Nhiều đoàn khách quốc tế tham quan, mua sắm ở TP HCM
TP HCM vẫn là một trong những điểm đến thu hút nhiều khách quốc tế từ các thị trường giữa dịch Covid-19.
Những ngày qua, ghi nhận của Báo Người Lao Động, tại một số điểm tham quan nổi tiếng ở TP HCM như Hội trường Thống Nhất, Bưu điện TP, Bảo tàng chứng tích chiến tranh…, nhiều đoàn khách quốc tế vẫn đang tham quan theo chương trình tour của công ty du lịch.
Đại diện Công ty CP Lữ hành Fiditour cho biết riêng trong chiều 21-2, đoàn khoảng 70 khách đến từ Ba Lan, đi theo lịch trình Thái Lan, Campuchia rồi sang Việt Nam, thăm TP HCM. Nhiều du khách bày tỏ sự thích thú với thời tiết, không khí ở TP và cảm thấy an toàn, không lo lắng về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19).
Trong tháng 2, Lữ hành Fiditour vẫn đón từ 10 – 15 đoàn khách quốc tế, mỗi đoàn khoảng có khoảng 30 – 80 khách đến từ các nước trên thế giới, chủ yếu là châu Âu. Dự kiến ngày 5-3, đơn vị sẽ đón đoàn khách MICE (hội nghị, hội thảo, nghỉ dưỡng) khoảng 150 khách đến từ Ba Lan.
“Trước thông tin về dịch Covid-19, một vài khách trong đoàn MICE này có huỷ tour nhưng số lượng không nhiều và không ảnh hưởng đến lịch trình đã định” – đại diện Lữ hành Fiditour nói.
Khách nước ngoài chụp ảnh lưu niệm tại Bưu điện TP HCM. Ảnh: Lam Giang
Khách quốc tế chọn quà bên trong Bưu điện TP HCM. Ảnh: Lam Giang
Bà Halina Wniolka, quốc tịch Ba Lan, tham quan từ từ Hội trường Thống Nhất đến Bưu điện TP HCM cùng bạn bè, cho biết khí hậu ở TP đang mùa nóng, thời tiết nắng nên bà và những người trong đoàn thưởng thức quang cảnh, tham quan điểm đến nổi tiếng chứ không lo về dịch bệnh.
Bên ngoài và trong sảnh Bưu điện TP, nhiều đoàn khách nước ngoài của các công ty du lịch vẫn ra vào khá nhộn nhịp. Những ngày qua, nhiều công ty du lịch ở TP HCM cho biết dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng đến ngành du lịch, nhưng một lượng khách nhất định từ châu Âu, Úc… vẫn đến TP theo lịch trình đã định.
Video đang HOT
Trong 2 ngày 21 và 22-2, Công ty du lịch Tân Hồng cũng đón 2 du thuyền Silver Spirit và Crystal Symphony cập cảng TP HCM, tổng cộng khoảng 1.300 khách. Đây là 2 du thuyền đã cập cảng Chân Mây (tỉnh Thừa Thiên – Huế) vài ngày trước. Du khách trên tàu quốc tịch chủ yếu từ châu Âu, Mỹ, sẽ tham quan nhiều điểm đến ở TP như Bảo tàng Lịch sử TP – chùa Bà Thiên Hậu – chợ Bến Thành – Bưu điện TP – Sơn mài Minh Phước… Báo cáo của Sở Du lịch TP và Công ty Tân Hồng, chưa phát hiện trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh trên các du thuyền.
Bà Bùi Viết Thủy Tiên, Giám đốc Công ty du lịch Đường mòn châu Á, cũng cho biết khách châu Âu hiện chưa huỷ tour đến Việt Nam. Những khách đã đặt trước lịch trình không huỷ vì họ không lo ngại dịch cúm nhiều như thị trường khác. Nhưng khách đặt tour mới trong thời gian tới thì băn khoăn về diễn biến dịch, do đó việc tuyên truyền để du khách quốc tế hiểu rõ về điểm đến Việt Nam an toàn là rất quan trọng.
