Nhiều doanh nghiệp môi trường công ích ‘kêu cứu’
Hiện nay, các doanh nghiệp tham gia xử lý rác tại Hà Nội đang chịu thua lỗ, nguy cơ phá sản do giá xăng dầu tăng cao.
Công nhân Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội quét dọn, thu gom, vận chuyển chất thải trên phố Nguyễn Lương Bằng. Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN
Trên địa bàn thành phố Hà Nội có hàng chục doanh nghiệp Nhà nước, tư nhân tham gia thu gom, xử lý rác thải, giữ vệ sinh môi trường. Để được phép hoạt động trong lĩnh vực thu gom, xử lý rác, giữ vệ sinh môi trường, các doanh nghiệp đều phải đáp ứng các yêu cầu về năng lực, cơ sở vật chất, phương tiện…; phải qua đấu thầu để lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực thực hiện các công việc trên tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thủ đô. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp tham gia xử lý rác tại Hà Nội đang chịu thua lỗ, nguy cơ phá sản do giá xăng dầu tăng cao, nhưng thành phố chưa có biện pháp điều chỉnh.
Nguy cơ phá sản đã hiện hữu
Nhìn chung, các doanh nghiệp môi trường khi đã trúng thầu đều bày tỏ quyết tâm giữ địa bàn mình sạch, đẹp. Nhưng những ngày gần đây, rác thải ùn ứ gây mất mĩ quan nhiều tuyến phố trên địa bàn nội đô lại đến từ lý do: Giá xăng dầu tăng cao khiến doanh nghiệp làm ăn thua lỗ.
Ông Ngô Bá Quang, Phó Giám đốc Công ty cổ phần xử lý chất thải xây dựng và đầu tư phát triển môi trường Hà Nội (đơn vị thực hiện nhiệm vụ duy trì vệ sinh môi trường, thu gom vận chuyển rác trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm và Tây Hồ) cho biết: Do chưa được cấp có thẩm quyền của thành phố giải quyết bù chênh lệch tiền lương giai đoạn 2017-2020 và bù chênh lệch giá nhiên liệu giai đoạn từ 2021 đến nay, nên doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu hụt nguồn tài chính để duy trì hoạt động. Hiện doanh nghiệp phải chậm lương người lao động, cũng như chậm thực hiện nghĩa vụ thuế và bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó, do thiếu kinh phí nên các trang thiết bị không được sửa chữa và bảo dưỡng đúng kỳ hạn; phát sinh chi phí huy động tài chính lớn khi phải vay lãi ngân hàng; nguy cơ mất vốn chủ sở hữu và tài sản cầm cố do sản xuất kinh doanh lỗ.
Cùng chung tâm tư đó, ông Nguyễn Văn Thụy, Phó Giám đốc Công ty môi trường Thanh Trì (Hà Nội) – đơn vị thu gom rác ở Hoàng Mai và Thanh Trì) than thở: Đời sống của người lao động rất khó khăn, do Công ty phải cắt giảm một số chi phí nhằm bù lỗ khoảng 34 triệu đồng tiền nhiên liệu/ngày, tương đương hơn 1 tỷ đồng/tháng từ việc tăng giá xăng dầu.
Phó Giám đốc Công ty Môi trường Đô thị Xuân Mai Vũ Công Minh phân tích, ngày 6/7, giá xăng RON 95 là 32.760 đồng/lít và giá dầu Diezel là 29.610 đồng/lít, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của công nhân, người lao động và hoạt động của các doanh nghiệp. Nhưng theo Quyết định số 453/QĐ-UBND ngày 21/1/2022, giá xăng thực hiện hiện gói thầu của thành phố là 16.802,55 đồng/lít, giá dầu là 13.890 đồng/lít (trước thuế). Đơn giá chênh lệch như vậy mà doanh nghiệp không được điều chỉnh kịp thời thì rất khó khăn về tài chính.
Video đang HOT
Trước những thực tế trên, ngày 20/5, đại diện các doanh nghiệp môi trường tại Hà Nội đã có văn bản kiến nghị việc: “Kéo dài nhiều năm chưa được giải quyết về chênh lệch tiền lương, nhiên liệu thuộc gói thầu vệ sinh môi trường giai đoạn 2017-2020 và cơ chế bù giá chênh lệch nhiên liệu, vật tư thuộc gói thầu vệ sinh môi trường giai đoạn 2021-2023″, sẽ đẩy nhiều doanh nghiệp môi trường tới chỗ phá sản, thâm hụt vốn.
Khẩn trương gỡ khó
Chia sẻ khó khăn cùng các doanh nghiệp môi trường công ích, ông Nguyễn Văn Liên, Chủ tịch Hội Môi trường đô thị Việt Nam cho rằng, không chỉ có Hà Nội mà nhiều địa phương khác trên cả nước, doanh nghiệp công ích môi trường cũng đang kêu cứu do giá xăng dầu tăng, trong khi cơ quan quản lý lại chậm điều chỉnh.
Để minh chứng cho điều đó, ông Liên chỉ rõ, Điều 20 Luật Giá năm 2012 số 11/2012/QH13 về nguyên tắc định giá của Nhà nước quy định: Bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận phù hợp với mặt bằng giá trị thị trường và chủ trương, chính sách phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ và kịp thời điều chỉnh giá khi các yếu tố hình thành giá thay đổi.
Ngoài ra, tại phần hướng dẫn áp dụng tập đơn giá được ban hành kèm theo Quyết định 453/QĐ-UBND ngày 21/1/2022 của UBND thành phố có nêu: “Khi Nhà nước ban hành những chế độ, chính sách hoặc có những biến động lớn về các chi phí dẫn đến thay đổi đơn giá, sở chuyên ngành được giao quản lý duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, điều chỉnh gửi Sở Tài chính thẩm định làm cơ sở trình UBND thành phố xem xét, điều chỉnh”.
Ông Liên cho rằng, thực ra thành phố đang nợ các doanh nghiệp, vì chậm bù chênh lệch tiền lương giai đoạn 2017-2020 và bù chênh lệch giá nhiên liệu giai đoạn từ năm 2021 đến nay. “Các văn bản hướng dẫn đã rõ như vậy, tại sao các sở, ngành liên quan chưa thực hiện đúng chức năng của mình là tham mưu với thành phố để điều chỉnh cho các doanh nghiệp. Nếu cứ để doanh nghiệp tự bơi, đến lúc hụt hơi thì ai, đơn vị nào sẽ thu gom, xử lý rác thải cho thành phố?”, ông Liên đặt câu hỏi.
Trước băn khoăn của doanh nghiệp và của chuyên gia, tại văn bản số 5994/VP- KTTH ngày 23/6 về tháo gỡ khó khăn trong công tác thanh toán các gói thầu vệ sinh môi trường có nêu: Căn cứ chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, UBND thành phố, đề nghị Sở Xây dựng, Sở Tài chính, đơn vị liên quan, rà soát thống nhất tham mưu, báo cáo với UBND thành phố để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến nay các sở, ngành, đơn vị liên quan của thành phố Hà Nội vẫn chưa đưa ra phương án tháo gỡ, khiến các doanh nghiệp công ích “dài cổ” chờ đợi.
Trở lại việc xử lý rác thải tại Hà Nội, ngày 23/6, lãnh đạo Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội gửi văn bản số 306 tới Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố với đề nghị tạm dừng tiếp nhận rác tại bãi Xuân Sơn (thuộc thị xã Sơn Tây, Ba Vì) mà đơn vị được giao quản lý. Nguyên nhân là do lượng nước rác phát sinh tại bãi là khoảng 700 – 800 mét khối/ngày đêm, trong khi trạm xử lý nước thải duy nhất tại bãi của Công ty cổ phần môi trường đầu tư Sơn Tây đã dừng hoạt động từ ngày 1/6/2022. Điều này dẫn đến lượng nước rác hàng ngày không được xử lý, trong khi lượng nước rác lưu chứa tại hồ đến ngày 23/6 là 70.152 mét khối/71.000 mét khối.
Thực trạng trên là đáng báo động. Nếu công tác vệ sinh môi trường không được quan tâm đúng mức, rất có thể công tác thu gom, xử lý rác bị lơi lỏng do doanh nghiệp không kham nổi vì thiếu vốn, dẫn tới nguy cơ “vỡ trận” rác thải ở Hà Nội.
Giá xăng dầu tăng, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị điều chỉnh phí, lệ phí
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính kiến nghị xem xét, điều chỉnh mức thu một số phí, lệ phí trong các lĩnh vực giao thông để có thể tháo gỡ một phần việc tăng chi phí vận tải do giá xăng, dầu tăng cao hiện nay.
Doanh nghiệp vận tải gặp nhiều khó khăn
Theo thống kê mới nhất của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), giá nhiên liệu Jet A1 khu vực châu Á từ ngày 1/7 đã lên tới 153,59 USD/thùng, dự báo bình quân năm 2022 là 143,4 USD/thùng. Đây đang là vấn đề khiến các doanh nghiệp hàng không "đau đầu" nhất hiện nay.
Đại diện Vietnam Airlines cho biết, hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 của hãng chịu tác động bởi nhiều yếu tố, nhưng quan ngại nhất là giá xăng dầu đầu vào. Theo tính toán của Cục Hàng không Việt Nam, với giả định tỷ trọng chi phí nhiên liệu chiếm 39,5% tổng chi phí và các yếu tố chi phí khác không có biến động, chi phí nhiên liệu tháng 7/2022 của các hãng hàng không tăng 92,91% so với tháng 12/2014 và tăng 114,93% so với tháng 9/2015, tác động làm tổng chi phí tăng 39,61% so với tháng 12/2014 và tăng 46,51% so với tháng 9/2015.
Giá xăng dầu tăng cao, doanh nghiệp hàng không gặp không ít khó khăn.
Năm 2021 khi giá nhiên liệu bình quân là 72 USD/thùng, nhưng hiện nay giá nhiên liệu đã tăng gấp đôi, khiến nhiều hãng hàng không trên thế giới phải ngừng bay chỉ vì giá nhiên liệu. Đối với Vietnam Airlines, đối mặt với giá nhiên liệu khoảng 160 USD/thùng hiện nay, nếu tiếp tục kéo dài đến cuối năm, chi phí của hàng sẽ tăng thêm tới 4.300 tỷ đồng.
Còn với Vietjet, năm 2022, hãng xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh trên cơ sở giá xăng dầu ở mức 80 USD/thùng. Với giá xăng dầu hiện nay, Vietjet sẽ gánh thêm chi phí 6.500 -7.500 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia giao thông, mức chi phí nhiên liệu tăng cao hiện nay nếu không sớm được tháo gỡ, sẽ ảnh hưởng tới sản lượng khai thác không chi với hàng không, mà đối với tất cả các lĩnh vực giao thông, vì xăng dầu chiếm khoảng 40% chi phí đầu vào.
Trước thực tế trên, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất các giải pháp liên quan đến việc miễn, giảm thuế bảo vệ môi trường; giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không và cho phép phụ thu nhiên liệu hoặc điều chỉnh tăng trần khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa. Cụ thể, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị áp dụng mức thu phí thẩm định cấp chứng chỉ, giấy phép, giấy chứng nhận trong hoạt động hàng không... bằng 80% mức quy định; tiếp tục miễn, giảm thuế bảo vệ môi trường, thuế nhập khẩu đối với nhiên liệu bay đến hết năm 2023...
Kiến nghị điều chỉnh giảm nhiều loại phí, lệ phí
Trước thực tế trên, Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính kiến nghị xem xét, điều chỉnh mức thu một số phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho vận tải do tăng giá xăng, dầu.
Theo đó, ở lĩnh vực đường bộ, Bộ GTVT kiến nghị giảm mức thu phí sử dụng đường bộ ban hành tại Thông tư số 70/2021/TTBTC ngày 12/8/2021 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo hướng: Giảm 30% mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải hành khách; giảm 10% mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải hàng hóa. Thời gian đề nghị giảm các phí trên đến hết năm 2022.
Đối với lĩnh vực hàng hải, Bộ GTVT kiến nghị giảm mức thu một số phí, lệ phí ban hành tại Thông tư số 261/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về phí, lệ phí hàng hải và biểu mức thu phí, lệ phí hàng hải. Các phí, lệ phí đề xuất giảm như sau: Giảm 20% phí trọng tải tàu, thuyền hoạt động hàng hải nội địa; giảm 20% phí bảo đảm hàng hải hoạt động hàng hải nội địa; Giảm 20% lệ phí vào, rời cảng biển hoạt động hàng hải nội địa. Thời gian đề nghị giảm từ tháng 8 đến hết tháng 12/2022.
Đối với lĩnh vực đường sắt, nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 120/2021/TT-BTC điều chỉnh giảm 50% phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt kể từ ngày 8/2/2021 đến hết ngày 30/6/2022. Tuy nhiên, để tiếp tục hỗ trợ ngành Đường sắt và các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt trong giai đoạn giá nhiên liệu tăng cao, Bộ GTVT đề nghị Bộ Tài chính cho kéo dài thời hạn áp dụng Thông tư 120/2021/TT-BTC đến hết ngày 31/12/2022.
Ngoài ra, đối với lĩnh vực đường thủy nội địa, Bộ GTVT kiến nghị miễn giảm mức thu một số phí ban hành tại Thông tư số 248/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí ra, vào cảng, bến thủy nội địa, gồm: Miễn giảm 100% lệ phí ra, vào cảng bến thủy nội địa; giảm 50% phí trình báo đường thủy nội địa. Thời gian đề nghị giảm đến hết năm 2022.
Riêng lĩnh vực hàng không, Bộ GTVT kiến nghị giảm mức thu một số phí ban hành tại Thông tư số 193/2016/TT-BTC ngày 8/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng không. Cụ thể, giảm 20% mức thu phí thẩm định cấp chứng chỉ, giấy phép, giấy chứng nhận trong hoạt động hàng không dân dụng; cấp giấy phép ra vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay và giảm 20% mức thu phí đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tàu bay. Thời gian giảm đến hết năm 2022.
Chuyên gia: Giá xăng dầu tăng cao, người nghèo chịu thiệt thòi nhất Chuyên gia kinh tế phân tích, xăng dầu đắt đỏ tăng làm tăng giá hàng hóa, gây áp lực lớn lên người dân, nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp. Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên Học viện Tài chính, xăng dầu là hàng hoá chiến lược, có vai trò hết sức quan trọng đối với...