Nhiều đại biểu HĐND Hà Nội muốn một quận mới mang tên Mỹ Đình
Trao đổi với phóng viên Dân trí, nhiều đại biểu HĐND thành phố Hà Nội không ủng hộ đặt tên hai quận mới của Hà Nội là Bắc – Nam Từ Liêm. Phần lớn nghiêng về phương án đặt tên cho quận phía Bắc là Từ Liêm, quận còn lại là Mỹ Đình.
“Cá nhân tôi không ủng hộ việc lấy tên cả hai quận mới là Bắc – Nam Từ Liêm. Nói về bản chất, lịch sử thì có thể vẫn giữ tên Từ Liêm nhưng chỉ đặt cho một quận là hợp lý, quận còn lại nên tìm một phương án khác”, đại biểu Nguyễn Thị Quỳnh Anh (huyện Từ Liêm) nói.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Quỳnh Anh việc đặt tên quận, phường phải xem xét những cái tên gắn liền với địa danh, lịch sử có từ bao giờ để người dân cảm thấy không bị mất nguồn gốc vì vậy không nên đặt cái tên quá xa lạ. Những gì liên quan đến tên lịch sử của làng, xã cần phải giữ lại.
Đại biểu Nguyễn Thị Quỳnh Anh trao đổi về việc đặt tên cho hai quận mới
Ý tưởng đặt tên Thăng Long cho một quận mới của Hà Nội, đại biểu Nguyễn Thị Quỳnh Anh cho biết, cái tên này có tầm quá lớn không phù hợp cho cấp quận và làm như vậy là hạ thấp tầm của cái tên Thăng Long.
Từ những phân tích trên, đại biểu Nguyễn Thị Quỳnh cho rằng, một quận tên là Từ Liêm, quận còn lại là Mỹ Đình là phù hợp. “Đến thời điểm này, cá nhân tôi chưa nghĩ ra cái tên nào hợp lý hơn Mỹ Đình. Cái tên Mỹ Đình rất gần gũi với người dân Hà Nội cũng như cả nước. Nói đến Mỹ Đình người ta nghĩ ngay đến sân vận động Mỹ Đình, Trung tâm Hội nghị Quốc gia – điều này rất tốt”, đại biểu Nguyễn Thị Quỳnh Anh phân tích.
Khi lấy tên Mỹ Đình đặt cho một quận, đại biểu Quỳnh Anh cũng lường trước một số người dân không đồng thuận vì nó chỉ mang dáng dấp một xã. Thế nhưng Mỹ Đình là cái tên điển hình nhất của khu vực đó.
Đại biểu Nguyễn Quốc Cường (huyện Từ Liêm) cũng đưa ra phương án nên chọn một cái tên đem lại nhiều ý nghĩa khác thay cho việc lấy tên là Bắc – Nam Từ Liêm như đề án đưa ra. “Đúng là tên hai quận Bắc – Nam mà trùng nhau như vậy thì rất dễ nhầm lẫn. Theo tôi ngoài phương án đặt tên hai quận mới là Bắc – Nam Từ Liêm thì cần phải có thêm phương án khác cho người dân lựa chọn”, đại biểu Cường nói.
Video đang HOT
Người dân Từ Liêm đồng thuận với việc tách huyện nhưng chưa thống nhất với tên của hai quận mới
Theo đại biểu Cường, tên Từ Liêm khởi nguồn ở khu vực Chèm, do vậy đặt cho một quận ở phía Bắc là hợp lý nhất. Còn quận phía Nam nếu lựa chọn tên Thăng Long phải cân nhắc thật kỹ vì nó là tên của cố đô xưa.
“Theo tôi Mỹ Đình là lựa chọn tương đối tốt. Còn nhiều ý kiến cho rằng Mỹ Đình chỉ là cái tên xã thì phải xem lại vì nhiều tỉnh thành cũng lấy tên một địa danh nổi tiếng”, đại biểu Nguyễn Quốc Cương cho biết.
Trao đổi với báo chí, ông Phan Đăng Long – Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội – cho biết, việc thành lập quận mới, vấn đề người dân phản ánh, quan tâm nhất là tên gọi. Có người nói nên để tên Bắc Từ Liêm – Nam Từ Liêm, rồi luồng ý kiến khác là Mỹ Đình – Từ Liêm… Và xu hướng được lựa chọn đang là cái tên Bắc Từ Liêm – Nam Từ Liêm, trên cơ sở chia tách từ trục đường 32.
“Việc lựa chọn này có nguyên nhân rất quan trọng, đó là ý chí nguyện vọng của nhân dân. Tâm lý của người dân rất gắn bó với cái tên hiện nay, nên muốn giữ tên gọi truyền thống. Nếu một quận giữ tên cũ, quận khác mang tên mới thì người dân sẽ không tán thành”, ông Long nói.
Tuy nhiên, ông Long cũng nêu ra việc rút kinh nghiệm đặt tên cho sân vận động Mỹ Đình từ nhiều năm trước. Khi đưa tên gọi Mỹ Đình cũng có rất nhiều ý kiến phản ứng, cho rằng không thể lấy tên của một xã để đặt tên cho một sân vận động tầm cỡ Quốc gia.
“Nhưng tại sao cuối cùng lại giữ tên Mỹ Đình. Bởi khi đặt tên, chúng ta thường ưu tiên số 1 là đặt tên cho địa danh. Mặt khác người dân ở đó đã hi sinh cả phần diện tích đất lớn như vậy và mong muốn được giữ lại một cái tên. Còn nếu muốn sân vận động quy mô thì có thể thêm chữ Quốc gia vào, kiểu như Trung tâm Thể dục thể thao Quốc gia Nhổn. Từ đó chúng ta đã quyết định lấy tên gọi là sân vận động Quốc gia Mỹ Đình”, ông Long lý giải.
Đối với cái tên Từ Liêm, theo ông Long người dân trong vùng ai cũng muốn giữ, việc này cũng rất phù hợp. Tới đây HĐND huyện Từ Liêm sẽ họp, ra nghị quyết chính thức về vấn đề này.
Quang Phong
Theo Dantri
Vì sao Thủ đô chưa chọn được đường Võ Nguyên Giáp?
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy HN - ông Phan Đăng Long cho rằng, Thành phố chưa có con đường nào đủ điều kiện mang tên Võ Nguyên Gíáp...
Bên lề cuộc họp giao ban báo chí chiều 26/10, ông Phan Đăng Long, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy kiêm thành viên Hội đồng tư vấn đặt tên đường phố Hà Nội giải thích lý do Thủ đô chưa dự kiến đặt tên đường Võ Nguyên Giáp.
Như tin đã đưa, kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội khai mạc vào đầu tháng 12/2013 chưa xem xét đặt tên đường Võ Nguyên Giáp. Theo Tờ trình của UBND thành phố Hà Nội trình HĐND Thành phố về việc đặt tên và điều chỉnh độ dài một số đường, phố năm 2013, không có dự án đường mang tên Đại tướng.
Trả lời PV chiều 26/10, ông Phan Đăng Long cho rằng, người dân rất quan tâm đến việc Hà Nội có trình HĐND Thành phố đặt tên đường phố Võ Nguyên Giáp vào kỳ họp tháng 12/2013? Cũng có nhiều ý kiến so sánh Hà Nội với một số địa phương khác đã có dự án đặt tên đường mang tên Đại tướng. Ví dụ như Quảng Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu...
Đoàn xe tang di chuyển từ Sân bay Đồng Hới về Vũng Chùa (Quảng Bình) - nơi an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Ảnh: Hồng Phú)
Theo ông Long - thành viên Hội đồng tư vấn đặt tên đường phố Hà Nội, đặt tên đường phố đối với danh nhân, nhất là danh nhân như Đại tướng Võ Nguyên Giáp phải thận trọng.
Ông nói rằng, để đặt tên đường phố mang mang tên danh nhân phải dựa theo nhiều nội dung. Ví dụ như nhân vật đó có xứng đáng để đặt tên đường hay không? Để xứng đáng với công lao của vị danh nhân đó, nên đặt tên đường ở đâu, như thế nào...?
"Cách đặt tên đường phố và việc đặt tên phải phát huy được tác dụng ý nghĩa của việc đó. Trên cơ sở đó người dân hiểu thêm công lao, sự đóng góp của danh nhân. Góp phần giáo dục truyền thống khơi dậy tình yêu nước cách mạng của người dân".