Đoàn khách Ba Lan chụp ảnh lưu niệm bên trong Hội trường Thống Nhất chiều 21-2. Ảnh: Lam Giang
Theo Sở Du lịch TP HCM, hiện lượng khách tham quan tại các điểm du lịch trên địa bàn TP chủ yếu đi theo tour của doanh nghiệp, nguồn khách từ các nước châu Âu, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Để kích cầu, thu hút thêm nhiều khách quốc tế tới Việt Nam, các doanh nghiệp kiến nghị Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch đề xuất Chính phủ xem xét, mở rộng đối tượng được miễn thị thực cho các thị trường Úc, New Zealand, Ấn Độ, Nga, Canada, Áo, Hà Lan… và tiếp tục thực hiện việc cấp thị thực điện tử, thị thực tại cửa khẩu nhằm giúp các doanh nghiệp mở được thị trường mới, trong bối cảnh các thị trường truyền thống đang bị ngưng trệ.
Ngoài ra, kiến nghị nhà nước có chính sách miễn lệ phí visa hoặc cấp visa điện tử dành cho các thị trường khách trọng điểm, thị trường khách tiềm năng có mức chi tiêu cao.
Năm 2020, Việt Nam là Chủ tịch khối ASEAN nên kiến nghị tăng cường liên kết với các nước trong khối ASEAN xây dựng chính sách visa nhiều quốc gia một điểm đến.
Thái Phương
Theo nld.com.vn
An Giang: Ly kỳ chuyện dinh Đá Nổi
Tọa lạc giữa cánh đồng lúa mênh mông, dinh Đá Nổi (xã Bình Phú, Châu Phú, An Giang) từ lâu đã trở thành điểm đến linh thiêng cho du khách gần xa.
Đến với cơ sở thờ tự đặc biệt này, du khách có thể lắng nghe câu chuyện lịch sử đầy thăng trầm của nó và chứng kiến hòn đá nổi mang trong mình giai thoại ly kỳ.
Lịch sử dinh Đá Nổi
Qua trao đổi với các thành viên Ban Quản lý (BQL) dinh Đá Nổi, tôi mới hiểu được lịch sử hình thành khá đặc biệt của nơi này. Trước đây, vùng này là chốn lâm địa với cây hoang, cỏ dại tràn lan. Tại vị trí dinh hiện nay có một gò đất lạng nên người dân hay đến đây "cầm" trâu bò để nghỉ ngơi.
Tuy nhiên, họ thấy trâu bò rất sợ sệt, không dám ở lại gò đất nên nghĩ là chốn linh thiêng liền dựng một cái lều tạm để thờ cúng. Về sau, người dân quyết định dựng dinh hẳn hoi để việc thờ cúng được trang trọng hơn. Với ý định cất dinh ở vị trí cao ráo, họ đã đào đất đắp gò.
Trong quá trình đào, mọi người phát hiện nhiều cây gỗ có đục lỗ sẵn, giống như phục vụ cho việc xây dựng công trình và rất nhiều chén dĩa chôn vùi dưới lòng đất. Nghĩ chốn này xưa kia là nơi ở của "quan đàng cựu" nên người dân vẫn tiếp tục dựng dinh thờ cúng dù, không khẳng định được ai là chủ của khu đất này. Số gỗ tìm được trong quá trình đào đất họ chất lên gò cạnh dinh thờ.
Dinh Đá Nổi được trùng tu khang trang từ năm 2015
Câu chuyện đó diễn ra cách đây trên 70 năm mà người chứng kiến đến nay chẳng còn mấy ai. Những thành viên trong BQL dinh Đá Nổi tuy tóc đã ngã màu cũng chỉ nghe kể lại. Theo lời kể, học giả Nguyễn Văn Hầu trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu về giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương đã có lần về dinh Đá Nổi.
Qua nghiên cứu bản đồ khu vực chiến đấu của Quản cơ Trần Văn Thành và nghĩa binh Gia Nghị, học giả này cho biết, vị trí dinh trùng khớp với nơi đặt kho lương thảo của cuộc kháng chiến. Từ đó, người dân địa phương đã lập bàn thờ Quản cơ Trần Văn Thành để hương khói cho đến ngày nay.
Năm 2015, BQL dinh Đá Nổi đã xin phép chính quyền địa phương để trùng tu di tích này và được chấp thuận. Các thành viên trong BQL đã góp kinh phí khoảng 480 triệu đồng khởi công xây dựng dinh. Về sau, du khách đến cúng viếng đã đóng góp thêm để nối dài các hạng mục trùng tu, với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng.
