Nhiều dự án lớn triển khai, lợi nhuận các doanh nghiệp dầu khí thượng nguồn sẽ được cải thiện từ năm 2019
Theo CTCK BSC, việc giá dầu hồi phục mạnh, cũng như nhiều dự án lớn triển khai là tín hiệu tích cực với các doanh nghiệp dầu khí. Tuy vậy, các doanh nghiệp thượng nguồn sẽ có thời gian phục hồi chậm hơn do độ trễ của giá dầu (thường từ 6 tháng đến 1 năm).
CTCK Ngân hàng đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) vừa công bố báo cáo triển vọng TTCK quý 4 với những đánh giá khả quan với nhóm cổ phiếu dầu khí.
Theo BSC, giá dầu đang trong xu hướng tăng mạnh và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm 2019. Triển vọng lạc quan đối với ngành năng lượng xuất phát từ lệnh trừng phạt của Mỹ đối với lĩnh vực dầu khí của Iran dự kiến có hiệu lực từ tháng 11 qua đó sẽ giúp cắt giảm một phần nguồn cung. Dự báo xuất khẩu dầu thô của Iran sẽ giảm khoảng 19% so với mức bình quân 7T/2018.
EIA dự báo giá dầu Brent bình quân năm 2018 ở mức 73 USD/thùng và sẽ tăng lên 74 USD/thùng trong năm 2019. Đây là yếu tố quan trọng hỗ trợ cho đà tăng của nhóm cổ phiếu dầu khí.
Một yếu tố hỗ trợ nữa là nhiều dự án mới bắt đầu được triển khai. Vào cuối tháng 7, PVN, PV Gas và các chủ mỏ đã ký các hợp đồng phát triển mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt, dự kiến đến Q3/2020 sẽ bắt đầu khai thác dòng dầu và khí thương mại. Ngoài ra các dự án khác cũng kỳ vọng sẽ được triển khai trong giai đoạn 2018-2019 bao gồm (1) Dự án Lô B Ô Môn, (2) Sư Tử Trắng – Giai đoạn 2. Ngoài ra, chúng tôi nhận thấy việc cơ cấu lại nhân sự cấp cao của PVN đã gần như hoàn thiện, qua đó kỳ vọng giúp ngành Dầu khí hoạt động hiệu quả hơn.
Video đang HOT
Về kết quả kinh doanh, BSC cho biết ngành dầu khí đã có sự cải thiện nhưng mức độ phân hóa đang diễn ra khá mạnh. Nhìn chung, các doanh nghiệp vận chuyển/phân phối khí có kết quả kinh doanh khả quan hơn, hưởng lợi từ giá dầu tăng lên.
Các doanh nghiệp thượng nguồn vẫn tiếp tục gặp khó khăn trong bối cảnh tiến độ triển khai các dự án thăm dò đầu tư còn chậm và chỉ mới có dấu hiệu khởi động lại trong cuối năm 2018. Tổng doanh thu ngành dầu khí 6 tháng đầu năm đạt 61.672 tỷ đồng ( 16% yoy) và lợi nhuận sau thuế đạt 6.134 tỷ đồng ( 4% yoy). Tuy nhiên, sự phân hóa thể hiện khá rõ rệt với việc GAS là doanh nghiệp có sự tăng trưởng mạnh về LNST ( 42% yoy) trong khi đó các doanh nghiệp còn lại khác đa phần đều ghi nhận KQKD sụt giảm do (1) Độ trễ của giá dầu và (2) Tiến độ triển khai các dự án mới còn chậm.
Đánh giá chung, BSC cho rằng với triển vọng giá dầu sẽ duy trì tại mức hiện tại và có khả năng tiếp tục xu hướng hồi phục trong tương lai, năm 2019 có thể kỳ vọng kết quả kinh doanh các doanh nghiệp dầu khí thượng nguồn sẽ bắt đầu cải thiện do yếu tố đặc thù của ngành (Độ trễ phản ánh của giá dầu thông thường từ 6 tháng đến 1 năm). Ngoài ra, trong năm 2019, PVN tiếp tục thực hiện 3 dự án chính trong năm 2018: Dự án Sao Vàng Đại Nguyệt (Nam Côn Sơn 2), dự án Sư Tử Trắng – Giai Đoạn 2, Lô B Ô Môn. Nếu các dự án này thực hiện đúng tiến độ thì các doanh nghiệp dầu khí sẽ được hưởng lợi. BSC lưu ý các cổ phiếu dầu khí đáng chú ý là GAS, PVD, PVS, PVB, BSR, PLX, OIL.
Minh Anh
Theo Trí thức trẻ
VCSC đánh giá dự án Lô B Ô Môn sẽ là yếu tố dẫn dắt lợi nhuận cho PVS
VCSC cho rằng mảng Cơ khí Dầu khí (M&C) sẽ có việc làm ít hơn trong năm 2018 trước khi phục hồi trở lại trong năm 2019 với mỏ Sao vàng Đại nguyệt (500 triệu USD), Lô B (1 tỷ USD) và Sư Tử Trắng giai đoạn 2 (250 triệu USD).
CTCK Bản Việt (VCSC) vừa có đánh giá cập nhật tình hình hoạt động của Tổng công ty Dịch vụ kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS).
Theo VCSC, hợp đồng cho thuê từ liên doanh quản lý kho nổi (FSO) Orkid của PVS được gia hạn thêm 10 năm nữa và loại hình thuê được thay đổi từ thuê hoạt động sang cho thuê tài chính. Việc này dẫn đến lợi nhuận bất thường là 189 tỷ (do định giá lại tài sản) từ liên doanh trong 6 tháng đầu năm 2018.
Mức giá thuê ngày mới chỉ là 41.000 USD/ngày, giảm 51% so với mức giá thuê ngày cũ. Tuy nhiên, việc gia hạn thời gian thuê giúp mang lại thêm khoảng 10% lợi nhuận ròng/năm trong giai đoạn 2020-2027, phần nào bù đắp cho mức giá thuê ngày thấp hơn của FSO Biển Đông từ 2018 theo điều khoản hợp đồng.
Đối với FPSO Lam Sơn, VCSC cho rằng nhiều khả năng giá thuê ngày sẽ được cải thiện. Mức giá thuê ngày của FPSO là 50.600 USD trong năm 2018, tương ứng với mức đóng góp 5% trong lợi nhuận ròng của FPSO Lam Sơn so với khoảng 30% trong các năm trước. Dù vậy, VCSC dự báo giá thuê ngày sẽ được nâng thêm 20% từ năm 2019 và đóng góp 8-10% lợi nhuận ròng/năm trong giai đoạn 2019-2022. VCSC kỳ vọng việc đàm phán mức giá thuê ngày mới sẽ được chốt trong năm nay và có hiệu lực từ ngày 01/01/2019.
Dự án Lô B Ô Môn có thể sẽ là yếu tố dẫn dắt lợi nhuận cho PVS
VCSC kỳ vọng Lô B Ô Môn (tổng vốn xây dựng cơ bản 10 tỷ USD) sẽ động thổ trong năm tới, và với giả định rằng PVS có thể thắng hợp đồng dù có tổ chức đấu thầu quốc tế. Nhìn chung, mảng Cơ khí Dầu khí (M&C) sẽ có việc làm ít hơn trong năm 2018 trước khi phục hồi trở lại trong năm 2019 với mỏ Sao vàng Đại nguyệt (500 triệu USD), Lô B (1 tỷ USD) và Sư Tử Trắng giai đoạn 2 (250 triệu USD). Ba hợp đồng này sẽ giúp M&C đóng góp khoảng 35-45% cho tổng lợi nhuận gộp giai đoạn 2019-2022.
Trong năm nay, PVS có kế hoạch giải thể Công ty Địa Vật Lý PTSC CGGV (vận hành các tàu khảo sát địa chấn 2D, 3D). Theo ước tính của VCSC, PVS sẽ ghi nhận khoản lỗ 200 tỷ đồng trong năm 2018 do giải thể mảng này. Dù vậy, VCSC đánh giá việc giải thể này mang ý nghĩa hy sinh ngắn hạn cho lợi ích dài hạn của PVS.
VCSC cho rằng giai đoạn khó khăn nhất với PVS đã qua đi, nhưng quá trình phục hồi hiện vẫn chưa đủ để tạo ra mức ROE tốt. VCSC dự báo ROE của PVS sẽ cải thiện trong năm 2019, nhưng vẫn ở mức khiêm tốn chỉ 6,3%
Long Nhật
Theo Trí thức trẻ
Triển vọng PVS trong 3 năm tới rất khả quan nhờ hàng loạt dự án dầu khí lớn triển khai CTCK HSC cho rằng triển vọng của PVS trong 3 năm tới là rất khả quan nhờ khả năng khởi động các dự án lớn như Block B - Ô Môn, Sử Tử Trắng giai đoạn 2, Tổ hợp hóa dầu Long Sơn, Dự án mở rộng nhà máy lọc dầu Bình Sơn, Sao Vàng Đại Nguyệt... Trong 6 tháng đầu năm, Tổng...