là phù hợp với xu hướng và thông lệ quốc tế (ở Mỹ giá trị được áp dụng chỉ định thầu khoảng 3.000 USD – tương đương 70 triệu đồng).
Nâng hạn mức chỉ định thầu sẽ kéo theo tình trạng “xin – cho”, làm giảm tính cạnh tranh, minh bạch trong chi tiêu, sử dụng vốn nhà nước, làm giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp.
Tháo gỡ các vướng mắc lựa chọn nhà đầu tư
Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, từ ngày 20/4/2020, Nghị định số 25/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư (Nghị định 25) thay thế Nghị định số 30/2015/NĐ-CP (Nghị định 30) bắt đầu có hiệu lực.
Với nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung, Nghị định 25 sẽ góp phần tháo gỡ các vướng mắc về lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất, góp phần sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội.
Nghị định 25 được chờ đợi sẽ tháo gỡ các vướng mắc về lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất. Ảnh minh họa: TTXVN
Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Nghị định 25 đã khắc phục những hạn chế, bất cập và chồng chéo trong quá trình thực hiện Nghị định 30; đồng thời, kế thừa những quy định đã được thực hiện ổn định và vẫn còn phù hợp của Nghị định 30.
Về phạm vi điều chỉnh, Nghị định 25 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, gồm dự án hợp tác công - tư (PPP) theo quy định của pháp luật về đầu tư PPP; dự án đầu tư có sử dụng đất để xây dựng nhà ở thương mại, công trình thương mại, dịch vụ, công trình đa năng, tổ hợp đa năng cho mục đích kinh doanh; dự án không thuộc hai loại trên nhưng phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật chuyên ngành, pháp luật về xã hội hóa.
Đối với dự án đầu tư có sử dụng đất, những vướng mắc, lấn cấn đối với nhiều địa phương đã được tháo gỡ. Cụ thể, Nghị định 25 phân định rõ trường hợp giao đất, cho thuê đất theo một trong ba hình thức gồm: đấu thầu dự án theo Luật Đấu thầu; đấu giá quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai; quyết định chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư.
Nghị định 25 nêu rõ điều kiện xác định dự án đầu tư có sử dụng đất trước hết là phải thuộc danh mục dự án cần thu hồi đất được duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai hoặc thuộc khu đất do Nhà nước đang quản lý, sử dụng; chương trình phát triển đô thị (nếu có) theo quy định của pháp luật về phát triển đô thị.
Hơn nữa là phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực; quy hoạch xây dựng có tỷ lệ 1/2.000 hoặc tỷ lệ 1/500 (nếu có) hoặc quy hoạch phân khu đô thị có tỷ lệ 1/2.000 hoặc tỷ lệ 1/5.000 theo quy định của pháp luật. Cùng với đó là không đủ điều kiện để tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Nghị định 25 cũng quy định cụ thể các nội dung về xác định danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất; tiêu chuẩn, nguyên tắc xét duyệt trúng thầu; trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất, xác định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho nhà đầu tư trúng thầu...
Đối với việc xác định giá trị m3, Nghị định 25 quy định giá trị m3 được xác định mang tính tương đối, là căn cứ để nhà đầu tư đề xuất nộp ngân sách nhà nước và độc lập với tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nhà đầu tư phải nộp theo quy định của pháp luật về đất đai. Giá trị này phải phản ánh bản chất lợi thế của khu đất (như một giá trị thương quyền để được đầu tư dự án trên khu đất đó). Công thức tính được nêu rõ tại Nghị định 25.
Cục Quản lý đấu thầu cho biết, quy định như vậy đảm bảo "không trái với quy định của luật hiện hành" như ý kiến thống nhất của Bộ Tư pháp; đồng thời, đảm bảo lợi ích của Nhà nước, người dân thông qua cơ chế đề xuất nộp ngân sách nhà nước, tương tự cơ chế đấu giá. Cùng với đó, cơ chế đấu thầu là một giải pháp để kêu gọi nguồn vốn tư nhân đồng hành trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đi cùng với việc triển khai các dự án, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Nghị định 25 gồm 9 Chương và 92 Điều còn tập trung sửa đổi các quy định về: đơn giản hóa quy trình, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư trên cơ sở thống nhất với quy trình chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án PPP quy định tại Nghị định số 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư liên quan, bao gồm dự án PPP ứng dụng công nghệ cao, dự án hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). Quy trình lựa chọn nhà đầu tư bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, ký kết thỏa thuận đầu tư.
Bên cạnh đó, Nghị định 25 tăng cường công khai, minh bạch, nâng cao tính giải trình tránh vấn đề phát sinh thông qua quy định cơ bản về quy trình lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật chuyên ngành, pháp luật về xã hội hóa, lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt (theo quy định tại Điều 26 của Luật Đấu thầu)... Các nội dung được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 25/2020/NĐ-CP sẽ góp phần tháo gỡ các vướng mắc về lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất của các địa phương trong cả nước trong thời gian tới.
Thúy Hiền
Thanh toán điện tử với dịch vụ công: Lợi cả đôi đường Ngay đầu năm 2020, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN yêu cầu ngành ngân hàng phải đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công; đảm bảo các hệ thống thanh toán, hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán...