Nhiều đổi mới trong công tác tổ chức phát hành trái phiếu chính phủ
Thời gian qua, Kho bạc Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong đổi mới công tác tổ chức phát hành trái phiếu chính phủ, quản lý danh mục nợ trái phiếu chính phủ, góp phần cùng ngành Tài chính thực hiện thắng lợi chủ trương cơ cấu lại ngân sách nhà nước, nợ công và hoàn thành nhiệm vụ tài chính – ngân sách được Quốc hội và Chính phủ giao.
Thực hiện chủ trương về cơ cấu lại ngân sách nhà nước (NSNN), quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững tại Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị, Bộ Tài chính đã triển khai xây dựng và ban hành hệ thống các Thông tư hướng dẫn thực hiện nghiệp vụ phát hành, thanh toán công cụ nợ của Chính phủ và nghiệp vụ tái cơ cấu nợ; tạo khung pháp lý hoàn chỉnh để thực hiện phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) và tái cơ cấu nợ. Các quy trình nghiệp vụ phát hành TPCP của Kho bạc Nhà nước (KBNN) liên tục được cải tiến hướng theo các thông lệ tốt trên thị trường quốc tế, cho phép KBNN tổ chức phát hành TPCP theo quy trình chuẩn, minh bạch, đơn giản, tiết kiệm và hiệu quả.
Trên cơ sở đó, thời gian qua KBNN đã nỗ lực cải tiến công tác tổ chức phát hành TPCP, quản lý danh mục nợ TPCP, góp phần cùng ngành Tài chính thực hiện thắng lợi chủ trương cơ cấu lại NSNN, nợ công và hoàn thành nhiệm vụ tài chính – ngân sách được Quốc hội và Chính phủ giao. Một số kết quả nổi bật có thể đề cập tới như:
Hỗ trợ quản lý ngân sách nhà nước
Nguồn hỗ trợ chính thức ODA cho Việt Nam đang giảm dần và kết thúc khi Việt Nam được Ngân hàng Thế giới đưa ra khỏi nước kém phát triển từ tháng 7/2017. Nhằm ứng phó với tình hình mới, tỷ trọng vay trong nước của Chính phủ bằng trái phiếu trong tổng mức vay của NSNN hàng năm tăng liên tục. Khối lượng TPCP phát hành tại thị trường trong nước đã đáp ứng nhu cầu vốn vay bù đắp bội chi NSNN, đầu tư các công trình trọng điểm quốc gia và để trả nợ gốc theo dự toán Quốc hội giao. Điều này phù hợp với chủ trương của Quốc hội trong thực hiện tái cơ cấu NSNN và nợ công (Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 9/11/2016 của Quốc hội).
Tăng hiệu quả quản lý và sử dụng vốn
Đánh giá cho thấy, phần lớn các công trình trọng điểm quốc gia yêu cầu vốn đầu tư dài hạn, phù hợp với thời gian đầu tư và thu hồi vốn. Nếu như năm 2012, thời hạn sử dụng vốn TPCP bình quân ở mức 3 năm (trong đó hơn 20% khối lượng phải hoàn trả ngay năm sau), thì đến nay, thời hạn bình quân của TPCP phát hành đã tăng lên khoảng 12-13 năm, nâng kỳ hạn còn lại bình quân của danh mục nợ TPCP lên mức trên 7 năm, không còn áp lực trong việc NSNN phải hoàn trả vốn ngay trong các năm kế tiếp.
Trước đây, TPCP do KBNN phát hành thường có kỳ hạn ngắn. Cụ thể là từ năm 2014 trở về trước, với kỳ hạn vay hàng năm bình quân khoảng 2-3 năm, NSNN thường xuyên phải vay đảo nợ để trả các khoản vay trước đó, tinh trạng này dẫn đến hiệu quả sử dụng vốn đầu tư không cao. Từ năm 2015 đến nay, thực hiện chủ trương của Quốc hội về phát hành trái phiếu kỳ hạn dài, KBNN chủ yếu phát hành loại trái phiếu có kỳ hạn từ 5 năm trở lên. Điều này cơ bản giúp cải thiện kỳ hạn của cả danh mục trái phiếu, tăng hiệu quả sử dụng vốn, đồng thời giảm áp lực trả nợ đối với NSNN.
Nghiên cứu cũng cho thấy, các chỉ tiêu về kỳ hạn phát hành của TPCP và kỳ hạn danh mục nợ TPCP thời gian qua cũng đã đạt và vượt mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ đề ra (đến năm 2020, đạt tối thiểu 70% khối lượng TPCP phát hành có kỳ hạn từ 5 năm trở lên, kỳ hạn còn lại danh mục nợ khoảng 6-7 năm…), qua đó, khẳng định kết quả thực hiện cơ cấu nợ công theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ.
Tiết kiệm chi phí vay nợ
Quản lý nợ công hiệu quả đặt ra yêu cầu về giảm thiểu các loại rủi ro, giảm chi phí vay trong điều kiện xây dựng danh mục nợ phù hợp về kỳ hạn và loại hình vay nợ.
Video đang HOT
Thời gian qua, trong điều kiện nền kinh tế vĩ mô được Chính phủ điều hành ổn định, mặt bằng lãi suất thị trường được cải thiện theo hướng giảm dần, KBNN bám sát thị trường và điều hành linh hoạt công tác huy động vốn. Nhờ đó, lãi suất phát hành TPCP giảm mạnh từ mức 12%/năm (năm 2011) xuống mức 6,54%/năm (năm 2014) và tiếp tục giảm dần xuống mức 5,98%/năm (năm 2017) và 4,71%/năm (năm 2018), góp phần giảm chi phí, tăng hiệu quả công tác quản lý nợ công.
Có thể lượng hóa tiết kiệm chi phí vay như sau: Ví dụ, năm 2017, KBNN huy động 244.220 tỷ đồng TPCP kỳ hạn bình quân 12,74 năm, lãi suất bình quân 5,98%/năm. Nếu cùng khối lượng vay năm 2017 nhưng với lãi suất vay bình quân năm 2016 là 6,49%/năm thì trong 13 năm sắp tới, mỗi năm NSNN tiết kiệm chi trả lãi 1.245,5 tỷ đồng. Nếu cùng khối lượng vay năm 2017 nhưng với lãi suất vay bình quân năm 2011 là 12%/năm thì trong 13 năm sắp tới, mỗi năm NSNN tiết kiệm chi trả lãi 14.702 tỷ đồng.
Tuy nhiên, kết quả phát hành TPCP phụ thuộc rất nhiều vào tình hình thị trường tài chính, tiền tệ trong, ngoài nước và nhu cầu của các nhà đầu tư, do vậy, thị trường TPCP cần duy trì hoạt động thường xuyên, hạn chế huy động khối lượng TPCP lớn tại thời điểm cuối năm…
Gắn kết công tác phát hành trái phiếu chính phủ v ới quản lý ngân quỹ nhà nước
Ngân quỹ nhà nước (NQNN) được hình thành từ các quỹ NSNN (trung ương và các địa phương), tiền gửi của các quỹ tài chính nhà nước, đơn vị, tổ chức kinh tế tại KBNN. KBNN thực hiện quản lý ngân quỹ bên cạnh mục tiêu đáp ứng kịp thời đầy đủ nhu cầu thanh toán, chi trả của NSNN và các đơn vị giao dịch tại KBNN, còn đảm bảo mục tiêu hiệu quả thông qua việc sử dụng các nghiệp vụ quản lý ngân quỹ để gắn kết quản lý ngân quỹ và quản lý nợ theo các thông lệ quốc tế.
Bên cạnh vay từ thị trường TPCP, KBNN có thể cân đối, sử dụng NQNN để tạm ứng cho ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, đáp ứng nhu cầu chi cần thiết, cấp bách khi nguồn thu chưa tập trung kịp thời nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng quan trọng thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Đồng thời, KBNN có thể sử dụng nguồn NQNN tạm thời nhàn rỗi, giảm áp lực phát hành TPCP khi thị trường khó khăn, một mặt giúp KBNN hoàn thành nhiệm vụ vay để cân đối NSNN, một mặt giảm sức ép tăng mặt bằng lãi suất khi nhu cầu vay tăng hoặc thị trường biến động.
Thông qua việc tạm ứng NQNN cho ngân sách trung ương, KBNN tiết kiệm chi phí vay nợ cho NSNN. Năm 2018, đánh giá khả năng phát hành TPCP khó khăn, KBNN đã trình Bộ Tài chính điều chỉnh giảm nhiệm vụ phát hành TPCP và cuối năm cân đối tạm ứng NQNN 45.500 tỷ đồng để đảm bảo đủ nhu cầu cân đối thu chi NSNN, đồng thời giữ mặt bằng lãi suất phát hành ở mức phù hợp, tạo thuận lợi cho việc phát hành TPCP ngay từ đầu năm 2019.
Phát triển thị trường trái phiếu chính phủ
Thị trường TPCP trở thành kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế. Lãi suất TPCP do KBNN phát hành từng bước trở thành lãi suất chuẩn để các công cụ nợ khác trên thị trường tham chiếu.
Tóm lại, công tác phát hành TPCP trong thời gian qua đã góp phần cùng ngành Tài chính thực hiện thắng lợi chủ trương cơ cấu lại ngân sách nhà nước, nợ công và hoàn thành nhiệm vụ tài chính – ngân sách được Quốc hội và Chính phủ giao.Để tiếp tục tái cơ cấu nợ và xây dựng thị trường TPCP trở thành kênh huy động vốn dài hạn hiệu quả cho NSNN, thời gian tới cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để tăng quy mô và chất lượng thị trường trái phiếu theo hướng công khai, minh bạch phù hợp với các thông lệ quốc tế.
Theo tapchitaichinh.vn
Hiến kế tăng thanh khoản cho thị trường trái phiếu
Càng về cuối năm, dòng tiền càng lộ rõ sự đuối sức cả trên thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp trái phiếu chính phủ (TPCP). Để tiếp sức thanh khoản cho thị trường không chỉ trong trước mắt, những giải pháp đang được đưa ra và một trong số đó là Hợp đồng khung repo...
Dòng tiền đang suy yếu
Diễn biến dòng tiền trên thị trường TPCP đang cho thấy sự suy yếu rõ rệt khi các "tay to" là khối ngân hàng thương mại đang dồn vốn cho tăng trưởng tín dụng vào cuối năm. Mặt khác, mặt bằng lãi suất gần đây chưa tăng như kỳ vọng cũng là nguyên nhân khiến dòng tiền suy yếu cả trên thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp.
Tình trạng này, theo góc nhìn từ các thành viên thị trường, sẽ khó được cải thiện khi tốc độ giải ngân nguồn vốn TPCP tiếp tục chậm, khiến nhà phát hành chưa có động lực để tăng thêm lãi suất nhằm nâng cao tỷ lệ trúng thầu cho các đợt chào bán ít nhất là từ nay đến cuối năm.
Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trên thị trường sơ cấp, trong tháng 10/2018, tổng giá trị gọi thầu và gọi thầu phát hành thêm TPCP là 21.800 tỷ đồng, nhưng giá trị trúng thầu chỉ đạt 5.366 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ thành công là 24,6%, giảm mạnh so với mức 63,3% của tháng 9.
Tương tự, trên thị trường thứ cấp, VBMA cho biết, tổng giá trị giao dịch trong tháng 10/2018 đạt 145.082 tỷ đồng (trong đó giao dịch outright là 55.760 tỷ đồng, giao dịch repo là 89.322 tỷ đồng), nhưng giá trị giao dịch trung bình chỉ đạt 6.398 tỷ đồng/ngày, giảm đáng kể so với con số 7.547 tỷ đồng/ngày của tháng 9.
Trong bối cảnh thanh khoản sụt giảm, một tín hiệu tích cực trên thị trường thứ cấp, theo Sở GDCK Hà Nội là so với tháng 9/2018, trong tháng 10, trong khi giao dịch outright giảm 19,1% thì giao dịch repo tăng 9% - cho thấy độ sâu của thị trường tiếp tục duy trì sự tích cực...
Cải thiện thanh khoản với Hợp đồng khung Repo
Thực tế, thời gian qua, bên cạnh việc đề xuất Chính phủ ban hành, Bộ Tài chính cũng đã chủ động triển khai một số giải pháp mới nhằm cải thiện thanh khoản cho thị trường TPCP, nhưng quá trình triển khai còn chậm.
Chẳng hạn, Nghị định 95/2018/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 1/7/2018) về phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch công cụ nợ trên thị trường chứng khoán tuy đã có quy định mới về hệ thống nhà tạo lập thị trường, nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai vì đang chờ thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính. Văn bản này vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến các thành viên thị trường.
Theo Tổng thư ký VBMA Đỗ Ngọc Quỳnh, Nghị định 95/2018 đã đưa ra nhiều giải pháp mới nhằm cải thiện thanh khoản cho thị trường thứ cấp.
Trong đó, đáng chú ý là quy định về hệ thống nhà tạo lập thị trường, với quyền lợi nổi bật là đối tượng duy nhất tham gia các phiên đấu thầu TPCP của Bộ Tài chính, các nhà đầu tư khác phải thông qua nhà tạo lập thị trường để mua trái phiếu. Về nghĩa vụ, trong một phiên giao dịch, nhà tạo lập thị trường phải thực hiện chào giá 2 chiều (cả mua và bán), với cam kết chắc chắn.
"Với nghĩa vụ chào giá cả 2 chiều, nhà tạo lập sẽ phải đối mặt với rủi ro lớn về biến động giá, trong khi thị trường TPCP Việt Nam vẫn thiếu các công cụ phòng vệ rủi ro cơ bản. Do đó, để cơ chế mới ban hành có tính thiết thực, các cơ quan quản lý cần đẩy mạnh hoàn chỉnh thị trường tài chính nói chung, thị trường phái sinh TPCP nói riêng.
Đồng thời, cần tiếp tục đưa ra các chính sách ưu đãi về thuế, phí trong giao dịch, đặc biệt là xây dựng các chính sách hỗ trợ thanh khoản (trái phiếu và tiền) trong các tình huống đặc thù nhằm khuyến khích và đảm bảo cho các nhà tạo lập thị trường có thể thực hiện nghĩa vụ...", ông Quỳnh đề xuất.
Cũng theo đại diện VBMA, thị trường liên ngân hàng những năm qua đã khá ổn định, có tính khả dụng và an toàn tương đối, nhưng quan hệ vay mượn giữa các định chế tài chính không có tài sản đảm bảo vẫn còn hạn chế, nhất là các định chế tài chính nhỏ.
Do đó, repo là kênh rất tốt để họ vay vốn từ các định chế tài chính lớn. Sản phẩm này đã dần phổ biến trong hoạt động vay gửi lẫn nhau giữa các định chế tài chính.
Hiện doanh số repo TPCP, TPCP bảo lãnh khoảng 15% tổng doanh số giao dịch vay gửi của thị trường liên ngân hàng. Với khối lượng TPCP, TPCP bảo lãnh mà các định chế tài chính đang nắm giữ khoảng 1,080 triệu tỷ đồng, nhu cầu repo để quay vòng vốn hiệu quả, tạo thanh khoản khả dụng cho các định chế tài chính là rất lớn.
Từ thực tế trên, để góp phần cải thiện thanh khoản cho thị trường, nhất là trên thị trường thứ cấp, Hợp đồng khung repo (Mini GMRA) đã được VBMA xây dựng dựa trên Hợp đồng khung repo chuẩn toàn cầu (GRMA) của Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế (ICMA) nhằm phù hợp với luật pháp, thông lệ thị trường Việt Nam.
VBMA đã xin ý kiến của hầu hết các định chế tài chính có tham gia hoạt động repo và đã hoàn thiện xong bản tiếng Anh. Dự kiến đầu năm 2019, Mini GMRA sẽ được triển khai.
Khi đó, thị trường sẽ có một khung pháp lý giao dịch theo chuẩn mực quốc tế, thay vì từng mẫu hợp đồng được thỏa thuận song phương giữa các định chế tài chính như hiện nay. Qua đó, sẽ góp phần tháo gỡ vướng mắc về thỏa thuận các điều khoản giao dịch, đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ hợp lý và công bằng cho tất cả các thành viên tham gia thị trường trên cơ sở tinh thần đồng thuận.
Để góp phần cải thiện thanh khoản cho thị trường, Hợp đồng khung repo (Mini GMRA) đã được VBMA xây dựng dựa trên Hợp đồng khung repo chuẩn toàn cầu (GRMA)...
Nguyễn Hữu
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Tiền ảo Libra khác Bitcoin thế nào? Các chuyên gia phân tích cho rằng, công dụng, khả năng được chấp thuận và biến động là những điểm khác biệt rõ nhất giữa tiền ảo Libra và Bitcoin. Ngày 18/6, mạng xã hội lớn nhất thế giới facebook công bố sẽ cho ra mắt tiền điện tử Libra. Đồng tiền mới của Facebook được đánh giá là đối thủ của Bitcoin...