Ly kỳ tên gọi dinh Đá Nổi
Dù chưa được công nhận là di tích lịch sử, nhưng dinh Đá Nổi vẫn thu hút sự quan tâm của du khách. Về tên gọi, dinh Đá Nổi luôn gợi sự tò mò cho những ai từng nghe qua. Nguyên nhân là cách vị trí dinh chừng 200m có một mảnh ruộng.
Trên mảnh ruộng ấy có một tảng đá to hình cầu nổi lên mặt đất. Người dân địa phương nhiều thế hệ vẫn không thể lý giải vì sao giữa vùng đất đồng bằng lại có hòn đá nổi lên như thế. Trải qua biến động của thời gian, hòn đá vẫn không dịch chuyển đi đâu.
Theo lời truyền miệng của người dân thì hòn đá khi được phát hiện còn khá nhỏ và nó dần lớn lên theo thời gian hệt như đá "sống" trên các ngọn núi. Về việc này, ông Nguyễn Văn Tuấn (Phó Trưởng BQL dinh Đá Nổi) khẳng định, không thấy hòn đá lớn lên từ khi ông biết nó đến nay.
Người dân địa phương xem hòn đá là vật linh thiêng và lấy tên Đá Nổi đặt cho dinh. Họ lập bàn thờ cúng hòn đá như một dạng tín ngưỡng ông Tà trong văn hóa Khmer. Có người còn cầu nguyện những điều mong ước trong cuộc sống ...
Cận cảnh hòn đá nổi mang huyền thoại ly kỳ
Muốn thấy tận mắt, sờ tận tay "linh vật" tạo nên tên gọi dinh Đá Nổi, tôi đã đi đến nơi có hòn đá huyền thoại này. Từ dinh đi đến chỗ hòn Đá Nổi phải qua một chiếc cầu treo bắc qua con rạch nhỏ rồi lội ruộng thêm vài trăm mét. Quả thật, có một hòn đá nổi trên mặt ruộng, tròn tựa quả cầu.
Người ta xây hẳn đoạn đường ra chỗ hòn đá để du khách dễ đi. Hòn đá nổi cũng được bao bọc trong một vòng thành bằng xi măng. Ánh nắng trưa hắt xuống mặt ruộng làm không khí trở nên gay gắt hơn. Đi cùng tôi có vài người dân ở tận huyện Châu Thành lên để xem hòn đá.
Sau một hồi xem xét, tôi trao đổi với những du khách này và được biết họ từng đến đây nhiều lần. Mỗi lần đến, họ thấy hòn đá có "lớn lên" thật. Vì mới đến lần đầu nên tôi không khẳng định được việc này, chỉ thấy những người đi cùng khá trang trọng khi đến tham quan hòn đá vì họ nói có thờ ắt sẽ có thiêng!
Trở lại dinh Đá Nổi, tôi vào tham quan khu chánh điện. Trên bàn thờ nghi ngút khói hương là bức ảnh của Quản cơ Trần Văn Thành. Trên vách chánh điện có treo các bức tranh nói về lịch sử của Đức Cố Quản, từ những ngày làm quan triều Nguyễn cho đến khi thọ giáo với Phật Thầy Tây An rồi dấy binh chống Pháp. Tất cả đã nhắc nhở những ai đến đây về tinh thần yêu nước, giáo dục lòng tự hào dân tộc để xứng đáng với sự hy sinh của tiền nhân.
Dù chỉ là di tích dân gian nhuốm màu huyền thoại, nhưng dinh Đá Nổi thực sự là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn tìm hiểu một phần lịch sử liên quan đến Quản cơ Trần Văn Thành. Qua đó, hiểu rõ hơn về cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa hào hùng và tận hưởng nét đẹp thanh bình, mộc mạc của đồng quê xung quanh dinh Đá Nổi.
Thanh Tiến
Theo Tin tức Miền Tây
Thế giới kỳ vĩ trong tour mạo hiểm khám phá hệ hống hang Hổ - Quảng Bình Tour mạo hiểm khám phá hệ thống hang Hổ đưa du khách tham quan 3 hang động khổng lồ nằm sâu trong khu vực lõi Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình và trải nghiệm, cắm trại qua đêm tại Kong Collapse - một trong những hố sụt sâu nhất thế giới. Hố sụt Kong Collapse khổng lồ trong...