Ông nói: "Hiện nay, Hà Nội chưa có đường phố nào có thể sử dụng để đặt tên cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp một cách xứng đáng."
Ông Long nói thêm, "Với một trong các điều kiện tuyến phố đó hoàn thành về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật".
Ngoài ra, ông Long cũng chỉ ra yếu tố so sánh khác như về quy mô, độ dài, hạ tầng, ý nghĩa khi đặt tên...
Ông Phan Đăng Long cho biết: Ngay cả khi Đại tướng còn sống, một số ý kiến trong Hội đồng tư vấn đặt tên đường phố đề nghị nên cân nhắc giữ một đường phố nào xứng đáng, sau khi Đại tướng mất sẽ đặt tên luôn. Tuy nhiên, không thể làm vậy, bởi không biết Đại tướng mất lúc nào. Trong khi đó, cuộc sống người dân trên tuyến đường đó rất cần tên đường, địa chỉ liên lạc.
Nói thêm về tiêu chí đặt tên đường, ông Long cho rằng, Nghị định của Chính phủ nêu rõ, đặt tên đường phố ưu tiên tên địa danh cổ, sau đó đến tên danh nhân. Trong đó, với tên đường danh nhân, sau thời gian mất 10 năm mới xem xét đặt tên. Tuy nhiên trường hợp đặc biệt vẫn được xem xét nghiên cứu đặt tên trước thời hạn trên. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những trường hợp như vậy.
Theo ông, thời gian qua, có nhiều dự kiến đặt tên đường Võ Nguyên Giáp: "Có con đường đã hoàn thành nhưng chưa phù hợp. Cũng có con đường "nhiều người hướng đến" nhưng chưa hoàn thành nên chưa thể đặt tên".
Thành phố tiếp thu được rất nhiều ý kiến của các nhà khoa học, người dân... tất cả đang được tập hợp lại cho Hội đồng tư vấn cân nhắc, sau đó sẽ báo cáo lại UBND Thành phố.
Ông cũng nói: "Đặt tên đường phố mang tên danh nhân, không phải vấn đề sớm hay muộn, trước hay sau. Tất nhiên nếu có điều kiện đặt được sớm sẽ đáp ứng được lòng mong chờ của người dân".
"Nhưng hiện nay Hà Nội chưa có con đường nào đã hoàn thành đủ điều kiện đặt tên đường Võ Nguyên Gíáp".
Thành viên Hội đồng tư vấn đặt tên đường phố Hà Nội cho biết, tương lai, khi Hà Nội đặt tên đường Võ Nguyên Giáp sẽ phải cân nhắc rất nhiều, có thể tham khảo ý kiến người dân... "Tôi tin rằng, với cách làm thận trọng như vậy, Thủ đô sẽ có con đường xứng đáng mang tên Đại tướng".
Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh và Quảng Bình đã có phương án đặt tên đường phố mang tên Võ Nguyên Giáp. Cụ thể, UBND TP. Hồ Chí Minh đã chọn một phần tuyến đường Điện Biên Phủ và xa lộ Hà Nội để đề xuất mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tổng chiều dài của cả tuyến đường này trên 7km. Ngày 27/10, UBND TP Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết đã thống nhất đặt tên đường Võ Nguyên Giáp cho tuyến quốc lộ 51 đoạn từ vòng xoay đường 3 Tháng 2 đến cầu Cỏ May. TP. Đồng Hới tỉnh Quảng Bình đề xuất tuyến đường chạy dọc ven biển xã Bảo Ninh có chiều dài 7 km, mặt đường rộng 60m, chưa được đặt tên sẽ mang tên Đại tướng. Trong tương lai, tuyến đường này sẽ nối TP. Đồng Hới với huyện Quảng Ninh và huyện Lệ Thủy, quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Theo Khampha
Hà Nội chưa dự kiến đặt tên đường Võ Nguyên Giáp Kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội khai mạc vào đầu tháng 12/2013 chưa xem xét đặt tên đường Võ Nguyên Giáp. Đại tướng Võ Nguyên Giáp Ngay sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần ngày 4/10/2013, nhiều ý kiến cho rằng Hà Nội nên có con đường mang tên Đại tướng. Người đầu tiên lên tiếng là nhà sử học...